Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.220
123.152.912
 
Thời đại quạt mo
Trần Hạ Tháp

(Riêng tặng Đ.T và M.T)

 

Hắn ngồi dựa gốc cây. Mắt lờ đờ ngái ngủ nhưng giọng nói vẫn trơn tru, sôi nổi. Hắn nói:    

-Thưa quý vị, quả có một thời đại hết sức đặc biệt. Ít nhất, nó tồn tại trong văn chương truyền khẩu nước Nam ta. Nếu không, làm gì có ca dao Thằng Bờm lưu lại đến ngày nay. Điều đáng nói là rất ít, quá ít quý vị thức giả, học giả chú trọng đúng mức nhân vật Phú ông khi cao đàm khoát luận về cái thời tạm đặt tên Thời-đại-quạt-mo vừa giới thiệu... Ha ha, tên Thị dân có đôi chút tự trọng như ta chẳng lẽ nói thuội, sao lục hoặc tồi tệ hơn, ăn cắp và húp nước luộc lại những gì người ta đã nói? Thị dân ta cho rằng, chưa bao giờ có quá nhiều kẻ tồi bại tập trung như trong cái thời đại ấy... Chậc, chắc rằng chúng nó có khi còn vênh váo, bảo nhờ thế sản sinh ra bao nhiêu là Phú ông quyền thế, bao giá trị huy hoàng, bao góp phần dâng hiến... Vâng, cái mùi của giá trị kiểu ấy thật chẳng nơi nào sánh nổi.

- Người Thị dân đã tự giới thiệu và nói luôn về chủ đề cuộc hội thảo hôm nay. Cuộc hội thảo tại gốc cây như thường lệ... Vâng, không giấy mời, cũng không cần ghế ngồi hay cặp xách gì ráo trọi. Tôi, người tạm dẫn chương trình bằng miệng và như thế quá đủ, không phải ngồi ở vị trí nầy lâu hơn nữa. Xin mời, quý vị cứ hết sức tự nhiên như đang nói...Một mình.

- Là Thợ đụng, tôi thắc mắc thế nào mới là "chú trọng đúng mức nhân vật Phú ông" trong câu nói của Người Thị dân vừa phát biểu? Cảm ơn.

- Bên bị gọi là thằng, Thằng Bờm. Đã gọi là thằng thì không quyền uy không thế lực, lại nghèo là cái chắc. Bên đã được tôn lên ông. Phú ông tức ông giàu, hay ngài giàu cũng thế. Còn do đâu giàu ư? Phương tiện nào giúp làm giàu đến thế? Mua bán làm ăn sinh lãi, do tổ tiên để lại hoặc dựa vào quyền uy thế lực mà nên? Bằng kiểu nào...? Ấy, nhu cầu quạt mo tự nó đã trả lời. Một nhu cầu kì dị, quá cần thiết cho Phú ông đấy nhé. Ai ngây ngô bảo Phú ông kia nóng nực không có Cái quạt mo để dùng, lão đi năn nỉ Thằng Bờm để đánh đổi bằng được thứ vật dụng tầm thường kia thì buồn cười chết được? Nói toẹt  ra, Phú ông cần Cái quạt mo vì bản mặt ông ta liên thông với cái mo cau dày cộm... Thưa quý vị, vì sao dân gian vẫn quen gọi "mặt mo" đấy nhỉ? Là loại mặt dày mày dạn, trơ tráo xứng đáng lấy quạt mo che mặt. Tất nhiên Cái quạt mo nầy chả liên quan đến gió máy hay nóng mát quái gì cả. Chú trọng đúng mức nhân vật Phú ông là chú trọng nhu cầu cần che cái mặt mo đi đấy. Thưa quý vị.

- Ồ, chết dở. Mấy lâu nay Thợ đụng tôi cứ tưởng ca dao Thằng Bờm đơn giản. 

Nào ngờ, bí hiểm thật. Hỡi ơi, Phú ông tuy giàu có đủ cả nhưng rút cuộc thiếu hẳn cái quạt-mo-che-mặt. Nó tượng trưng cho sự thiếu-thốn-đến-tột-cùng-về-danh-dự. Càng giàu có về vật chất, hoá ra lão càng nghèo-nàn-tinh-thần đến vô cùng thê thảm. Một thực tế nổi trội ở Thời-đại-quạt-mo... Tiện đây, xin phép Người Thị dân cho phép Thợ đụng tôi sử dụng các thuật từ đắc giá này. Rất khoái đấy, xin hãy thông qua về tác quyền sáng tạo. Được quá chứ?

