Đằng sau nhà thờ của dòng họ Nguyễn nhà tôi có một cái giếng lạn. Chuyện kể rằng những người đi chơi khuya về thường thấy có đôi trai gái ăn mặc cổ trang ngồi cạnh nhau bên bờ giếng hoặc thỉnh thoảng thấy dưới giếng chiếu lên một làn ánh sáng màu xanh biếc như ngọc dạ quang. Những mẩu chuyện này thật hư không rõ, nhưng thật trùng khớp với những tư liệu mà tôi đã sưu tầm được trong gia phả của dòng họ Nguyễn nhà tôi.Tôi không thể tìm thấy định nghĩa của hai từ “giếng lạn” dù đã tra cứu nhiều quyển tự điển khác nhau.Các bậc lớn tuổi thì cho rằng “giếng lạn”là một cái giếng bị bỏ hoang, hoặc là một cái giếng đã cạn hết nước. Trong ca dao tục ngữ hay thơ ca Việt nam tôi cũng không thể tìm thấy bất cứ câu nào có liên quan đến “giếng lạn”. Cũng may tôi còn tìm được mấy câu sau đây:
“Chiều chiều mây phủ về kinh
Ếch kêu giếng lạn cảm tình đôi ta
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu...”
Những câu thơ trên thật là trùng hợp với cuộc tình thơ mộng của bà cố tôi và một chàng võ sĩ múa lân mà bà ngoại tôi có kể cho tôi nghe một cách sơ lượt. Câu chuyện cứ vương vấn trong đầu tôi đến nỗi tôi muốn viết một truyện ngắn về nó. Rồi tôi tình cờ tìm được cuốn nhật ký của cậu ba tôi trong tủ sách của gia đình. Quyển nhật ký mới nhìn có hình dáng như một quyển kinh thánh đóng bìa da mạ chữ vàng, lật vào bên trong mới thấy đó là một quyển nhật ký được ghi chép theo từng ngày tháng. Có lẽ cậu ba viết quyển nhật ký này khi cậu đang theo học năm cuối trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Đọc nhật ký của cậu ba, tôi hiểu mối quan tâm của cậu cũng giống tâm trạng của tôi bây giờ là cố gắng giải mã sự bí ẩn tồn tại hơn hai trăm năm nay của cái giếng lạn có liên quan đến cái chết của bà cố tôi. Nhật ký của cậu ba ghi rằng khi bà cố Năm về làm dâu nhà ông sơ tôi bà mới lên mười chín tuổi, còn ông cố tôi lúc ấy tuổi đã quá lục tuần . Cả hai bà vợ trước của ông tôi đều đã mất nên bà được ông tôi cưng như trứng mỏng. Ông thân sinh của bà xuất thân là con nhà võ thuộc một dòng dõi danh gia ở tận An Nhơn, Bình Định, vì vậy bà được cha đích thân truyền dạy roi quyền từ khi còn để chỏm. Về làm dâu nhà ông cố tôi, bà cảm thấy lối sống của gia đình chồng khác hẳn với môi trường sống từ thưở ấu thơ của bà .Gia đình ông cố tôi vốn là gia đình quan lại.Thân sinh ra ông cố tôi là một vị quan triều Nguyễn có chút tiếng tăm ở kinh đô Huế, sau vào nhậm chức tri huyện tại vùng đất Phan Rí thuộc tỉnh Bình Thuận này rồi sinh con đẻ cái, lập nghiệp luôn tại nơi đây. Mấy đời sau con cái đều giàu có nhờ thừa hưởng gia tài ruộng đất ông cha để lại. Chính vì thế mà ông cố tôi và các người anh em của ông sinh ra đã sống theo kiểu con quan, suốt ngày đàn ca hát xướng, phó mặc cho các phu nhân quản lý bọn người làm và lo chuyện kinh doanh buôn bán hàng ngày...
Theo trí tưởng tượng của tôi thì lúc đầu cuộc hôn nhân của ông bà cố tôi diễn ra khá là xuôi chèo mát mái. Họ có một cuộc sống vô cùng giàu sang sung túc. Ông cố tôi hết mực cưng chiều người vợ trẻ, bà đòi hỏi điều gì ông cũng nghe theo. Họ lần lượt sinh hạ hai con, một trai một gái chỉ cách nhau chừng một hai tuổi. Người con trai của bà cố Năm chính là ông ngoại của tôi, người sinh ra mẹ tôi và cậu ba thi sĩ bây giờ...
