(Tác phẩm đoạt Giải II cuộc thi Bút ký Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II – 2004 do Hội VHNT Kiên Giang đăng cai tổ chức)
Xí nghiệp tư doanh thường được chọn một cái tên đẹp như: Phú Đức, Đại Phát, Thiện Thành,v.v... Nó hàm chứa giấc mơ, tiêu chí hành động như cha mẹ đặt tên con vậy. Họ gửi vào đó tâm nguyện, ước mơ của đời mình. Thế mà Năm Hưởng, lại chọn một cái tên kỳ quặc cho công ty của mình là: “Anh Em Năm Hưởng”! nghe mộc mạc và đặc Nam Bộ.
Đối diện với tôi là một người đàn ông tầm thước, gương mặt chữ điền, da dẻ hồng hào khoẻ mạnh. Ánh mắt nhìn thẳng đầy nghị lực. Tướng mạo ấy, như ông bà ta nói là “đồng thanh đồng thủ”, sẽ sống thọ và dồi dào phước lộc về sau. Nước da hồng hào, rám nắng, dạn sương của anh, mới nhìn, ai biết đó là người ăn chay trường?
Câu chuyện của tôi với anh bắt đầu trong không khí hơi trang nghiêm, giữ ý tứ quá. Có lẽ anh cho tôi là thầy giáo nên chẳng cởi mở lòng mình? Để phá tan không khí ấy, tôi đánh bạo hỏi đùa:
- Nghề của anh phải tiếp xúc ăn nhậu thường với khách hàng, vậy sao anh vẫn chay tịnh suốt hơn hai mươi năm rồi mà chẳng bị “phá giới”!? Anh có bí quyết gì không? Trong tứ khoái, ăn được xếp hàng đầu, bỏ thì uổng quá anh Năm ơi! Cũng may mà tuy ăn chay nhưng còn “ngủ mặn” chứ không đời uổng phí quá phải không anh? Hay là bữa nay, anh nhậu đồ mặn với em đi? Ai lại uống rượu mà đưa cay bằng đậu hủ, lấy sức đâu làm ăn?
- Anh hứa ăn chay đến ngày ba anh khuất núi thôi! Ba của anh đã mất từ năm ngoái. Bạn bè nhắc anh chấm dứt ăn chay, cho dễ chơi. Nhưng trước khi khuất, ông kêu lại dặn: “Con ráng giữ cho nhà mình...”. Thương ba, anh chay tịnh tiếp. Với lại, ăn quen rồi, thấy sức khỏe rất tốt. Mấy đứa em của anh ăn uống xô bồ, cao lớn, trên tám mươi ký, vậy mà chẳng khỏe...
Ở tuổi gần 50 (anh sinh năm 1957) tóc còn đen nhánh như một “chứng chỉ” trời cấp về sức khỏe loại A! Anh có tác phong nhanh nhẹn, làm gì cũng dứt khoát, “rốp rẻng”! Đó mẫu người hành động, ít nói, không thích phô trương, bốc đồng. Anh bạn nhà báo của tôi muốn viết bài về người làm ăn, kinh doanh giỏi cho báo Ấp Bắc, đã bị anh từ chối khéo. Tôi không đồng tình với lệnh hủy toàn bộ gia cầm hàng loạt. Có nhiều lý do, trong đó có một lý do là có hàng triệu con “chết oan” với giọt nước mắt xót xa bất lực của chủ chăn nuôi, của những nông dân nghèo. Một buổi chiều tháng năm, tôi gặp thạc sĩ Nguyễn Ngọc Khánh, trưởng ban tuyên giáo huyện Chợ Gạo. Ông nói: “Năm Hưởng kiên quyết giữ lại được 30.000 con gà đẻ. Với giá trứng hơn 1000 đồng, một ngày thu vô trên chục triệu...”. Thế là đồng ý tưởng, sướng quá! Qua bão tố mới hay cây mềm cứng... Anh ta may mắn hay do bản lĩnh chống chèo? Phải tìm ra lẽ! Thế là tôi phôn cho anh: “Anh đang ở đâu?” - Đang ở Long An.
- Làm gì mà qua tận đó vậy?