- Vâng, cũng là thủ tục cần thiết để ngày nào Thợ đụng ngươi khỏi khổ công đi năn nỉ Thằng Bờm để đổi Cái quạt mo che mặt. Ngoài ra nên nhớ, ta cũng chả muốn làm một Thằng Bờm bất đắc dĩ. Chút thôi, đủ đánh giá ngươi vẫn là hạng người còn danh dự đấy Thợ đụng ạ.    

- Xin chào, cũng quá biết nhau rồi nhưng vẫn tự giới thiệu tôi là Chạy xe ôm thường trực gốc cây nầy. Xin thêm mấy ý bên cạnh Cái quạt mo và những gì còn liên thông đến thứ vật dụng quái chiêu vừa nói. Dân gian ta đã bảo "Quân sư quạt mo" để ám chỉ những thằng mang cái kiến thức biết-một-mà-chẳng-biết-mười ra giúp các Phú ông giàu có nhưng đầy dốt nát ấy. "Quân sư quạt mo" lấy làm cần câu cơm, câu tài lộc, câu chức vị. Chính chúng nó mới là loại thủ phạm sâu xa chuyên đẻ ra bao nhiêu là tệ hại, dở khóc dở cười cho hầu hết xóm làng nghèo khổ. Tổ cha chúng nó, trong ca dao Thằng Bờm chưa cụ thể chỉ ra được loại ăn hại đái nát nầy. Tuy thế, chúng không qua mặt được các bậc tinh thâm. Họ ký hiệu phường giá áo túi cơm kia bằng thuật từ như vậy đó. Mẹ kiếp, đối với những học trò rõ thậm ngu nhưng lắm quyền nhiều của như Phú ông thì thầy dốt mấy vẫn cứ là thầy của chúng. Ôi, lũ "Quân sư quạt mo" hay sự bất hạnh đã ẩn mặt trong Thời-đại-quạt-mo. Tổn đức!

- Ê, Chạy xe ôm giành phần đủ rồi đấy, hãy để Người Thị dân ta tiếp tục. Xin nhắc lại rằng, ngươi bỏ sót tục ngữ "Gà mổ mặt mo" để nói tới trình độ chai lì vô liêm sĩ, không xao xuyến của cả hai hạng người Phú ông và "Quân sư quạt mo" đấy nhé. Da mặt chúng đã dày đến ngang với đá kéc cơ mà.

- Thợ đụng tôi vẫn chưa nguôi thắc mắc. Vì sao? Phải Cái quạt mo của Thằng Bờm, chứ Phú ông không đổi Cái quạt mo ai khác. Kỳ lạ thật, một ẩn số tồn tại chỗ oái oăm này mà chỉ Phú ôngThằng Bờm giải được? Tất nhiên, lão ta cam chịu hạ phong trong vấn đề trả giá cũng do ẩn số ấy mà ra.   

- Đúng đấy, là bài toán xã hội học cho nên có đáp số đàng hoàng, thưa quý vị. Nghe đây, giả như Thợ đụng ngươi ăn trộm hoặc đã làm điều rất tồi bại nào đấy... Thị dân ta bắt quả tang. Ngươi vốn giàu có, ta lại quá nghèo khổ thì sao nào? Cách gì dễ nhất, nhanh nhất và chắc ăn nhất giải quyết vấn đề ngươi tự hiểu lấy đi... Tất nhiên, hình thức hối lộ, mua chuộc phải mượn vào một cái cớ nào đó che đi mắt thiên hạ là xong. Chỉ có Thằng Bờm mới hiểu được tại sao Phú ông lại điên khùng đến thế... Bao nhiêu tài sản đắc giá sẵn sàng để đổi lấy Cái quạt mo rẻ mạt, nhà quê không ai thiếu. Ha ha, việc làm và kiểu suy tính của Phú ông cũng chả gì ghê gớm, rất thường là khác. Chỉ thái độ của Thằng Bờm là vô cùng đáng nói. Khâm phục, khâm phục bài ca dao tuyệt vời của nước Nam ta đấy...

