Nguyên cha tôi có một ngôi nhà tọa lạc tại phường Tây Thượng, làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã nhiều lần báo chí có nhắc đến ngôi nhà này. Thật ra, các anh chị em nhà báo là chỗ bạn bè, họ thấy tôi vẫn thao thức, trăn trở và đau buồn về ngôi nhà nên đã hết lòng nhắc nhở, may ra có điều gì tốt đẹp chăng! Nhưng thật tình mà nói, khi trao đổi câu chuyện, nói đi, nói lại, nói qua, nói về…Có những vấn đề chưa được đích xác trăm phần trăm.
Năm 1961, cha tôi mất. Tôi vào Sài Gòn lo việc in sách của cha tôi, rồi tôi ở luôn làm việc ở trong này.
Năm 1970, tôi về Huế. Thấy cảnh nhà điêu tàn đã khóc hết nước mắt:
Hôm nay trở lại viếng thăm nhà,
Sau chín năm trời ở cách xa.
Ngõ trúc, đường xưa chừng ngại bước,
Ngôi nhà vườn cũ chẳng nhìn ra!
…………………………………
Năm 1985, tôi về nhà thỉnh bát nhang cha tôi lên thờ ở chùa. Lúc này Hợp tác xã đang làm việc tại đây. Họ thấy tôi khóc quá mới động lòng leo lên gỡ lấy bức hoành phi có hai chữ “Lạc Thiện” còn sót lại treo chính giữa nhà. Hiện tôi còn giữ bức hoành này là gia bảo độc nhất mà coi như cha tôi đã để lại cho tôi.
Lúc này tôi có viết bài thơ:
Mười lăm năm trở lại cố hương,
Lần lượt tìm qua các nẻo đường…
Sông núi vẫn là sông núi cũ,
Mà người xưa lạc bước ngàn phương!
Có nghe mắt đọng sầu vương,
Có nghe nỗi nhớ niềm thương dạt dào.
Chiều lên giữa giấc chiêm bao,
Bâng khuâng mây trắng trôi vào hư vô….
Lúc này tôi được Mặt Trận Tổ Quốc Thừa Thiên Huế mời tôi nói chuyện về cha tôi. Có sự tham gia của báo đài và văn nghệ sỹ rất đông. Thấy tôi quá xúc động khi nhắc đến ngôi nhà, mọi người thấy tôi thật đáng thương nên các anh em trong Mặt Trận đã hứa sẽ lấy ngôi nhà làm nhà lưu niệm cho thầy tôi. Tôi quá đỗi vui mừng. Tôi đã viết đơn kính tặng ngôi nhà cho nhà nước làm gì cũng được về văn hóa, nhưng không được hồi âm.
Thời gian qua…Mãi đến năm 1997. Hội Văn Học Nghệ Thuật Và Hội Khoa Học Lịch Sử Thừa Thiên Huế tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm sinh Ưng Bình Thúc Giạ Thị trên sông Hương ngày 22/8/1997. Tôi được mời tham dự hội thảo. Sau đó, tôi gặp ông Nguyễn Văn Mễ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ tại nhà Điêu Khắc Gia Điền Phùng Thị tại Sài Gòn.
Ông Mễ nhã nhặn ân cần nói với tôi:
“Chị Hỷ Khương à, hôm tổ chức lễ của cụ, tôi bận đi công tác, rất tiếc phải vắng mặt. Chị Hỷ Khương yên tâm, trước sau chúng tôi cũng cố thu xếp lấy lại ngôi nhà để làm nhà lưu niệm cho cụ”. Thật ra tôi hiểu rất rõ tấm lòng của quí vị có thẩm quyền lúc bấy giờ. Khi họ nói là nói với tất cả tình cảm chân thành, sự kính yêu quý trọng thầy tôi, nhưng lực bất tòng tâm, giải tỏa cho hết cả đám nhà dân trong khu vườn đâu phải là chuyện dễ!