- Đang tìm thị trường tiêu thụ thức ăn gia súc. Có gì đặc biệt không em?
- Dạ, lâu quá không gặp với lại có chuyện khó khăn muốn nhờ anh giúp đây! (phải nói vậy mới kéo anh về nhà nhanh được).
- Ôkê, anh về liền. Đúng 5 giờ nhé!
Tôi nhìn đồng hồ: đã quá bốn giờ chiều, chưa ăn chưa tắm rửa, không khéo sẽ trễ hẹn mất... Đúng là trễ mất 20 phút. Anh chờ tôi coi bộ không vui. Tôi xin lỗi và nói một câu cho “hạ hỏa”:
- Các anh làm ăn quý thời giờ hơn vàng bạc. Còn tụi em xài giờ “cao su”, bởi tính rề rà lơ đãng... Tôi nói ý định gặp gỡ của mình. Anh bảo:
- Anh ngại quảng cáo phô trương trên báo chí lắm! Tâm sự với em bởi em là thầy dạy của con anh... Tôi biết rất khó khai thác chuyện kinh doanh, lời lỗ của người này. Một người đầy cá tính như con ong lặng lẽ làm việc, ngại nói về mình. Tôi không viết báo ca ngợi người tốt việc tốt. Tôi muốn viết về một con người mà cuộc đời thú vị như trang tiểu thuyết. Anh là nhân vật tâm đắc bởi đồng ý tưởng sống với tôi. Thế là câu chuyện chân tình bên ly trà điếu thuốc trong quán trà vắng đêm nay... Nó mộc mạc và bề bộn, chẳng có lớp lang gì như chính thực tế cuộc sống bề bộn, ngổn ngang. Anh là người vụng nói, tôi cũng là cây bút vụng về. Tất cả chỉ mong chờ vào tính chân thật, tâm huyết mà thôi!
Sinh ra trong gia đình có đến 10 đứa con, làm ruộng thuần tuý ở xã Đăng Hưng Phước, thuộc huyện Chợ Gạo. Nói Chợ Gạo tưởng dư gạo nhưng đã có nhiều năm phải “chạy gạo”, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi... Đất thiếu nước khó làm ăn. Gặp buổi chiến tranh ly loạn nên học hành chẳng được bao nhiêu. Biết đọc viết, cộng trừ nhân chia cũng đã khá lắm rồi. Năm 1973 đến 1984, anh sống phiêu bạc giang hồ ở Sài Gòn. Chợ Cầu Muối là địa danh khét tiếng những tay anh chị hồi đó... Không liều lĩnh và tàn ác (phải giỏi võ nghệ nữa) thì đâu đủ bản lĩnh sống trong xã hội đen, chuyên xử bằng “luật rừng”? Sống không mục đích, không có ngày mai. Thành phố giải phóng, cách mạng sắp xếp quy cũ chợ búa, bến xe. “Đất sống” của giang hồ thu hẹp dần, càng lúc càng “khó thở”.
Người cha già nhân đức, ăn chay niệm Phật từ Tiền Giang, khăn gói lên tìm con trai. Ông phải nói cạn lời, năn nỉ đến phát khóc mới kéo được con về quê tu chí làm ăn.
- Nếu con không về, không chịu khó lo ruộng rẫy cho mấy đứa em làm theo thì tụi nó hỏng hết... Đời của ba kể như mất trắng...