*
Trong nhật ký của cậu ba, cậu kể rằng nếu bà cố Năm không say mê môn múa lân thì chắc chắn mọi chuyện ở Nguyễn gia trang này sẽ êm đềm như cuộc sống của các nhân vật trong truyện Hồng Lâu Mộng. Những cảnh ngâm thơ vịnh phú hay những màn hỉ nộ ái ố sẽ chỉ xảy ra một cách êm đềm giữa những hòn non bộ và những bức bình phong .Đằng này bà cố Năm lại say mê duy nhất có một thứ là môn múa lân, cái thú tiêu khiển chỉ được phổ biến rộng rãi bên ngoài bốn bức tường trang viện. Thời đó các đoàn lân được thành lập từ những lò võ nổi tiếng trong vùng và được đào tạo vô cùng bài bản. Các lân thủ được chọn lựa từ những môn đệ trưởng tràng có võ thuật vượt trội hơn chúng bạn và phải có khinh công xuất chúng, thể lực dẽo dai bền bĩ để có thể biểu diễn trên các trụ Mai hoa thung. Cùng diễn xuất trong một con lân,hai lân thủ phải thật tâm đầu ý hợp để có thể biểu diễn các động tác khó một cách vô cùng nhuần nhuyễn, chẳng hạn khi nhảy múa trên các cây trụ gỗ, chỉ cần động tác sơ sẩy của một trong hai người cũng đủ cho con lân lộn nhào xuống đất và hai lân thủ không khỏi chấn thương...
Bà cố Năm xuất thân là con nhà võ, thông thạo đòn roi quyền cước từ thuở nhỏ nên việc bà say mê môn múa lân không có gì là lạ. Ông cố tôi rất yêu thương vợ nên dĩ nhiên ông cũng hiểu rõ sở thích của bà. Vậy là cứ mỗi xuân về ông lại tổ chức một cuộc thi múa lân giữa các lò võ trong vùng với phần thưởng vô cùng trọng hậu. Múa Lân ngày tết là một trong những mỹ tục mang tính nghệ thuật, đã du nhập vào Việt Nam khá lâu và hầu hết ai cũng đều tin rằng trong những ngày Tết Nguyên Đán, nếu được Lân tới nhà giúp vui thì bao nhiêu chuyện xui xẻo, buồn bực của năm cũ cũng sẽ tan biến trước cái uy vũ phi thường của Lân, đồng thời Lân còn mang hạnh phúc may mắn tới với mọi nhà... Trong nhật ký của cậu ba, cậu miêu tả cảnh tượng thi đấu của một đoàn lân mười tám con đại diện cho mười tám võ đường trong vùng, đọc lên như thấy trước mắt cả một bức tranh hùng tráng. Ai có giàu tưởng tượng đến thế nào cũng không thể hình dung nổi cảnh tượng mười tám con lân đủ các màu sắc lần lượt múa các bài “ Tứ quý tranh long”, “Tam anh” hoặc “Song hỷ”, rồi tranh nhau món quà quý giá treo trên cây cột ở chính giữa sân trong một cuộc chiến quyết liệt giữa hai con lân vào vòng chung kết. Cuộc chiến diễn ra trên những cây trụ gỗ đường kính lớn hơn miệng bát gọi là Mai hoa thung. Hai con lân vào chung kết thoăn thoắt nhảy nhót trên từng cây trụ, chân tay liên tục tung ra những đòn hiểm ác nhằm triệt hạ đối phương trong tiếng chiêng trống thanh la và não bạt. Dưới sân thì đèn màu rực rỡ, cờ ngũ sắc tung bay, cùng với sự phụ họa nhịp nhàng của ông Địa miệng lúc nào cũng cười toe toét .. Cho đến khi có một con lân trúng đòn té khỏi giàn Mai hoa thung trong tiếng la thét cuồng nhiệt của đám khán giả ở bên dưới thì cũng là lúc hội thi múa lân xuất hiện tân vô địch .
Trong đám khán giả hò reo hò inh ỏi mừng chàng lân thủ đoạt ngôi vô địch, lúc nào bà cố Năm cũng là người cuồng nhiệt nhất. Ông tôi đã chu đáo làm sẵn một khán đài bằng gỗ trong vườn có mặt trước xoay về hướng sân Mai hoa thung. Từ trên khán đài có mái lá che mưa che nắng đó , bà cố Năm và bọn đàn bà con gái trong nhà họ Nguyễn có thể đứng nhìn các lân thủ thi đấu, chỉ cách họ có vài sải tay. Từ trên khán đài, các cô gái nhà họ Nguyễn có thể hoan hô các lân thủ đoạt giải vô địch bằng cách ném vào họ những chùm hoa trạng nguyên đỏ chói màu chiến thắng...
