Tôi dang lớ ngớ nhìn xem có phải số nhà ghi trong bức thư không. Bức thư vắn tắt: “Tám giờ tối nay, anh đến nhà số 41, đường Nguyễn Đình Chiểu, có người rất muốn gặp anh!”. Thư không phải chữ viết mà đánh máy hẳn hoi, và thư không ghi tên người gửi. Tôi nhận được lá thư trong lúc đang ở phòng hội thảo. Sự bí mật ấy khiến tôi lo nghĩ suốt buổi chiều.
- Anh đến rồi à? Đợi em một tí.
Tiếng nói của một phụ nữ, giọng quen lắm, từ trên hành lang của tầng một vọng xuống.
Cánh cửa mở ra.
- Trời ơi. Cần!
- Cần đây. Anh vào đi.
- Gần mười năm rồi…
- Phải rồi, đúng ra là còn thiếu mười bốn ngày.
- Ừ. Thiếu mười bốn ngày… Tôi lẩm bẩm.
*
Gần mười năm trước tôi và Cần chia tay nhau, chia tay âm thầm với nỗi lòng chua xót. Mãi một thời gian sau tôi mới nghiệm ra là chúng tôi bị người ta tách rời, chính xác hơn là tôi bị vu khống. Làng tôi sau bốn năm 1975 lại rơi vào nạn đói chưa từng có. Chiến tranh đã vắt kiệt tài sản của dân làng tôi và rồi thiên nhiên lại ác nghiệt thử thách. Đồng hợp tác cây lúa nám đen vì dịch bệnh rầy nâu, cả làng phải sống nhờ vào rau đồng, giăng câu, bắt ốc. Không ít người phải xót xa lặng lẽ tha hương cầu thực. Tôi, một cậu trai mới lớn, mồ côi, sống nhờ vào sự đùm bọc của người cậu. Cha tôi đã vĩnh viễn nằm lại đất Cần Thơ trong đợt tổng tiến công xuân Mậu Thân vào thành phố này. Hai năm sau mẹ tôi bị một quả đại bác của Mỹ cướp đi mạng sống lúc bà đang cấy lúa ngoài đồng. Nhà cậu tôi cách nhà Cần một giăng rộc. Cần là chị Hai, sau đó lít nhít một đàn em. Chúng tôi yêu nhau, cái thứ tình yêu thôn dã, đằm thắm như cây lúa quê tôi nương với đồng phèn…
- Anh có oán hận ba em không?
- Không. Nói đúng hơn lúc đầu thì có, sau nghĩ lại thấy bác có lý, ai lại muốn con gái mình cực nhọc, ai lại muốn gả con gái cho cái thằng mồ côi, tương lai mờ mịt.
- Anh uống cà phê đi.
- Anh thích ăn nửa củ khoai lang giấu trong khăn của em mang ra ruộng và tự tay em lột vỏ cho anh…
Cần bật khóc.
- Thôi đi em, anh không nhắc nữa đâu.
- Tất cả… Tất cả chỉ tại ba em. – Cần nấc lên.
- Đừng trách bác làm gì. Chuyện đã xa rồi.
- Sao anh không tìm cách gặp em trước khi tình nguyện đi bộ đội?
- Đó là cái dại nhất trong đời anh.
Tôi bị công an xã bắt giữ hai ngày đêm vì bị tình nghi lấy trộm vàng của ba Cần. Luật lệ thời ấy người ta bắt giữ người bị tình nghi là chuyện thường. Khổ cho thân tôi, ông trưởng công an xã lại là chú ruột của Cần. Tôi nếm đủ các thủ đoạn lấy cung và lời dọa dẫm của ông ấy, nhưng tôi là người vô tội. Ngày thứ ba cán bộ công an huyện đến, chiều họ thả tôi ra. Dân làng tôi nghèo thì nghèo, đói chịu chứ trộm cắp là cái án mà mọi người miệt thị. Người ta nhìn tôi với con mắt nghi ngờ và khinh ghét. Tôi sợ điều đó, và tôi hiểu cần phải tránh xa, trốn khỏi những cái nhìn như vậy, đi càng sớm càng tốt, rồi họ sẽ hiểu và xóa án cho tôi.
- Trưa hôm ấy em tìm gặp anh Thân công an huyện, em nói thẳng với anh ấy nhà em làm gì có lấy một tí mạt vàng chứ đừng nói chi là hai chỉ.