Thế là anh về với Vàm Kỳ Hôn, kinh Chợ Gạo, quyết làm lại cuộc đời ở cái tuổi cũng còn nhiều hy vọng - chưa tới ba mươi. Đầu tiên là tập ăn chay. Không niệm Phật mà ăn chay để tính tình bớt nóng nảy. Tính anh nóng như lửa. Ăn thịt, uống rượu sẽ kích thích khí chất bất lợi ấy. Những tháng đầu thèm thịt chịu không thấu! Có khi tưởng bỏ ngang. Tự kiềm chế bản năng cộng với tấm lòng nhân hậu vô bờ của người cha, anh đã vượt qua. Tay đấm đá dao búa giờ tập cầm cuốc. Hơn 1 hécta rẫy, mình anh dang nắng giội mưa trồng tỉa. Da đen cháy, tay phồng rộp, đau nhức. Nhưng cái nghèo khó bị khinh khi cho anh sức mạnh. Phải làm để tạo vốn ban đầu! Người ta làm được, sao mình không làm được? Ở đời, giàu thì người ta ghen ghét, nghèo thì bị người ta khinh. Chẳng thà bị ghét chứ đừng để họ khinh! Hơn hai năm cắm cúi thắt lưng buộc bụng, mua được 100 bao urê làm vốn, lại bị thằng bạn chơi xấu “ẳm” mất! Lại phải tích cóp từ số không! Năm 1986, khi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ban hành cách làm ăn thông thoáng, cho tư nhân kinh doanh buôn bán làm giàu, anh nhận thấy: chỉ bám ruộng rẫy, chỉ cần cù thôi thì chẳng khá nổi. Muốn giàu có phải chăn nuôi kết hợp với buôn bán. Anh nuôi 6 heo nái, kiểu lấy ngắn nuôi dài: sắm một xe tải “nghĩa địa” chở hàng mướn, tự lái, tự sửa, ngày chạy ba chuyến hàng về Thành phố Hồ Chí Minh. Chạy xe lấy tiền nuôi heo, bán heo tu bổ xe và mua thêm xe mới. Vừa làm vừa học, nghề dạy nghề là thế. Đến bây giờ, anh có kiến thức về thú y như một bác sĩ dày dạn kinh nghiệm. Không được đào tạo qua trường lớp mà trường đời đã dạy, tất nhiên cái giá trả phải đắt, “học phí” tự học, mày mò khó tính cho xuể! Năm 1991, là năm rạng rỡ của đời anh. Chỉ bảy năm, từ một nông dân nghèo thành một triệu phú. Xây chuồng trại chăn nuôi theo mô hình công nghiệp. Công ty chăn nuôi, sản xuất thức ăn Biên Hòa - Đồng Nai đã chọn anh để đầu tư, giúp đỡ cho anh nhiều mặt, nhất là khâu kiến thiết chuồng trại, giống heo gà và nguồn thức ăn... Năm 1994, anh được mời sang Thái Lan du lịch và học cách chăn nuôi của nước bạn. Rồi năm 1998, lại được qua Trung Quốc để tìm hiểu vì sao họ bán có 600 đồng một trứng gà? Bài học được rút ra là: muốn chăn nuôi phát triển phải học hỏi thường xuyên mô hình công nghiệp, thường xuyên và liên tục cải tiến đổi mới cho bằng nước người! Nếu không sẽ đại bại! Không được thỏa mãn, ngủ quên trên chiến thắng. Làm ăn, kinh doanh là cuộc chiến đấu âm thầm, quyết liệt của trí tuệ, khoa học và nghệ thuật tiếp thị, cùng tài tiên đoán nhu cầu thị trường... Anh trở thành tỷ phú, bây giờ số vốn lưu động là khoảng 8 tỉ đồng Việt Nam. Bất động sản như đất đai, mặt bằng sản xuất là bao nhiêu? Tôi ngắt lời anh. Anh cười và nói:
- Hơi khó nói. Em thông cảm... Anh làm ăn cũng được và đóng thuế đầy đủ cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, còn nợ ngân hàng 1,2 tỷ, thời hạn 3 năm, mỗi tháng phải đóng lãi suất hơn mười triệu. Nhưng với thu nhập từ nhiều nguồn: heo, gà, buôn bán, chỉ không đầy hai năm (2005) anh sẽ trả dứt nợ...
Lớn thuyền thì cả sóng, tôi biết làm ăn lớn rất nhiều bất trắc phải đối đầu. Với tôi, những con số, bao nhiêu tỷ cũng chưa quan trọng lắm; quan trọng là phẩm chất tâm hồn, năng lực trí tuệ của người lao động, nhất là vị “thuyền trưởng”, người cầm lái - đứng đầu một tập đoàn kinh doanh. Tàu có về được bến an toàn hay không, chủ yếu là phụ thuộc vào người này. Tiền thức ăn cho đàn gia súc của tập đoàn sản xuất “Anh Em Năm Hưởng” là hơn trăm triệu mỗi tháng. Rồi phải trả lương cho ba mươi công nhân (mỗi người 1,2 triệu) nữa. Rồi lãi ngân hàng, rồi thuế suất,v.v... trăm thứ anh phải lo. Cái đầu ấy phải làm việc gấp ba bốn lần! “Một người lo bằng cả kho người làm”, các cụ chẳng nói vậy sao?