Đọc quyển nhật ký của cậu ba, tôi biết đêm đêm cậu đã cặm cụi ghi chép lại từ các quyển gia phả viết bằng Hán văn được lưu trữ trong nhà thờ họ Nguyễn. Tôi không rành chữ Hán nên tạm dùng nhật ký của cậu ba để làm tư liệu chính cho truyện ngắn này. Thật ra quyển nhật ký của cậu ba cũng không dày cho lắm, nhưng tôi đọc hoài không hết. Một phần vì tôi muốn đọc nhẩn nha để thưởng thức bầu không khí nên thơ như truyện tình cảm Trung Quốc, phần khác là vì giọng văn của cậu ba thật là kỳ lạ, nó dài thườn thượt và có rất ít dấu chấm hoặc dấu phẩy, làm cho người đọc liên tưởng đến lối hành văn bí hiểm của nhà văn Mỹ Faulkner. Để tả lại thời điểm bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt trong tình cảm giữa ông và bà cố tôi, cậu ba chỉ viết vỏn vẹn có một trang giấy. Trên trang này, cậu vẽ một bức ký họa nghệch ngoặc cùng với những dòng chữ Hán, chữ Anh và cả chữ Pháp, bên dưới là một dòng chữ Việt ngoằn nghèo: “ Ôi tình yêu...Vì sao bà cố phải hy sinh cả mạng sống của mình...?”, dưới dòng chữ đó, có hình vẽ một cái giếng nước, một chiếc giày võ sinh có gắn lưỡi phi đao và hai trái tim rướm máu. Thật là ...cải lương !!!
*
Tết đến được nghỉ hơn tuần lễ, ngoài việc đi thăm bà con bạn bè, tôi có thì giờ ngồi nhà đọc tiếp những trang nhật ký hấp dẫn của cậu ba. Văn phong như mây bay gió cuộn, nhiều đoạn cậu phân tích tâm lý dài lê thê, nhiều đoạn võn vẹn có hai dòng chữ, nhưng tôi thông cảm cho cậu vì tôi hiểu lý do tại sao cậu chọn cách hành văn như thế. Chắc chắn câu chuyện tình của bà cố Năm đã làm cho cậu xúc động. Hơn nữa, câu chuyện về bà cố Năm không thể dùng lời đơn giản để trình bày cho hết được mà phải sử dụng cả phép biện luận lẫn phép phân tích trong văn chương mới làm sáng tỏ được vấn đề...
Cậu ba viết rằng, ông cố tôi càng về già càng trở nên phóng đãng. Ngoài rượu chè cờ bạc và hút xách, ông còn say mê một cô đào hát vừa mới về diễn ở đình làng. Cô đào hát đang xuân hơ hớ bổng nhiên cảm thấy chán cuộc sống bấp bênh nay đây mai đó nên đồng ý chia tay cùng gánh hát rong để cùng ông tôi mướn nhà chung sống. Bà cố Năm biết chuyện liền tổ chức một trận đánh ghen trời long đất lỡ. Nhưng đến khi bà ghì được mớ tóc xinh như mây của cô đào hát trong tay và nghe cô gái khóc kể van xin thì bà bổng nhiên mềm lòng thương xót và chẳng đành lòng xuống tay độc ác với cô ta. Bà nghĩ cùng là phận gái với nhau thì thôi đành cam chịu. Chờ đến khi ông ta chán chường thì tức khắc trở về với mình thôi, can chi mà dành giật xâu xé cho “xấu thiếp, hổ chàng”. Rốt cuộc mối tình “trống bõi” của ông cố tôi cũng kết thúc nhanh chóng như khi mới bắt đầu. Cô đào hát ôm hết tiền bạc vàng vòng của ông trốn đi, còn ông thì lại lủi thủi trở về với sự bao dung của bà tôi. Lúc đó ông cố tôi đã ở vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hy”...