- Chạy xe ôm xin cắt ngang. Xin lỗi. Có dị bản về câu cuối trong ca dao Thằng Bờm...Khi là "Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười", hoặc có lúc "Phú ông xin đổi cục xôi, Bờm cười". Sao đây, cục xôi hay nắm xôi ? Hoặc là gì cũng chả sao hả quý vị?

- Chạy đúng đường rồi đấy, xe ôm ạ. Ngươi phải hiểu cuộc trả giá điên khùng của Phú ông thật ra chỉ là điên-khùng-giả-tạo. Vì cái "mặt mo" mà phải thế.

 

Nói gì thì nói, hễ cứ điệp khúc lập lại đầy ru ngủ "Phú ông xin đổi..." thì đáp

lại là điệp khúc thẳng thừng từ chối "Bờm rằng Bờm chẳng..." Người xưa nói rồi, việc gì cũng có mặc định bất thành văn. Hễ "Quá tam ba bận" vẫn chưa gì đổi khác cũng đồng nghĩa công việc bất thành, đã tiêu tan hy vọng... Phú ông chịu khó nhún mình năn nỉ đến 4 phen đều chua cay thất bại. Và thế là thứ thông điệp cuối cùng được đưa ra với hình ảnh hiện-vật-chỉ-vừa-bằng-nắm-đấm. Ăn nắm xôi này nhé! Đấy là đe doạ báo thù, là ngấm ngầm cho hay sẽ chơi màn bạo lực khi không còn thuốc chữa. Là không từ nan bạo hành đầy khốn nạn vì thế-cờ-chết-tiệt "rượu mời không uống, đòi uống rượu phạt". Đến nước nầy thì "Bờm cười". Vâng, "Bờm cười" chứ không hề "Bờm đòi", "Bờm khoái chí, nhất trí" như lắm tư duy chật hẹp ưa ngộ nhận. Một cái cười nhạt, cười khẩy bất cần rồi đấy. Và quả nhiên, cả hai bên chẳng còn gì để nói.

- Đồng ý. Cho nên cần bảo trì 2 giá trị độc đáo của bài ca dao để không rơi vào những giải thích ba phải, ngô nghê... Thợ đụng tôi xin bổ túc thứ nhất, về mặt văn-bản-học thì chữ thứ 5 ở câu cuối cùng là "nắm" chứ không thể là "cục". Mặt phát-âm-học, điệu ca lục bát cho phép lựa chọn này vì cùng âm trắc, song khi đọc lên câu ca thì "nắm" rõ ra là thuận miệng hơn "cục" đấy. Bổ túc thứ hai, về mặt tư tưởng của chữ thứ 8 cũng trong câu cuối cùng này"cười" phải hiểu là cười khẩy, cười nhạt thay vì cái cười quá hạ giá là cười mơn, cười chấp nhận, cười nịnh nọt ăn tiền... Nếu ai chọn cái cười kiểu sau, hãy vất ngay Thằng Bờm vào sọt rác để khỏi mất công bàn luận đến ngày nay.

- Vâng, Chạy xe ôm cũng "cười" khẩy kiểu ấy khi người ta bảo Thằng Bờm là con nít háu ăn. Nó chả biết gì sất sao? Nó là đứa ngu đến thế ư? Quái lạ, và mâu thuẩn khi Phú ông phải mướt mồ hôi đem cả đống tài sản to tiền ra điều đình với đứa ngu như nó? Trong khi Cái quạt mo đáng mấy xu và nhà quê nơi nào là chả có? Mà Thằng Bờm đã dại ngộ cỡ đó thì ông bà cha mẹ chú bác nó ở đâu? Sao lại không bày khôn cho nó kìa? Chỉ lần thứ nhất thôi, với "ba bò chín trâu" e rằng cuộc điều đình đã thành công chóng vánh. Gia đình Thằng Bờm tha hồ làm nông, có cái ăn cái  mặc dài dài... Vốn thực Thằng Bờm đã được gọi thằng kia mà, Thằng Bờm nghiêm chỉnh chứ không còn cu Bờm hay cu Bợm gì hết. Nó còn con nít dại khờ và háu ăn ư? Nếu thế, Phú ông ngay lần điều đình thứ nhất thay vì "ba bò chín trâu" phải đưa ra "nắm xôi" mới đúng với tâm lý đấy. Thực tế bài ca không hề bảo thế mà hoá ra còn ám chỉ ngược lại. Thằng Bờm không còn con nít và là người rất mực khôn ngoan, đầy bản lĩnh. Nó khiến cho loại người như Phú ông phải kiêng dè nể sợ.   