Mô hình chuồng trại của anh hiện nay theo kiểu của Thái Lan. Ông bạn người Thái, tên Jakkay, anh nhắc tới với vẻ trân trọng và biết ơn. Jakkay đã giúp anh tiếp cận mô hình chăn nuôi mới nhất trong khu vực, động viên khi có chút chao đảo. Tên gọi chuồng này nôm na là “chuồng kín” hay “chuồng lạnh”. Được phủ bạt kín dùng hệ thống máy quạt hơi nước để giữ nhiệt độ 26-270C cho gà để đều. Buổi tối, nhiệt độ hạ, có thể cuốn bạt lên, tận dụng “máy điều hòa thiên nhiên”. Nhờ mát gà đẻ đều, tỉ lệ rớt trứng là 98% trở lên. 50.000 con gà đẻ, hơn 1000 heo nái và heo thịt, được nuôi trong chuồng hiện đại như vậy đủ biết là ném ra tiền tỷ!
Trời đã về khuya, quán càng vắng. Câu chuyện của anh như càng đằm thắm hơn. Những ngại ngùng đã bay mất tự lúc nào. Thì ra lời anh chẳng vụng, mà vì anh ít nói, hay làm thôi. Những ngọn gió mát lành từ Vàm Kỳ Hôn thổi vào chúng tôi mơn man. Cô chủ quán ý tứ nhẹ nhàng châm trà, sau đó ra ngồi xa xa, có lẽ đến giờ đóng cửa nhưng cảm thấy khách mê chuyện nên không nỡ nhắc?
- Vì sao anh chọn cái tên: “Anh Em...” cho tập đoàn kinh doanh sản xuất của mình? Phải chăng là điều anh ước mong trong làm ăn?
- Anh mới học đến lớp 9. Chữ nghĩa văn vẻ không nhiều nên nghĩ sao nói vậy. Trước đây chơi với bạn, bị nó phản. Thôi thì, anh em trong nhà hùm hạp làm ăn vậy. Đồng máu huyết, lỡ có “cạch”, “gai” chút xíu rồi hết ngay, chứ người ngoài có khi hận, “rã be” luôn! Đoàn kết, đồng tâm và hiếu thuận trong làm ăn là cốt lõi bậc nhất. Bảy anh em ruột, mỗi đứa một việc, đứa nuôi gà, đứa lo chuồng trại, đứa chuyên về xe tải, hay đứa thì lo khâu nhân công, đứa em gái kỹ lưỡng thì quản lý sổ sách... Anh chuyên về nuôi heo và quản lý chung, ra quyết định cuối cùng. Anh em thề sống chết cùng nhau, lời chia công bằng, lỗ cùng gánh chịu!
Thì ra vẫn là cái đức, là sự hòa thuận, đồng tâm nhất trí. Không chỉ đánh giặc mà kinh doanh buôn bán vẫn thế. Ai bảo người buôn bán phải “lạnh như tiền”?