- Em hiểu anh, làng xóm ai hiểu? Em là người giải oan còn anh Thân là ân nhân của anh. Nếu như anh Thân tin vào lời tố cáo của ba em và những lý lẽ buộc tội của chú em thì chắc rằng anh sẽ ngồi tù. Biết đâu lòng thù hận đã phá hoại nhân cách của anh rồi cũng nên.
Tôi còn nhớ như in cái buổi anh Thân làm việc với tôi. Anh là người thẳng thắn, trung thực và chân tình. Anh vỗ nhẹ vai tôi: “Thường này, ở đời có nhiều điều rối rắm, em phải bình tĩnh. Trong mọi hoàn cảnh sống đều đòi hỏi nghị lực vươn lên, có khi do nông nổi của tuổi trẻ sẽ làm hại cả đời. Tương lai còn ở phía trước, anh thấy Cần rất yêu em”. “Anh giúp em đăng ký đi bộ đội nghen, em quyết định rồi”. “Tưởng gì, chiến tranh biên giới phía Bắc đang nổ ra, Tổ quốc đang cần những người lính, khỏi cần anh em vẫn làm được mà”. “Không anh à, nếu việc đó trước đây bốn ngày, còn giờ thì…”. “À! Anh ngớ ngẩn quá, về bàn với cậu đi, từ giã Cần rồi xuống huyện gặp anh”. Hôm tôi đi, anh Thân ra tận xe tiễn. Anh nắm chặt tay tôi khá lâu và anh tặng tôi cái võng. Anh bảo: Bốn năm ở rừng nó là bạn trung thành của anh, bây giờ em cần nó hơn…
- Bao giờ anh mới hay em lấy chồng?
- Anh ra Bắc, vài lần suýt nằm luôn ngoài ấy. Sau khi lành thương tật anh về quê thì em đã đi lâu rồi. Gì thì anh cũng hiểu điều đó sẽ xảy ra, nhưng sớm quá.
- Hai tháng sau khi anh đi em theo chồng về Mỹ Tho. Người ta đã mối lái trước rồi.
- Anh quên mất, sao bây giờ em ở đây?
- Anh uống cà phê đi kẻo nguội. Trời bắt đầu lạnh rồi, chuyện còn dài.
Bây giờ tôi mới để ý tới căn phòng, ở phố huyện này nó thuộc loại sang. Tôi bước lại cửa sổ, mở ra, gió biển lành lạnh ùa vào, ngoài kia nền trời chi chít những vì sao. Chòm sao cày nhấp nháy, tôi gọi Cần đến bên tôi trong lúc cô đang châm bình trà. Tôi chỉ tay:
- Có phải sao cày lên đến đó chúng mình đi thăm giăng câu?
- Phải rồi, ước gì…
Chúng tôi nhìn vào mắt nhau. Cần bây giờ vẫn như Cần của tôi mười năm trước, vẫn đôi mắt lá răm chứa cả ruộng đồng quê nhà, vẫn làn da bánh mật ngọt ngào và đôi môi duyên như cánh sen hé nở, chỉ khác hơn chăng là Cần không còn rắn rỏi như thời tay cấy, tay cuốc. Cần thỏ thẻ kể về đời mình, giọng em xa xăm nghe như lời oán trách vọng về từ quá khứ, không hiểu em kể cho tôi nghe hay kể cho chính mình, không hiểu sự dồn nén ấy đã dằn vặt em bao đêm…
- Em đặt chân vào ngôi biệt thự ở xứ lạ quê người, vừa lúng túng với hoàn cảnh mới, vừa lo sợ cho sự may rủi của đời mình. Chồng em về ngoại hình khá điển trai nhưng ngay lần gặp đầu tiên em nhận ra nét đểu trên gương mặt ấy. Ban ngày em là con ở của một gia đình còn đặc sệt nền nếp phong kiến, chỉ khác xưa là ở chỗ mọi quyền năng đều nằm trong tay của bà mẹ chồng. Ban đêm em là vật mua vui cho con quái vật hùng hục, ngấu nghiến, hắn muốn em vỡ vụn ra mới thỏa thích, một sự chung đụng đĩ thỏa chứ không phải sự ngọt ngào ân ái của cái nghĩa vợ chồng. Ngay đêm đầu tiên, hắn tát liên hồi vào mặt em khi biết rằng em không còn là con gái. Chẳng hiểu sao lúc đó em tỉnh táo lạ, em không khóc, không nói, em chỉ nghĩ về anh. Em không hề hối hận về đêm ấy, trái lại em bồi hồi nhớ lại giây phút đó, giây phút