Văn học Việt Nam là một nền văn học thống nhất, thống nhất về địa lý, về lịch sử và cả về tình tự dân tộc. Nhưng thế kỷ XX trên đất nước này là một thế kỷ đầy biến động: chiến tranh, chia cắt, loạn lạc, thiên tai liên tiếp xảy ra. Số phận đất nước, số phận từng gia đình cũng như số phận mỗi con người cũng biến thiên theo những thăng trầm của thời cuộc. Lịch sử văn học, do đó, không thể không chịu ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh. Ở nước người, khi thế kỷ XX kết thúc, các chuyên gia đã chuẩn bị gần như đầy đủ điều kiện để tổng kết một thế kỷ văn học sôi động và phong phú của họ. Còn ở ta, thế kỷ XX đã trôi qua được hơn một thập niên rồi mà mọi cái vẫn còn là dang dở. Tư liệu về tác gia, tác phẩm văn học; tư liệu về sáng tác cũng như phê bình; tư liệu đã in thành sách cũng như còn trên mặt báo… thất lạc và tản mát khắp nơi. Có khi để tìm một truyện ngắn Việt Nam in vào nửa đầu thế kỷ thôi, người ta phải đi đến thư viện hay kho lưu trữ cách đây nửa vòng trái đất. Mà nói chi xa, ngay như những tư liệu còn ẩn mình trong các thư viện hay kho lưu trữ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vì nhiều lý do, mấy chục năm qua, vẫn như những người đẹp say ngủ mỏi mòn chờ các nhà sưu tầm, nghiên cứu ghé mắt đến. Thành ra đời sống văn học mới chứng kiến cảnh một vài nhà văn lớn đã được in và công bố Toàn tập rồi, mấy năm sau lại được phát hiện thêm nhiều tác phẩm trên báo chưa đưa vào sách, nên lại phải làm Toàn tập mới. Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng là hai trường hợp tiêu biểu nhất.
Trong hoàn cảnh như vậy, một số nhà văn phải chịu thiệt thòi trong sự đánh giá của lịch sử văn học. Những người làm văn học ở mảnh đất phương Nam này, từ lâu, do cách trở về địa lý, đã chịu nỗi thiệt thòi đó. Không phải tính từ thế kỷ XX này, mà có thể còn xa hơn. Chẳng hạn, người ta có thể suy nghĩ, không lẽ trước hay sau Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào, văn chương phía Nam chỉ là khoảng trống và Thầy Lazarô Phiền chỉ là nỗ lực đơn độc của Nguyễn Trọng Quản trong suốt mấy thập niên bản lề giữa hai thế kỷ?
Đó là những hạn chế khách quan của lịch sử mà giờ đây việc khắc phục gần như là bất khả. Nhưng còn có những hạn chế chưa được khắc phục là do con người chưa hết lòng cố gắng. Có thể chỉ ra ở đây nhiều công trình nghiên cứu về tác gia, tác phẩm, trào lưu, thể loại văn học Việt Nam được thực hiện khi nước nhà đã thống nhất mà trong đó lại bỏ sót nhiều hiện tượng là chân tài đã nẩy mầm và bám rễ từ phù sa văn học phương Nam. Thực tế đáng buồn này nay ai cũng thấy, có lẽ không cần chứng minh dài lời nữa.
May thay, thực tế đó ngày càng đánh động đến lương tri nghề nghiệp của các nhà nghiên cứu trên cả nước. Làm sao không sốt ruột khi mà ngành Việt Nam học ngày nay đang được quan tâm và phát triển trên thế giới. Làm sao không sốt ruột khi mà các nhân chứng văn học như lá mùa thu ngày càng rơi rụng. Và làm sao không sốt ruột khi mà bản đồ văn học sử để lại nhiều khoảng trống từ mấy thập niên qua vẫn chưa thể nào lấp đầy. Bằng vào những nỗ lực âm thầm mà kiên trì, bền bỉ, mấy chục năm qua, nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu đã góp từng “mảnh vụn” để tái tạo và hoàn chỉnh bản đồ văn học sử nước Việt. Có thể kể ở đây Bằng Giang, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Khuê, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Sâm, Hoài Anh, Nguyễn Q. Thắng… như những học giả mà tên tuổi đã trở thành quen biết với bạn đọc.