- Cảm ơn bổ túc hay ho và nhất là hợp lý với cái cười khẩy sau cùng của nhân vật quái chiêu nầy. Thằng Bờm, sau nhiều năm tháng lăn lóc dưới những bàn luận hạ thấp nhân cách lẫn thể trạng của nó. Nguyên do ngộ nhận đầy ấu trĩ của số không ít nhà-Bờm-học... Thiết nghĩ, vô tình đã phủ nhận gần hết tinh hoa tư tưởng của dân gian nước Nam ta, của tổ tiên ông bà muốn gửi gắm qua bài ca dao đặc sản ấy. Nay nhân lúc ngồi gốc cây, Thị dân ta không thể không mạn phép có kết luận đích thực về nhân cách Thằng Bờm. Thưa quý vị, hãy lập tức chấm dứt tình trạng khá chung gọi Thằng Bờm là con nít, tai quái hơn còn cho nó háu ăn và đính kèm theo cả một kiểu cười được tuỳ tiện áp đặt từ nhân thân con nít. Sự-dở-ẹc nầy, Thằng Bờm không nhận đâu. Nó vẫn liệng trả lên đầu ai chụp ảnh nó qua nguồn sáng của chỉ vài con đom đóm. Không tội nghiệp Thằng Bờm làm gì nhưng tội nghiệp ai, xưa nay cứ một mực vô tình bôi nhọ, đánh giá thấp tư tưởng của cha ông qua nó đấy.   

- Người dẫn chương trình xin trở lại vị trí. Xin cảm ơn tất cả. Cảm ơn Thằng Bờm, cảm ơn một đặc sản văn chương truyền khẩu nước Nam ta đầy giá trị và nhắm chừng giá trị ấy vẫn chưa hề lỗi-nhịp-với-thời-gian. Cảm ơn các tác giả vô danh nhưng hết sức thâm sâu... Tôi trịnh  trọng nói rằng, họ đã chả cần cóc gì cái danh, không cần ai biết để gọi một tiếng nhà văn, nhà thơ cho nở mặt. Ấy, nhưng rõ ràng tác phẩm không vì thế không đi vào hồn dân tộc. Cái hậu của tác phẩm nầy... Vâng, một chữ "cười" thôi song đã để lại cho hậu duệ, cho chúng ta biết bao nhiêu tư tưởng gửi gắm, bao giáo dục làm người... Trước cảnh huống  Thằng Bờm gặp phải, chữ "cười" ấy được hiểu ra thế nào đây? Kiểu gì? Là cười khẩy, cười nhạt hay ngược lại cười mơn, cười nịnh nọt, cười híp mắt híp mũi, cười ngậm miệng ăn tiền, cười ti tiện. Thật ra, đấy cũng là các loại ký hiệu để, giả như khi có ai thử thế vào vai Thằng Bờm sẽ nhất thiết phơi bày ra mỗi nhân cách rất khác nhau, sẽ tự định nghĩa lấy con người mình không phải cần bàn cãi. Đến đây, tôi tuyên bố cuộc hội thảo tại gốc cây hoàn tất. Một lần nữa, thay mặt mọi người cảm ơn quý vị. Xin chào, hẹn gặp lại gốc cây khi bất đắc dĩ chúng ta cùng rơi vào tình trạng rỗi-nhàn-kiêm-thất-nghiệp...

 

Hắn ngừng nói mở mắt, nhảy ra chiếc xe máy cà tàng đang chống dưới gốc cây im bóng. Mụ khách quen xách giỏ vừa le te đi đến. Mụ ta cười cứ như ai thọc léc:

- Đi chú ơi, 2 vòng vô ra chợ Đông ba mười ngàn. Nói chi cả buổi hung rứa? Tay chân múa men như lên đồng mãi. Tui không nói chú điên như mấy đứa quanh đây mô. Răng mà giỏi rứa hè? Chú đi kịch khi mô, có một mình mà giả ra giọng nhiều người là tài lắm đó. Ai cũng sợ chú tà nhập, chỉ có tui thương chú nghèo khổ. Tui đi xe chú sợ chi.