mà em và anh trôi vào thiên thai. Em hãnh diện, em đã hơn Thúy Kiều tự oán hận mình khi bị Mã Giám Sinh cướp mất sự trinh nguyên. Em hiểu anh không phải và không bao giờ là người phản bội, em tin anh, tin vào tình yêu của chúng ta. Con gái nhà quê lấy chồng giàu thành thị cực nhục mọi bề. Em oán trách cha mình, em muốn chết, em muốn linh hồn em bay đến với anh dù lúc ấy chẳng rõ anh ở đâu? Đây là lần thứ hai em có ý định tự vẫn. Lần đầu tiên khi biết cha em là người cố ý hại anh, cố ý chia rẽ chúng mình và cấm ngặt không cho em gặp anh. Giá như trên đời này đừng có mẹ thì bây giờ chúng ta không còn cơ hội gặp nhau. Chính mẹ là người cứu sống em, cứ nhớ đến mẹ thân cò lặn lội làm em không thể chết được, em phải sống để báo đáp ơn người, mẹ đã khổ nhiều vì cha em, vì lũ con nheo nhóc. Anh Thường ơi, anh Thường, sau cuộc đời lại chia rẽ chúng mình… Giọng Cần thảng thốt, tay quờ quạng bấu víu lấy tôi. Bất giác tôi ôm chầm lấy Cần, tôi nghe vai mình âm ấm những giọt nước mắt xót xa, tôi thấy uất nghẹn trào dâng, tôi nghe tim mình rạo rực… Tôi đỡ Cần ngồi xuống, Cần ngước nhìn tôi và khóc.
- Bình tĩnh lại, Cần à!
Tôi lau nước mắt cho Cần và vuốt những sợi tóc lòa xòa trên má. Cần lại thỏ thẻ, xa xăm…
- Hơn bốn năm em sống như bóng ma vật vờ trong sự giàu sang mà không ít người thèm muốn. Không hiểu sao em lại cam chịu ngần ấy thời gian, cuộc đời em coi như đã hết và có lẽ em là nguồn sống của gia đình. Công bằng mà nói, hắn – chồng em – một con người sòng phẳng, hàng tháng đều gởi tiền công về cho cha mẹ. Cả làng xóm, cả cha mẹ em đều lầm, đều tin hắn là người tốt. Thỉnh thoảng hắn chở em về thăm nhà, hắn buộc em trang điểm, ăn diện như một tiểu thư. Hắn chăm chút, tế nhị như một người chồng yêu vợ trước mặt mọi người. Hắn điêu luyện như một diễn viên và em căm ghét điều đó.
Có lẽ số phận em hết khổ, mẹ chồng em buộc hắn phải ly hôn, phải cưới vợ khác. Chẳng hiểu sao hắn không yêu em, là đàn bà em biết rõ nhưng hắn không muốn buông tha. Mọi chuyện trong gia đình quyền thế đó em không được phép biết, em đã nói em là con ở không hơn không kém. Tình cờ em nghe gia đình họ cãi nhau nhưng bao giờ phần thắng cũng thuộc về người đàn bà cương quyết, cứng rắn và bảo thủ, còn cha hắn, ông ấy là một con người nhu nhược và cam chịu. Bà ta thẳng thừng buộc hắn phải ly hôn ngay, không được chần chừ nữa với lý do em vô sinh. Hôm ra tòa bà ta cho em năm lượng vàng về quê làm vốn, kể ra bà ấy cũng là người biết điều. Em không mặt mũi nào trở về làng vì sợ lời ong tiếng ve của dư luận. Em viết bức thư kể hết mọi chuyện gởi về cha mẹ. Mẹ tìm đến thăm, bà ôm em khóc suốt đêm, cha em khi hiểu ra ông rất ân hận. Giờ thì, anh thấy đó, em là người tự do, căn nhà này của em, em đang sống một mình.
Tôi buông tiếng thở dài, không ngờ Cần có khoảng đời bất hạnh chứ không như tôi tưởng. Tôi lại dại thêm một lần nữa, vì sự mặc cảm tự ti nên tôi cố ý không tìm hiểu, thậm chí không muốn nghe ai nhắc đến tên Cần. Tôi đã chạy trốn kỷ niệm, cố quên quá khứ, tôi bỏ quê để chôn vùi dĩ vãng. Nhưng tôi không ngờ… Tôi lại thắc mắc:
- Sao bây giờ em lại sống ở miền biển xa xôi này?