- “Đầu năm gặp dịch...” tựa đề một bài đăng trên báo Tuổi Trẻ. Cái năm Thân này khó làm ăn. Cái con virus cúm đó nó làm ngành chăn nuôi và các ngành liên đới nước ta một phen điêu đứng. Nó là trận bão thực sự; trận gió độc ấy đã quét hơn 3000 tỷ, đã đẩy nhiều người đến khốn cùng trắng tay. Em là dân ngoại đạo, mù tịt về bệnh gia súc, gia cầm. Nhưng em linh cảm dùng hạ sách hủy diệt toàn bộ gia cầm trong bán kính 3Km ở vùng nhiễm dịch là không ổn. Vừa tháng rồi, phó bí thư tỉnh Trần Thị Kim Cúc đã phát biểu bức xúc trước Quốc hội về hơn một triệu gia cầm của Tiền Giang bị “chết oan”... Anh cũng đã “chống lệnh” tiêu hủy. Nhờ “chống lệnh” mà giờ lại được ca ngợi, giờ trở thành nơi cung cấp giống cho bà con trong tỉnh. Anh càng là ân nhân của bao người “đắm tàu”. Và cũng nhờ vậy mà anh vẫn còn là tỷ phú và sẽ giàu hơn nữa trong bối cảnh bây giờ. Thời buổi này áo vải chân đất biết làm ăn sẽ thành tỷ phú. Nhưng từ tỷ phú trở lại “ăn mày” cũng một sớm một chiều, như trở bàn tay! Em tâm đắc với anh ở cái ương bướng, dám “chống”. Dựa vào cơ sở nào để anh không chịu tiêu hủy đàn gà của mình? - Như gãi đúng chỗ ngứa, anh Năm bật dậy:
- Này chú em! Không phải chỉ một triệu bị “chết oan” mà thực tế phải trên ba triệu con “chết oan”! Chị Cúc mới dựa trên số liệu tổng hợp. Anh đi thực tế anh nắm rất rõ điều này. Trong số 4 triệu gia cầm của Tiền Giang bị tiêu hủy, thực chất chỉ có non một triệu là nhiễm bệnh. Thế mới đau, mới tiếc đứt ruột chứ! Còn anh dám “chống” ư? Anh tự tin vào chính mình, dựa vào khoa học, vào xét nghiệm mẫu máu (âm tính). Gặp khó khăn ai cũng thường bỏ cá giữ chài. Anh không thể như thế. Tất cả vốn liếng, tất cả hy vọng niềm vui đã đặt cược vào đấy, phải quyết giữ bằng được! Hơn nữa, một phần cũng nhờ giám đốc Sở Nông Nghiệp, ông Khang ấy, ông không quan liêu, không lạnh lùng thi hành lệnh hủy hàng loạt. Ông Khang cho phép anh được giữ sau khi hỏi anh hai câu hỏi: “Làm thế nào để không phát tán virus ra ngoài trang trại?” và “Làm thế nào có được thức ăn cho gia cầm trong 5 tháng, trong khi công ty thức ăn Đồng Nai không được bán trong đại dịch này?”. Anh trả lời được, thế là ông Khang chấp thuận. Nếu không chính quyền cứ thẳng phép thì anh cũng chết!
Tổng số đàn gà của anh Năm là 50.000 con. Tháng 11, 12 năm 2003, dịch cúm gà đã xuất hiện ở Long An. Nhưng dân giấu kín. Họ không biết bệnh gì, chỉ biết là bệnh bất trị, nên bán đổ bán tháo, càng lẹ càng đỡ lỗ! Hàng trăm xe tải chở gà về thành phố. Khách hàng cứ “xơi gà” vô tư ngon lành! Thực ra nó chẳng lây sang người như người ta khuyến cáo. Nếu lây nhiễm thì số người chết do ăn thịt gà bệnh cỡ vài triệu như số người chết đói năm 1945 vậy... Trang trại của anh cũng xuất hiện gà chết. Anh tự mổ xem xét, thấy hiện tượng phù nề ruột, mề khác thường. Điện ra nước ngoài (gà của anh nhập giống từ Thái Lan) hỏi. Họ cho biết là bệnh cúm bất trị. Ngay tức thì, gia đình anh bắt bỏ vào bao, dùng xe tải chở đi, tự hủy 14.000 con! Số này anh hủy tự nguyện không đòi hỏi hỗ trợ của Nhà nước. Cái lý của anh là: lời ăn lỗ chịu, lời đâu có cho Nhà nước đâu mà lại lấy tiền của Nhà nước? Số 14.000 con đó là gà đẻ đã yếu, sức đề kháng tự nhiên kém. Còn hơn 30.000 con để lại là gà tơ đang đẻ xung, lại được nuôi trong trại kín, hiện đại, nằm ở vị trí biệt lập. Anh nhờ vệ sinh phòng dịch xét nghiệm bốn mẫu máu với giá trên