Tôi nhận được tập thơ N bài thơ ngắn (Nxb Văn học, 1/2012) của Đinh Tấn Phước vào ngày 19/2/2012 tại Sài Gòn, khi tác giả ghé ngang qua đây - trong một ca tiểu phẫu về mắt. Anh tâm sự rằng mình viết và in tập này trong vòng 20 ngày, nên gần như làm một lèo là xong; ngay lúc đó, tôi rất ái ngại, vì thơ thời nay đâu dễ “cảm tác” như thế.
Phải nói ngay rằng, 101 bài thơ ngắn trong tập này có thể đọc một lèo, vì mỗi bài thường chỉ có 3 câu, khoảng 12 chữ, đa số không có tựa. Khi đọc xong cả lời thưa và những lời bạt - cũng rất ngắn, tôi khá vui vì chẳng ai đề cập gì đến thơ haiku (bài cú). Bởi chỉ cần tác giả nói rằng mình đang làm theo phong cách haiku thì việc đọc tập này phải thay đổi khá nhiều, nhất là việc xét xem nó có đúng tinh thần và quan niệm của thể thơ cô đặc và nghiêm cẩn của Nhật Bản hay không. Mà khi đọc như thế, thì tập N bài thơ ngắn có thể nói là chưa đạt, nhiều bài đang “đi lạc”.
Thế nhưng, ở đây N bài thơ ngắn đã xác định thái độ không đi vào haiku, nên mọi thứ thong dong và dễ dàng hơn. Cùng nhìn từ góc độ người viết, tôi không muốn hỏi tác giả, mà chỉ đoán quá trình hình thành tác phẩm này như sau:
Thứ nhất, có lẽ một lúc nào đó, Đinh Tấn Phước bắt gặp những bài thơ haiku Việt ở đâu đó trên sách báo, thấy hợp với tinh thần súc tích và chặt chẽ của người làm toán, nên lập tức viết “những gì trong lòng mình đã ngẫm ngợi, tích cóp” từ khá lâu rồi. Viết ở đây chỉ còn là một động thái của gia công, chứ phát kiến và “công thức” thì đã thuộc nằm lòng. Tác giả không muốn nói đây là haiku, có thể do chưa tự tin với thể loại mới tiếp xúc này, hoặc vì tự tôn và tự trọng, nên chỉ gọi nôm na là thơ ngắn. Gọi như vậy thành ra tự do, vừa không phải tuân thủ niệm luật của thơ haiku, vừa phá cách theo ý của mình.
Thứ hai, tinh thần cô đọng và tối giản vốn không xa lạ gì với người Đông phương, nơi “chung đụng” giữa sự thâm trầm, u mặc và tinh khôi, hài hước. Nên dù có làm theo tinh thần bài cú hay không, thì sẵn trong mỗi người cầm bút cũng đã có những quan niệm, cách hành xử về “dứt ý” (tuyệt cú). Có thể gọi N bài thơ ngắn là một chuỗi của những tuyệt cú, dứt ý là xong, không muốn dẫn dắt hay kết luận.
Thứ ba, Đinh Tấn Phước (sinh 1952) hiện sống ở Quảng Ngãi, bắt đầu viết thơ từ 1965, trải qua nhiều phong cách, nhưng sự súc tích, kiệm lời luôn được gìn giữ. Có những bài thơ dài của anh (ví dụ như Chim dồng dộc) vẫn rất tối giản, hết ý là dừng.
Nay, dù bất kì lý do nào, anh chọn viết những bài thơ rất ngắn, cũng là hành trình đi đến cái gì đó rất cô đọng của bản thân. Anh gần như lược bỏ sự diễn dịch và biến thiên cảm xúc, nên mỗi bài thơ chỉ “nhất khởi nhất niệm”. Cách làm này không mới, nhưng với Đinh Tấn Phước là một lối rẽ ý vị, riêng biệt.
Hơn nữa, trong bối cảnh thơ Việt hiện nay, với đa số vẫn quan niệm “thi duyên tình” (thơ phải chở cái tình), thì chắc chắn tập này khó tìm được sự chia sẻ đích thực. Nó có thể trôi tuột vào trong cái đọc vội vàng, thường thì hững hờ, nhưng không phải vì thế mà thiếu đi các giá trị tự tại.
Vượt lên tất cả điều đó, ở giai đoạn “tri thiên mệnh”, như một phi công đã tin vào quỹ đạo ngoài xa, Đinh Tấn Phước thẳng tiến vào trời xanh, không quan tâm nhiều tới giờ đáp và bãi đáp. Bởi anh mong: “tôi cánh chim/ bay/ không để lại vết gì”.
La Hán Phòng 21/2/2012
Phụ lục vài bài thơ của Đinh Tấn Phước, số thứ tự xếp theo sách:
11.
chỉ có kiến là giỏi
bò qua đêm thâu
ngủ ở linh hồn
13.
chiếc cầu
gãy
chạm được dòng sông
19.
mang câu thơ
đi qua một câu thơ
chiều sa mạc
28.
trong đống tro tàn
những con gián đen
cặm cụi
33.
xuân địa cầu
bầy chuồn chuồn mắc lẹo
trời xanh
50.
chiều biên ải
khuất dần trang sử
nỗi đau
51.
người lữ hành khập khiễng
Hà Nội
sương giăng
62.
người đi câu mực
thuyền thúng
đêm đen
76.
biên giới
biết là đâu?
hỏi nàng Tô Thị
78.
chim én
bay ngược địa cầu
kịp mùa xuân
81.
cuối mùa thu
sao chừng bỏ cuộc
Hà Nội đêm
100.
tiếng đàn khuya
hành khất mù
lạc đêm