- Với số vốn được mẹ chồng trả công, em tìm đến người chị ở Sài Gòn. Đang gặp lúc làm ăn dễ dàng, hai chị em về vùng này mua tôm cua bán cho xuất khẩu. Việc làm ăn tấn tới, bây giờ em mở trạm thu mua ở đây, chuyển hàng về Sài Gòn cho chị.
- Em giỏi quá.
- Bộ anh dở à! Ông hiệu trưởng?
Gương mặt Cần bỗng sáng bừng lên và vẫn cái giọng trêu chọc tôi ngày nào. Tôi chống chế:
- Em điều tra anh à? Hồi đó cái đói giựt chúng ta ra khỏi mái trường em chẳng khóc đó sao? Nhưng mà, em giải thích đi, cách nhau gần trăm cây số sao em biết anh sẽ đến đây dự hội thảo?
- Anh thì muốn quên, em vẫn nhớ nên em hiểu về anh thì có gì lạ đâu. Em không muốn chị ấy buồn – Giọng Cần trầm lắng – Nhiều lần, nói đúng hơn là sự thôi thúc muốn đến tìm anh, rồi lại thôi. Em không có quyền làm xáo động cuộc sống của chị ấy…
- Cần à, em nên lấy chồng và sinh con, về già thui thủi một mình buồn lắm. Chỉ khi nào em tìm được hạnh phúc anh mới thấy mình vơi đi lầm lỗi.
- Trong đời em đã có hai lần hạnh phúc với tình yêu: Cái đêm ở gốc rơm ven bờ kênh đào và đêm nay. Anh quên là mẹ chồng em bảo em vô sinh sao?
- Anh không tin là em vô sinh.
- Anh tin?
- Anh tin! Còn cái đêm hôm ấy, đến phút nhắm mắt anh vẫn nhớ. Em là thiên thần còn anh là tên tội phạm. Biết đâu tại anh mà em bị chồng đối xử tệ.
- Không đâu anh, nếu như hắn yêu em, tình yêu bao giờ cũng có sự hy sinh và lòng vị tha. Em nhắc lại, anh không có lỗi gì hết, trái lại anh là người ban ơn, nếu không em sẽ ân hận như Thúy Kiều. Kỷ niệm thời con gái là thứ hành trang nồng ấm giúp em vượt qua mọi trắc trở trong cuộc sống.
Tự dưng cả hai chúng tôi ngồi im lặng thật lâu. Cái đêm hôm ấy lại rạo rực trở về, mảnh trăng non lơ lửng giữa trời, tiếng vạt ăn đêm kêu lạc lõng, rặng trâm bầu xào xạt đằng kia, bóng rơm rủ xuống che chở cho hai tâm hồn ngây thơ, vụn dại… Trời càng lúc càng lạnh, ở phương Nam ít năm gần đây có mùa đông thật sự và đêm đông thật dài. Tôi bước lại khép cửa sổ, ngoài kia con nước lớn ngoạm bờ. Tôi bảo nhỏ:
- Khuya rồi, anh phải về.
Cần giật mình bật dậy nắm chặt tay tôi:
- Anh về thật sao?
Ánh mắt của Cần, không, tôi không dám nhìn vào…
- Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn Cần à. Thôi nhé, anh về.
Cần đổ sụp xuống, tôi quay mặt bước nhanh và phía sau lưng là khoảng không yên tĩnh.
*
Ba ngày sau tôi nhận được thư Cần. Trời ơi, Cần ơi, sự thật là như vậy sao??.
“… Sự thật là vậy đó. Em là một người mẹ khốn nạn. Em không dám đương đầu với nghịch cảnh. Vì mẹ, gia đình buộc em phải dứt bỏ giọt máu của anh. Bây giờ anh đã hiểu tất cả, anh có thể nguyền rủa em, em không xin được anh tha thứ. Em rất muốn đêm đó anh ở lại, một sự khao khát mà em khắc khoải đợi chờ, biết đâu em sẽ được làm mẹ… Nhưng thôi, có lẽ anh nói đúng, như vậy sẽ tốt hơn…”.
Vô tình hay cố ý mà con thạch sùng nằm trên tường chặc lưỡi.
1997