Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.114
123.144.805
 
Đánh thức châu thổ
Trần Quang Quý

 

Giấu anh vào cỏ xanh, giấu một tình yêu, một niềm tâm sự khép nép vào bình yên và tươi xanh cỏ? Chắc chắn là riêng tư rồi, nên mới giấu. Và lại giấu ngay trong cỏ. Phiêu lãng. Đồng quê. Tò mò. Nhưng thật khó kín về mối quan hệ nào đấy…như là giấu mà không định giấu vậy. Tôi đoán, không ít người cầm tập thơ Giấu anh vào cỏ xanh (NXB Văn học, 2010) sẽ có một tư duy tiền nhập như vậy. Giống như người ta đã từng tò mò với cái tên phiêu lãng Kiều mây, tập thơ trước của Huỳnh Thúy Kiều. Nhưng những phiêu lãng, thăng hoa cảm xúc, thức trở và ưu tư của tình yêu ở “Giấu anh vào cỏ xanh” lại chính là hệ quả, là làn hương tinh khiết, mê đắm, phồn sinh trên cái nền “Đại tự sự” khác, không khó để nhận ra ở giọng thơ, hồn vía những câu thơ mà chị dành sự quan tâm lớn, là những câu thơ viết về vùng đất, cội nguồn tâm thế thơ của chị, ngay ở đề tài, ở tên những bài thơ: Thức dậy Cửu Long ơi!, Sông Hậu, Châu thổ, Từ cánh đồng tôi đã cất tiếng khóc đầu tiên, Giữa mùa hội lũ, Khóc với cố hương….

 

Ngay từ Kiều mây, Huỳnh Thúy Kiều được những người yêu thơ chị coi như một phát hiện, một tác giả thơ trẻ ở đồng bằng sông Cửu Long, có khí thơ châu thổ, khí thơ mà tác giả tự nhận, và có người gọi, đó là thơ “mang mùi bùn đất” (Ngô Minh); với hồn thơ tươi mới, giọng thơ khỏe khoắn, phóng khoáng, nhưng cũng đằm thắm của một nhiệt năng nữ tính…như tư chất đặc trưng về đời sống và văn hóa của những người khai phá, lập nghiệp ở miền phù sa trẻ, trù phú, mênh mang sông nước Cà Mau và đất Chín cửa sông.

 

Hàng loạt bài thơ, câu thơ như căn cước văn hóa của châu thổ, những miệt vườn phì nhiêu, những tên gọi nôm na, những đan chảy của phù sa, kênh rạch… Nó là dòng thơ chính về châu thổ Cửu Long, được khởi tạo từ Kiều mây, mà duy dưỡng thổi hồn sang Giấu anh vào cỏ xanh. Vì thế, lại gặp ở Huỳnh Thúy Kiều, những câu thơ có lúc như sóng trào, có lúc mênh mang, cuồn cuộn như thể phú không niêm luật, thúc giục một cách hối thúc: “Đây Cửu Long! Phù sa cuộn trào nuôi biển lớn/ Cá rô chạy đồng trốn hơi mặn/ Uống máu quê hương để nặng gánh quay về” (Sông Hậu). Hay: “Thức dậy Cửu Long ơi! Xao xuyến mấy nhịp bờ/ Chèo khuấy nước dâng đỏ lèn đôi hố mắt/ Khóc bên lở nuốt đất chìm mất hút/ Con nước ròng dấu chín cửa còn in…” (Thức dậy Cửu Long ơi!).

 

Tôi không nghĩ thơ Huỳnh Thúy Kiều là thơ “mang mùi bùn đất”. Có lẽ, đó chỉ là một cách nói kiểu. Tình thơ của chị phổ quát hơn. Nó là một tâm thế đánh thức cảm xúc “chí lớn” Cửu Long: “Đêm đốt lửa say bài ca phương Nam thuở ông cha mở cõi /Mưa đồng bằng thương anh trai nơi biên thùy thay phiên gác vội/ Mỗi tấc đất quê hương là mỗi giọt máu cội nguồn…” (Châu thổ). Và đây nữa: “Sóng Hàm Luông khuấy bến đứng khua nhịp chiều/ Cầu Rạch Miễu dợn nước sông Tiền dựng bóng cha bạc tóc/ Cố hương! Cố hương!/ Nghe tiếng cội nguồn xác lá loang ngân…” (Khóc với cố hương). Nghe được tiếng cội nguồn không chỉ trong sóng nước, nhịp chèo mà ngay cả trong xác lá, một xác lá còn ngân lên tiếng quê hương, ngân tiềm thức, nó ám ảnh, gợi thức hơn nhiều mùi bùn đất. Cả cái tiết khí “Khỏa ký ức vốc ngụm trời uống mật” là lạ và rất nhiều câu thơ cùng “mã vạch” cảm xúc và khẩu khí trên đã làm nên sắc thái thơ của Huỳnh Thúy Kiều.