Mùa Xuân năm đó, để sửa chữa lỗi lầm ông đã gây ra và để làm vui lòng bà tôi, ông cố tôi tổ chức một hội thi Múa Lân thật là hoành tráng. Người dân cả huyện đổ xô ra đường chen nhau ngắm nhìn từng đoàn lân trang phục rực rỡ đang lũ lượt kéo nhau vào bãi thi đấu trong tiếng trống chiêng xập xình inh ỏi. Trận đấu diễn ra tưng bừng náo nhiệt với các màn thí võ cực kỳ gay cấn trên các cây trụ Mai hoa thung và chỉ kết thúc trong tiếng vỡ òa thỏa mãn của toàn bộ khán trường khi con lân đỏ lại bị đá ngả khỏi giàn Mai hoa thung, nhường món tiền thưởng treo trên đầu cột cho con lân trắng. Từ trên khán đài dành cho các nữ nhân trong gia đình, bà cố Năm mĩm cười tháo chiếc vòng ngọc bích trong tay khẻ ném vào chàng trai có gương mặt rất khôi ngô tuấn tú đang giơ cao chiếc đầu lân về phía khán đài chổ bà đang đứng, miệng chàng cười thật tươi biểu lộ sự hân hoan thích thú rất trẻ con...
*
Bất kể ở đâu trên trái đất này, tình yêu sét đánh đều diễn ra giống hệt như nhau. Tiếng sét ái tình khiến cho các cặp tình nhân trở nên say mê nhau một cách cuồng nhiệt. Họ tìm đủ mọi cách để được ở gần nhau, đắm đuối bên nhau, trộn lẫn cùng nhau, và đó chính là tai họa. Cái đêm mà Romeo gặp Juliet, chỉ sự say đắm hối hả đầy tuyệt vọng của cả hai cũng đủ báo trước cái kết cục bi đát cho họ về sau. Cuộc gặp gỡ giữa bà cố Năm và chàng múa lân cũng báo trước một kết cục giống hệt như vậy. Có khác chăng là tình yêu sét đánh lại đến với bà cố Năm khi bà đã là một người đàn bà có chồng con...
Nhật ký của cậu ba kể lại những cuộc hẹn hò lãng mạn giữa bà cố Năm và chàng múa lân.Không biết căn cứ vào đâu mà cậu kể rằng nó thường xảy ra vào lúc nửa đêm ở giữa vườn mai chiếu thủy bên bờ giếng, nơi chàng thanh niên lẻn vào tình tự với bà cố Năm rồi ra đi khi trời còn chưa sáng. Cậu ba viết về những cuộc hẹn hò này với một giọng văn nhẹ nhàng, đầy thông cảm, có thể thấy được thái độ bao dung của cậu đối với mối tình tội lỗi của bà nội mình. Tôi cũng mặc nhiên đứng về phía cậu và tôi thầm nghĩ thái độ của các gia nhân thời ấy chắc chẳng khác gì tôi và cậu ba, vì mãi cho đến hơn hai năm sau thì mối tình bất chính của bà cố tôi và chàng múa lân mới bị ông cố tôi tình cờ phát hiện.
Cậu ba kể rằng chuyện tình của bà cố Năm bị vỡ lở trong lúc mọi người đang chuẩn bị bước vào những ngày sắp Tết. Có điều lạ là sau khi biết chuyện, ông cố vẫn giữ vẻ bình tỉnh khác thường so với cái tính xốc nổi hàng ngày của ông. Ông vẫn vui vẻ cười đùa, sai khiến gia nhân dọn dẹp trang trí nhà cửa để đón tết. Đặc biệt hơn, ông cho chuẩn bị kỳ thi múa lân năm đó cực kỳ chu đáo, mời thêm các đoàn lân ở Phan Thiết về tham dự giải và trao giải thưởng giá trị hơn gấp nhiều lần so với những năm trước đây. Ngoài xâu tiền treo trên cột, ông tuyên bố tặng thêm một viên ngọc bích vô cùng quý giá, là tài sản gia truyền của dòng họ Nguyễn, cho con Lân của đội nào thắng cuộc.