Hắn bật cười, nghĩ bụng mụ ta keo kiệt chẳng đứa nào thèm chở. Mụ biết lấy  lòng hắn có lợi, đỡ phải trả thêm 5 ngàn như khi đi thằng khác. Hắn nổ máy, chả phân bua gì chỉ buột miệng nói khan:

- Có ai là không kịch đâu. Kịch gì thì kịch, rút lại chỉ hai loại người là hết. 

- Hai loại chi chú?

- Loại tự biết mình kịch. Và tệ hơn, loại lâu ngày không còn biết mình kịch.

- Khi mô mới bị rứa? Lạ hè.

 

Hắn cứ nói dù biết mụ ta không tài nào dzô được. Hắn đâu có khinh mụ:

- Khi thời-gian-kịch quá nhiều, thời-gian-không-kịch thì quá ít. Đó là lúc chắc chắn nó không còn biết mình kịch. Điên, chưa bất hạnh bằng loại này đâu, vì điên lắm lúc vẫn cứ còn nhân cách. Tụi kịch lâu quá không còn biết mình kịch chính là loại đã điên-về-nhân-cách.  

- Chú nói chi cũng khó hiểu. Mà chỗ mô mới có điên-về-nhân-cách? Có nhà thương điên loại nớ không rứa chú?

Hắn nói một câu mụ ta tắt đài, ngồi yên sau xe không còn rục rịch:

- Ở Thời-đại-quạt-mo. Nhiều, quá nhiều không nhà thương điên nào cho đủ.

Mụ thở dài ngao ngán không còn biết cái thằng Thị-dân-thợ-đụng-chạy-xe-ôm vừa nói gì? Hay là nó đã quen tự kịch, tự nói lấy một mình?  

 

Nơi gốc cây kia, mụ vốn biết rõ hắn chuyên ngồi chờ kiếm năm đồng ba trự kiểu "con tạo xoay vần" qua đã nhiều năm tháng... Nói chung những công việc hắn làm ai cũng hết sức ưa. Là nai lưng ra cho họ sai, rồi nhận tiền công rẻ mạt. Hắn là loại không quen kèo nài, than thở với ai. Hơn thế, dường như đôi khi còn tỏ ra mang ơn được người ta "cứu đói".

 

Các cuộc hội thảo tại gốc cây như thế thường xuyên, ngày càng dày đặc. Có lẽ, một nhận định chỉ ở loại động-vật-cấp-cao-thật-sự như hắn mới ứng dụng được mà thôi: Trong một giới hạn nào đó... Khi nguồn cung cấp năng lượng vật chất giảm thiểu, mất đi đó cũng là lúc ngược lại, nguồn cung cấp năng lượng tinh thần sẽ được nâng cao hơn, tỉ lệ nghịch.(*) Tất nhiên, với động-vật-cấp-thấp thì nhận định trên không bao giờ tồn tại.

 

(*)Một trong những nguyên lý căn bản của Thiền, hiểu theo nghĩa hiện đại(THT).

 

(thành nội Huế-tháng 2/2012)

 

Trần Hạ Tháp
Số lần đọc: 2150
Ngày đăng: 23.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mồi Tình Đầu - Đặng Hồng Quang
Sự Dối Trá Ngọt Ngào - Trần Minh Nguyệt
Bán con bò - Trần Yên Hòa
Một Chuyến Phiêu Lưu Của Bé Và Chú Mực 2 - Khải Nguyên
Chuyện Kể Bên Giường - Hoàng Chính
Cá Gỗ /Stop! - Huỳnh Văn Úc
Một Chuyến Phiêu Lưu Của Bé Và Chú Mực 1 - Khải Nguyên
Tiếng chim - Hòa Văn
Ôm Đĩ Mất Tiền - Lê Văn Thiện
Ngục Trung Ký Sự - Huỳnh Văn Úc
Cùng một tác giả
Thế trận linh xà (truyện ngắn)
Nghĩa động càn khôn (truyện ngắn)
Thời đại quạt mo (truyện ngắn)
Cầm thú truyền kỳ (truyện ngắn)
Tặc lưỡi (truyện ngắn)
Vechaibaođồngnát@mgsh (truyện ngắn)