 

Tôi gọi cảm hứng chủ đạo trong tinh thần thơ của Huỳnh Thúy Kiều là cảm hứng đánh thức châu thổ, đánh thức bản năng tiềm ẩn của đất và người phương Nam. Vì vậy, chị dường không chú ý nhiều về bố cục, một bố cục lỏng, cảm xúc ào về, thiên ngẫu, nhiều bài giống như “tùy bút thơ”, cốt lấy cái phông toàn cảnh con người, địa danh, huyền tích, sự kiện…miền Tây mà thức dậy Cửu Long. Thơ mang hào khí cội nguồn và lịch sử văn hóa. Có lúc chị không ngần ngại liệt kê những địa danh, sự kiện, tên gọi những vật thể đặc trưng của vùng đất như một âm vọng riêng, khắc nhớ bằng những động từ mạnh, gân guốc, khí khái: Uống máu quê hương/ cuộn trào/ đỏ lèn/ xé nát đêm say/ khỏa ký ức vốc ngụm trời uống mật/ nêm vào cô đơn/ xé rách toạc cánh diều/ rũ nỗi đau bật vỡ/ vạch vú bầu trời/ khóc kiệt mấy phương buồn/ cứa rách chảy hương trời…và làm mới chữ trên những chất liệu cũ, ở những: Ngực phù sa, mây trái vụ, non dậy thì, vách thời gian, vạch vú bầu trời…làm cho chữ, cho câu trở nên mới, có sức biểu cảm sinh động hơn hẳn, bớt đi những nhược điểm kể dẫn, thấy nhiều ở tập thơ này.

 

Nhưng mảng thơ trữ tình nhiều cung bậc, thể hiện nhiệt năng tình yêu cháy bỏng, trên “phông nền” châu thổ là những thăng hoa của Huỳnh Thúy Kiều, không chỉ làm nên những dấu nhấn mới mẻ, mà còn làm cân bằng cái hào khí sực nóng, tuôn trào của đánh thức châu thổ. Có thể gọi mảng thơ tình yêu của Huỳnh Thúy Kiều là sự đánh thức nhiệt năng tính nữ và phồn sinh của tình yêu, nó như một châu thổ khác, châu thổ tình yêu lớp lớp phù sa của Huỳnh Thúy Kiều. Giấu anh vào cỏ xanh, một trong những bài thơ hay trong tập, ngân lên như tiếng hát thầm thì, bày tỏ tâm sự ưu tư: “Về đây em giấu anh vào tóc/ Có sợi chẻ hai ngả đường anh lưu lạc/ Trói lang thang trong từng khoảnh khắc…Về đây em giấu anh vào đất/ Ngấn phù sa và một gót hài/ Về đây em giấu anh bằng nước mắt/ Như cuộc đời giấu anh vào em…”. Giấu mà để lại ngấn phù sa và một gót hài thì vụng, thì lộ mất rồi. Tình yêu vốn dùng dằng, hư thực, nhưng cũng thật thà thế. Bài thơ như một hát ru tình yêu cho những ai cần một niềm chia sẻ, nương tựa của trái tim. Lại thấy một sự ngỏ lòng, chân thành mà sâu lắng: “ Sao anh không về hôn mặt ruộng tím lục bình trôi/ Để em giấu anh vào chiều, vào ngực em oi khói bếp” (Không đề cho anh). Ngực em oi khói bếp, quen mà lạ, mà gợi, mà thương ghê cái bếp quê, cái đụn rạ oi khói những buổi đốt đồng thấm vào tận chân cảm thịt da người quê ấy. Cảm giác “giấu” trong tình yêu, như một bao dung che chở, trong những trạng huống tình cảm của thời nhiều bất trắc và mong manh, thì vẫn còn đây miền cỏ xanh, miền ngực em oi khói của tình yêu, tình người.