Đã ba năm liền kể từ ngày chàng lân thủ của lò võ cổ truyền Bình Định đoạt chức vô địch, đội lân áo trắng vẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục đoạt giải quán quân. Phong độ của chàng múa lân áo trắng vẫn ở đỉnh cao, cộng với sự lạc quan do tình yêu mang đến khiến cho khuôn mặt tuấn tú của chàng càng thêm rực rỡ với nụ cười luôn nở trên môi. Chàng trai trở thành thần tượng của hầu hết các cô gái trẻ trong vùng. Giới trẻ khắp nơi trong huyện rủ nhau đến lò võ xin thụ giáo nghề múa lân, hy vọng sẽ có ngày thanh danh rạng rỡ như chàng lân thủ vô địch.Chàng trai và bà cố Năm vẫn lén lút hẹn hò nhau trong những đêm trăng sáng. Họ yêu nhau cho đến khi sức lực rã rời, rồi cùng nhau ngồi bên bờ giếng nhìn ánh trăng trong đáy mắt nhau. Bà cố Năm ôm lấy chàng trai mà khóc, linh cảm một việc chẳng lành sẽ xảy ra qua màu trăng bổng dưng đổi màu đỏ quạch...
*
Cậu ba dành hơn mười trang giấy để tả lại cuộc tranh hùng có một không hai giữa hai con lân trắng và đỏ đại diện cho hai lò võ cổ truyền và võ thiếu lâm trong cuộc thi tài ngày tết năm đó. Năm đó lân thủ đội đỏ là một chàng trai có thủ pháp mạnh mẻ và cước pháp vô cùng nhanh nhẹn. Những thế tấn trầm trọng vững chắc và các đòn phản công lợi hại của chàng ta dường như trở thành khắc tinh của những đòn gối chỏ nhập nội khá quen thuộc của chàng lân thủ vô địch. Võ thiếu lâm được truyền tụng bằng câu phương ngôn “Nam quyền, Bắc cước”, nhưng nhìn lối đánh của chàng trai áo đỏ thì thấy chàng ta nhuần nhuyển cả hai món sở trường nói trên. Có thể đoán rằng chàng ta đã luyện tập cả quyền lẫn cước ngay từ thời niên thiếu.
Bà cố Năm hồi hộp nhìn trận đấu diễn ra với phần thua đang nghiêng về phía người tình của bà. Bà nghe trái tim mình như đập loạn nhịp trước các thế tấn công đầy hiểm hóc của đối phương.Thấy trước sự bại trận của người mà bà từng yêu thương ôm ấp, mặt bà đẩm ướt nước mắt. Bà không biết rằng ở phía bên trái và trước mặt bà, ông cố tôi đang nhìn ngắm trận đấu và đồng thời cũng chăm chú nhìn vẻ mặt tuyệt vọng của bà với ánh mắt vô cùng bí hiểm.
“Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...!!!”
Bà cố Năm chợt giật mình quay về với thực tại khi nghe đám khán giả bên dưới la ó và bàn tán xôn xao.Bà nhìn trở lại giàn Mai hoa thung nơi mà mấy phút trước đây bà thậm chí còn không dám liếc nhìn qua. Trên giàn Mai hoa thung đã đến lượt phản công của chàng lân thủ áo trắng. Qua những phút đầu choáng váng vì các thế đánh kỳ lạ của truyền nhân võ thiếu lâm, chàng nhanh chóng phát hiện ra những sơ hở trong lối phòng ngự của đối phương. Thế là chàng liên tiếp tung người lên cao, dựa hẳn thân mình vào đôi tay rắn chắc của người bạn lân đứng sau mà tung ra hàng loạt cước khủng khiếp. Có thể thấy sự yếu thế của chàng lân áo đỏ. Những cao thủ trong nghề chỉ cần nhìn bộ pháp của chàng lân áo đỏ ở những lần chạm gót chân vào Mai hoa thung cũng có thể đoán được chàng ta sẽ bị đã bại ở bao nhiêu thế đánh nữa...
“ Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...!!!”
Lại một tràng tiếng la thét vang lên từ bên dưới khán đài. Lần này thì mọi việc bỗng nhiên thay đổi khác hẳn dự đoán của mọi người có mặt hôm ấy. Phút cuối cùng trước khi bị đánh bật xuống giàn Mai hoa thung bởi những ngọn cước bay bướm của chàng lân áo trắng, chàng lân áo đỏ bỗng hét lên một tiếng như sét nổ, hai chân thình lình chụm vào nhau, mũi giầy chân trái đá nhẹ vào gót giầy bên phải, rồi nhanh như chớp chàng ta tung một cước vào ngực đối phương. Lân thủ áo trắng rùn bộ nhẹ nhàng khoát tay đở gót giày một cách tự tin. Bỗng nhiên chàng thét lên một tiếng đau đớn như bị chạm vào tử huyệt, vừa định đưa hai tay lên cao để phản đối thì chàng đã bị đối phương đá bồi thêm một cước như trời giáng vào hông trái. Bị trúng liền hai đòn hiểm ác, khuôn mặt lân thủ áo trắng bỗng trở nên nhợt nhạt như đã mất hết máu trong người. Chàng đau đớn bước đi loạng choạng trên Mai hoa thung, với những bước chân như không còn nhận ra phương hướng nữa. ..
“ Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...Ồ...!!!”
Sự việc diễn biến quá sức đột ngột ngoài trí tưởng tượng của mọi người ngày hôm đó. Những tưởng với những vết thương trí mạng vừa rồi thì chàng lân thủ áo trắng sẽ rơi ngay khỏi giàn Mai Hoa Thung, nhưng mọi người một lần nữa lại bàng hoàng sửng sốt. Sau những loạng choạng đầy đau đớn, chàng lân thủ áo trắng bừng lên như ngọn đèn tàn trước gió. Một cú đá hiểm hóc ở giây phút không ngờ nhất đột ngột tung ra làm lân thủ áo đỏ tối tăm mặt mũi. Con lân đỏ to lớn lảo đảo bước hụt liền mấy trụ, rồi loạng choạng té ra khỏi giàn Mai hoa thung, để lại con lân trắng kiêu dũng đứng sừng sững như một tượng đài chiến thắng. Chàng lân thủ áo trắng bước lên vai bạn. Như người uống rượu say, chàng lảo đảo với tay lên cây tre cao chụp lấy xâu tiền thưởng và viên ngọc bích được gói trong một túi vải đỏ. Chàng lân vô địch như sững người trong từng tràng hoan hô vang dậy của người xem. Chàng đưa cặp mắt mệt mõi tìm kiếm khuôn mặt thân yêu mà chàng đang mòn mõi chờ đợi, rồi chàng nhìn thấy khuôn mặt đẫm lệ của bà cố Năm đang đăm đắm nhìn chàng. Gượng lấy hết sức tàn, chàng ném viên ngọc về phía bà cố Năm, rồi từ từ gục xuống giữa tiếng la hét thất thanh của mọi người. Người bạn đồng môn của lân thủ áo trắng nhìn lại đôi bàn tay mình vừa ôm lấy thân thể bạn lúc nãy, và bàng hoàng nhận ra đôi tay mình dính đầy máu tươi, những giọt máu còn tiếp tục phun ra từ hông trái của chàng múa lân vô địch...
Đêm hôm đó, trong lúc mọi người ở võ đường Lân cổ truyền đang lặng lẽ tổ chức lễ tẩm liệm cho chàng Lân áo trắng trong đau buồn và thương tiếc thì bà cố Năm thấy ông cố tôi dọn một bữa tiệc riêng trong vườn để tiếp hai người khách lạ, mà một trong hai người đó chính là lân thủ áo đỏ. Đối với bà cố Năm , vở tuồng do ông đạo diễn đã thực sự hạ màn với cái chết đầy tinh thần thượng võ của chàng lân áo trắng. Sự ghen tuông của ông sau cùng đã thắng, nhưng không thắng nổi trái tim của những người tha thiết yêu nhau...
*
Những trang nhật ký sau cùng của cậu ba dành để tả về cái chết của bà cố Năm.Cái chết lặng lẽ của bà đã trở thành một huyền thoại ở cái huyện cực nam trung bộ này cho mãi đến hơn hai trăm năm sau.Có thể bà đã tự trầm mình trong cái giếng lạn cùng với viên ngọc của tình nhân.Cũng có thể bà chỉ thả rơi viên ngọc cùng với mối thâm tình của bà chìm sâu trong giếng lạn.Từ ngày đó cái giếng lạn trở thành nơi mà những cặp trai gái yêu nhau thường tìm cách đi ngang để có dịp dừng chân trước giếng cầu nguyện cho tình yêu của họ được thắm thiết tuyệt vời như mối tình của bà cố Năm và chàng lân áo trắng .Quyển nhật ký của cậu ba giúp tôi hiểu được nhiều điều về cuộc sống của những bậc tiền bối dòng họ Nguyễn của tôi ngày xưa, về những mối tình thầm lặng uẩn khúc như trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng.
Nhưng xưa nay các nhà thơ thường giàu tưởng tượng. Họ có thể sáng tác nên những nhân vật thiên hình vạn trạng và những mối tình chỉ có trong thi ca và tiểu thuyết mà thôi, và cậu ba tôi lại chính là một người trong số những nhà thơ ấy. Biết đâu......!