Hôm nay, chúng ta cầm trên tay cuốn sách của Nguyễn Mẫn, người đã tự nguyện bước theo con đường của những nhà nghiên cứu đi trước đó. Cuốn sách tập hợp những bài viết về các nhà văn đã gắn bó cuộc đời và sự nghiệp với mảnh đất phương Nam, đã góp phần xứng đáng làm nên diện mạo của một vùng văn học có bản sắc riêng trong sự thống nhất của văn học dân tộc. Đó là Lý Văn Sâm, Phi Vân, Thẩm Thệ Hà, Bình Nguyên Lộc, Lê Vĩnh Hoà, Nguyễn Bảo Hoá tức Tô Nguyệt Đình, Trang Thế Hy, Ngọc Linh, Minh Hương trong văn xuôi; là Huỳnh Văn Nghệ, Ái Lan trong thơ; là Kiều Thanh Quế, Bằng Giang trong nghiên cứu, phê bình... Dù xuất phát điểm và hoàn cảnh khác nhau, tất cả những nhà văn đó đều gặp gỡ ở tấm lòng đối với đất nước quê hương, đều nặng tình nặng nghĩa đối với mảnh đất và con người Nam Bộ.
Cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn ấy đã được đồng cảm bởi tấm lòng yêu văn học của nhà nghiên cứu Nguyễn Mẫn. Cuốn sách có nhan đề là Ấn tượng văn chương phương Nam, nhưng tác giả không phải là nhà phê bình trực cảm, và cái phần ấn tượng không giữ vai trò chủ đạo trong các bài viết này. Điều quan tâm và cũng là đóng góp hàng đầu của người viết là cung cấp những chứng liệu xác thực để lý giải và khẳng định vị trí của những hiện tượng văn chương nói trên. Trong công việc sưu tầm và khảo cứu công phu và khó nhọc của mình, tác giả bao giờ cũng tôn trọng quan điểm lịch sử: luôn luôn nhìn nhận, đánh giá và cắt nghĩa các hiện tượng văn học trong bối cảnh phát sinh của nó, trong hành trạng và tiểu sử của nhà văn, trong mối quan hệ với tiến trình vận động và phát triển của lịch sử văn học ở một thời kỳ nhất định. Có thể nói phương pháp lịch sử ở đây đã được kết hợp với phương pháp tiểu sử để soi sáng đặc điểm sáng tác của các nhà văn. “Nói có sách, mách có chứng”, các bài viết của Nguyễn Mẫn không chỉ cung cấp những kết luận chính ông rút ra được trong quá trình nghiên cứu, mà còn gợi ý cho những ai quan tâm tiếp tục đào sâu vấn đề và đi tới những nhận định khái quát hơn.
Đọc Ấn tượng văn chương phương Nam, chúng ta trân trọng tinh thần lao động có trách nhiệm của Nguyễn Mẫn, càng trân trọng tấm lòng sâu nặng của ông đối với văn học ở mảnh đất phương Nam. Vẫn biết công việc khôi phục diện mạo văn học của một vùng đất đòi hỏi nỗ lực của nhiều người, nhiều thế hệ; nhưng những đóng góp như cuốn sách này trong thời điểm hiện nay là rất đáng quý. Tôi tin rằng những sinh viên ngành văn học, những người giảng dạy và nghiên cứu văn học sử sẽ tìm thấy những chỉ dẫn bổ ích từ cuốn sách này.
Tiếc thay, Nguyễn Mẫn (1948 – 2006) đã ra đi đột ngột cách đây hơn năm năm, không được nhìn thấy đứa con tinh thần của ông ra mắt bạn đọc.
(*) NXB Thanh Niên, quý IV - 2011.