 

Huỳnh Thúy Kiều, từ cảm thức “giấu”, đẩy lên những giai tầng khác của tình yêu bằng trữ năng thiên cảm. Ánh trăng quen thuộc, cổ điển của tình yêu, là đề tài muôn thuở của thi nhân, thì ở chị dường như có một đời sống khác: “Trút vào đêm ngồn ngộn ánh khỏa thân/ Uống sợi tơ sương loang mềm cõi nhớ/ Cao nguyên vắt ngang cơn lũ quét/ Vạch bầu vú trời/ Mê đắm những ban mai” (Trăng). Và thấy, châu thổ tình yêu của chị cũng ngồn ngộn những câu thơ phồn thực, hoang mê, đắm mềm và táo bạo: “Mây nâu buồn ai ngậm vào đỉnh núi/ Chớp lóe mưa nguồn/ Khắc khoải lũng sâu em…/ Dấu khuya còn hằn lên vết xước/ Gối hư vô khóc kiệt mấy phương buồn…” (Lạc lối thu Hà Nội). Hay: “Thoáng mưa phùn/ Đông chúm môi thổi ngược/ Non dậy thì nằm mái phố thở dốc trăng” (Đông đang về gõ cửa…)

 

Có thể thấy, trong Giấu anh vào cỏ xanh, một Huỳnh Thúy Kiều truyền thống mà tươi mới. Và điều thực sự đáng mừng, dường như chị đã khám phá được chính nội lực và bản thể thơ mình. Một Huỳnh Thúy Kiều luôn: “Ám ảnh câu thơ trúc trắc không vần/ Nuôi ký ức/ Buồn về qua bậu cửa/ Nêm vào cô đơn mùi âm thanh của những bộn bề”. Chị biết làm mạnh mẽ, làm chuyển động nhịp điệu thi ảnh bằng cấu trúc động từ và biểu cảm mới cho những con chữ. Nhưng cũng thấy ở chị còn những: vườn trinh nữ, hương cổ tích, hương trời…đã xưa lắm. Những câu thơ phức lễnh loãng, có thể làm miên man sông nước nhưng lại tản ý thơ, nếu cứ lạm dụng. Nói theo phong thủy, hơi thơ, câu thơ, ý thơ, bố cục thơ của chị dường như cần tụ khí hơn, là cảm nhận của tôi.

Cái khác của Huỳnh Thúy Kiều so với nhiều cây bút thơ cùng thế hệ là, chị không quá bận tâm hoặc tự mình mày mò rồi mắc kẹt, rối rắm, mù mờ trong mớ hỗn mang, dây nhợ của những lý thuyết sáng tác nhập ngoại này nọ. Chị tự tin đi giữa đời sống quê miền ngồn ngộn chất liệu cảm hứng. Giá như, trong những đợt triều cường cảm xúc và thi tứ, Huỳnh Thúy Kiều có một khoảng kìm lắng, để những câu thơ, ý thơ tăng hiệu năng lay thức từ bề sâu thi cảm. Đôi khi sự ham mê lại trở nên thừa thãi, thừa mà vẫn thiếu. Nhưng một hồn thơ nội lực dồi dào và trẻ trung như chị, còn đủ thời gian khám phá, thể nghiệm và hoàn thiện, cho một châu thổ vạm vỡ và phồn thi, có tên Huỳnh Thúy Kiều.

 

Hà Nội, 2/9/2011

 

Trần Quang Quý
Số lần đọc: 1661
Ngày đăng: 23.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
"Nguyễn Thị Lộ", một tiểu thuyết hư cấu hạ thấp phẩm giá vợ chồng Nguyễn Trãi - Đặng Văn Sinh
Nỗi Nhớ Quê Nhà Trong Thơ Lâmhảokhôi - Trần Phù Thế
Trăn Trở … Nguyễn Minh Châu - Chế Diễm Trâm
Góp Phần Luận Về Văn Chương Viễn Mơ - Trần Văn Nam
Ngụ ngôn của những tiếng hót - Lê Huỳnh Lâm
Nét khác lạ của truyện ký qua ngòi bút Phạm Nga *) - Đỗ Quyên
Có Hay Không Trường Hợp Thơ Phóng Tác Từ Ca Dao? - Trần Văn Nam
Đèo Cả Của Hữu Loan - Chế Diễm Trâm
Tính Cấu Trúc Xếp Đặt, Tính Thơ Huyền Ảo, Tính Thông Điệp, Trong Truyện Của Nguyễn Bình Phương - Trần Văn Nam
Rất nhiều điều về Tiểu-thuyết-Đặng-Thân - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả