Quan niệm kết hợp văn học với chính trị ở nước ta được tồn tại lâu bền. Vì vậy, với lý do nào đó về chính trị chúng ta tự đánh mất cơ hội khảo cứu một số hiện tượng văn học. Trong tiến trình đổi mới hôm nay, thiết nghĩ nên tạm bình lặng một cách cần thiết, để chúng ta nhìn nhận lại những góc còn khuất của nền văn học trong quá khứ. Trên tinh thần đổi mới và xem nghiên cứu văn học là một khoa học thực sự, chúng ta có thể đánh giá những giá trị văn học một cách thỏa đáng bởi đóng góp của thế hệ đi trước. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho người viết đề cập đến hiện tượng: Phạm Quỳnh và nhìn nhận những đóng góp của ông trong quá trình phát triển văn học nước ta đầu thế kỷ XX.
Thực ra, trước đây trong Nhà văn hiện đại quyển I Vũ Ngọc Phan đã có những đánh giá khá xác đáng về Phạm Quỳnh. Dù rằng, chủ yếu tác giả nhận định công lao của Phạm Quỳnh đối với tạp chí Nam Phong. Bên cạnh đó Vũ Ngọc Phan đã nhìn nhận Phạm Quỳnh vừa là nhà dịch thuật vừa là nhà phê bình. Và, ông đã đưa ra nhận định: “Cái ông Phạm Quỳnh “ khai thác” lúc đầu cho nền quốc văn có ngày nay, thật là một công không nhỏ”. Tuy nhiên, những nhận xét của Vũ Ngọc Phan trong một thời gian dài đã bị xao nhãng. Khi nói đến sự phát triển của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX cái tên Phạm Quỳnh còn được cân nhắc kỹ càng. Ngay khi Thơ Mới, Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn được xem xét và nhìn nhận khác trước thì cái tên người chủ bút Nam Phong vẫn chưa được đề cập đến. Mãi đến năm 2000 trong một số tài liệu nói về sự hình thành và phát triển văn học Việt Nam thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến 1945 cái tên Phạm Quỳnh được nhắc đến còn khá khiêm tốn khi giới thiệu một số sáng tác thể loại tùy bút, bút ký từ đầu năm 20 đến khoảng 30 của thế kỷ. Hoặc khi nói đến nhịp độ phát triển mau lẹ của văn học thời kỳ này, các tài liệu thường dẫn câu của Phạm Quỳnh than phiền trên tờ Nam Phong: “có nước mà chưa có văn”. Gần đây, có một vài tác phẩm đã nhắc tới Phạm Quỳnh và giới thiệu tác phẩm của ông tiêu biểu như “Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam” của Vương Trí Nhàn hay “Lý luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX” của Trần Mạnh Tiến... Vậy, qua một số tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được in và qua lời giới thiệu của những nhà nghiên cứu, chúng ta thử nhìn nhận vai trò của Phạm Quỳnh và đóng góp của ông đối với quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đến năm 1945.
I. Vai trò của Phạm Quỳnh trong quá trình đổi mới văn học từ đầu thế kỷ XX đến 1945:
Trước hết, không phải chỉ riêng với Phạm Quỳnh chúng ta mới cần có một cái nhìn toàn diện và hợp lý. Vì đối với nền văn học của chúng ta từ trước tới nay thường đánh giá thành quả của những nhà thơ, nhà văn người đã tạo ta tác phẩm mà quên đi những người đã mang đến cho họ hướng đi sáng tạo, cơ hội tiếp cận với cái mới. Vai trò của những nhà nghiên cứu, dịch thuật hay lý luận phê bình chưa được đánh giá thỏa đáng. Trong khi đó sự sáng tạo nghệ thuật luôn được xây dựng trên một hệ tư tưởng và phương pháp luận. Lý luận, phê bình không chỉ là quá trình tổng kết, khái quát các hiện tượng văn học mà còn là cơ sở tiền đề cho sự ra đời của nhiều trường phái, trào lưu hoặc góp phần quay trở lại thúc đẩy cho sự phát triển của văn học. Với quan niệm đó, chúng ta sẽ thấy được những đóng góp đáng kể của nhiều nhà dịch thuật hay phê bình, trong đó có Phạm Quỳnh. Cụ thể như sau:
1. Thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam thế kỷ XX:
Quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của nền văn học Pháp, sự phát triển tầng lớp trí thức Tây học, xuất hiện công chúng mới... và trong đó không thể không nói đến vai trò của báo chí. Tạp chí Nam Phong tồn tại 17 năm và đã đóng góp khá lớn cho sự phát triển văn học, như Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nhiều người thanh niên trí thức đã có thể căn cứ vào những bài trong Nam Phong tạp chí để bồi bổ cho cái học còn khiếm khuyết của mình. Thậm chí có người đã lấy Nam Phong làm sách học mà cũng thâu thái được tạm đủ tư tưởng học thuật Đông Tây”. “Con mắt của Nam Phong” - Phạm Quỳnh không chỉ điều hành Nam Phong tạp chí mà còn trực tiếp viết nhiều bài trên nhiều lĩnh vực. Công lao của ông thể hiện ở việc dịch thuật, khảo cứu, lược khảo như: Văn minh luận, chính trị nước Pháp, lịch sử thế giới, chính trị học. Ngoài ra ông còn đem đến cho người đọc những tư tưởng của các triết gia hoặc những vấn đề triết học qua các bài viết như: Triết học là gì?; Descartes, Tổ triết học nước Pháp; Tư tưởng Keyserling; Phật giáo lược khảo, Khổng giáo luận; Đông Á và Tây Âu hai văn minh có thể dung hòa được không?... Bên cạnh đó ông còn giới thiệu thân thế và học thuyết của Bergson, Voltaine... Ở góc độ văn học, đóng góp của Phạm Quỳnh là du ký và phê bình văn học. Ông còn dịch kịch của Corneille, truyện của Maupassant hay ông giới thiệu về văn học nước Pháp, thơ Baudelaire... ở những năm đầu thế kỷ XX việc giới thiệu tư tưởng, học thuật của Phạm Quỳnh là điều mới mẻ và táo bạo. Ngay học thuyết của Bergson mãi đến sau này mới được một số nhà dịch thuật giới thiệu trong lý luận phê bình. Một điều chúng ta nhận ra qua việc dịch thuật và giới thiệu của ông là ông không hẳn thiên kiến về một tư tưởng hay trường phái nào. Ông giới thiệu như một lượng kiến thức cần thiết về văn học mà ông cho là tiêu biểu, nổi bật hoặc đã được nhìn nhận ở văn học Pháp.
Nhìn lại quá trình phát triển của văn học Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX đến 1945, ta thấy ở giai đoạn thứ nhất người sáng tác vẫn chỉ là các nhà Nho. Dù có sự đổi mới về nội dung nhưng tư tưởng học thuật, quan điểm thẫm mỹ vẫn chưa dứt hẳn văn học thời kỳ Trung Đại. Đó giống như là “Bình mới và rượu cũ” vậy. Ở giai đoạn thứ 2 từ đầu những năm 20 đã xuất hiện một số tác phẩm văn xuôi của Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, bút ký, tùy bút của Tương phố, Đông Hồ, Phạm Quỳnh... Thơ của Tản Đà, Trần Tuấn Khải; kịch của Vũ Đình Long... nhưng chưa nói đến sự chuẩn bị cho một bước đột khởi của văn học giai đoạn sau. Trong quá trình chuẩn bị đó thì chính những tác phẩm dịch thuật hay tư tưởng học thuật đã tạo một độ ngấm nhất định cho các cây bút xuất hiện sau này. Đó có thể coi là quá trình “thay rượu” để tạo ra cả “bình mới lẫn rượu mới”.
2. Góp phần định hướng cho sự phát triển văn học:
Ngay từ năm 1917, Phạm Quỳnh đã thấy được vai trò của chữ quốc ngữ đối với nền văn học Việt Nam. Ông đã viết “Xin đồng bào ta chớ lãng bỏ, chớ khinh rẻ văn quốc ngữ. Tương lai nước nhà chính ở đó”. Bởi vì, ông hiểu rằng sử dụng chữ quốc ngữ mới có cơ sở mở mang dân trí, mới thâu thái các khoa học mới để nâng cao trình độ và tiếp cận với nền văn minh để gây dựng nền quốc học. Song, không phải vì thế mà ông chối bỏ nền văn học quá khứ. Khi xem xét chữ Nho với văn quốc ngữ ông đã khẳng định: “Những bậc anh hùng, hào kiệt, chí sĩ, cao nhân, hiển vinh cho nước, bởi đâu mà làm nên sự nghiệp vĩ đại; bởi đâu mà để lại tiếng thơm cho đời? Chẳng phải là nhờ Nho học mấy đời hun đúc nên dư?”. Và ông cũng nêu tầm quan trọng của chữ Nho trong thời hiện đại. Mục đích là để thế hệ sau hiểu thấu đáo nền văn học trong quá khứ chứ không phải để sáng tác theo các bậc tiền bối. Bởi ông nhận ra cái lối học thời phong kiến là lối học phiền, câu nệ, cầu kỳ... Cũng trong bài viết này, ông đã khuyên các nhà văn nên cẩn thận về sự dùng chữ và cách diễn đạt trong các thể loại văn học. Ông khuyến khích sử dụng tiếng nước ngoài trong góc độ học thuật vì như thế mời dễ tra từ điển, dễ hiểu hơn.
Cách lý giải của ông trong việc sử dụng chữ Nho, chữ Tây và chữ quốc ngữ khá cụ thể, hợp lý và khoa học. Đó là sự định hướng đúng đắn khi buổi giao thời khiến cho nhiều cây bút phải lưỡng lự phân vân trong cách chọn lựa.
Bàn về nền văn học nước nhà trong Bàn về quốc học và quốc học với quốc văn, Phạm Quỳnh đã thể hiện quan niệm khá tiến bộ, thức thời. Lúc bấy giờ không ít quan điểm cho rằng học tiếng Tây, đọc sách Tây, nghiền ngẫm tư tưởng Tây là theo Tây rồi. Nhưng, lịch sử đã sang trang việc ảnh hưởng kinh tế, văn hóa là điều không thể tránh khỏi khi thực dân Pháp đô hộ nước ta. Từ quá khứ đã bị sự xâm chiếm của phương Bắc, Phạm Quỳnh đã so sánh sự ảnh hưởng của Hán học đối với nước ta và Nhật Bản để thấy so với Nhật thì ảnh hưởng của Nho giáo đối với nước ta rất nặng nề. Vậy nên, như một sự cảnh báo, Phạm Quỳnh đã nhắc nhở: “Ta nên đồng hóa có ý thức, có nghĩa lý, nên kén chọn lấy những cái hay của người ta mà bắt chước, nên xem xét mình thiếu những gì mà học tập lấy của người ta để bồi bổ cho mình”. Có lẽ khi ông dùng những tư như đồng hóa, bắt chước đã tạo nên những ý kiến phản bác, phê phán. Nhưng xem xét cách diễn giải của ông, ta sẽ thấy tinh thần thực sự của ông như thế nào. Phần kết luận ông đã nói rõ quan điểm của mình: “Muốn tự lập thì không thể làm mất đi cái cốt cách tinh thần của mình đi mà đồng hóa theo người cả được. Phải mượn phương pháp của người để tự bồi bổ cho mình”. Thiết tưởng quan niệm đó của ông không phải là không đáng lưu tâm.
Cùng với tư tưởng kế thừa và phát triển, Phạm Quỳnh đã xác định việc xây dựng nền văn học bao gồm 2 phần: “Phần thứ nhất là sưu tập lấy những tài liệu của đời trước còn để lại; phần thứ nhì là gây dựng lấy một cái tản văn từ trước đến nay chưa có”. Ông đã giúp cho các văn sĩ trong Nam ngoài Bắc thấy được rằng: Muốn xây dựng một nền văn học mới phải biết kế thừa di sản của thế hệ đi trước để lại; phải biết học tập, tiếp thu một nền văn hóa mới. Nhưng điều quan trọng nhất vần là giữ lấy quốc túy của mình, bản sắc tinh hoa của dân tộc ta. Không chỉ định hướng về tư tưởng sáng tác, Phạm Quỳnh còn chỉ ra cách thức sáng tác. Việc ảnh hưởng văn học Pháp đã làm xuất hiện một thể loại văn học mới, đó là thể thoại phóng tác mà tiêu biểu là tác giả Hồ Biểu Chánh. Với một quan niệm tiến bộ trong văn chương, Phạm Quỳnh dường như không đánh giá cao thể loại này. Ông cho rằng để tạo nên một nền văn học riêng của nước nhà thì nhà văn phải có cốt cách, phải có cái riêng của mỗi người và có được cái chung của dân tộc. Năm 1919, Phạm Quỳnh đã có được những ý tưởng đổi mới trong văn chương. Tuy cách nói của ông không mang tính chất học thuật như bây giờ nhưng xét cho cùng những điều ông nói chính là những vấn đề ngày nay chúng ta mong mỏi. Đó là phát huy cá tính sáng tạo của nhà văn nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc. Hòa nhập chứ không hoàn tan...
Có thể thấy rằng, ít nhiều gì những định hướng của Phạm Quỳnh đã có ảnh hưởng đến văn học giai đoạn sau. Từ quan điểm học thuật đến cách thức sáng tác, Phạm Quỳnh đã nỗ lực trong việc tạo ra diện mạo mới cho nền văn học Việt Nam. Quá trình hiện đại hóa trong văn học đầu thế kỷ XX không thể phủ nhận vai trò của ông.
II. Đóng góp của Phạm Quỳnh trong quá trình đổi mới văn học đầu thế kỷ XX đến năm 1945:
1. Lí luận, phê bình văn học:
Không chỉ thể hiện vai trò của người mang đến những quan niệm mới góp phần thúc đẩy sự phát triển văn học Việt Nam thời kỳ đầu thế kỷ XX đến 1945, Phạm Quỳnh còn là người đóng góp cho sự hình thành và phát triển văn học giai đoạn này qua những bài lý luận, phê bình ở nhiều phương diện, với nhiều nhận định sắc sảo.
Dường như hiểu rõ tác dụng của Nam Phong tạp chí với tầng lớp tri thức, cùng với mục đích thúc đẩy sự cách tâm trong văn học, Phạm Quỳnh đã có những bài viết công phu giới thiệu nền văn học Pháp, các thể loại văn học và quan niệm Mỹ học. Ở thể loại thơ trong cái nhìn so sánh giữa thơ Ta và thơ Tây, Phạm Quỳnh chỉ ra đặc trưng của từng thể loại thơ. Giới thiệu cái hay, cái mới của thơ Pháp, cũng như đánh giá cái hay của thơ Ta, ông cho rằng “nếu ta khéo ra thì có thể điều hòa được cái hay của hai đàng mà không mắc phải những khuyết điểm” và ông cũng chỉ ra điều căn cốt tạo nên thơ là những cảm xúc thẩm mỹ mà ông gọi là “cái hứng ở trong lòng”. Khi bàn về thơ ông đã giới thiệu quan niệm của Paul Géraldy xem xét thể loại ở nhiều góc cạnh từ nội dung, tư tưởng, giọng điệu, phương pháp sáng tác... ở thể loại tiểu thuyết ông bàn về đặc trưng thể loại và phép làm tiểu thuyết. Từ cách so sánh tiểu thuyết ở những thời kỳ trước, Phạm Quỳnh chú trọng đến đặc điểm thể loại tiểu thuyết đời nay. Từ cách phân tích về mặt kết cấu, cách thức hành văn, xây dựng nhân vật hay phân chia các loại tiểu thuyết, Phạm Quỳnh giúp cho người đọc hình dung được đặc điểm riêng biệt của thể loại văn học này và phương thức thể hiện nó. Ở thể lọai kịch nói, Phạm Quỳnh đã giới thiệu khá đầy đủ về các mặt như diễn kịch, vai diễn, các loại kịch... Điều đáng nói trong cách giới thiệu của ông là ông không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu một thể loại văn học mới mà còn phân tích cách soạn kịch với ba phần cốt yếu: sáng ý, bố cục và lập từ. Cách nói của ông được hiểu như bây giờ đó là tạo tình huống nội dung kịch, phân cảnh hồi, màn và ngôn ngữ giọng điệu trong kịch. Ông cũng so sánh lối diễn đạt trong kịch và tiểu thuyết cho nhà văn phân biệt để viết trong quá trình sáng tác. Vậy, ta có thể thấy rằng, mục đích của ông khi giới thiệu các thể loại văn học không chỉ là mang đến cho người đọc một cái nhìn mới trong văn học mà hơn thế ông còn muốn từ những tri thức đã học tập được thì chúng ta còn biết cách thức vận dụng, sáng tạo để tạo nên một nền văn học mới. Có ý kiến cho rằng ông là người thầy của nhiều văn sĩ, chắc cũng không quá đáng.
Cách phân tích và giới thiệu của ông có thể nói như lý luận văn học ngày nay. Tuy còn khiếm khuyết và chưa toàn diện, mà đó cũng là điều dễ hiểu trong thời kỳ đó, nhưng chúng ta có thể thấy rằng vấn đề mà Phạm Quỳnh đặt ra như một sự xuất hiện của lý luận văn học trong bộ môn văn học. Đánh giá văn học trong thời kỳ này, chúng ta thường nhìn nhận đến giai đoạn 30-45 mới có sự xuất hiện của thể loại phê bình văn học bằng tác phẩm để đời “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân. Vậy chúng ta có thể xếp những bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh vào thể loại nào? Tất nhiên, với số lượng không nhiều nhưng chúng ta có thể thấy được ý đồ của tác giả trong việc xây dựng một nền văn học mới. Phạm Quỳnh đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh của văn chương từ tác phẩm đến thể loại hay từ những giai đoạn văn học đến tác gỉa cụ thể và từ vấn đề lý luận đến thực tiễn sáng tạo văn học. Ông tiếp thu các vấn đề mà văn học Pháp đặt ra để nhằm gây dựng sự phát triển nhiều mặt trong nền văn học nước nhà. Chỉ có điều, văn học nước ta nghiêng về sáng tác nhiều hơn là lý luận, phê bình nên những vấn đề mà ông khai phá chưa được phát huy. Mà những vấn đề ông nêu chủ yếu có tác động đến quá trình nhận thức của giới tri thức trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Họ học ở Nam Phong để trở thành nhà thơ, nhà văn chứ không phải trở thành nhà lý luận, phê bình. Phải đến cuối thế kỷ XX, văn học của ta mới chú ý tới vai trò của lý luận phê bình đối với sự phát triển văn học.
Một vấn đề còn nhiều tranh luận là những bài phê bình văn học của ông, tiêu biểu là Truyện Kiều. Trước nay nhiều người đã phủ nhận những đánh giá của Phạm Quỳnh khi cho rằng ông xúc phạm đến phong trào cứu nước đương thời hoặc ông đã đảo lộn mối quan hệ giữa tinh hoa văn hóa dân tộc với sự tồn vong của đất nước... khi có sự gắn kết giữa văn học và chính trị thì việc phê phán ấy là có cơ sở. Hoặc Thiếu Sơn trong cuốn Phê bình và cảo luận cũng cho rằng quan niệm phân loại văn chương của Phạm Quỳnh là thiên lệch. Năm 2001, Trần Mạnh Tiến trong tác phẩm Lý luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX nhận xét cuốn sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan chỉ nêu ra những ý kiến nhận xét vắn tắt về hoạt động văn học của Phạm Quỳnh. Đúng là Vũ Ngọc Phan chưa đánh giá một cách hệ thống các thành tựu khảo sát văn học của các nhà lý luận phê bình đầu thế kỷ XX nhưng ông đã có những nhận định chính xác về vai trò công lao của “những người đi tiên phong”. Trong khi đó tác giả Trần Mạnh Tiến đã có cái nhìn khái quát về thành tựu lý luận phê bình đầu thế kỷ XX nhưng lại chưa nêu rõ vai trò, công lao của các nhà khai phá cũng như tác động của những thành tựu đó đối với sự phát triển và cách tân văn học; trong đó có Phạm Quỳnh. Vậy nên, chúng ta đánh giá thế nào cho thỏa đáng? Thứ nhất là từ năm 1919, Phạm Quỳnh đã có bài nghiên cứu về Truyện Kiều khá công phu. Ông giới thiệu cội rễ Truyện Kiều, lịch sử tác giả Nguyễn Du và có những nhận xét xác đáng về vai trò, vị trí, giá trị của Truyện Kiều đối với văn học dân tộc. Có thể nói rằng, trước Phạm Quỳnh, nhiều nhận định về