Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
444
123.365.786
 
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 12
Tuấn Giang

Chương IV

 

Đặc điểm ca nhạc cải lương

 

1. Đặc điểm âm nhạc:

 

Nghệ thuật thuộc phạm trù là một hình thái đặc thù phản ánh hiện thực, có những đặc điểm riêng của nhận thức thẩm mỹ. Âm nhạc là một loại hình biểu hiện hình thái đặc thù ấy, bằng nghệ thuật âm thanh, qua chủ đề (Thema) tác phẩm. Nội dung đề tài là những ấn tượng về hiện thực sáng tạo của nhạc sĩ, phản ánh những hiện tượng khác nhau về thế giới xung quanh từ nền văn hoá vật chất, tinh thần, đời sống xã hội. Hình tượng nghệ thuật là những thành tố quan trọng biểu hiện nội dung đề tài, qua âm thanh, nhịp điệu âm nhạc. Âm nhạc hình thành các mô tip chủ đề, cấu tạo hình tượng giai điệu âm thanh, thể hiện tầm vóc tác phẩm qua những đặc điểm, tính chất cảm xúc. Đặc điểm là khái niệm chung về một hiện tượng, sự vật có những nét riêng, phản ánh bản chất đối tượng. Nhờ có những đặc điểm riêng để nhận biết các hiện tượng, sự vật và những hình thức nghệ thuật.

Đặc điểm nghệ thuật âm nhạc có ngôn ngữ âm thanh, là sự khác biệt với mỹ thuật, kiến trúc, sân khấu … Nhưng những âm thanh âm nhạc khác với âm thanh tự nhiên. Âm thanh âm nhạc xây dựng trên cơ sở đề tài tác phẩm, thể hiện qua cấu trúc giai điệu bằng sự liên kết, liên hệ giữa các quãng diễn tả nội dung hiện thực. Khi nói tới đặc điểm ngôn ngữ âm thanh hết sức phong phú, âm thanh tự nhiên xảy ra từ các hiện tượng vật lý, cơ học, tiếng động, tiếng nói, tiếng mưa… âm thanh nào là âm thanh âm nhạc? Âm thanh nào cũng là âm thanh âm nhạc, âm thanh nào cũng không phải là âm nhạc. Nguyên nhân nằm ở những nguyên tắc cấu trúc giai điệu âm nhạc không tuân thủ những nguyên tắc giai điệu sẽ không có âm nhạc kể cả tiếng đàn, tiếng hát. Những nguyên tắc cấu trúc giai điệu âm nhạc dựa trên nguyên lý mỹ học là khoa học thẩm mỹ, sáng tạo theo quy luật cái đẹp. Những nhà sáng tạo nghệ thuật là một hành trình cảm xúc tới cái đẹp, theo nguyên tắc ấy, mọi âm thanh: tiếng mưa, tiếng sấm, tiếng chó hoang … đều trở thành âm nhạc, bởi được sắp xếp theo giai điệu âm nhạc nằm trong chủ đề tác phẩm, phản ánh hiện thực cuộc sống. Âm nhạc có những quy luật cấu trúc, phản ánh, thẩm mỹ riêng của nghệ thuật âm thanh. Quy luật ấy, thể hiện qua đặc điểm nội dung hình thức, thể loại âm nhạc. Một thể loại có những đặc điểm riêng, đặc điểm chung của ngôn ngữ thể loại, ngôn ngữ loại hình. Thể loại âm nhạc có vô vàn trong cuộc sống do con người sáng tạo ra theo nhu cầu thẩm mỹ có các hình thức, giao hưởng, hợp xướng, Sonata, Conserto, nhạc cheo, tuồng, cải lương… Mỗi thể loại cấu trúc hình thức, hình tượng âm nhạc riêng là đặc điểm nội dung, phản ánh hiện thực cảm xúc. Nghệ thuật âm nhạc có đặc điểm chung:

- Ngôn ngữ âm thanh

- Hình tượng giai điệu thể hiện nội dung tác phẩm

- Phản ánh cái đẹp cảm thụ trực tiếp.

Đặc điểm âm nhạc là tiếng nói trái tim, cảm thụ trực tiếp tác động mạnh nhất đến công chúng, ngay lập tức âm nhạc ru ngủ cả đám đông, ngay lập tức biến họ thành kẻ cuồng loạn. Đây là đặc điểm nổi bật của âm nhạc, trong thế chiến thứ II, có một nghệ sĩ kéo đàn violon đã ngăn chặn một sư đoàn Đức tiến quân vào Ba Lan, nhờ sự sai lệch về thời gian bọn chúng đã bị tiêu diệt. Vào thập kỷ 70 thế kỷ XX, nhiều cuộc hoà nhạc Puk, Rock, sau đó là những cái chết bi thảm. Các cuộc hoà nhạc thường xảy ra, nhưng cái đẹp là bản chất thẩm mỹ đặc điểm, đặc sắc của âm nhạc, cần đi sâu vào những đặc điểm riêng. Nghiên cứu những đặc điểm làn, điệu, bài bản cải lương là những đặc tính âm nhạc hình thành sân khấu cải lương.

 

1.1. Đặc điểm làn điệu, bài bản

Ca nhạc sân khấu cải lương cấu thành từ ba loại hình thức âm nhạc là làn điệu và bài bản, đây là cách gọi ghép từ của nghệ nhân khi phân tích thì không phải hai mà có ba hình thức âm nhạc. Ba hình thức âm nhạc ấy, làm phong phú sự diễn tả sân khấu cải lương, đó là: Làn - điệu - bài bản. Mỗi loại tên gọi là một hình thức âm nhạc độc lập, diễn tả một nội dung âm nhạc, lời ca chuyển tải tình cảm, tình huống sân khấu cải lương.

Đó là đặc điểm tên gọi các hình thức âm nhạc, cấu thành vốn ca nhạc sân khấu cải lương. Làn là vốn những bài ca của sân khấu cải lương. Làn có giá trị diễn tả chất giai điệu âm nhạc tự do, ngâm ngợi, kể chuyển, giãi bầy tâm sự…Làn là chỗ diễn tả tình cảm, tình huống sân khấu. Làn giúp các nhân vật có điều kiện giãi bầy tâm trạng, giao lưu giữa các nhân vật, hoặc với công chúng. Làn là chỗ chùng xuống nhịp điệu sân khấu, là dấu nối, giữa các bài bản, điệu hát…góp phần đáp ứng mọi tình huống sân khấu. Nhờ có làn, sự phát triển sân khấu tiếp cận với các hình thức ca hát, nối những tình đoạn khác nhau làm phong phú sự diễn tả tính kịch, sân khấu cải lương. Làn là dấu nối với điệu - bài bản - tân nhạc. Ngoài ra, làn còn nối các hình thức ca với đối thoại và các tình huống tình cảm tâm trạng sân khấu cải lương. Nhờ có làn, sân khấu cải lương đã dung nạp nhiều hình thức nghệ thuật đương đại, phát triển nghệ thuật cải lương.

Vị trí của điệu, là các điệu dân ca. Nếu làn là một hình thức âm nhạc không có khuôn nhịp rõ ràng, thì điệu là hình thức âm nhạc chính xác về nhịp phách cả về cấu trúc hình thức. Mỗi điệu, dân ca vào cải lương có cấu trúc giai điệu như những ca khúc ngắn gọn, có khuôn nhịp, câu đoạn, nội dung cụ thể. Đây là sự tương phản, khác biệt giữa làn và điệu. Sự tương phản về hình thức cấu trúc tác phẩm, tương phản về giai điệu, nhịp điệu và tính chất âm nhạc.

Làn kéo dài tiết tấu, kéo dãn các tính chất xung đột, mâu thuẫn tình cảm…thì điệu diễn tả mau lẹ, hoặc trữ tình khoan thai; nhưng có giới hạn ở tính chất cấu trúc câu đoạn. Điệu là những điệu dân ca vào cải lương, đầu tiên có các điệu lý: Lý con sáo, Lý giao duyên, Lý qua cầu, Lý ngựa ô, Lý trăng treo, Lý chiều chiều, Lý đương đệm, Lý cải mơn… Sau những điệu lý là các loại bài dân ca Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ. Hệ thống những điệu lý, những bài dân ca được xếp vào hàng đầu tiên của vốn bài bản cải lương. Trong vốn bài bản cải lương được ghi thành nốt nhạc, bài bản để xuất bản, phổ biến hiện nay chỉ có hai loại là : điệu và bài bản. Theo tập chữ nhạc Bản đàn cải lương của Thanh Nha sưu tầm, do Hội nghệ sĩ sân khấu xuất bản năm 1959, có 68 bài bản, gồm cả năm điệu lý. Còn tập giáo trình Hát cải lương do Triệu Quang Vinh và Hoàng Kim Loan chuyển từ bản chữ nhạc Hò Xự xang xê cống, song nốt nhạc đồ rê mi có 43 bài bản ( trong đó gồm cả chín điệu Lý). Những tác giả công bố hai tập nhạc cải lương kể trên đều không có những bản nhạc làn, có lẽ vì kỹ thuật ghi âm phức tạp từ cao độ đến nhịp phách, nên chưa được ghi nhạc và công bố. Như vậy đến nay, làn trong vốn ca nhạc cải lương vẫn nằm ngoài vốn ca nhạc sân khấu cải lương. Vốn làn - điệu - bài bản cải lương, là một bộ ba cấu trúc hình thức âm nhạc, ví như một cơ thể hoàn thiện của con người. Làn - điệu, bài bản, là một bộ ba ca nhạc không thể thiếu, nếu thiếu một trong ba bộ phận ấy không thể có sân khấu cải lương. Làn quan hệ khăng khít với điệu, với bài bản. Điệu có vị trí quan trọng sau những gì giãi bầy của làn mang tính tự do alimitum, thì điệu bùng nổ chất khuôn mẫu nhịp điệu dân ca chỉ là một đoản khúc bộc lộ một nét tình cảm đột phá, công chúng sẽ không chấp nhận nếu cứ nghe mãi một thứ dân ca, một điệu lý. Nghe ca diễn bài lẻ như thế sẽ nhàm chán, bởi sự hụt hẫng của một điệu lý, chẳng đâu vào đâu. Nếu có làn ngâm ngợi kể về nguyên nhân của tình yêu hò hẹn lứa đôi mới gặp, đến yêu nhau bén rễ, xanh cây để cha mẹ làng xóm thuận lòng rồi ca Lý ngựa ô “ đưa nàng về dinh” chắc là vô cùng hấp dẫn. Nếu tự nhiên bất chợt “ đưa nàng về dinh” chắc chẳng ai chấp nhận, đây là đơn thuần ca nhạc, nếu vào các tình huống tâm trạng, tính kịch thì làn kết hợp với điệu mới đáp ứng tình cảm sân khấu. Những điệu lý, những điệu dân ca, góp phần thay đổi tình cảm, tình huống sân khấu. Điệu còn thay đổi cảm xúc, mầu sắc âm nhạc. Điệu góp phần thay đổi những trạng thái tình cảm nhân vật có tính mau lẹ, diễn biến ngắn, những tâm tư nhỏ, hoặc diễn tả niềm vui, nỗi buồn ở cảm xúc ban đầu câu chuyện kịch, những xung đột tình cảm nhân vật. Điệu diễn tả niềm vui, những băn khoăn, âu lo chớm nở của nhân vật. Những điệu lý, những điệu dân ca không chỉ đem đến những mầu sắc âm nhạc khác nhau của các vùng miền, điệu còn có vị trí quan trọng mở đầu các trạng thái tình cảm, tình huống sân khấu. Điệu đi vào khuôn nhịp, khẳng định một đặc tính các sự kiện diễn biến của tình cảm nhân vật cải lương.

Sau làn, điệu, là bài bản. Bài bản là những bản nhạc có nhịp phách, cấu trúc hình thức âm nhạc lớn. Nội dung âm nhạc bài bản diễn tả tâm trạng lớn, nếu điệu diễn tả những tâm trạng, tâm trạng nhỏ, vừa hoặc những xung đột bùng phát, thì bài bản là tâm trạng triền miên. Bài bản diễn tả những mâu thuẫn, xung đột nội tâm, cõi lòng phiền muộn, tan nát, âm ỷ, dàn trải biết ngỏ cùng ai. Bài bản là vấn tâm, khắc khoải, tâm trạng khổ đau, đơn côi, cõi lòng trống vắng, mông lung … bài bản một loại tương phản tình cảm lâm ly kéo dài, so với làn điệu là những bùng phát nhất thời. Bài bản ẩn chứa những tiềm năng, mâu thuẫn xung đột lớn của các trạng thái tình cảm nhân vật cải lương. Bài bản biểu đạt nội tâm, tâm trạng, tính cách nhân vật, diễn tả tình huống sân khấu, tính kịch. Bài bản bày tỏ mọi sắc thái tình cảm nhân vật, cùng một lúc kết hợp ba đặc tính: làn - điệu - bài bản, có những tương phản cấu trúc hình thức, nội dung, nhưng lại có sự kết hợp hài hoà trong một tổng thể cấu trúc ca nhạc cải lương. Làn - điệu - bài bản, đứng tách rời là những hình thức cấu trúc âm nhạc khác biệt nhau. Nhưng kết hợp trong một vở cải lương, làn - điệu - bài bản là chất liệu âm nhạc kết dính chặt chẽ một kịch bản cải lương. Làn - điệu không có một lúc ba thành tố âm nhạc, nhưng bài bản lại có cả ba thành tố âm nhạc kết hợp xoắn chặt vào nhau trong một bài bản. Đó là sự phong phú của bài Vọng cổ, bản Vọng cổ, hoặc điệu Vọng cổ. Vì sự phong phú tính chất âm nhạc ấy, bản Vọng cổ là tiêu điểm đặc trưng ca nhạc cải lương, phong cách sân khấu cải lương.

Làn - điệu - bài bản ca nhạc cải lương là ngôn ngữ đặc trưng âm nhạc sân khấu cải lương, nhờ có bài bản biến hoá đặc sắc đã phát triển sân khấu cải lương, tiếp cận mọi hình thức nghệ thuật đương đại. Đặc điểm cơ bản của làn - điệu, bài bản cải lương là sự tương phản tính chất nhịp điệu âm nhạc, dự hoà nhập trong một tổng thể ca nhạc cải lương là một hình thức âm nhạc làn, điệu, bài bản, đồng diễn tả tác phẩm sân khấu cải lương.

1.2. Đặc điểm, tính chất làn, điệu, bài bản.

Mỗi hình thức âm nhạc nhằm đáp ứng thoả mãn nhu cầu công chúng, còn vì những tình huống sân khấu. Kịch hát sân khấu không có làn không thành sân khấu, hoặc không thể có sân khấu tuồng, chèo, cải lương. Làn sinh ra vì sự phát triển các tình huống sân khấu, vì thế, một số hình thức dân ca hay như Quan họ, Hát xoan… không đưa lên sân khấu được bởi còn thiếu làn. Làn do đâu mà có ? Làn đôi khi có sẵn trong dân gian, hoặc trong các điệu hát dân ca. Làn còn do các nghệ sĩ là diễn viên, nhạc công sáng tác ra, hoặc có thể lấy làn từ các điệu hát dân gian có sẵn cải cách đưa vào sân khấu. Làn của sân khấu cải lương có một số do nghệ nhân sáng tác, còn đa phần lấy từ dân ca, nhưng có cải biên cho phù hợp với đặc tính ca nhạc sân khấu. Qua thực tiễn phát triển kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh, Bài Chòi… Những làn của kịch hát dân ca phần lớn lấy ngay từ dân ca, sau đó đã sáng tác thêm một vài làn mới. Qua sự ra đời các hình thức sân khấu kịch hát dân ca, tuồng, chèo, cải lương, có thể khẳng định những hình thức dân ca hay, phong phú đã nổi tiếng, nếu muốn đưa lên sân khấu vẫn thành công:

Những điều kiện thành công cần có:

- Kiện toàn hệ thống làn, điệu, bài bản ca nhạc.

- Phải có lực lượng diễn viên hát dân ca và diễn

- Cần có người tâm huyết sáng tác kịch, bài ca, dàn dựng và có người đầu tư kinh phí.

Dân ca Quan họ, Hát xoan … chưa đưa lên sân khấu thành công vì chưa có hệ thống làn. Hệ thống làn lấy từ dân ca Quan họ, còn phải sáng tác thêm theo cấu trúc làn có hơi dân ca quan họ, nếu sáng tác theo phương thức ca khúc gọi là làn sẽ thất bại. Điệu đã có trong các điệu dân ca Quan họ, nhưng chỉ là điệu ngắn, có tính hoạt cảnh dân ca, còn thiếu bài bản là những bản nhạc nghi lễ, những bản nhạc tâm trạng. Những bài bản là cái dân ca Quan họ, Hát xoan còn thiếu. Thiếu bài bản cần sáng tác những bài ca tâm trạng. Những bài ca ấy, sáng tác theo phương thức dân gian như các nghệ sĩ đàn ca tài tử, cải lương từng sáng tác các bài Oán, Văn Thiên Tường, Vọng cổ… Nếu sáng tác theo tư duy ca khúc sẽ không có bài bản. Bài bản sáng tác mới cần có những bài ca tâm trạng vừa, tâm trạng lớn, dựa theo hơi nhạc quan họ mà viết ra. Với những yêu cầu, ấy khó có thể thực hiện được, bởi thiếu các nghệ nhân sáng tạo làn và bài bản. Vì thế, trong điều kiện hiện nay, các loại dân ca Quan họ, Hát xoan .. không thể đưa lên sân khấu thành công. Trở lại làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương những đặc tính đáp ứng sân khấu cải lương, không phải ngẫu nhiên mà có. Vốn ca nhạc cải lương : làn, điệu, bài bản, do các nghệ nhân, nhạc công sáng tác bổ xung cho vốn ca nhạc sân khấu cải lương từ sơ khai đến hoàn chỉnh. Mỗi làn, điệu, bài bản có những đặc tính âm nhạc, đáp ứng các tình huống kịch khi xử lý sân khấu.

Tính chất âm nhạc của làn hết sức phong phú. Sự phong phú nằm ngay trong cấu trúc âm nhạc, âm nhạc không ổn định, luôn biến động trên hai trạng thái âm nhạc. Một là biến động về cấu trúc âm thanh, đó là hệ thống thang âm của làn. Những loại làn như nói thơ Lục Vân Tiên chỉ có ba âm, hoặc năm âm. Nói thơ, Ngâm Kiều, Ngâm kệ, Hát nói, Nói dặm… còn biến đổi về vị trí các thang âm. Khi nói thơ Lục Vân Tiên, có thể dừng ở âm hò, âm xang  hoặc âm líu … Tuỳ theo tâm trạng của lời ca, người nói dừng ở âm khu trần là hò để ca Vọng cổ, hoặc dừng ở âm khu trung để ca vào một điệu lý, hay dừng ở âm khu cao là líu để nói lối rồi vào câu Vọng cổ… Làn luôn biến hoá về giai điệu, âm thanh để thích nghi với tình huống bài ca. Sự biến hoá giai điệu âm thanh ở chỗ ngừng nghỉ tạm thời trên các bậc âm, làn còn biến hoá ở nhịp điệu, tiết tấu. Làn là một hình thức âm nhạc không thể gạch thành khuôn nhịp trên khuông nhạc đã là một thứ tự do, nhưng làn còn tự do hơn ngay trên nét giai điệu hình sóng ấy co giãn, dài ngắn, thất thường về độ dài. Đặc tính của làn diễn tả tình cảm phóng khoáng, ngâm ngợi trữ tình trong những lời ca đầy chất thơ lãng mạn. Chức năng của làn, là diễn tả chất âm nhạc tình cảm trữ tình, gợi cảnh, gợi tình, giầu chất âm nhạc đồng quê. Những làn trong dân ca Nam Bộ diễn tả cảnh bình yên, trời nước phương Nam, những điệu hò Đồng Tháp, những hình thức nói thơ Nam Bộ vẽ ra những bức tranh sơn thuỷ, hữu tình. Đây là một đặc tính âm nhạc của làn trong ca nhạc cải lương, đậm nét dân ca, dân tộc, bản địa.

Làn có nhiều đặc tính âm nhạc, nhưng chất trữ tình là đặc điểm, đặc tính của làn. Tính trữ tình là một đặc điểm của ca nhạc sân khấu cải lương, làn như một khúc dạo đầu của âm nhạc trữ tình trong vốn bài bản cải lương.

Sau làn là điệu, điệu có đặc tính âm nhạc phong phú về sự diễn tả nội dung. Điệu nghiêng về sự diễn tả tình cảm, mang nhiều tính chất khác nhau. Điệu có điệu buồn, điệu vui, điệu bâng khuâng, man mác trữ tình… Sự diễn tả của điệu phong phú về sắc thái tình cảm, nhưng điệu lại khuôn vào khung cấu trúc âm nhạc, có nhịp điệu, tiết tấu, câu đoạn không thể tự do như làn. Điệu có  nhịp điệu, nhưng diễn tả nhiều đặc tính âm nhạc, trong cải lương thì điệu là sự diễn tả những tâm trạng tình cảm của nhân vật có tính mở đầu cho một tình huống, một nhân vật trong vở diễn, sau những va chạm tình yêu rạn nứt nhân vật bắt đầu suy tư, mộng tưởng, nhớ mong, cũng có khi là vọng lầu thưởng nguyệt… Những tâm trạng ấy, có thể vào đầu bằng điệu. Đó là các loại điệu trong dân ca, có khi là điệu Lý chiều chiều, một đoản khúc chỉ có bốn câu nhạc ngắn phổ vào mấy câu thơ lục bát biến thể:

Chiều chiều ra đứng lầu tây

Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng

Ai xui trong lòng tôi thương

Thương cô tưới cây ngô đồng.

Hay một nhân vật trẻ trung mới bước vào đời, trong sáng, hồn nhiên, gặp một điều mới lạ, một người mới quen, gặp người buồn, bạn muốn động viên người khác chia sẻ niềm vui… Những tình huống ấy, lại sử dụng điệu. Điệu có vị trí gợi mở những tình cảm bùng phát, mở đầu một sự việc, một tâm trạng, trong cải lương có nhiều loại điệu diễn tả nhiều tâm trạng khác nhau từ vui đến buồn, bâng khuâng, lạnh lùng, khôi hài và an ủi. Trong những hoàn cảnh cụ thể vận dụng điệu, điệu Lý trăng treo là điệu vui, nhưng có tác dụng an ủi khi cần thiết vào kịch là một điệu ngắn, có ba câu nhạc phổ vào thể thơ năm chữ:

Em thấy vui vui quá

Vui tình thực là vui

Anh ơi có vui không nào

Cho chị em hết buồn

Thương quá chừng chị ơi

Thương quá chừng anh ơi

Mới trích dẫn hai điệu đã thấy sự phong phú của điệu trong ca nhạc cải lương. Điệu đây là những bài dân ca do các nghệ nhân tuyển chọn vào vốn ca nhạc cải lương, có điệu do sáng tác, nhưng do nhiều người hát đã thành vốn bài bản cải lương như các điệu lý Mỹ Hưng, lý Phúc Kiến, Đoản Khúc Lam Giang…Ngoài sự diễn tả phong phú nội dung, tình cảm, tình huống nhân vật, sân khấu. Điệu còn có sự diễn tả phong phú khác là dựa vào kỹ thuật ca, đây là nét đặc biệt độc đáo của kỹ thuật ca cải lương. Bằng kỹ thuật ca cải lương, người ca thay đổi âm tựa, thay đổi vị trí thang âm, thay đổi nhịp phách cấu trúc giai điệu bài ca. Những hình thức ca thay đổi kỹ thuật ấy, người ca đã làm thay đổi tính chất của điệu từ buồn thành vui, từ vui thành buồn, thành trữ tình thương nhớ…Kỹ thuật ca cải lương này coi như một thứ ngoại lệ, hình thức ca này tác động tới làn, điệu, bài bản cải lương. Tất cả làn, điệu, bài bản đều bị biến đổi nội dung theo yêu cầu của tình cảm nhân vật, hoặc tình huống sân khấu. Kỹ thuật ca: thay đổi âm tựa, thay đổi nhịp điệu, thay đổi vị trí thang âm. Ba hình thức thay đổi này duy nhất trong kỹ thuật ca cải lương mới có, mới cho phép lối ca biến ảo như vậy. Còn các hình thức ca nhạc sân khấu, và âm nhạc trình diễn không cho phép ca như vậy. Vì ca như thế làm sai lạc nội dung bản nhạc, nhưng ca nhạc cải lương lại là ngoại lệ. Ví dụ bài Xẩm xoan, hay bài sắp mưa ngâu của chèo lại hát chậm lại, thì không còn tính chất của bài, chưa kể lại thay đổi một hai vị trí âm thanh trên giai điệu bài ca. Người hát sẽ diễn ra hai tính chất: một là hát phô, hai là hát sai thành ra một thứ “nhạc chế” thời nay, đâu còn là những điệu chèo thanh nhã vui nhộn chất dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng những điệu ca cải lương có lối hát thay đổi như thế khá phổ biến, ví dụ bài Khổng Minh toạ lầu. Một bản nhạc ngắn có năm câu, nét nhạc có nhiều cờ giật, khi ca có tính nhấm nhẳng hơi hài, nhưng lại có phần đường bệ lên lầu, bước thấp, bước cao. Bài này trên sâu khấu cải lương xử dụng rất nhiều tình huống, có thể cho một kẻ bịt mặt đen đi rình vào trong đêm để toan tính âm mưu làm phản, hoặc hại người. Nói chung hay sử dụng cho những cuộc toan tính âm mưu, nhưng cũng có khi cho một nhân vật chững chạc lên lầu qua lối hát thay cờ giật bằng nốt đen để bước đi đường bệ, vững vàng. Còn hát cờ giật, thì là những bước đi khấp khểnh, lại có khi dùng để đối thoại xung đột nổ ra tranh luận tay đôi, hoặc cá nhân với bọn côn đồ…Xuất phát từ kỹ thuật ca xử lý những tình huống nhân vật tính kịch khác nhau, đây là sự khác biệt duy nhất của kỹ thuật hát cải lương, là sự phong phú của bài bản, làn điệu cải lương.

Điệu có giai điệu, nhịp điệu, cấu trúc âm nhạc như một bài hát ngắn, điệu có từ dân ca, có điệu là sáng tác mới. Điệu là những bài hát ngắn, diễn ta phong phú chất tính kịch, tâm trạng, tình huống sân khấu cải lương. Điệu là một trong những nhân tố âm nhạc tạo nên chất hùng tráng của ca nhạc cải lương. Điệu khác làn về tính khuôn mẫu của giai điệu âm nhạc, cấu trúc âm nhạc. Điệu diễn tả tính chất, nội dung âm nhạc, ngắn gọn có nội dung trữ tình, tính hùng tráng. Điệu có nhiều tính chất âm nhạc, đáp ứng đặc trưng sân khấu cải lương. Điệu là sự phong phú của âm nhạc ca khúc, có tính nhịp điệu nội dung trong sáng, là những đoản khúc diễn tả tình cảm sân khấu.

Điệu là sự khởi đầu diễn tả âm nhạc có nhịp điệu của sân khấu cải lương, thì bài bản là sự diễn tả nội tâm cao tâm trạng lớn. Bài bản có tính tổng hợp của làn, điệu và bài bản. Dù là tính tổng hợp nhưng không phải tất cả bài bản là như thế, mỗi bài bản có một nội dung đặc trưng riêng. Bài bản là sự diễn tả tâm trạng lớn, tình huống, tính kịch lớn sân khấu cải lương. Nhưng bài bản vẫn là những ca khúc, có giai điệu, nhịp điệu nội dung âm nhạc. Có những bài bản xuất phát từ các nhân vật cải lương, có bài bản lấy từ những bản nhạc Huế vào…Bài bản là sự phong phú, thoả mãn sự diễn tả nội dung sân khấu cải lương.

Bài bản có những hình thức cấu trúc âm nhạc khác với làn, điệu. Bài bản có câu đoạn, dung lượng, nội dung diễn tả lớn. Những bài bản lơn như Lưu Thuỷ, Phú lục, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Văn Thiên Tường, Tứ đại Oán, Vọng cổ…nội dung diễn tả phong phú các loại tâm trạng nhân vật, buồn, vui, day dứt, khắc khoải, vấn tâm, bi thương, đau khổ…Nếu làn ngâm ngợi, mô tả cảnh đẹp quê hương đất nước, hoặc gợi tả tâm trạng là những cảm hứng ngoại cảnh, thì điệu diễn tả những đoạn khúc bên trong nhân vật, đến bài bản là nội tâm bên trong những suy tư, khổ đau tâm trạng lớn. Làn - điệu - bài bản, là một tập hợp diễn tả cảm xúc tâm trạng nhân vật, hoặc tình huống sân khấu từ mở đầu đến kết thúc câu chuyện kịch.

Bài bản có nhiều trường đoạn âm nhạc để diễn tả tình huống, hoặc tâm tư, tình cảm nhân vật, tuỳ theo diễn biến tâm lý nhân vật mà diễn tả những trường đoạn khác nhau của bài bản. Cấu trúc bài bản, có bài bản vừa, bài bản lớn, có khi một trường đoạn…Ví dụ: bản Oán nằm trong bốn bản thuộc hơi Oán lớn, diễn tả nỗi khổ đau Oán hận, hoặc trách móc man mác khổ tâm…Lời cổ:

Xưa kia thiên địa phong trần

Hồng nhan ai nỡ trách phần nợ phong trần trả rồi lại vay

Thanh xuân vừa hai tám kia là thiếp Thuý Kiều vốn dòng họ Vương

Bởi thình lình thọ ương - xin lệnh trên ỷ y nghiệm tường

Kẻo oan cũng vì tên bán tơ trú một đêm mà ra đến nỗi

Bị tịch ký hết gia tài cha với em thiếp phải bị giam

Biết tính làm sao cam…

Trích đoạn lời ca cổ, nói về Thuý Kiều, phân trần gia cảnh của mình với Từ Hải. Kiều tiếp tục kể hết cuộc đời mình từ sự tan nát cửa nhà bởi gã bán tơ, đến nỗi trăm đắng ngàn cay nghĩ bán mình chuộc cha, nào ngờ gặp tên họ Mã, gặp Sở Khanh, gặp Tú Bà, Hoạn Thư, nàng bị đoạ đầy cả tinh thần thể xác, luẩn quẩn trong vòng oan khuất không sao thoát khỏi kiếp đoạn trường, bán thân chốn lầu xanh, gia đình tan nát. Bài Oán để Kiều kể hết tâm trạng, khóc than cho cuộc đời đen bạc, số phận hẩm hiu, một bài ca tâm trạng lớn, Kiều đã trình bày cả thân phận mình trong nước mắt bi thương. Bài bản hầu hết là diễn tả cái bi thương của các loại tâm trạng nhân vật, cấu trúc âm nhạc bài bản lớn diễn tả nội dung cuộc đời nhân vật. Đặc điểm tính chất âm nhạc bài bản là:

- Tâm trạng lớn

- Diễn tả cái bi thương

Vì đặc tính ấy, nhiều nhà nghiên cứu cải lương Nam cho là ca nhạc cải lương chủ đạo là hơi Oán, âm nhạc Oán. Vì những nhận định ấy, có những giai đoạn cải lương bị cấm diễn cho là sản phẩm văn hoá tàn dư của phong kiến, tư sản. Nỗi oan của cải lương có phần không oan, bởi nghệ thuật ca diễn đều biến tất cả những bài vui tươi trong sáng sang hơi Oán để biến toàn bộ làn, điệu, bài bản thành loại ca nhạc bi ai, sầu thảm, thê lương, thương thuê, khóc mướn cho những thân phận tôi đòi lầm lạc. Nếu các nhà chỉ đạo nghệ thuật ở vào giai đoạn văn học lãng mạn, tất cả ca diễn như vậy thì cấm là phải. Ngay sau năm 1975, đất nước thống nhất, niềm vui ngất trời, mà cải lương cứ ỉ eo than thân trách phận, nhai lại thứ nhạc vàng rác thải của Sài Gòn cũ. Cái mạnh của cải lương nằm ở vốn bài bản là chất âm nhạc bi ai, đánh mạnh vào sự rung cảm sâu sắc trong tâm khảm con tim người nghe, nhưng lại là chỗ yếu nhất nếu sử dụng quá liều. Kỹ thuật ca cải lương là một con dao hai lưỡi, có thể ca vui, ca buồn trên cùng một bản nhạc, đó là xử lý âm tựa, thay đổi vị trí thang âm, nhịp điệu tiết tấu bài ca. Kỹ thuật ca dựa vào ba nhân tố: âm tựa - thang âm - nhịp điệu, làm thay đổi bản nhạc, hơi nhạc, có thể biến đổi tính chất âm nhạc vui tươi, tích cực thành bi quan, tuyệt vọng, đen tối, tiêu cực. Kỹ thuật ca, còn thuận lợi dựa vào ba nhân tố kỹ thuật ấy đã kết nối các loại trào lưu ca nhạc cổ đại, hiện đại, dân gian với bài bản thành ca nhạc cải lương. Đây là những thuận lợi đặc biệt chỉ kỹ thuật ca cải lương mới có, tất cả kỹ thuật ca trên thế giới không thể có được một hình thức phát âm nhả chữ để chung hoà điệu nọ qua điệu kia, bài nọ qua bài kia. Kỹ thuật ca bao giờ cũng đòi hỏi chính xác đến từng nốt và pơ ti nốt, nếu hát sai từ một đến một phần mười côma, người nghe đã nhăn mặt khó lọt tai. Nhưng cải lương có kỹ thuật ca đặc biệt, không phải phát âm sai, phát âm rất chuẩn, chuẩn đến mức tròn vành, rõ chữ, ngọt ngào như rót mật. Nhưng bí quyết của kỹ thuật ca cải lương, biến vui thành buồn, biến buồn thành vui, gắn bài tân nhạc với cổ nhạc, mượt mà ở kỹ thuật nắn chữ. Kỹ thuật nắn chữ là kỹ thuật tinh xảo như mối hàn ghép các câu đoạn nhạc xa lạ trở nên quen thuộc. Kỹ thuật nắn chữ đã giới thiệu ở phần kỹ thuật ca cải lương, vì nắn chữ mà lạm dụng đã làm hỏng những phẩm chất tốt đẹp của ca nhạc cải lương. Đặc biệt là vốn bài bản, một đặc tính ca nhạc tâm trạng, ca nhạc bài bản có đặc tính bi ai. Nếu nắn chữ thành bi hùng, hoặc hùng tráng là diễn tả tính kịch anh hùng ca, hùng tráng, nếu nắn chữ là bi ai, tan nát thì chất âm nhạc là tuyệt vọng, mất niềm tin, phương hướng ở tương lai. Nên không ít người cho rằng cải lương là hồi Oán, dù vốn bài bản là Oán, là buồn thương, nhưng vốn làn, điệu là những đoạn khúc âm nhạc trữ tình trong sáng xen vào một bản ai Oán đâu phải tất cả là Oán - hơi Oán là chủ đạo của cải lương. Trong bốn hơi Xuân, Nam, Bắc, Oán thì hai hơi vui, còn hai hơi buồn, làm sao át được cái vui của cải lương. Nhưng hơi nào? Không còn là hơi chủ đạo của ca nhạc cải lương nữa. Hơi nhạc chủ đạo của ca nhạc cải lương nằm ở hai phía:

- Người chỉ đạo nghệ thuật

- Người ca diễn.

Đây là sự phong phú, sự ưu việt đặc biệt của ca nhạc cải lương, tạo ra những tình huống sân khấu, tâm trạng nhân vật mà âm nhạc, có vị trí diễn tả đắc lực trong vở diễn. Vì sự phong phú ấy, ca nhạc cải lương đã hấp dẫn công chúng, phát triển trên cả nước. Ca nhạc cải lương có hai hình thức trình diễn:

- Trình diễn một chương trình ca cải lương

- Trình diễn ca nhạc cùng sân khấu cải lương

Hình thức trình diễn một chương trình ca cải lương, người ta đều thực hiện như các chương trình ca nhạc chèo, ca nhạc tuồng, nhưng ca nhạc cải lương khác với các chương trình ca nhạc chèo, tuồng. Bởi ca nhạc chèo, tuồng chỉ hát tách rời các làn, điệu, bài bản, không liên kết thành một ý tưởng, hoặc các làn, điệu kết lại như một bản nhạc. Còn ca nhạc cải lương có nhiều hình thức cấu trúc chương trình ca nhạc: ca bài lẻ, ca tân cổ giao duyên, ca hoạt cảnh cải lương, ca các bài ca cổ với tân nhạc, ca riêng bài Vọng cổ với tân nhạc, bài Vọng cổ diễn tả một câu chuyện tâm trạng…Các chương trình ca nhạc cải lương phong phú về cấu trúc nội dung, mầu sắc âm nhạc dưới nhiều hình thức đáp ứng mọi sở thích các đối tượng công chúng. Trình diễn ca nhạc cùng sân khấu, là sự hoàn chỉnh một kịch bản cải lương vận dụng nhuần nhuyễn sâu sắc giữa làn, điệu với bài bản và lời thoại văn học. Ngay trong một vở diễn người ta vẫn có thể thực hiện một lớp diễn là ca nhạc cải lương, hoặc ca tân cổ giao duyên, đáp ứng công chúng. Những hình thức trình diễn ca nhạc cải lương đầy chất âm nhạc trữ tình, trong đó bài bản mang nội dung âm nhạc chủ đạo của vốn ca nhạc cải lương.

Làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương là vốn ca nhạc cải lương có nhiều đặc điểm, đặc tính âm nhạc từ làn đến điệu và bài bản mang bản sắc âm nhạc bản địa Nam Bộ và nhạc truyền thống Việt Nam. Vì những đặc tính chung, đặc tính riêng ca nhạc cải lương được công chúng cả nước yêu thích, vì sự diễn tả sâu sắc, phong phú các tình huống sân khấu, hình thành đặc điểm ca nhạc sân khấu cải lương.

1.3. Đặc điểm ca nhạc cải lương

Mỗi loại hình nghệ thuật có đặc trưng ngôn ngữ riêng: văn học là từ ngữ, mỹ thuật mầu sắc, âm nhạc là âm thanh…đó là phượng tiện biểu hiện ý tưởng thẩm mỹ, xác lập hệ thống ngôn ngữ dựa trên những thiết chế hiện tại và quá khứ. Ngôn ngữ âm nhạc xếp theo quy luật âm thanh, chỉ rõ đặc điểm tính chất từng thể loại ca nhạc, mỗi thể loại mang phong cách âm nhạc vùng miền, cổ nhạc, tân nhạc…Ca nhạc cải lương cấu thành từ vốn ca nhạc tài tử, cải lương, nên thường gọi lồng ghép ca nhạc tài tử, cải lương. Nội dung âm nhạc ngoài làn, điệu, bài bản, tạo thành bốn loại điệu thức:

- Điệu Bắc, đàn những bản Bắc

- Điệu Nam, diễn tấu những bản nhạc Nam

- Điệu Xuân, hoà tấu những bản nhạc Xuân

- Điệu Oán, những bản nhạc Oán

Chữ điệu ở đây là điệu thức nằm trong những bản nhạc có hơi Bắc, hơi Xuân…của ca nhạc cải lương. Bốn hệ thống bài bản, làn, điệu ấy là hơi nhạc đặc trưng của ngôn ngữ ca nhạc cải lương, có hình dáng từ các thang âm, điệu thức biểu hiện qua bậc âm: hò xự xang xê cống. Tuy nhiên, nói như thế còn khá trừu tượng bởi cách ghi nhạc xưa để chép tất cả các loại bài bản từ chèo, tuồng, cải lương thành chữ nhạc hò xự xang…Những chữ nhạc ấy, nằm cụ thể ở mỗi bài mới chỉ rõ đặc điểm phong cách âm nhạc giống như các nốt tương đương: đồ rê mi…những bản nhạc từ Tây sang Đông đều ghi đồ rê mi… nhưng do quy luật cấu trúc các quãng giai điệu đã hình thành những bản nhạc khác nhau. Mỗi bản nhạc có nội dung, đặc điểm riêng, khi liên hệ vào làn, điệu, bài bản cải lương dựa trên năm âm: hò xự xang xê cống, theo quy luật cấu trúc thang âm, điệu thức có giai điệu riêng. Nếu đàn ca các điệu lý trong vốn ca nhạc cải lương, những điệu lý thường kết thúc ở hò và xang, còn đàn ca những bài bản kết ở âm hò và lứu (có 15 bản kết ở hò và lứu), có năm bản kết ở xang. Riêng 10 bản Tầu, hơi nhạc Quảng kết tự do. Đó là đặc trưng ca nhạc cải lương, nếu diễn tấu sai những bậc âm ca nhạc cải lương sẽ không được chấp nhận. Từ những đặc tính ngôn ngữ, bậc âm, ca nhạc cải lương có những tính chất vui, buồn, bi ai, hùng tráng, trang trọng…Ca nhạc cải lương tồn tại, phát triển cùng sức sống sân khấu cải lương, là một quá trình hình thành, phát sinh, phát triển tạo thành bốn đặc điểm ca nhạc sân khấu cải lương:

- Tính tự sự trữ tình

- Cái bi

- Cái hài

- Chất anh hùng ca

Ba đặc điểm ca nhạc cải lương hình thành từ vốn làn, điệu, bài bản ca nhạc tài tử, cải lương. Nhưng khi tách khỏi ca nhạc tài tử, lên sân khấu cải lương, ca nhạc cải lương đã hình thành bốn đặc điểm ca nhạc cải lương. Bốn đặc điểm ấy nằm rải rác trong ca nhạc tài tử chưa rõ tính chất, chưa được quan tâm. Riêng cái hài người ta hay nhận ra ở kịch bản thông qua các nhân vật hài như hài mặt trắng, hài đeo râu, còn âm nhạc hài ít thấy. Bằng cảm nhận sân khấu trực tiếp, công chúng thường nhận thấy những đặc điểm ở kịch bản là cảm giác qua các số phận nhân vật, còn âm nhạc cảm nhận rõ nhất là hai đặc điểm: tính trữ tình và bi thương. Cái bi thương dễ tác động nhất tới những bài ca, người ca hay làm nao lòng người rơi nước mắt. Bốn đặc điểm ca nhạc cải lương, làm phong phú tính chất ca nhạc cải lương, góp phần điều chỉnh lại từng tính chất ca nhạc. Nhưng trên sân khấu cải lương thường diễn ra một đặc điểm nổi bật hơn cả là cái bi ai, bi thương, sướt mướt, não nề, ảm đạm, vì thế cải lương thường bị coi là thứ âm nhạc mùi. Chất mùi xử dụng đúng liều lượng có tác dụng tích cực ca ngọt mùi, bằng không sẽ có tác dụng tiêu cực tới thẩm mỹ công chúng.

Đặc điểm (Particular Treit), một nét làm nên diện mạo sự vật, một hiện tượng. Đặc điểm là những nét tiêu biểu chỉ rõ bản chất một hiện tượng, một sự vật, đó là đặc điểm, không có đặc điểm không thể nhận biết được điều gì. Đặc tính (particularity) là những nét, hoặc một nét riêng, mang tích chất riêng, nên gọi là đặc điểm chỉ những đặc tính bao trù của ca nhạc cải lương. Tính bao trùm ấy là: trữ tình, bi, hùng, hài. Mỗi đặc điểm khi mới hình thành như một yếu tố trong bản nhạc, lúc hoàn chỉnh sân khấu cải lương tuỳ từng giai đoạn, mỗi đặc điểm âm nhạc nhấn mạnh tính chất này, coi nhẹ tính chất đặc điểm kia.

Đặc điểm tự sự trữ tình, là loại âm nhạc kể chuyện nằm ở hầu hết các làn, điệu, bài bản cải lương, còn là đặc điểm ca nhạc Á Đông, nhạc Việt Nam. Ca nhạc cải lương là một nét phản ánh đặc điểm chung, chất nhạc tự sự trữ tình có trong các bản nhạc cải lương. Dưới đây là điệu Lý ngựa ô Nam, nói lên nỗi buồn, tự sự âu lo, lời ca cổ:

Thân thiếp cút côi từ thủa mười hai

Nhờ ơn cô mẫu nuôi dưỡng bấy nay

Nghề canh cửi sinh nhai, cô mẫu lâm bệnh nguy vong mạng

Còn một thiếp ở dương trần, đang khốn khổ vô ngần.

Còn chàng, trộm nghe dòng tâm sự thở than, lòng thiếp xốn xang

Sống bơ vơ trơ trọi một mình, đồng cảnh, đồng tình

Khiến lòng đây ái mộ, muốn bày can tâm tư.

Đây là một điệu lý ngắn có tính tự sự tâm trạng, nếu đi vào bài bản chất tự sự càng cao, qua bản Văn Thiên Tường có đoạn:

Vì tình kia cái thân xanh xao đắng cay

Thương thay dương khí gian truân

Bâng khuâng trong lúc chia tay, thiếp yểm luỵ nhỏ cùng chàng

Cùng vì cảnh tình nhà hàn vi

Nên mới sinh ly, khi xa nhau nắm tay dặn dò

Đến lúc đắc lộ chàng có nghĩ tới chút tình tào khang

Tay dâng chén vàng hôm nay

Khuyên lương nhân vững vàng ruổi rong lần bước sang Tần…

Nếu lời tự sự ở điệu lý kể về nỗi lòng mình côi cút sẻ chia cùng người, thì đến bài bản không còn là sự đơn côi mà lời ca tâm trạng ngậm ngùi, đắng cay rơi lệ, càng đi sâu bộc bạch nội tâm tình cảm nhân vật một tâm trạng lớn. Một nỗi đau không sao kể hết. Tính tự sự trong bài bản cải lương có nhiều cung bậc khác nhau, mỗi bản nhạc một sắc mầu tự sự ngắn, dài, trữ tình nhẹ nhàng, vấn tâm, man mác buồn thương, oan khuất, đắng cay bi thương, hoài niệm… Dù là tự sự tâm trạng, có bài nhỏ, bài lớn, có bài khoan thai nhàn tản, bài lại gấp gáp, nao lòng, bi ai, quằn quại, quyết liệt, gay gắt. Tính tự sự trong vốn bài bản nhiều cung bậc, có bài chỉ để bộc lộ tâm tư, có cả những bài trữ tình duyên dáng. Bài Lý cây bông, lời ca trong sáng như một bức tranh đẹp muôn hoa khoe sắc.

Bông xanh bông trắng bông vàng

Bông lê bông lựu đố nàng mấy bông

Một bản dân ca Nam Bộ vào cải lương đằm thắm, ngọt ngào đầy chất tự sự trữ tình tươi tắn, lạc quan như những tâm hồn tuổi trẻ, như tình yêu chớm nở của những bông hoa tươi thắm đầu cành.

Ca nhạc cải lương đẹp lắm sao, đâu chỉ có khổ đau sướt mướt, có cả chất tình ca bay bổng tinh khôi như hoa mua ngát trời, tím ngập đồi quê vương chút hương tình bâng khuâng kỳ thú. Bài bản, làn, điệu ca nhạc cải lương thế đó, ai chăm chút sắc màu sẽ nở bông hoa đẹp. Bên cạnh cái đẹp tình ca ấy, là bông hồng gai, cái gai sắc nhọn của cái bi trong ca nhạc cải lương, nghe nhiều sẽ làm tan nát cõi lòng, nhưng cuộc đời lại thích nhiều thứ như cuộc sống vốn có. Ca nhạc cải lương chỉ là tấm gương của hiện thực, phản chiếu tính khách quan trong tâm tưởng con người mà số phận như an bài đâu đó những cái bi.

Đặc điểm cái bi, ca nhạc cải lương giàu chất tự sự trữ tình, trong chất tự sự ấy có cái bi (tragic), là cái đau thương, làm cho người nghe qua lời tự sự các nhân vật kịch thấy thương cảm, một số phận, một quãng đời, cảnh ngộ. Cái bi ấy có lòng xót thương, bi luỵ (Sad), sự buồn thương, người nghe dễ mềm lòng rơi nước mắt vì nhân vật, đây là cái bi của cải lương. Cái bi khơi nguồn từ tính tự sự trữ tình. Tính tự sự là phương thức tái hiện đời sống của tác phẩm văn học , thi ca, kịch nói, kịch thơ, tiểu thuyết… Tính trữ tình là một tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực bằng cảm nhận chủ quan của tác giả về đời sống xã hội. Tác phẩm tự sự là sự tái hiện đời sống con người bằng tính khách quan. Tác phẩm mang tính tự sự, phản ánh đời sống con người bằng các sự kiện, biến cố, qua đó thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả. Tư tưởng tình cảm tác giả ẩn sau vào các sự kiện, bộc lộ qua hành động của các nhân vật, tác giả kể lại sự việc thông qua nhân vật để nói về những diễn biến của các sự kiện, người đọc cảm nhận hiện thực như tự nó đang tồn tại, phát triển khách quan không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn chủ quan của tác giả. Phương thức tự sự là phương thức sáng tác phản ánh hiện thực thông qua các sự kiện, biến cố, các hành động nhân vật kể lại một câu chuyện, do đó tác phẩm có cốt truyện, hệ thống các nhân vật, khắc hoạ chân dung, tính cách từ các chi tiết nghệ thuật. Còn tính trữ tình, là một phương thức của nghệ thuật thể hiện đời sống con người trước thiên nhiên, xã hội. Tính tự sự thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả bằng cách tái lại hiện thực khách quan các hiện tượng thiên nhiên, con người. Tính trữ tình trực tiếp phản ánh đời sống con người mà tác giả cảm thấy thông qua quan sát chủ quan của tác giả về môi trường thế giới xung quanh. Tự sự là tôi nói về mọi người, còn trữ tình là tôi nói về tôi. Do đó ca nhạc cải lương hầu hết là tính chất tự sự, trữ tình, bộc lộ cái tôi nhân vật, cái tôi tác giả trong một làn, điệu, bài bản cải lương.

Cái bi của làn, điệu, bài bản nằm ngay ở chất âm nhạc tự sự trữ tình. Cái trữ tình nằm ở đặc điểm ca nhạc cải lương khá phổ biến, còn cái bi chỉ xuất hiện ở rất ít điệu dân ca như điệu ru con Nam Bộ lời ca:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chầy thức đủ mười năm

Hãy nín ! đi con

Hãy ngủ đi con …

Phần lời ca này nổi bật là chất tự sự trữ tình, cái bi chỉ pha một chút tâm tư kể về công lao người mẹ nuôi con khó nhọc, chỉ một chút thoảng qua. Cái bi chưa đủ độ, cái bi phải xuất hiện ở bài bản. Bài bản nổi bật là chất bi, có thể tìm thấy bài bản nào cũng có. Bản Oán có lời ca:

… Trăm cay ngàn đắng nghĩ đến thôi càng thấy ưu phiền

Muốn cho cốt nhục vẹn tuyền

Trong cơn gia biến phải nguyền cho trọn thảo ba

Có người quen chốn sai nha

Xin mách giúp phải lo cho cha được thảnh thơi

 Mong đáp nghĩa đền ơn nuôi dưỡng.

Phần thiếp gian truân, nghĩ đến phần thái lai bĩ cực

Ai nào ngờ thiếp lại bán thân cho họ Mã

Quen thói lầu xanh, thật quả tay buôn người

Thiếp lại bặp gã Sở Khanh…

Hoặc bài Vọng cổ. Bài Vọng cổ là bài do kỹ thuật ca có thể là bi ai, bi thương ảo não, sướt mướt, nhưng lại có khi là hùng tráng chất anh hùng ca trữ tình. Còn nguồn gốc bài Vọng cổ là bài có chất bi, hoặc khi phát triển vẫn coi trọng chất bi, lời ca cổ:

Từ là từ phụ tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Đêm năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau…

Hay sau này phát triển từ nhịp hai lên nhịp tám trong vở Tô ánh Nguyệt lời ca viết năm 1940

Sau khi tôi có chết đi rồi, xin cậu chứng kiến cho tấm lòng tôi mà tỏ hết khúc nhời cho ai kia được rõ. Nỗi khổ tâm của tôi trước giờ tôi nhắm mắt.

Dưới nấm mồ xanh

Thân người bạc mệnh

Ngàn muôn năm linh hồn tôi

Hoạ chăng được tiêu tan

Khối hận chốn tuyền đài.

Tiếp theo bài Vọng cổ nhịp 16 vở Tôn Tẫn giả điên năm 1946, lời ca Uý trời đất ơi ! Nỗi đoạn trường, cũng vì tôi đây quá tin thằng Bàng Quyên là bạn thiết cho nên ngày hôm nay thân của tôi phải ra nông nỗi này.

Còn như công cuộc ngày hôm nay đây

Bởi tôi không cẩn thận

Cho nên bạn tôi nó mới đành nhẫn tâm

Chặt lấy một bàn chân tôi…

Những trích dẫn lời bài Vọng cổ từ bản Dạ cổ hoài lang có chất bi, là sự chia ly, mong nhớ đợi chờ, khắc khoải đau thương. Khi phát triển lên nhịp tám, nhịp mười sáu vẫn phát triển cái bi, cái đau thương trong tâm trạng con người trước những nỗi đời cay cực. Xuất phát từ tâm trạng con người thời đại nên cải lương chuyên khai thác cái bi trong những làn điệu, bài bản, đặc biệt bài Vọng cổ diễn tả tâm trạng lớn. Nhưng từ sau cách mạng Tháng Tám, sân khấu cải lương cách mạng phản ánh tinh thần con người thời đại mới, lời ca lại trong sáng phơi phới lạc quan, trích lời ca mới bản xàng xê:

Gió nổi lên rồi, sấm bủa chớp giăng trào sôi khắp đất nước

Miền Nam đứng lên chặn tay bầy xâm lược

Cứu nước cứu nhà giải phóng quê hương

Vì tổ quốc thân yêu…

Với lời ca đầy hào khí xung trận, chiến đấu vì tổ quốc thân yêu, bài ca không còn chất bi ai, người hát sẽ chuyển sang kỹ thuật hát chất nhạc anh hùng ca. Bài Vọng cổ lời mới cũng như vậy, lời ca:

Năm sau lửa chiến tranh lan vào xóm nhỏ

Mẹ chua xót bảo con nên tìm chốn bôn đào

Con cất bước ra đi mà lệ tuôn trào

Con đò xa bến mẹ vẫn còn…

Lời ca nói về cuộc chia ly nhưng còn niềm tin trở lại, cái tinh thần lạc quan ấy không thể hát bi luỵ tan vỡ, mà cái bi, cái đau thương mất mát còn ngời lên trong lòng mẹ, con trước lúc đi xa. Khi thời đại thay đổi, ý thức tư tưởng mới đã hướng ca nhạc cải lương từ bi luỵ, sướt mướt sang chất anh hùng ca chiến đấu, có niềm tin chiến thắng ở ngày mai. Ca nhạc cải lương trong vốn bài bản có bốn đặc điểm, tính tự sự trữ tình, cái bi, chất anh hùng ca. Mỗi tính chất khai thác theo một cung bậc giới hạn sẽ làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cải lương, góp phần xây dựng, động viên tinh thần con người thời đại. Đặc điểm cái bi xử dụng đúng liều lượng có tác dụng thẩm mỹ, hướng công chúng tới cái đẹp cao cả, cái bi có thể biến đổi thành cái bi hùng trong cải lương là một đặc tính ca nhạc cải lương làm phong phú các trạng thái tình cảm, tình huống sân khấu.

Chất nhạc anh hùng ca tìm thấy ngay trong những bản nhạc lễ, từ ca nhạc tài tử và ca nhạc cải lương. Nhờ có tính chất anh hùng ca điều chỉnh lại chất bi luỵ, đầy hơi Oán trong các bài bản cải lương. Nếu ca các làn, điệu, bài bản theo hơi nhạc chủ đạo là hơi Oán, ca nhạc cải lương như bầu trời đêm đen tối không có lối thoát, vì thế vốn bài bản, làn, điệu mới có hơi Xuân, hơi Bắc…để pha mầu ca nhạc. Ca nhạc cải lương có đặc điểm trữ tình cái bi, chất anh hùng ca, người chỉ đạo nghệ thuật pha các màu âm nhạc ấy làm lành mạnh trong sáng đặc điểm thẩm mỹ ca nhạc cải lương là thẩm mỹ của vốn âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Đặc điểm ca nhạc chất anh hùng ca, tráng ca tìm thấy ngay trong tám bản ngự, ba bản rước như Kim tiền, Bình bán vắn, Lưu thuỷ đoản…là những bản nhạc trang nghiêm, tôn kính trong các đám rước của nhạc lễ. Những bản này có chất ca nhạc mầu hồng hùng tráng, là những bản có chất anh hùng ca trữ tình diễn tả tâm trạng, tình huống lớn có các bản: Nam Xuân, Cổ bản, Nam đảo…Đây là những bài giầu chất anh hùng ca. Trích lời cổ bài Nam Xuân từ vở Kiều thanh minh của Trương Duy Toản.

Lớp một:

Thương thân người cõi trần trăm năm

Khắp chốn chân mây ai chi âm

Như Kim lang cùng Vương Thuý Kiều duyên âm thầm

Gian nan rồi, nên bạn tình thân

Nhớ xưa tiết thanh minh cỏ hoa tươi rậm

Hiệp một đoàn Đạm Thanh hành ngâm

Xem thấy có phần chạnh cảm cố cầm

Câu thi đề hương nguyện lâm râm, than thân tủi thẩm.

Lời ca tự sự thương cho Đạm Thanh người con gái phận bạc, lời bi tráng, không phải bi ai bởi chất Nam Xuân, hơi nhạc có nét vui tươi trong sáng. Một bài Nam Xuân lời cổ có ý trách móc chồng, công thành danh toại phụ bạc vợ hiền. Lời ca tự sự, tâm tình:

Nhớ khi xưa những lời ước nguyện trăm năm

Chữ nghĩa nhân bởi tri còn

Son sắt nguyền vẹn nghĩa lời vàng

Dẫu nguy nan vẫn trọn niềm tào khang

Sao không nhớ thủa đôi ta bần hàn

Bởi quân tham tàn khiến dân mình lầm than…

Qua bài trích đoạn lời ca, có chung một đặc điểm giống nhau chất tự sự tâm tình, cảm thông, trách móc, thương thay cho một kiếp người. Dù ở đâu, cũng gặp cảnh tai ương, buồn thương, đó là tâm trạng người trong cuộc, nhưng lời ca có chất trang nghiêm, nén chịu. Chất nhạc hơi Xuân cùng lời ca tự sự, tâm tình, bản nhạc có chất xuân tươi sáng, kính cẩn hơn là cái bi, đó là những lời ca các tác giả viết cho những vở cải lương ở vào giai đoạn 30 - 40 năm trước của thế kỷ XX. Thời kỳ này ca nhạc cải lương ngập chìm trong đám mây mù của chủ nghĩa văn học lãng mạn, ở đâu cũng nghe những bài ca sâu thẳm, nước mắt nỉ non, nhưng đưa hơi Xuân vào là để bản nhạc trong sáng hơn.

Chất âm nhạc hùng tráng mạnh mẽ của các hơi Xuân, hơi Bắc, hơi Nam trong những bài ca mới hoàn toàn là chất anh hùng ca trữ tình, trong sáng mạnh mẽ cương quyết. Nếu những lời ca cổ như hai đoạn trích dẫn trên, dù là hơi Xuân, thì lời ca vẫn đượm buồn, người ca không thể ca mạnh mẽ, sang sảng chất anh hùng ca trữ tình trong sáng lành mạnh. Người ca có ca hơi Xuân vẫn có phần trong sáng, man mác đượm buồn mới đúng tâm trạng của những câu ca: nguyện lâm râm, than thân, tủi thầm, hoặc sao nhớ thuở đôi ta bần hàn?…Những lời ca mới đầy khí thế bản Nam xuân vở Bông sen trắng, kịch bản Phi Hùng:

Dật:                  - Sợ ai vừa trách hờn, vừa thương nhớ người ta

Liên:                 - Nhưng tôi đâu phải là kẻ bán hoa

Để ông tìm cách nói gần nói xa

Dật:                  - Tôi biết thân tôi như cánh chim trời phiêu bạt

Đang khát khao một tổ ấm một ngôi nhà…

Một ánh mắt đậm đà

Một tiếng nói dịu hiền như lời ai ca

Liên:                 - Ông là khách mua hoa, sao ban đêm lại vào quán rượu

Dật:                  - Vì tôi muốn tìm thêm vị đắng men nồng

Như Lưu Nguyễn thoát trần ngày xưa

Để sưởi ấm cuộc đời giá lạnh…

Trên đây là những lời ca đối thoại tay đôi, có tính đối ca, song ca nam nữ diễn ra trên sân khấu cải lương, điệu Nam xuân vẫn mang tính chất tự sự, trách móc, nhưng đầy chất đối thoại, chất âm nhạc nghiêm trang, dứt khoát, khẳng định những điều mong muốn, chất tự sự tâm trạng của nhân vật. Ca nhạc bản Nam xuân trong lời ca mới không đượm buồn, dù lời ca còn chút cô đơn, nhưng đã khẳng định, một nghị lực, một lối sống đã quen rồi mọi buồn thương tủi hận để vươn lên. Câu kết của lớp Nam xuân đã hé mở tình cảm mới:

Dật:                  - Để lòng này hết cô quạnh bơ vơ

Để tôi thả hồn thơ chìm trong điệu nhạc

Để không còn nghe ai hát trách người ta

Liên:                 - Anh ! ( thoại)

Dật:                - Bạch Liên - Tay em hơi lạnh

Lời ca lớp này, mới hoàn chỉnh bài Nam xuân, cái hoàn chỉnh của hơi nhạc Xuân, là lời ca hoà vào giai điệu âm nhạc để “không còn nghe ai hát trách người ta”. Một câu kết bài ca tươi sáng như hơi nhạc Xuân và đoạn đối thoại sâu sắc, chứng minh cho lớp ca trách móc, lầm lẫn đến lúc nhận rõ người yêu là vui mừng, lạc quan tươi sáng. Đó là chất âm nhạc Nam xuân, mà những bài lời ca cổ trích dẫn ở phần trên, các tác giả để bài Nam xuân ở dạng kết lửng, nên trách móc có tính buồn thương, le lói một ánh sáng của chất nhạc hơi Xuân tươi sáng một phần, chưa sáng hẳn như bản Xuân của Phi Hùng. Đó là giá trị xử dụng những bản Xuân trong người sáng tác, có thể gia giảm chất hùng tráng, hoặc bi tráng, hay man mác Xuân đượm buồn. Về cơ bản, chất Xuân là trang nghiêm trong sáng, nhưng xử dụng của tác giả và người ca tuỳ thuộc vào tính chất của vở diễn. Chất nhạc hùng tráng có trong những bản nhạc lễ, bản ngự… là những bản ngắn, đến những bản dài như  Nam xuân, Nam đảo… Những bài bản lớn đầy chất anh hùng ca, tráng ca, tự sự trữ tình đặc điểm của vốn ca nhạc tài tử, cải lương sẵn có: chất trữ tình, cái bi, chất anh hùng ca. Còn cái hài hầu như không có, chỉ có yếu tố hài ở một vài bản ngắn do cách diễn của người đàn ca. Người đàn ca làm méo mó giai điệu, tiết tấu, đặc biệt đặc tả trong lối ca cường điệu như đảo phách, giật cục, gây cười cùng với lời ca đầy chất hài hước. Nhìn chung chất ca nhạc hài không có trong vốn ca nhạc cải lương, nhưng xuất phát từ đặc điểm sân khấu cải lương mà âm nhạc có bốn đặc điểm: trữ tình, bi, hùng, hài. Cái hài tạo ra trong âm nhạc cải lương từ hai phía: một là nghệ thuật ca cường điệu, nhại lại tiết tấu, làm méo mó giai điệu âm nhạc, cùng với lối diễn ngoại hình, có lời ca hai hước, hai là các nhạc sĩ sáng tác nhạc hài, nhạc công diễn tấu cường điệu nét nhạc gây hài. Chất hài đã trở thành một đặc điểm của ca nhạc, sân khấu cải lương.

Hài là một nhu cầu đời sống tinh thần của con người, trong nghệ thuật cái hài luôn đi cùng cái chính thống, bên cạnh cái nghiêm túc như đích thực, lại cái khôi hài như trò đùa. Cái hài trong sân khấu bất kể thể loại nào cũng có, riêng kịch hát dân tộc chèo và cải lương, cái hài trở thành sự đối sánh có những nhân vật trung, nịnh, nữ chín, nữ lệch phải có các vai hài. Diễn viên cải lương Bắc chỉ có số ít vai hài nổi từ xưa như Phan Ninh… Ngày nay, cải lương Bắc không có diễn viên hài, hoặc các danh hài, dù trên sân khấu cải lương thường xuất hiện hai loại hài, hài mặt trắng, hài bôi râu. Hài mặt trắng pha trò là những bài học răn đời rút ra những bài học thực tiễn cuộc sống giúp mọi người sửa mình hướng tới điều tốt đẹp. Hài mặt trắng là hài chính, không chọc cười vô thức, luôn ứng xử vừa phải trong các tình huống. Hài bôi râu, hình thức xấu, dị thường từ trang phục đến nét mặt, nhìn đã buồn cười. Hài bôi râu, hơi quá khích, cường  điệu trong mọi tình huống ứng xử, chọc cười vô thức, gặp đâu cũng pha trò làm xôn xao, náo động sân khấu. Hài mặt trắng, hoặc hài bôi râu đều là hài, nhưng mức độ pha trò mỗi loại hài có khác nhau. Nhìn chung hài là đả phá cái xấu của cá nhân, hoặc xã hội, nhưng hài cải lương ứng xử vừa phải là một tuyến nhân vật làm cân bằng lại chất bi luỵ, hoặc quá nghiêm nghị hùng tráng, có thêm tiếng cười làm vui lòng công chúng, để khẳng định thêm cái đẹp cao cả đáng khích lệ, phê phán cái xấu để răn đời, răn người. Hài cải lương có nhiều cách ứng diễn, nhưng không sâu sắc như hài chèo, không có những lớp diễn riêng cho hài. Hài cải lương có hai hình mẫu nhân vật, mặt trắng và bôi râu, nhưng chỉ xuất hiện một trên sân khấu.

Sân khấu cải lương Nam từ xưa có hàng chục diễn viên hài nổi tiếng như: Sáclốt Miều, Năm Nở, Sáu Thoàng, Ba Thiềng, Hai Nuôi, Chín Phót,…Sang những năm đầu thế kỷ XX, các nhóm hài miền Nam có cả gần 60 diễn viên hài lừng danh như Bảo Quốc, Bảo Chung, Thanh Dung… đến lớp trẻ: Hề Gần, Chiêu Tuấn, Văn Thành, hề Dừa, Thanh Hoàng, hề Lạc, Lý Thanh, Đức Tài…

Chất hài, các vai hài, diễn tả tiếng cười, có ba nguyên tắc gây cười:

- Tình huống gây cười

- Ngôn ngữ gây cười

- Hành động ngoại hình gây cười

Dựa trên ba nguyên tắc ấy, người viết truyện cười, diễn viên diễn các vai hài đã khai thác các tình huống gây cười làm rung chuyển cả sân khấu. Nguyên tắc tình huống gây cười nằm ở hình thức kết cấu câu chuyện cười, đó là nguyên tắc viết truyện cười, còn người diễn viên trong diễn xuất biết tạo tình huống bất ngờ trong diễn xuất. Tình huống gây cười trong kết cấu câu chuyện, là các tình huống bất ngờ trong kết thúc chuyện. Ngày nay, nhiều chuyện tiếu lâm gây cười ở các yếu tố tình huống. Có người kể rằng một nhà buôn hỏi chồng cho con gái cưng. Cha nói: ở nhà bên có ông thuế vụ nhiều tiền lắm ! con gái trả lời: Nó đi suốt ngày đêm làm được gì. Cha lại hỏi, có một anh tiến sĩ học rộng, tài cao? Thằng ấy, suốt ngày cạo giấy, bõ bèn gì. Thế con đã định ai ? Con lấy anh đạp xích lô! Vì sao? Vì anh ấy nhảy lên là đạp ngay. Cái yếu tố bất ngờ “ hạ đẳng” của con gái nằm ngoài sự mong đợi của người cha, là tiếng cười, tạo ra tiếng cười thật hài hước, chua cay. Còn ở diễn viên, họ tạo tiếng cười bằng tình huống bất ngờ ở nhiều trạng thái đang nói chậm bỗng nói như gió cuốn ào ào, đang nói nhỏ, quát to lên, nói nhầm, nói lắp…họ đang đi bỗng vấp ngã, đang lao đầu chạy, bỗng dừng lại đâm sầm vào bạn diễn…Các tình huống ứng diễn từ tình cảm đến ngôn ngữ âm thanh, và hành động ứng xử…đều tạo ra tình huống bất ngờ gây cười.

Cười dựa vào yếu tố ngôn ngữ, người viết truyện đưa ra một xê ri các loại tên như: người ở gần đi Hon đa, ở xa đi Ka rô sa, Tôyôta…, về ngồi ăn trông nhau mà gắp, phù hộ cho nhà ta còn hàng xóm thì kệ cha chúng nó, Hoặc vẫn lời hài của Trần Trí Trắc trong Tùng lò gạch có đoạn: tôi làm nghề tôi luỵên con người: hàng ngày đưa vào lò tôi cắt, tôi chặt, tôi nung, tôi đập…Người diễn viên khi diễn sử dụng ngôn ngữ nói thông qua vốn từ với sự biểu cảm gây cười, một cái cười vui, xua tan mọi nỗi ưu tư.

Hình thức cười hành động ngoại hình, là của các vai hài, từ hoá trang, phục trang, đến dáng đi, lời nói biểu hiện dị thường để gây cười. Cái cười của cải lương, các vai hài có một số diễn viên thường diễn ngoại hình sử dụng cơ mặt, ánh mắt, đôi tay, dáng đi bất thường. Mai Thanh Dung hay sử dụng ngoại hình ở đôi tay, diễn tả hành động như một thứ ngôn ngữ biết nói. Nghệ sĩ Ngọc Dầu diễn hài ngoại hình. Hài cải lương có loại diễn bằng ngôn ngữ ngoại hình, có người diễn bằng hành động nội tâm. Từ cái hài độc đáo chiếm vị trí quan trọng trên sân khấu, buộc phải có cái hài trong ca nhạc cải lương. Cái hài của ca nhạc cải lương là cái hài nằm ngoài vốn làn, điệu, bài bản diễn tấu nhạc, do diễn viên hài hát “nhạc chế”, thành cái hài. Chất âm nhạc hài là một tiếng cười không thể vắng mặt trên sâu khấu cải lương, góp phần làm phong phú đặc điểm ca nhạc cải lương. Chất âm nhạc hài đồng diễn cùng diễn viên, hay độc diễn là một sự phong phú mô tả tình huống sân khấu cải lương. Bốn đặc điểm âm nhạc: trữ tình, bi, hùng, hài là sự phát triển ca nhạc cải lương trong quá trình tồn tại sân khấu cải lương, góp phần diễn tả kịch bản, tính cách nhân vật. Bốn đặc điểm ca nhạc cải lương làm cho sự diễn tả sâu sắc các đặc điểm sân khấu, có giá trị tình cảm, xúc cảm công chúng. Sân khấu cải lương luôn đáp ứng sở thích người hâm mộ ở các góc độ tình cảm, nhiều hình thức sân khấu khác chưa thể có. Đây là sự độc đáo của cải lương, nhờ đó phát triển tới nhiều loại đối tượng công chúng, có thể thấy những giá trị độc đáo của ca nhạc và nghệ thuật cải lương:

- Hình thức ca nắn chữ để thay đổi tính chất thang âm điệu thức âm nhạc.

- Ca chắp điệu, tân cổ, tiếp nhận các hình thức nghệ thuật hiện đại nhất, model nhất vào ca nhạc, sân khấu cải lương.

- Đáp ứng mọi sắc thái tình cảm thẩm mỹ: tự sự trữ tình, bi, hùng, hài.

Những đặc điểm độc đáo của ca nhạc, nghệ thuật cải lương, là lý tưởng thẩm mỹ sân khấu cải lương, đáp ứng công chúng mọi thời đại. Tính độc đáo nằm ở đặc điểm những bản nhạc hát cải lương là tính độc đáo trong bốn đặc điểm khí nhạc cải lương, có mối quan hệ cùng diễn tả nội dung sân khấu.

 

2. Chức năng khí nhạc sân khấu cải lương.

Khí nhạc, còn gọi là nhạc đàn, loại nhạc không có lời, trong nền âm nhạc chuyên nghiệp, các nhà lý luận cổ điển và giới lý luận âm nhạc xưa nay thường quan niệm những tác phẩm khí nhạc mới đích thực là âm nhạc. Quan niệm này, xuất phát từ nguyên lý cấu trúc âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, qua âm thanh giai điệu diễn tả sâu sắc, tinh tế những cảm xúc con người trước thiên nhiên và xã hội. Những tác phẩm khí nhạc hoàn toàn diễn tả nội dung tác phẩm tư duy âm thanh âm nhạc, còn những bài hát…ngoài giai điệu âm thanh đã có lời ca phù hoạ làm sáng tỏ chủ đề, nội dung. Người ta thường phân chia nền âm nhạc chuyên nghiệp là những tác phẩm khí nhạc, còn một nhạc sĩ suốt đời chỉ có ca khúc nổi tiếng vẫn là thứ âm nhạc quần chúng. Tuy nhiên, các nhạc sĩ: Mô za, Bethoven, Mendenson, Stravinski, Đơvôrắc…có sáng tác bài hát, nhưng sự nghiệp âm nhạc chính của họ là những bản giao hưởng đồ sộ. Do điều kiện dân trí, sự phát triển khí nhạc ở nước ta còn nhiều hạn chế, dòng ca khúc được coi là nền âm nhạc chuyên nghiệp chính thống, ai cũng viết ca khúc, còn rất ít nhạc sĩ có tác phẩm khí nhạc, nếu có thì sự nghiệp khí nhạc của nhiều nhạc sĩ cũng không lớn. Trước xu thế âm nhạc thị dân hiện đại, ca nhạc nhẹ là âm nhạc đại chúng đang thắng thế trên toàn cầu, các nhạc sĩ viết khí nhạc càng mờ nhạt. Trong vô vàn các ban nhạc nhẹ: Bock treetBoys, Thewall, Moffatts, Therolling Stone, Gunnrose, JaneAddition…trên thế giới chỉ có một ban nhạc biểu diễn những tác phẩm khí nhạc nổi tiếng của các cô gái ban nhạc Born Born. Dù trong hoàn cảnh nào, những tác phẩm khí nhạc bao giờ cũng là nền âm nhạc chuyên nghiệp, đó là âm nhạc đích thực, cấu trúc bằng ngôn ngữ âm thanh diễn tả nội dung tác phẩm. Do đó, những mảng khí nhạc của âm nhạc sân khấu cải lương, có vị trí quan trọng là những phần âm nhạc độc lập, diễn tả nội dung sân khấu. Những mảng khí nhạc ấy, lúc hình thành sân khấu cải lương đã có, nhưng không do các nhạc sĩ sáng tác mà nằm ngay ở phần diễn tấu các làn, điệu, bài bản. Đó là những phần hoà tấu giai điệu âm nhạc không có lời ca, những câu nhạc lưu không, những chỗ ngừng nghỉ của ca, dàn nhạc tự hoà tấu như những khúc dạo để diễn viên diễn…

Khí nhạc sân khấu cải lương lúc mới hình thành là những yếu tố khí nhạc xuất phát từ những giai điệu làn, điệu, bài bản. Khí nhạc còn là phần rất phụ, phần nhỏ bé như là thêm vào những đoạn phụ hoạ, còn diễn tấu chủ đạo của dàn nhạc là đệm cho ca, không phải hoà tấu dàn nhạc. Sân khấu cải lương lúc mới ra đời chưa có khí nhạc diễn tả độc lập, dù có hoà tấu dàn nhạc vẫn là đánh giai điệu của những bài ca. Khi mới ra đời sân khấu cải lương có nhạc mở màn, kết thúc chào khán giả, những ban hát thường mở màn bằng những bài ca chào khán giả, kết thúc lại hát bài hát ấy. Những năm cải lương diễn tuồng Tây, có nhạc mở màn, kết thúc chào khán giả bằng hai hình thức, có ban hát sử dụng những bài hát Pháp mở màn, nhưng không cho diễn viên đứng hát, mà hoà tấu dàn nhạc bằng bài Mardolon, điệu vall…kết thúc, hoặc nghỉ giải lao. Những nhân tố khí nhạc trên sân khấu cải lương xuất hiện đầu tiên từ  những câu nhạc lưu không của làn, điệu, bài bản, cho các nhạc công hoà tấu thêm vào, kéo dài, nhắc lại, đỡ cho người diễn viên khi ca, lúc chuẩn bị chuyển làn, chuyển lớp diễn…Nghĩa là những hình thức khí nhạc đầu tiên của sân khấu cải lương xuất phát từ bài ca, người ca, cần trợ giúp họ lấy hơi, lấp chỗ trống để họ dọn giọng, chuyển làn, chưa có ý thức về sự diễn tả một ý đồ nội dung sân khấu. Khi diễn kịch Tây, người soạn tuồng đã ý thức, có nhạc mở màng (Uvectua) theo hình thức nhạc kịch Pháp có nhạc mở màn, kết thúc vở. Nhưng mới chỉ ý thức là phải có khí nhạc dạo đầu, kết thúc vở cho ra vẻ sân khấu bác học theo kiểu kịch phương Tây, chưa ý thức được phần âm nhạc ấy có nội dung diễn tả như thế nào theo nội dung vở diễn, nên mỗi ban hát làm một kiểu. Có ban cứ mở đầu hát một bài hát Pháp vì diễn tuồng Tây, kết thúc cũng bài hát ấy, dù vở nào cũng chỉ hoà tấu khí nhạc như thế. Còn những ban diễn tuồng Tầu, tuồng Việt, cứ hát mở đầu bằng bài hát kể về ban hát mình và kết lại hát bài “quốc ca” của ban. Sang giai đoạn diễn tuồng Tầu, tuồng Tây từ năm 1930 - 1940, nhiều ban hát bỏ lối hát mở đầu, thay vào đó là hoà tấu dàn nhạc. Hoà tấu một bài, hoặc một đoạn chào khán giả, sau đó mở màn giới thiệu vở diễn. Hà Nội năm 1935, 1940, Ban Tây Thi thường mở đầu bài ca: Kính mời quý ông, quý bà đến xem ban Tây Thi…Những hình thức nhạc mở màn, kết thúc vở không vì vở mà vì thương hiệu của ban hát, hoặc vì sở thích công chúng mà hát, hay hoà tấu những bản nhạc Tầu, nhạc Tây mời chào công chúng, chạy theo mốt thời trang, không xuất phát từ nội dung sân khấu. Vào vở diễn, phần khí nhạc xuất hiện có nội dung, nhưng thường xuất hiện những cảnh chiến đấu, đánh võ, sử dụng bộ gõ. Diễn tuồng Tầu sử dụng thanh la, tiu, chũm choẹ, gõ ầm ĩ, diễn tả sự ồn ào trận đánh, hoặc những cú đánh võ, sử dụng chũm choẹ đánh xoảng một cái thì Bàng Đức lăn ra trong lớp Quan Công Thuỷ chiến Bàng Đức, hoặc Trương Phi thét lên vừa dứt thì xoảng một cái…Những cảnh ấy, đã có khí nhạc, diễn tả một phần nội dung nhưng chỉ là tuỳ hứng của nhạc công như những quy định riêng của mỗi người, không phải là những đoạn hoà tấu dàn nhạc, hoặc có chủ ý viết nhạc diễn tả nội dung. Nên có những ban hát diễn tuồng Tây, cứ tấu những bản nhạc Tây: nhảy vall, nhảy tuýp…Không cần đến nội dung vở diễn, vở nào cũng hoà tấu một bản nhạc nhiều người yêu thích là thành công. Vào thời ấy, khí nhạc cải lương là thế, công chúng chỉ hâm mộ như thế, nhưng dù sao sân khấu cải lương đã cần thiết phải có khí nhạc diễn tả nhiều tình huống sân khấu. Lúc đầu, các thày tuồng đã thấy tầm quan trọng của khí nhạc có chức năng:

- Chuẩn bị dọn giọng, “lấp chỗ trống”, chuyển hơi, chuyển làn cho diễn viên diễn lớp mới.

- Nhạc mở màn, giúp vui, nhảy múa, kết thúc vở chào khán giả.

- Nhạc diễn tả hỗ trợ cho diễn viên ở các tình huống căng thẳng, quyết liệt như các pha đánh võ, đánh trận, gây không khí cho công chúng hồi hộp, lo âu…

Từ thực tiễn sân khấu, các thày tuồng là những người dựng vở đã thấy được vị trí quan trọng cần có phần khí nhạc diễn tả trên sân khấu cải lương. Sự phát huy quan trọng ở bước thứ ba là nhạc diễn tả, hỗ trợ đồng diễn cùng người diễn viên, tạo tình huống tính kịch căng thẳng, quyết liệt của sân khấu mà âm nhạc diễn tả đắc lực cho cảm xúc người xem. Đây là chức năng quan trọng đặc biệt của khí nhạc sân khấu, khí nhạc cải lương. Phần khí nhạc trên sân khấu từ chỗ vô thức đến ý thức do thực tiễn sân khấu đã tạo ra ba chức năng hỗ trợ sân khấu và người diễn viên.

Chức năng đầu tiên của một số nhạc khí tạo nền dạo nhạc đưa hơi, nhờ có đưa hơi người diễn viên mới chuyển hơi, chuyển làn, từ điệu nọ qua điệu kia không lạc giọng, chênh phô. Phần nhạc dạo lấy hơi, có vị trí quan trọng, tạo cảm giác chuẩn bị cảm xúc cho người nghe, còn dẫn người ca vào đúng nhịp, đúng làn, điệu, bài bản. Chức năng dọn giọng không phải lấp chỗ trống, mà là sự ngưng nghỉ của âm nhạc dẫn cảm xúc công chúng đến những ấn tượng âm nhạc mới. Đó là nhạc chuẩn bị những tình huống tình cảm, những lớp diễn tâm lý mới của vai diễn. Nhờ có âm nhạc tăng thêm cảm xúc cho diễn viên, hướng công chúng đồng cảm với xúc cảm của người diễn viên về nhân vật cải lương.

Chức năng nhạc mở màn, chuyển cảnh, nhảy múa giúp vui, kết thúc chào khán giả, là những lớp nhạc lắp ghép những bản nhạc ở ngoài vào vở diễn. Có ông thày thích Mardolon, thì vở nào khi chuyển cảnh cứ tấu lên, hoặc cứ đánh điệu vallse Po Đa Nuýp, hoặc vall Sopanh…kết thúc cần gây không khí hoan hỷ, chào khán giả phấn chấn, rộn ràng. Những ý nghĩ ấy, là sự nhận thức chức năng khí nhạc đầu tiên của sân khấu cải lương về sự diễn tả bằng ngôn ngữ nhạc không lời, còn mạnh hơn cả lời ca. Chức năng thứ ba, khẳng định vị trí của khí nhạc đi sâu vào chi tiết vở diễn, các tình huống sân khấu. Đó là sử dụng bộ gõ diễn tả tình huống, trạng thái tình cảm, biểu hiện ở những trận đánh, ở những trạng thái tình cảm lo âu, hồi hộp, sợ hãi…Đây là bí quyết của diễn tả khí nhạc sân khấu, có tính đặc tả cao.

Thực tiễn sân khấu cải lương, do tập thể nhạc công, diễn viên, thày tuồng, công chúng đã từng bước phát hiện ra vai trò, chức năng của khí nhạc trên sâu khấu cải lương. Đây là những quan niệm khí nhạc của cổ nhân vào những giai đoạn đầu ra đời, phát triển sân khấu cải lương. Những quan niệm khí nhạc ấy, tạo đà phát triển cải lương ngày một hoàn chỉnh, vững mạnh của sân khấu cải lương. Sự phát triển khí nhạc cao, có ý thức tư duy sáng tác khí nhạc mang nhiều chức năng, là những tác phẩm khí nhạc quan hệ chặt chẽ, diễn tả sân khấu cải lương.

2.1. Mỗi quan hệ khí nhạc với sân khấu.

Sau hoà bình lập lại năm 1954, sân khấu cải lương hai miền Nam Bắc có những mức độ phát triển khí nhạc khác nhau, nhưng vai trò khí nhạc là chủ đạo diễn tả tình cảm nhân vật, tình huống sân khấu. Quan niệm chức năng khí nhạc sân khấu cải lương đã thay đổi, cải lương Bắc sau hai năm chỉnh huấn, cải tạo các đoàn sân khấu tư nhân vào tập thể, là cuộc cách mạng khoa học trong nghệ thuật. Các diễn viên thuộc kịch bản, diễn có đạo diễn, hoà nhạc theo tổng phổ, bỏ lối diễn tấu tòng theo giai điệu tuỳ hứng của nhạc công. Đây là cuộc đổi mới sân khấu, đổi mới lối sống và quan niệm nghệ thuật. Sân khấu cải lương Cách mạng XHCN dần dần xa rời quan niệm cả đoàn dựa vào một, hai diễn viên ngôi sao. Những vở diễn mới lấy nghệ thuật biểu diễn đưa lên hàng đầu, từ vai phụ đến vai chính diễn nội tâm sâu sắc, không lấy nghệ thuật ca, diễn ngoại hình để câu khách. Mỗi diễn viên xác định rõ nhiệm vụ quan trọng của mình trên sân khấu, không còn cảnh ăn theo diễn viên ngôi sao, nghệ thuật đồng diễn tập thể nhằm thể hiện nội dung chủ đề tác phẩm, đem đến công chúng hướng thẩm mỹ mới. Những quan niệm mới này có phần đúng, nhưng bỏ diễn viên ngôi sao, hoặc coi thường họ sẽ là sai lầm. Kịch hát dân tộc phương Đông và tuồng, chèo cần có những diễn viên ngôi sao và siêu sao. Trong nhiều nguyên nhân vắng khách của sân khấu cải lương, có một nguyên nhân thiếu diễn viên ngôi sao. Những ai chủ trương loại bỏ diễn viên ngôi sao sẽ làm mất sân khấu cải lương, việc nâng cao nghệ thuật diễn là đúng, nhưng cần có các ngôi sao. Từ chuyển biến nghệ thuật diễn, nghệ thuật âm nhạc nhận thức đầy đủ vị trí, chức năng từng bài ca, từng câu nhạc quan hệ tới kịch bản và sự diễn tả sân khấu. Ca nhạc, khí nhạc không còn là giúp vui, chào khán giả như thông lệ hình thức của sân khấu cải lương cũ. Ca nhạc có quan hệ tác động vào nghệ thuật diễn, tác động tới sự diễn tả sân khấu.

Những thay đổi trong quan niệm ca nhạc sân khấu cải lương về chức năng thể hiện, diễn tả không nằm ngoài yêu cầu ba chức năng đã kể ở trên. Nhưng những thay đổi, có tính đổi mới quan niệm về âm nhạc là thiết thực, trực tiếp quan hệ với sân khấu. Âm nhạc không còn là gây không khí ầm ĩ, lấp chỗ trống, mà âm nhạc xuất hiện có nội dung gắn với vở diễn. Nhạc mở màn không phải là giúp vui, nhảy múa lấp vào những khoảng trống để giải lao, chào khán giả một cách hình thức. Từ âm nhạc đến nhảy múa diễn ra theo yêu cầu nội dung vở diễn, không chạy theo công chúng để có những bài hát, điệu múa ở ngoài vở diễn không có nội dung. Âm nhạc, nhảy múa không phải là giúp vui mà có quan hệ chặt chẽ với nội dung vở diễn. Những quan niệm mới về các môn nghệ thuật phụ trợ không còn là trang sức cho sân khấu, mà đồng diễn tả nội dung, hình tượng tác phẩm. Từ năm 1958 đến năm 1960, cải lương Bắc có những vở diễn thử nghiệm đầu tiên về những quan niệm mới trên sân khấu cải lương thành công. Đoàn cải lương Kim Phụng vở Tình bạn, tác giả Nguyễn Bắc, âm nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Chuyện cũ Cổ Loa của Hoàng Luyện, Phan Ninh, âm nhạc Ngọc Thoại. Đoàn cải lương Hoa Mai vở Kiều hồi II, 1958, tác giả Kính Dân, âm nhạc Nhạc Tấn, Kim Sinh. Đây là những vở thử nghiệm đầu tiên đổi mới về âm nhạc. Hai vở Chuyên cũ Cổ Loa, Kiều hồi II, là hai vở cổ, sáng tác nhạc có nội dung gắn với vở diễn. Nhạc mở màn vở Chuyện cũ Cổ Loa, Ngọc Thoại mở màn bằng nét nhạc dựa theo âm điệu bài bản cải lương gợi tả cảnh thành cổ nhớ lại kỷ niệm xưa, có những đoạn khí nhạc diễn tả tình yêu đẹp của Mỵ Châu. Nét nhạc vui tươi trong sáng hồn nhiên le lói, e ấp tâm trạng Mỵ Châu…âm nhạc đã gợi tả ngoại cảnh, không gian, nội tâm nhân vật. So với quan niệm trước đây, âm nhạc thường giúp vui, không có sáng tác nhạc cho vở diễn, đấy là những bản khí nhạc có nội dung gắn với nội dung kịch bản sân khấu cải lương. Trước đây các đoàn cải lương trên cả hai miền Nam, Bắc chỉ lấy bài bản hoà tấu, hoặc nhặt những đoạn nhạc, bài hát ở ngoài hoà tấu vào sân khấu để lấp chỗ trống, thì sau năm 1960 của thế kỷ XX, là sự đổi mới có tính khoa học của sân khấu cải lương. Đoàn cải lương Hoa Mai vở Kiều hồi II,của Nhạc Tấn là nhạc nền có tính chất làm nền cho vở diễn. Tuy âm nhạc chưa có tính diễn tả, chưa phân rõ chức năng của các đoạn khí nhạc áp dụng vào các tình huống tâm trạng nhân vật, nhưng là vở diễn đầu tiên có sáng tác nhạc áp dụng tính khoa học vào sân khấu. Những đoạn sáng tác mới giầu chất cải lương, dù có hơi cổ nhưng đã thành công, hé mở hướng viết nhạc vào vở diễn của đoàn là tất yếu…Phong trào thử nghiệm cải lương viết nhạc mới vào vở diễn lan ra khắp các đoàn cải lương Bắc, có nhiều hướng tìm cách thể hiện mới. Nguyễn Xuân Khoát trong vở Tình bạn, ông viết nhạc thử nghiệm theo hình thức operette, nhạc mở màn, nhạc chủ đề nhân vật, một vài ca khúc tâm trạng cho nhân vật như aria của opera, nhạc diễn tả chân dung nhân vật…Kết quả không thành. Nhưng đó là bài học kinh nghiệm sáng tác nhạc cho sân khấu cải lương, dù là sáng tác nhạc mới vào vở diễn nhưng không thể bắt chước các hình thức âm nhạc operette, opera của nước ngoài vào sân khấu dân tộc. Những vở cổ như Kiều hồi II, âm nhạc Nhạc Tấn, Kim Sinh, hiệu quả âm nhạc sân khấu chưa cao, còn viết như Ngọc Thoại chưa thật rõ về phương pháp, vì mới là vở đầu tay. Người đánh giá là công chúng, nhưng chủ yếu vẫn là giới chuyên môn, một số báo chí, họ chưa quen với hình thức giai điệu âm nhạc mới, nên chưa mặn mà. Con đường cải cách ca nhạc sân khấu cải lương là lẽ đương nhiên, nhưng làm thế nào không có lý luận soi đường. Ngày ấy, công tác nghiên cứu lý luận ứng dụng con non yếu, ít được quan tâm, đúng hơn chưa có đội ngũ nghiên cứu quan tâm đến những nội dung khoa học có tính thời sự, thực tiễn của sân khấu cải lương. Nhưng phong trào sáng tác nhạc cho vở diễn cứ phát triển, sau nhiều năm quan tâm đến kịch bản, đạo diễn đã đổi mới nghệ thuật diễn, đổi mới sân khấu. Sân khấu cải lương Bắc thực sự đổi mới, kịch bản nhiều vở diễn phản ánh con người cuộc sống mới như các vở: Ông Tư Ngang, Nhà gác hai, Bà mẹ sông Hồng, Ánh lửa, Tình bạn, Tiến lên phía trước, Chặn tay chúng lại, Người con gái đất đỏ, Say hương đồng nội, Cưới dưới tròng treo cổ, Mùa hoa đào, Nhạc mùa xuân…Chỉ có mấy năm cải tạo sân khấu cải lương có hàng chục vở diễn đề tài cuộc sống mới, nghệ thuật diễn đổi mới vở diễn có hoạ sĩ trang trí riêng, các hoạ sĩ: Trọng Can, Phùng Huy Bính, Bùi Hy Hiếu, Huy Văn…chuyên trang trí cải lương. Ngày ấy, là mỹ thuật tả thực. Mỹ thuật có vẻ như được công chúng đồng tình, báo chí và giới chuyên môn ít quan tâm, coi là hoàn chỉnh không sai phạm gì, cứ đường cũ mà đi là ổn, phù hợp với tình hình đổi mới nghệ thuật lúc ấy. Vì mỹ thuật cải lương có truyền thống tả thực từ lúc ra đời, nhưng nhiều vở diễn xưa đâu có hoạ sĩ trang trí, cứ lấy cảnh nào phù hợp treo lên là được, phục trang cứ lấy vở nọ mặc cho các nhân vật qua vở kia là ổn. Đó là những vở cổ, còn những vở cải lương cận đại và cuộc sống mới, phục trang có sao mặc vậy cũng xong, nay mỗi vở diễn có hoạ sĩ tham gia là ổn, dù mỹ thuật tả thực là quá cũ, nhưng vào thời điểm ấy chưa thể phát hiện ra điều gì mới hơn. Trong hoàn cảnh ấy, có hoạ sĩ thiết kế vở diễn là khoa học, là đổi mới so với sân khấu cải lương kháng chiến, một thời khó khăn, thiếu thốn, làm gì có hoạ sĩ thiết kế vở diễn. Còn âm nhạc bấy lâu nay vẫn chọn làn điệu cho vở diễn, nhưng sáng tác khí nhạc cho vở mới là chưa. Vào những năm 40 - 45 của thế kỷ XX, có một số nhạc sĩ sáng tác nhạc cho vở diễn có khí nhạc và bài hát nhưng không thành công vì họ xuất hiện quá sớm. Thói quen hoà tấu nhạc đã trở thành quá cũ, nên khi phát động phong trào cải cách ca nhạc cải lương, sáng tác nhạc cho vở diễn là cái mới lan rộng tới các đoàn. Đội cải lương Nam Bộ, nằm trong Đoàn cải lương Trung ương dựng vở thử nghiệm đầu tiên có sáng tác nhạc của Văn Cao. Vở ánh lửa, kịch bản Đoàn Giỏi, Chuyển thể Chi Lăng, Đoàn Chuông vàng vở Mùa hoa đào, Nguyễn Bắc, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc…Các đoàn đua nhau dựng vở thử nghiệm có sáng tác nhạc, đạo diễn, hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật, phục trang. Sân khấu cải lương tiến lên một chặng đường mới, đổi mới toàn diện có tính khoa học, dân tộc, hiện đại.

      Đổi mới kịch bản, là những vở diễn đề tài cuộc sống con người mới, xưa nay cải lương quen diễn vở cổ, ca cổ, mỹ thuật cổ. Đổi mới nghệ thuật diễn, đạo diễn dựng vở, diễn viên ca diễn học thuộc kịch bản, bỏ diễn cương, diễn dựa vào diễn viên ngôi sao. Coi hình thức diễn ấy, thiếu tính chuyên nghiệp hoá, đồng diễn tập thể đồng đều cả dàn diễn viên. Diễn theo truyền thống cải lương, kết hợp vận dụng lý luận sân khấu kịch hiện đại, thể hiện tính kịch, hình tượng nhân vật. Mỹ thuật phục trang hiện thực vở diễn. Cuối cùng là âm nhạc, âm nhạc sáng tác khí nhạc, ca khúc mới vào vở diễn. Qua các hướng thử nghiệm trên nhiều vở diễn ngày ấy, có thể rút ra các hướng thử nghiệm âm nhạc của sân khấu cải lương:

- Sáng tác nhạc nền cho vở diễn từ chất liệu khí nhạc là những bài bản, làn, điệu cải lương, ca khúc mới mô phỏng làn điều, bài bản cổ nhạc.

- Sáng tác nhạc diễn tả như Ngọc Thoại, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc bằng chất liệu âm nhạc mới.

- Sáng tác theo kiểu operette, có nhạc diễn tả, nhạc chủ đề nhân vật.

Trong ba phương thức thử nghiệm âm nhạc, giới chuyên môn đồng tình hai phương pháp sáng tác trên, còn phương pháp của cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát coi là không thành công. Ngày ấy, phương thức sáng tác âm nhạc cho vở diễn chưa hiểu sâu sắc mối quan hệ của khí nhạc sân khấu. Nhưng qua ba phương thức thử nghiệm ấy, các nhạc sĩ đi theo hai phương pháp. Hai phương pháp ấy đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất trong giới nhạc, cá biệt có nhạc sĩ còn viết nhạc chủ đề cho nhân vật. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong vở: Tàn héo những ước mơ, viết nhạc chủ đề mô tả chân dung ông bố là một ông già bảo thủ, yêu thương chăm chút cô con gái, ông coi mọi việc ở đời đều do ông sắp đặt, để cô con gái hết một đời côi cút, già nua. Một nhân vật có cá tính điển hình cho thói trì trệ, bảo thủ. Đỗ Hồng Quân chọn nét nhạc mòn cũ, quen thuộc mô tả chân dung ông khá thành công, mỗi khi ông xuất hiện nét nhạc vang lên, báo trước một ấn tượng, một nỗi lo, sự ác cảm cho mọi người. Nét nhạc chủ đề ấy thật giản đơn, khắc hoạ tính bảo thủ, trì trệ, nặng nề như hòn đá tảng cố hữu không sao thay đổi. Mỗi lần ông bước ra sân khấu với dáng đi vững trãi, nặng nề, bản lĩnh tự tin, thì nét giai điệu: đô, son, đô, sòn, đô…lại vang lên chỉ có ba nốt diễn tấu khắc hoạ chân dung ông khá toàn vẹn. Như vậy, trong thử nghiệm thất bại của ông Khoát không phải là bỏ đi cả, những ý tưởng của ông về nhạc mở màn, nhạc diễn tả là đúng với sự cách tân khí nhạc cải lương, là ý tưởng khoa học của các nền nghệ thuật tinh hoa thế giới, nhưng không bê nguyên xi, hoặc bắt chước họ để ép duyên vào kịch hát dân tộc. Qua gần 100 năm sáng tác nhạc cho sân khấu cải lương, ngày nay có thể tổng kết hai phương thức sáng tác khí nhạc:

- Sáng tác nhạc diễn tả, miêu tả, đặc tả cho vở diễn dựa trên chất liệu làn, điệu, bài bản cải lương..

- Sáng tác nhạc, bài hát mới dựa trên chất liệu thang âm bảy âm.

Hai phương thức sáng tác nhạc cho vở diễn cùng song song tồn tại, để  vở diễn có tính ca nhạc dân tộc, hiện đại. Phương thức thứ nhất, hợp với các nhạc sĩ có vốn ca nhạc cải lương. Phương thức thứ hai hợp với các nhạc sĩ chưa có vốn ca nhạc cải lương vẫn viết nhạc cho cải lương thành công, có hiệu quả cao.

Quan hệ khí nhạc với sân khấu cải lương là tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau bình đẳng trong sự hỗ trợ, diễn tả nội dung tác phẩm sân khấu. Trong mối quan hệ lô gích biện chứng ấy, kịch bản thế nào âm nhạc sẽ thể hiện như thế, nhưng thực tiễn sân khấu không ít vở cải lương chưa đến mức bi quan, sướt mướt, tuyệt vọng, tan nát thì âm nhạc lại làm cho vở diễn sụt sùi nước mắt như mưa. Vì âm nhạc là tiếng hát trực tiếp tới công chúng, công cụ biểu đạt tác phẩm sân khấu là con người diễn viên, nên đạo diễn, nhà chỉ đạo nghệ thuật, là người đem lại sự công bằng, bình đẳng cho mối quan hệ biện chứng âm nhạc với sân khấu. Người chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn dựng vở hoàn toàn xử dụng âm nhạc theo yêu cầu diễn viên nhạc công nhấn vào cái bi, cái hùng tráng, chất trữ tình trong sáng bằng âm nhạc. Âm nhạc hoàn toàn biến đổi một vở diễn anh hùng ca, trữ tình thành vở diễn bi luỵ, mất phương hướng. Âm nhạc có tính chất quyết định hình thức, nội dung vở diễn trên sân khấu cải lương. Âm nhạc quan hệ mật thiết trong sự diễn tả vở diễn. Qua hàng ngàn lượt vở diễn trên sân khấu cải lương, đa số các nhạc sĩ viết nhạc nghiêm chỉnh tỏ rõ mối quan hệ âm nhạc với diễn tả sân khấu. Họ thường viết nhạc mở màn: gợi mở bối cảnh không gian, tình huống vở diễn, dẫn dắt cảm xúc người xem hướng vào chủ đề của vở. Nhạc chuyển cảnh, thường tiếp nối từ kết thúc màn đang diễn, sau đó gợi mở nét nhạc mới cho màn tiếp theo dựa vào nội dung của lớp diễn mở màn. Nhạc cao trào, thường có âm vang lớn, là điểm nhấn mạnh của toàn bộ tác phẩm âm nhạc trong vở, những đoạn nhạc cao trào ấy, bắt đầu sự diễn tả nội dung tính kịch. Nhạc kết thúc vở, có ý là chào khán giả, nhưng tiêu điểm là kết thúc vở diễn, đoạn nhạc ấy viết công phu, là đoạn kết toàn bộ tác phẩm âm nhạc, là đoạn kết của vở. Nội dung diễn tả kết thúc vở theo kịch bản, thể hiện bằng âm nhạc, dù đoạn kết là bi ai, tan vỡ, hay anh hùng ca trữ tình… thì chất âm nhạc bao giờ cũng đem lại vẻ đẹp tâm hồn, hướng tới bình minh thời đại. Mối quan hệ khăng khít, bền chặt, lôgich, biện chứng giữa âm nhạc sân khấu, sân khấu cải lương là quan hệ nội dung, biểu hiện bằng âm nhạc diễn tả cùng diễn viên trên sân khấu. Hiệu quả cuối cùng của âm nhạc đem lại cái đẹp tâm hồn trong sáng, lành mạnh, hướng tới cái thiện của bản chất con người.

2.2. Giá trị ca nhạc, khí nhạc trên sân khấu cải lương.

Giá trị âm nhạc trên sân khấu cải lương là đem lại cảm xúc thẩm mỹ bằng âm thanh, giúp công chúng nhận ra những điều sâu lắng, thầm kín nhất của tâm lý, tình cảm nhân vật. Dù âm nhạc là nghệ thuật âm thanh, sự diễn tả nội tâm trừu tượng những ý tưởng tác phẩm, nhưng bằng hình tượng âm nhạc có sức gợi tả, biểu cảm, đặc tả khá cụ thể trong tưởng tượng của người nghe. Người nghe cảm thụ tình cảm thẩm mỹ, vui buồn, đau thương, lạc quan, tin tưởng…bằng nhiều xúc cảm, tưởng tượng khác nhau của người nghe, âm nhạc hướng họ tới những tình cảm thầm kín của nhân vật. Giá trị của âm nhạc là diễn cảm khi ngôn ngữ, tiếng nói, hành động nhân vật bất lực, âm nhạc xuất hiện làm người xem hoàn toàn cảm nhận được tiếng nói trái tim. Đó là sự diễn tả sâu sắc của những tác phẩm khí nhạc, trên phim, trên sân khấu thường xuất hiện những đoạn nhạc đắt giá vào đúng lúc, đúng chỗ, là sự diễn tả mãnh liệt nhất của âm nhạc. Ngay cả bài ca, nếu nhạc sĩ biết tiết kiệm chất liệu, chắt lọc bài ca thì những chỗ con người nhân vật kịch bất lực, bài ca ấy sẽ là tiếng nói nội tâm sâu sắc nhất. Do đó, giá trị của âm nhạc có ba tác dụng trong vốn ca nhạc sân khấu cải lương.

Vốn ca nhạc ấy là: làn, điệu, bài bản, bài hát mới, sáng tác khí nhạc, những tác phẩm nhạc không lời cho vở diễn. Giá trị đầu tiên là vốn ca làn, điệu, bài bản cải lương. Về thẩm mỹ, đây là vốn bài bản cố định, là những quy định của kịch bản cải lương phải có, nhưng giá trị thẩm mỹ, là thẩm mỹ của nhạc truyền thống Việt Nam. Thẩm mỹ truyền thống (tradition) là nền nếp, một đặc tính tốt đẹp lưu giữ, truyền lại từ đời này qua đời khác. Truyền là sự tiếp nối, thống là lưu lại, một truyền thống là sự lưu truyền, tiếp nối không có quy định mà nó tự tồn tại, phát triển trong xã hội. Nói đến nhạc truyền thống Việt Nam, là nền âm nhạc lâu đời, hàm chứa những phẩm chất cao đẹp, trong đó có sự kết tụ từ nền âm nhạc dân gian, phát triển thành nền âm nhạc chuyên nghiệp. Sự kế thừa ấy, là truyền thống tốt đẹp, là những tinh hoa của nền âm nhạc trước đó, tác động, tiếp nhận phát triển nối tiếp vào cuộc sống mới: Giá trị bài bản, làn, điệu ca, hát cải lương là giá trị thẩm mỹ truyền thống của nền ca nhạc Việt Nam, bao gồm nền âm nhạc dân gian, bản địa Nam Bộ, những làn, điệu dân ca, những bài bản sáng tác mới. Giá trị thẩm mỹ của nền âm nhạc truyền thống trong vốn ca hát cải lương là:

- Giá trị thẩm mỹ cổ điển thính phòng

- Giá trị hơi thở dân gian, phát triển nhịp sống mới

- Tính nhân văn cao cả, cái đẹp nhân bản của truyền thống văn hoá dân tộc.

Tính thẩm mỹ cổ điển thính phòng là giá trị thẩm mỹ âm nhạc cổ điển Việt Nam, xuất hiện cùng với nền văn học cổ điển Việt Nam, trong những bài bản lời cổ. Đó là hình thức đàn ca tài tử, phát triển lên sân khấu cải lương. Ngày nay, truyền thống ấy đang phát triển mạnh ở Nam Bộ. Hằng năm, hoặc hai năm một lần kết hợp với chương trình truyền hình VTV3, tổ chức các cuộc thi đơn ca tài tử chuyên nghiệp. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức Nhạc hội, thi đàn ca tài tử quần chúng, nuôi dưỡng phong trào ca nhạc tài tử dân gian Nam Bộ, tiếp nối truyền thống cha ông vào nhịp sống thời đại.

Giá trị hơi thở dân gian, phát triển nhịp sống mới, là sự phát triển lời ca vào các bài bản cổ, làn, điệu cổ. Trong nhạc tài tử hiện nay, hoặc trên sân khấu cải lương chất dân ca là đưa các bài dân ca các vùng miền trên cả nước kể cả dân ca các dân tộc vào ca nhạc cải lương, hoặc ca nhạc diễn trong các vở cải lương. Chất dân ca tươi mới ấy, có tính hoà nhập dân ca các dân tộc trên cả nước chỉ có ở ca nhạc cải lương, có tính bảo tồn, phát triển hơi thở dân ca vào cuộc sống, còn đặt lời mới vào các bài dân ca cổ, hoặc những làn, điệu, bài bản cải lương, đây là tiếp nối truyền thống dân ca, là sự phát triển đặc biệt của vốn ca nhạc cải lương. Tuy nhiên, đặt lời mới vào các làn điệu cũ, ca nhạc sân khấu tuồng, chèo đã làm và kịch hát dân tộc thường làm. Nhưng cái đặc biệt là sự bảo tồn hơi cổ nhạc, phát triển tình cảm tư duy nhịp sống mới, thổi bùng lên nhịp điệu tân cổ giao duyên, là cái độc đáo của ca nhạc cải lương. Liên kết chặt chẽ thẩm mỹ dân tộc, hiện đại, thành hai vế bảo tồn, bảo cổ, phát triển cái mới, tạo ra sự hoà nhập nghệ thuật cải lương với các loại hình nghệ thuật hiện đại cùng tồn tại. Giá trị thẩm mỹ tân cổ, là giá trị thẩm mỹ hiện đại trong hướng phát triển nghệ thuật dân tộc, hiện đại, đáp ứng công chúng mới.

Tính nhân văn cao cả, cái đẹp nhân bản của truyền thống văn hoá Việt Nam, là một đặc tính của nền nghệ thuật dân tộc, nhưng cái độc đáo của cải lương là giá trị ấy được lưu giữ như nguyên bản ở làn, điệu, bài bản. Những làn, điệu, bài bản ấy là mẫu thẩm mỹ bất biến, dựa vào tiêu chí thẩm mỹ để sáng tạo các lời ca trên làn, điệu, bài bản cổ, hoặc sáng tác làn, điệu, bài bản mới, không có mẫu thẩm mỹ cổ điển ấy, làn, điệu, bài bản cải lương sẽ đánh mất những giá trị thẩm mỹ dân tộc. Lịch sử phát triển ca nhạc cải lương từng diễn ra những vở diễn, những làn, điệu, bài bản, đặt lời mới phản lại thẩm mỹ dân tộc, truyền thống. Đó là những giai đoạn lộn xộn của sân khấu cải lương thời kỳ của chủ nghĩa văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán, ca nhạc cải lương từng phụ hoạ đắc lực cho thứ âm nhạc bi quan, mất niềm tin ở cuộc sống con người, làm cho không ít nam thanh, nữ tú nhảy lầu, thắt cổ… Cái đẹp của tính nhân văn cao cả là hướng con người vươn tới cái thiện, tin tưởng ở cuộc sống mới, vươn lên làm chủ cuộc đời, đóng góp tích cực cho cuộc sống tương lai.

Giá trị những bài ca cải lương là phần giai điệu âm nhạc có cấu trúc các hơi nhạc của một hình thức sân khấu cải lương, nhờ hơi nhạc ấy, để nhận diện sân khấu cải lương. Nhờ có hơi nhạc tạo ra bốn đặc điểm ca nhạc sân khấu cải lương, phát triển tính thẩm mỹ sân khấu cải lương. Dựa vào bốn đặc điểm ca nhạc cải lương để thể hiện những tính chất vở diễn, có giá trị thay đổi hướng phát triển cải lương qua từng giai đoạn lịch sử. Đặc điểm cái hài của sân khấu cải lương phát triển mạnh trong nền kinh tế thị trường, sân khấu cải lương đề cao tính văn nghệ giải trí. Cái vui hài, có ý nghĩa phê phán, xây dựng nhân cách con người xã hội mới. Sân khấu xã hội hoá, cải lương Nam đang phát triển mạnh cái bi, hài. Cái hài là sân khấu giải trí, cái bi, hài kết hợp thành sân khấu phê phán, ngợi ca con người trong cơ chế thị trường, những vụ làm ăn thua lỗ, dẫn đến gia đình tan vỡ, cái bi của những người hám lợi, đã là tiếng cười cảnh tỉnh mọi người hãy sống trách nhiệm hơn với mình với cộng đồng. Nhiều vở cải lương Hội diễn năm 2005, của các nhóm xã hội hoá thể hiện cái bi, một cái bi của cô gái nhảy lầu trong vở Trái tim em nói là bài học cảnh tỉnh mọi người về lối sống, và những khát vọng ham muốn cá nhân, cần gắn mình với cộng đồng. Trong cuộc sống hôm nay, mỗi cá nhân tách khỏi cộng đồng sẽ là những hành động sai lầm, cộng đồng và cá nhân, cá nhân với cộng đồng, là mối quan hệ trách nhiệm mà cả xã hội phải quan tâm. Mối quan hệ ấy, không dừng lại ở một quốc gia dân tộc, mà trong lối sống của toàn nhân loại. Mối quan hệ cá nhân với cộng đồng càng không thể tách rời, đó là mối quan hệ toàn cầu hướng mọi người tới tình yêu thương, truyền thống đạo lý nhân cách làm người. Cấu trúc của làn, điệu, bài bản cải lương ngoài những giá trị thẩm mỹ, truyền cảm, biểu cảm, còn có một giá trị quyết định là sự tồn vong của kịch bản cải lương. Đây là giá trị hay chức năng nhiệm vụ của làn, điệu, bài bản cải lương, là sự chắp nối những bài ca thành kịch bản của sân khấu cải lương.

Từ giá trị quyết định tồn tại thể loại sân khấu cải lương là giá trị tối cao, là mối quan hệ bất biến của làn, điệu, bài bản ca cải lương mới sinh ra mọi giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cải lương.

Giá trị khí nhạc cải lương, là giá trị gắn kết kịch bản cải lương bằng những đoạn khí nhạc khi trình diễn trên sân khấu cải lương. Nếu phần ca nằm ở trên từng trang viết của tác giả biên kịch xen giữa lời thoại, bài ca, lời thoại thì phần khí nhạc và bài hát mới không có trong kịch bản. Có một số rất ít các tác giả soạn kịch chuyển thể cải lương còn ghi nhạc mở màn, nhạc chuyển cảnh. Những soạn giả đề bằng chữ viết trên văn bản kịch là rất ít, còn đa phần các kịch bản cải lương không đề phần khí nhạc và ca khúc mới. Hầu hết các kịch bản cải lương từ xưa đến nay, không có đề phần khí nhạc vào trong kịch bản, nếu tác giả nào có đề chỉ là gợi ý cho nhạc, thực tiễn không có nhạc trong cấu trúc kịch bản cải lương. Phần khí nhạc và ca khúc, nằm ngoài kịch bản cải lương, chỉ khi trình diễn trên sân khấu mới có phần khí nhạc, hát bài hát mới.

Từ xưa đến nay chưa ai quan tâm đến sân khấu luôn có hai kịch bản là hai công trình khoa học. Kịch bản văn học của tác giả kịch, còn kịch bản sân khấu là của tập thể: đạo diễn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, diễn viên âm thanh, ánh sáng, … là một tập thể sáng tạo ra vở diễn trên sân khấu.

Đây là một quá trình sáng tạo kịch bản cải lương trên sân khấu, nhất là sau ngày hoà bình năm 1954 của thế kỷ XX, phần sáng tác nhạc đặt lên vị trí quan trọng, sau bài bản phải có, cần có khí nhạc và ca khúc mới cho mỗi vở diễn. Điều ấy, như một tiền lệ sân khấu cải lương, vào giai đoạn ra đời, phát triển cải lương từ 1918 đến 1954, phần khí nhạc không cần lắm. Vì quyết định sống còn của kịch bản là vốn bài ca, bài ca cấu trúc kịch bản cải lương đã hoàn chỉnh một kịch bản. Phần khí nhạc không cần có, bởi xử dụng ngay làn, điệu, bài bản hoà tấu lấp chỗ trống là đủ, hoặc lấy những bài nhạc ở ngoài xã hội được công chúng yêu thích, hoà tấu, là “đại thành công”. Nhưng từ ngày sân khấu cải lương đi vào chính quy, hiện đại, tính khí nhạc đã thành giá trị đích thực trong mối quan hệ sân khấu với âm nhạc. Dù nằm ngoài kịch bản, nhưng những đoạn khí nhạc do nhạc sĩ sáng tác, không chỉ nối những lớp kịch, màn kịch thành vở diễn hoàn chỉnh có tính bác học. Phần khí nhạc có giá trị diễn tả cùng diễn viên, biểu hiện những tình cảm sâu lắng, tinh tế, mãnh liệt nhất của âm nhạc không lời. Giá trị thẩm mỹ khí nhạc nêu cao tính tưởng tượng phong phú cho công chúng về cảm xúc đằng sau những tình huống, tính kịch, những biểu cảm tình cảm, tính cách nhân vật. Phần khí nhạc có giá trị làm cho vở diễn đậm đặc không khí âm nhạc, nâng cao thẩm mỹ trí tuệ. Âm là cái trục không gian, nối vở diễn với công chúng. Giá trị của những đoạn khí nhạc là:

- Liên kết những màn, lớp kịch, gợi mở cảm xúc

- Làm phong phú trí tưởng tượng người xem, tạo ấn tượng mạnh mẽ trực tiếp tới công chúng.

Sự liên kết các màn lớp kịch ở ngoài kịch bản, là giá trị khí nhạc thể hiện đặc tính diễn tả sân khấu nêu cao nghệ thuật diễn tả, biểu cảm trong tình cảm công chúng với các nhân vật, không gian, thời gian, tình huống sân khấu. Âm nhạc có giá trị gợi mở cảm xúc hoàn cảnh vở diễn, tăng sự hấp dẫn hứng thú, khoái cảm của người xem về quê hương tươi đẹp, tình cảm cao cả…chỉ có âm nhạc mới gây cảm xúc mạnh mẽ. Làm phong phú trí tưởng tượng, là giá trị của nhạc không lời, bởi cùng một lúc nhiều người nghe về nét nhạc gợi tả không gian sân khấu, bình minh, quê hương, hoài niệm…nhưng mỗi người lại tưởng tượng ra cái cụ thể của riêng mình mà họ đã trải qua. Bằng những ấn tượng riêng ấy, họ mới thấy vui sướng, day dứt, ấm áp tình người, hơi thở là quê hương ấn tượng không phai mờ. Giá trị của khí nhạc gợi mở, cảm xúc của công chúng đến những tình cảm ấn tượng, buồn đau, cao thượng, tốt đẹp đáng nhớ, làm cho vở diễn hấp dẫn, hoàn chỉnh một kịch bản cải lương. Những ca khúc mới sáng tác vào vở diễn nằm ngoài kịch bản, những bài hát có giá trị gây ấn tượng tình cảm về tình huống sân khấu, hoặc tình cảm nhân vật. Thường những ca khúc viết cho vở diễn nói về tình cảm nhân vật, ngợi ca mối tình đẹp, hoặc những kỷ niệm thiêng liêng một thời đã qua của một nhân vật, hay nhiều nhân vật. Những ca khúc mới có thể viết về sự thay đổi cuộc đời nhân vật, hay thời đại mới, mỗi ca khúc viết cho vở diễn gần như xuất phát từ một sự kiện trong kịch mới cần có ca khúc, bằng không những làn, điệu, bài bản đã quá đủ để thể hiện vở diễn. Nên ca khúc, khí nhạc, xuất hiện khi thật cần thiết, khí nhạc còn có nhiều chức năng quan hệ với sân khấu. Do đó cần xuất hiện nhiều đoạn khí nhạc, còn ca khúc rất hạn chế, vì thế nhạc sĩ cần tiết chế, mỗi vở chỉ viết một, hoặc hai ca khúc có giá trị diễn tả. Nhiều ca khúc sẽ nhiễu loạn cùng bài bản, ca khúc sẽ mất ấn tượng. Giá trị ca khúc là gây ấn tượng khó quên bằng giai điệu hay, lời ca đẹp để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng về một sự kiện nào đó, tình yêu đẹp, những hoài niệm đã qua, mất mát, đau thương…Giá trị thẩm mỹ các ca khúc là nét nhạc tươi mới, mạnh hơn bài bản, làn, điệu, khi không còn sức, diễn tả nổi một hiện tượng của sân khấu. Ca khúc mới sẽ hỗ trợ đắc lực sự thành công của ca nhạc và sân khấu.

Mối quan hệ và giá trị ca khúc sân khấu cải lương là tăng thêm sức diễn tả cảm xúc mới, hoàn chỉnh vở diễn trên sân khấu cải lương, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng ở những thời đại khác nhau.

2.3. Mô hình bảo tồn, phát triển ca nhạc cải lương

Ca nhạc cải lương hình thành tư đàn ca tài tử là ca nhạc dân gian, phong tục, nhạc thiêng, sau chuyển thành ca nhạc thính phòng, thưởng thức vui chơi, giải trí ở các nhà hàng, khách sạn. Ca nhạc tài tử tách thành hai dòng: ca nhạc dân gian tài tử, nhạc phong tục, ca nhạc tài tử thính phòng trên sân khấu. Bộ phận ca nhạc giải trí dần phát triển lên ca nhạc sân khấu, có ba đặc điểm trong vốn làn, điệu, bài bản. Đó là tính tự sự trữ tình, bi, hùng…Sau do sự phát triển phong phú của sân khấu cải lương, vốn ca nhạc đã hoàn chỉnh bốn đặc điểm ca nhạc phù hợp với nghệ thuật cải lương thể hiện các điểm: trữ tình, bi, hùng, hài. Mỗi đặc điểm đáp ứng một tính chất sân khấu, vốn làn, điệu, bài bản ca nhạc cải lương trở thành một hình thức âm nhạc cấu thành kịch bản cải lương, thể hiện sự hoàn chỉnh sân khấu cải lương. Ca nhạc cải lương có bốn đặc điểm thể hiện nội dung tính chất, phong cách sân khấu cải lương, nếu thiếu một trong bốn đặc điểm ca nhạc ấy, nghệ thuật cải lương sẽ không thể tồn tại. Dù trong một kịch bản thường thể hiện cả bốn đặc điểm trữ tình, bi, hùng, hài, nhưng có những kịch bản chỉ thể hiện hai đặc điểm bi, hùng, hoặc bi, hài…Nhưng muốn hay không bốn đặc điểm ấy vẫn là nền tảng của sân khấu cải lương, nên mô hình bảo tồn là: bảo tồn bốn đặc điểm ca nhạc cải lương.

Bảo tồn chất trữ tình nằm ngay ở vốn làn, điệu, bài bản cải lương, là bảo tồn thang âm, điệu thức, làn, điệu, bài bản cải lương. Thang âm, điệu thức là âm thanh cấu thành làn, điệu, bài bản, những bản nhạc ấy là giá trị ca nhạc mang phong cách sân khấu cải lương. Đó là bảo tồn cấu trúc giai điệu làn, điệu, bài bản cải lương. Phương thức bảo tồn là bảo cổ làn, điệu, bài bản. Không thay đổi cấu trúc thang âm giai điệu bất cứ làn, điệu, bài bản nào. Nói như thế có vẻ không phù hợp với đặc trưng ca nhạc, nghệ thuật cải lương, vì cải lương là cải cách, cải tiến, cách tân, nhưng đưa ra mô hình bảo cổ, giữ nguyên thang âm, điệu thức như là một việc làm không tưởng. Nhưng đây là một thực tế, qua hai tập nhạc cải lương của các tác giả Thanh Nha, Triệu Quang Vinh, Hoàng KimToan đã công bố. Tập nhạc của Thanh Nha có 68 điệu và bài bản cải lương đã trở thành bí kíp “cửu âm chân kinh” của các nhà chuyển thể, biên kịch cải lương, giữ kín thành “báu vật” gia truyền để soạn kịch bản cải lương. Nếu ai đó đi sưu tầm chắc chắn họ sẽ trả lời không có, nhưng thực tiễn nhiều tác giả đã lưu giữ tập bản đàn cải lương do Thanh Nha sưu tâm, xuất bản năm 1959, tại Hà Nội. Những điệu, bài bản, đã giúp các nhà soạn kịch bản cải lương suốt trên 40 năm qua, họ chỉ sử dụng nguyên xi, nguyên bản thang âm, điệu thức, giai điệu những bản đàn ấy. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không có cải tiến, cách tân gì về điệu và bài bản. Sự cách tân ấy, nằm ở việc đặt lời ca mới vào những bài bản cổ, khi đặt lời ca mới vào nghĩa là đã có sự cải cách giai điệu âm nhạc những điệu và bài bản cổ. Cứ mỗi vở mới, lại đặt lời mới vào mỗi điệu, mỗi bài bản, thế là không biết những điệu, những làn ấy đã cách tân bao nhiêu lần. Nhưng dù cách tân đến đâu vẫn không thay đổi những nguyên tắc cấu trúc thang âm, điệu thức của điệu, bài bản. Sự cách tân làn, điệu, bài bản là một lẽ tự nhiên của ca nhạc cải lương, bởi lời ca mới cho vào một hình thức giai điệu âm nhạc cổ, là không phù hợp giữa “bình cũ, rượu mới”. Cách là đây có sử dụng sẽ làm hỏng rượu mới, và “mùi mốc” những tạp chất của cái bình cũ sẽ làm hỏng rượu mới, hoặc ít nhất rượu mới sẽ kém chất lượng. Nhưng đó là suy đOán trên lý thuyết vật chất, con ca nhạc cải lương ai cũng biết đặc tính độc đáo là nghệ thuật ca, kỹ thuật nắn chữ, để biến cái xa lạ thành quen thuộc, biến những cái quen thuộc thành mới lạ của ca nhạc cải lương. Kỹ thuật ca nắn chữ là tạo ra nhiều âm phụ để trung hoà các từ ngữ mới lạ. Nét giai điệu này không ghi ra trên bản phổ, mà nằm ở kỹ thuật đã có. Sự cách tân này làm cho làn điệu luôn mới, luôn hoà nhập với các hình thức ca nhạc hiện đại, nhưng không phá vỡ cấu trúc thang âm, điệu thức hơi nhạc cải lương. Nên bảo tồn đặc điểm ca nhạc cải lương là bảo tồn nguyên bản làn, điệu, bài bản cải lương trong những kịch bản cải lương hiện đại, là bảo tồn phong cách sân khấu cải lương. Những kịch bản cải lương bị coi là kịch cắm bài ca, hay ca kịch cải lương, kịch nói hát cải lương, vì đã bỏ bớt vốn làn, điệu, bài bản trong kịch bản cải lương.

Bảo tồn cái bi là một đặc trưng kịch bản đã thành một tiền lệ, trong cải lương có tính truyền thống. Nội dung vở nào dù là kịch chính luận, luận đề…vẫn có những mối tình trắc trở, tình cảnh éo le trên sân khấu cải lương như một nguyên tắc kết cấu câu truyện kịch: tử biệt, sinh ly, chia lìa gặp lại. Đây là hình thức kết cấu có tính truyền thống kịch bản cải lương. Ngày nay, có những thay đổi về cấu trúc kịch, nhưng có thay đổi đến đâu vẫn có cái bi, sự chia lìa, còn gặp lại hay không thì tuỳ. Nhưng thiếu cái bi, chia ly, tan vỡ, bất thành kịch bản cải lương. Cái bi của kịch bản cải lương, thể hiện bằng bài ca, làn, điệu, bài bản, bằng ấy bài còn chưa đủ, có những nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới để nói về sự mất mát, đau thương. Cái bi của cải lương là một mảng mầu tối, nhưng để làm nổi bật những điểm sáng, không có những mảng mầu tối thì mảng sáng đặt ở đâu để người xem thấy rõ cái đau thương và vui sướng. Chất trữ tình trong sáng, đặt cạnh cái bi là sự tương phản ánh sáng và bóng tối như những khó khăn, thất bại, vấp ngã trong số phận mỗi người và từ trong sâu thẳm tâm linh họ .

 

 

Sách tham khảo

 

  1. Chiếc Lexus và cây ô liu – Thomas. Friedman – NXB Trẻ 2005.
  2. Thế giới phẳng - Thomas. Friedman – NXB Trẻ 2006.
  3. Hình thái học nghệ thuật – Mcagan – NXB – Hội Nhà văn 2004.
  4. Tìm hiểu các nền văn minh thế giới – Braudel – NXB khoa học.
  5. Lịch sử nghệ thuật – XaVier Barraliatet NXB Thế giới 2003.
  6. … Tuồng chèo truyền thống - Đình Quang – NXB Sân khấu 2004.
  7. 150 làn điệu chèo cổ – Bùi Đức Hạnh – NXB Văn hoá dân tộc 2006.
  8. Giáo trình hát chèo – Nguyễn Thị Tuyết – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh – Viện Điện ảnh Hà Nội – 2000.
  9. Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ – Hoàng Kiều – NXB Sân khấu 2002.
  10. Đến với nhạc chèo - Đôn Truyền – Viện Sân khấu 2001.
  11. Tuyển tập chèo cổ – NXB Sân khấu 1999.
  12. Nguyễn Đình Nghị – sự phát triển chèo – Viện Sân khấu 1995.
  13. Bàn về làn điệu chèo mới – Viện Sân khấu 2002.
  14. Bình diện kỹ thuật diễn xuất chèo – Hà Văn Cầu – NXB Sân khấu 2004.
  15. Khái luận về chèo – Trần Bảng Viện Sân khấu 1999.
  16. Tiếng nói sân khấu – Nguyễn Đình Thi – Lê Mạnh Hùng – NXB Văn học 2008.
  17. Nghệ thuật chèo nhìn từ một phía – Tất Thắng – NXB Văn học 2007.
  18. Nghệ thuật tuỳ hứng… Phạm Duy Khuê – NXB Văn học 2007.
  19. Dân ca Việt Nam – NXB Hà Nội 2004.
  20. Hát xoan – Tú Ngọc – NXB Âm nhạc 1997.
  21. Diện mạo sân khấu… Tất Thắng – NXB Sân khấu 1996.
  22. Xuất xứ thơ lục bát – Nhóm nghiên cứu.
  23. Xuất xứ văn biền ngẫu – Nhóm nghiên cứu.
  24. Xuất xứ thể hát nói Việt Nam – Nhóm nghiên cứu.
  25. Thơ văn Lý Trần - NXB Văn học 1998.
  26. Ngôn ngữ thơ Việt Nam – NXB Văn học.
  27. Văn học dân gian Việt Nam – NXB Văn học 1998.
  28. Sự nghiệp – giai thoại thơ văn Lý Bạch – Nhóm nghiên cứu.

29. Lịch sử Việt Nam – Tập 1 – NXB Khoa học Xã hội 1971

30.Nghệ thuật Khmer Cửu Long – Phòng Văn hoá Thông tin – phát hành 1985

31. Từ điển tiếng Việt thông dụng – NXB Giáo dục – 2001

32. Lòng bản – Yếu tố mô hình trong âm nhạc truyền thống Việt Nam – Thế Bảo (chưa xuất bản)

33. Nghệ thuật cải lương Nam Bộ - Đỗ Dũng – NXB Trẻ – 2003

34. Xã hội học – Phạm Tất Dong – Ngọc Hùng – NXB Giáo dục – 1999

35. Không gian sân khấu – Nguyễn Thị Hợp – NXB Sân khấu – 2004

36. Phương pháp luyện giọng – An Nepel Kham – NXB Âm nhạc – 2002

37. Nghệ thuật sân khấu cải lương – Trần Văn Khải – Nhà sách Khai Trí – 1966

38. Giáo trình thanh nhạc – Trung Kiên – Nhạc viện Hà Nội – 2001

39. Lịch sử Việt Nam tập 1, 2 – Trần Trọng Kim – Trường Đại học Bách khoa Tự nhiên – 2000

40. Thể loại âm nhạc – Trần Thị Nhung – Nhạc viện Hà Nội – 1996

41. Lý luận kịch từ Aristốt đến Lessin – Anh. ST. Người dịch: Tất Thắng – NXB Văn học – 2003

42. Nghệ thuật cải lương những trang sử – Trương Bỉnh Tòng – Viện Sân khấu – 2000

43. Giáo trình hát chèo – Nguyễn Thị Tuyết – Trường Sân khấu Điện ảnh – 2001

44. Nửa thế kỷ tiếng nói Việt Nam – Nhiều tác giả - NXB Chính trị Quốc gia - 1995

45. 30 tập nhạc bài ca tân cổ hay – NXB Âm nhạc - 2004

46. Lịch sử thế giới hiện đại – Nguyễn Anh Thái (chủ biên) – NXB Giáo dục – 2002

47. Giáo trình cải lương – Triệu Quang Vinh, Hoàng Kim Loan – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh – 2001

48. 50 năm mê hát cải lương – Vương Hồng Sến – NXB Phạm Quang Khải – 1968

49.Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim – NXB Đà Nẵng: 2003

  1. Việt Nam sử lược – Trần  Trọng Kim quyển 1 – 2 NXB TP Hồ Chí Minh: 1997
  2. Lịch sử Việt Nam – UBKHXH Việt Nam – năm 1971
  3. Đại Việt sử ký toàn thư quyển 1 – 2 NXBKH xó hội 1971
  4. Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc… Phan Quang – Xuân Đán – NXB TPHCM: 2000
  5. Lịch sử thế giới cổ đại – NXB Giáo dục năm 2002
  6. Lịch sử thế giới trung đại – NXB Giáo dục năm 2003
  7. Lịch sử thế giới cận đại – NXB Giáo dục năm 2001
  8. Lịch sử thế giới hiện đại – NXB Giáo dục năm 2000
  9. Những sự kiện lịch sử thế giới… Trung tõm khoa học xó hội và nhõn văn 2002
  10. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam – Trần Văn Khải – NXB Khải Trí   Sài Gũn - 1967
  11. Nghệ thuật sân khấu hát bội – Lê văn Chiêu – NXB Trẻ - 2007
  12. 150 Làn điệu chèo – Bùi Đức Hạnh – NXBVH Dân tộc – 2006
  13. Những điệu hát tuồng – NXB Âm nhạc – 1958
  14. Phương pháp luyện giọng – PecKham – NXB Âm nhạc – 2002
  15. Âm nhạc tuồng – Lờ Yờn – NXB Thế giới – 1994
  16. Công nghệ sinh học hiện đại – Cử nhân – ĐM – NXB Gd 2006.

Hậu hiện đại – Chriscohot – NXB Trẻ 2006

Tuấn Giang
Số lần đọc: 3170
Ngày đăng: 25.02.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 11 - Tuấn Giang
Bài Phú Tặng Vợ - Kha Tiệm Ly
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 10 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 9 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 6 - Nguyễn Khôi
Sắc Tài Thán Phú - Kha Tiệm Ly
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6 - Tuấn Giang
Sống Chụ Son Sao 5 - Nguyễn Khôi
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 6 - Tuấn Giang
Nguồn gốc ca nhạc tuồng chèo cải lương 5 - Tuấn Giang
Cùng một tác giả
Đặc trưng xiếc (nghệ thuật)
Thực trạng xiếc. (đối thoại)
Tổng luận ca trù (nghệ thuật)
Hát Cung văn (văn hóa)