một triệu. Anh nhớ mãi cái ngày 30/12/2003, bước vào nhận kết quả xét nghiệm, chân muốn quỵ xuống, hồi hộp lo sợ quá chừng... Nghe chữ “âm tính”, tim mừng như thót ra ngoài! Thế là heo và gà đều không nhiễm bệnh! Một cuộc họp gia đình gồm bảy anh em ruột thịt, những đứa em bơ phờ hoảng sợ chỉ còn dựa vào anh trai. Quyết định giữ đàn gà đẻ được thi hành bằng những khâu xử lý cực kỳ kỹ lưỡng. Không ra ngoài trang trại, thức ăn được pha trộn cẩn trọng. Nhất là khâu làm sạch không khí trước khi hút vào trại. Dùng CH4 khử trùng, bảo đảm an toàn đầu vào. Đường thoát khi ra ngoài cũng được xử lý. Để tránh sự phát tán, anh cho xây một tường chắn rất cao để nó bay lên; ánh nắng chói chang của mùa khô Nam Bộ sẽ tiêu diệt lũ virus quái độc đó! Khâu cuối cùng là phải chủ động thức ăn và tiêu thụ số trứng ế đọng. Thức ăn nhà anh tự pha trộn được, vì anh nắm công thức. Mỗi tháng chi 100 triệu, dự định năm tháng 500 triệu tiền thức ăn cho gà đẻ. Lỗ thấu xương. Nhưng cái khó ló cái khôn. Người ta đồn virus cúm lây sang heo. Heo tụt giá còn 8-9 trăm ngàn một tạ. Heo con không người mua, còn 8-9 ngàn một ký, rẻ như cá tra! Anh quyết định mua thêm 500 con heo nữa. Thức ăn cho heo con, heo lứa và cả heo nái được bổ sung đạm cực cao: đó là trứng gà! Trứng bán 200 đồng, một chục trứng chưa bằng giá một ký thức ăn của heo. Lấy trứng gà nuôi heo, heo lớn cấp kỳ, lại bớt lo thức ăn. Thế là heo đã cứu được gà. Anh em cùng trên một con tàu trong “mắt bão” biết đâu lưng lại cùng chống chọi và họ đã thoát hiểm trong gang tấc, nhờ sự tỉnh táo, quyết liệt của người anh ăn chay trường!
Không phải chỉ có một mình anh mà cũng có nhiều người muốn giữ đàn gia cầm. Song lực bất tòng tâm. Phần thì thiếu vốn cầm cự chờ hết dịch. Phần thì không có cơ sở khoa học để tự tin. Phần nữa do sức ép của mệnh lệnh. Hủy thì còn được hỗ trợ mỗi con 5 ngàn, không hủy thì trắng tay mà còn vi phạm nữa! Bà Mai ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang đã huỷ 58.000 con gà khỏe mạnh ngày 9/2/2004. Ngày 10/2/2004, điện từ Hà Nội vào, cho phép giữ đàn gia cầm nào khoẻ mạnh để lấy giống tái đàn gà sau dịch. Thế là chỉ cần nán lại 24 tiếng thôi, những chú gà sẽ không phải “chết oan”! Một tài sản lớn đã không bị vùi vào đất! Đến sau này, chúng ta mới nhận ra thì đã muộn. Mấy ai học hết chữ “ngờ”? Song việc làm ăn cần trí tuệ và ý chí. Không thể đổ thừa cho số trời, cho hoàn cảnh! Trong tôi lóe lên ý nghĩ: “Qua hoạn nạn mới biết lòng người; có thử thách mới biết anh hùng; qua bão mới hay cây cứng cây mềm, dũng khí phi thường giúp anh Năm chèo chống qua đại dịch! Bao người ngoi ngóp điêu đứng. Còn Anh Em Năm Hưởng vẫn thẳng tiến”.
Tiền Giang có 500 đại lý tiêu thụ thức ăn cho CP Đồng Nai; gồm Mỹ Tho và năm huyện. Riêng huyện Chợ Gạo đã chiếm 200 đại lý, nhiều gấp bốn lần những địa phương trong huyện. Đại lý của Năm Hưởng là lớn nhất, tiêu thụ 2000 tấn mỗi tháng! Một con số dường như chỉ gặp trong mơ. Anh đã có công phát triển các đại lý; là cánh tay phải mạnh mẽ của công ty, qua đó phát triển chăn nuôi heo, gà của Chợ Gạo. Huyện này đứng hàng số một về chăn nuôi trong tỉnh, tôi chưa dám nói là quốc gia, nhưng cũng có thể? Năm Hưởng được công ty tin cậy, khen thưởng; tiềm lực kinh tế mạnh, tính toán thông minh, sắc sảo của anh đáng để ta vị nể. Nhưng tính trầm lặng, nên đến nay, ít người biết về anh...
- Dự định sắp tới của anh là gì? Với số tài sản lớn thế, anh có thể giao cho ai đó trong gia đình thay thế để thanh thản nghỉ ngơi. Sao vẫn miệt mài ham việc vậy, anh Năm?
- Anh làm việc là niềm vui sống của chính mình và để có cơ hội giúp người nghèo như mình trước đây...
Tôi thấy những người văn hóa thấp khi giàu sang thì rượu gái, ăn chơi “mát trời ông địa”. Có lẽ họ muốn khoe giàu hoặc trả thù cái thủa hàn vi thiếu thốn chăng? Tài sản lớn như cái xe tải lớn. Người chủ phải như tài xế tương đồng với cái xe ấy. Cái xe ngày càng cồng kềnh to lớn mà tài xế vẫn bé tí tẹo thì... tai nạn như chơi! Con người Năm Hưởng không như vậy. Anh ấy có cái gốc là tâm đức, sự hiếu thảo, cái vốn sống đầy cay đắng của một thời giang hồ phiêu bạt. Để nhận ra chân giá trị con người, của cuộc đời thì trường học và sách vở chưa đủ. Quan trọng hơn là tự học trong trường đời và sự trải nghiệm thực sự. “Học phí là máu và mồ hôi, ai dám vượt qua?”
Năm Hưởng đang tiến hành xây một trang trại tại Long Trì, Long An. Có giếng khoan, hầm ga, công trình hiện đại, khép kín. Kết hợp heo, gà với ao cá. Phân sẽ được ủ để trồng cây ăn trái, vừa chống ô nhiễm vừa tận dụng “không bỏ sót thứ gì”! Anh cho biết trang trại của anh đang nằm trong vùng phát triển của đô thị. Trước sau cũng phải di dời, giá trị đất ấy tăng cỡ hàng trăm lần khi nó là thổ cư. Tiền đất đó dư chi cho xây dựng trang trại mới. Số đất dự định xây trang trại là cái lộc của người cha tích cóp để lại cho con. Anh nói chắc chắn:
- Chăn nuôi phải theo công nghiệp hiện đại, phải học hỏi kinh nghiệm của nước bạn. Nếu không thường xuyên học tập người ta sẽ bị bỏ rơi rất xa. Do đó anh phải tính trước...
Chia tay anh rồi, tôi cứ trăn trở, nghĩ mông lung. Đất nước mình nhiều thi sĩ, anh hùng nhưng lại thiếu doanh nhân, nhà buôn có tài để cứu nước khỏi nghèo nàn lạc hậu. Thế kỷ 21, mẫu người làm ăn là người đẹp nhất, mang khát vọng của dân tộc. Nam Bộ có những kỹ sư “Hai Lúa”, tỷ phú “chân đất” và doanh nhân giỏi từ nông dân, dù trình độ văn hóa còn thấp... Thực tế đã đào tạo nên họ và chính khát vọng, chí quyết liệt một còn một mất đã tiếp năng lượng cho họ thành công. Công nghiệp hóa đâu phải là cái áo khoác, chẳng phải là khẩu hiệu bằng giấy mà phải là cốt tủy, máu huyết. Khi vị lãnh đạo đóng kín cửa phòng, ngồi lì trong chỗ gắn máy điều hòa mát mẻ, sẽ khó nghe dân nói! Một cái đầu trí tuệ uyên thâm, một trái tim của một người đang dầm mình dưới ruộng hay người kinh doanh đã đặt cược tất cả vào chuyện làm ăn. Có người cán bộ như thế dân mình sẽ vững tin biết bao! Đất nghèo sinh những anh hùng... Con người Năm Hưởng gợi tôi nhớ câu thơ học từ tấm bé.