Rồi thời gian trôi qua…Năm 2001, Giám đốc Sở Văn Hóa Thông tin Thừa Thiên Huế tổ chức 40 năm ngày mất của Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Dịp này có mời đoàn tuồng Đào Tấn ở Bình Định ra diễn vở tuồng Đông Lộ Địch của cha tôi (lấy từ sự tích vở kịch Le Cid của Văn hào nước Pháp Pierre Corneill để làm thành tuồng hát bội).
Tuồng này được diễn từ 1928 - 1975. Đến năm 2000, được phục hồi, được diễn khắp 3 miền: Hà Nội, Sài Gòn, Huế. Đến năm 2002, được đưa sang trình diễn ở Đức nhân dịp lễ văn hóa Đức- Á Châu do GSTS Thái Kim Lan tài trợ, tôi có được mời theo đoàn tuồng. Từ Pháp, GSTS Trần Văn Khê cũng được mời sang để diễn giải bằng tiếng Pháp cho khán thính giả hiểu rõ.
Khoảng thời gian này ông DĐV một chuyên gia sửa nhà rường ở Huế. Chúng tôi được biết ông này cũng thuộc gia đình trí thức ở Huế nên khi ông đề nghị nhường ngôi nhà cho ông để ông sửa chữa cho khang trang làm nơi Du Lịch Văn Hóa Huế. Ông nói cụ Ưng Bình là một danh nhân văn hóa Huế, nên ông sẽ đúc tượng, làm bàn thờ cụ v.v…Chúng tôi nghe quá đỗi vui mừng và tin tưởng, nên ba anh em chúng tôi: nhạc sĩ Bửu Huyền, Bác sỹ Hỷ Thọ và tôi đã làm giấy nhường ngôi nhà cho ông ta, không có một điều kiện, một sự đổi chác nào, kể cả hiện vật cũng như hiện kim.
Thời gian sau đó chừng vài tháng, nhà nước đòi phải làm giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất (lập sổ đỏ). Cả ba anh em chúng tôi không về Huế được, nên lúc này đã giao luôn giấy tờ bản chính vườn nhà để ông ta sử dụng cho được dễ dàng. Sự việc này tôi bị gia đình rầy la rất dữ. Mọi người bảo tôi quá tin người, cứ nghĩ ai cũng như mình thì chết.
Bẳng một thời gian tôi không về Huế, nói cho đúng là tôi sợ nhìn thấy ngôi nhà nên tôi trốn!!! Bà con bạn bè hiểu tôi và thương tôi lắm lắm. Vậy mà bỗng có tin tôi ra Huế bán đất vườn nhà Châu Hương Viên. Tôi sững sờ như đang nằm mơ, một cơn mơ kinh hoàng!!! Tất cả mọi người cũng sửng sốt không kém gì tôi! Tôi không có một mẫu giấy tờ trong tay làm sao có thể bán được? Mà mảnh đất vừa bán đó chắc cũng nhỏ thôi, vì đất vườn bị chiếm hết lâu rồi.
Thực tế mà nói, mảnh đất ai giả mạo bán đó cũng chẳng được bao nhiêu.
Có lúc tôi tâm sự với anh Nguyễn Hữu Cứ Giám đốc công ty Văn hóa Hương Trang, nơi đã sốt sắng in cho tôi bốn năm tập sách liên tiếp. Anh Cứ là một người thuần thành về đạo Phật. Anh Cứ nói: “Những sự việc này xảy ra là chắc chị phải trả nợ từ kiếp trước, chứ thật tình quá vô lý”.
Có một điều an ủi tôi nhiều nhất là năm 1974 tôi đã xây được lăng mộ cho thầy tôi rất khang trang trong khuôn viên phần đất mộ của ông nội tôi gần chùa Thiên Hòa Huế.
Nếu có dịp đọc qua những bài thơ tôi viết mỗi lúc về thăm nhà, các bạn sẽ thấy nỗi đau của tôi như thế nào!
Trong đời tôi, chưa có nỗi đau nào lớn như nỗi đau mỗi khi nhớ lại ngôi nhà của cha tôi!
Miền Nam Thu Tân Mão 2011