Truyện Kiều nhưng để xem Truyện Kiều là sự kết tinh tâm hồn dân tộc, là niềm tự hào của đất nước thì Phạm Quỳnh là người đầu tiên. Lúc bấy giờ nhiều người cho rằng Phạm Quỳnh nói quá, nhưng đến sau này Nguyễn Du được xem như Danh nhân văn hóa và Truyện Kiều được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới thì lời nói của Phạm Quỳnh đẩu phải là khoa trương nữa. Thứ hai, bàn về nội dung và nghệ thuật Truyện Kiều Phạm Quỳnh đã thể hiện một trí tuệ sắc sảo, một sự nhạy cảm cần thiết của một nhà phê bình. Ông nhìn nhận đánh giá Truyện Kiều ở cả hai mặt nội dung và nghệ thuật: “Phàm văn chương hay là, thứ nhất, ở lời văn điêu luyện, thì nhì ở ý tứ thâm trầm... Truyện Kiều thật là kiêm được cả hai, lời văn rất luyện mà ý tứ rất sâu, lời văn luyện cho đến nỗi tưởng không có tài nào đặt hơn được nữa, và trong mỗi câu không thể nào dịch đi một chỗ, đổi lại một tiếng, giọng hôn nhiên trong ống nhiên lại mà ra; ý tứ sâu cho đến nỗi càng đọc càng cảm càng nghĩ càng thấm, lời lời trầm trọng như mang nặng cả một gánh tình tha thiết, như kêu oan nỗi sầu khổ, cảm động vô cùng”. Phạm Quỳnh còn phân tích nghệ thuật tả cảnh ngụ tình cũng như nghệ thuật miêu tả tính cách ,tâm trạng nhân vật Kiều qua những lần đánh đàn, khai thác tâm lý nhân vật. Cùng với việc phân tích nhân vật ông còn chú trọng đến nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Nguyễn Du và khẳng định: “lạ thay, tiếng Việt Nam ta nhiều người chê là nghèo nàn non nớt, thế mà Truyện Kiều thời rõ ra một áng văn chương lão luyện, tưởng có thể sánh với những hạng kiệt tác trong văn chương khác mà không thẹn vậy”.
Những vấn đề mà Phạm Quỳnh đặt ra như tâm lý, tâm trạng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật tả cảnh, hay nghệ thuật sử dụng ngôn từ, ngay cả tư tưởng của Nguyễn Du và ảnh hưởng Tam giáo đồng nguyên trong Truyện Kiều cũng được Phạm Quỳnh phân tích thì trong các công trình nghiên cứu sau này về Truyện Kiều không phải là không có sự đồng điệu. Nếu chúng ta chỉ xem xét một vài luận điểm mà Phạm Quỳnh đã nêu trong bài Kỷ niệm cụ Tiên Điền để phủ nhận những ý tưởng của ông, âu cũng là chưa phải nhẽ.
2. Đề cao văn học dân tộc:
Thực ra khi nói Phạm Quỳnh có công trong việc đề cao văn học dân tộc thì cách nói đó cũng chưa hoàn toàn thỏa đáng. Văn học nước mình thì ai lại không yêu, không quý, không đề cao. Nếu nói cụ thể và khái quát hơn là đọc những trang viết của Phạm Quỳnh ta đều thấy một tinh thần dân tộc và ý thức dân tộc rất rõ. Ơ đây, chúng tôi đang xem xét trên khía cạnh văn chương đặt trong thời buổi “Mưa Âu, gió Mỹ” khuấy đảo nền văn hóa nước nhà. Ý thức dân tộc thể hiện qua các bài viết của Phạm Quỳnh không xem xét dưới góc độ tư tưởng chính trị mà xem xét ở tấm lòng vì nền văn hóa, văn học dân tộc mà thôi. Điều này thể hiện ở việc mong mỏi xây dựng một nền quốc học không bị lệ thuộc. Khi nhìn nhận văn học thời kỳ Trung Đại, Phạm Quỳnh đã đánh giá những đóng góp của các bậc tiền bối đồng thời cũng chỉ ra sự ảnh hưởng sâu đậm của nền văn học Trung Hoa cổ đại đối với Việt Nam. Ông muốn “tránh vết xe cũ” nên trong việc định hướng cho sự phát triển văn học hiện đại ông vẫn nhắc nhở người cầm bút phải xây dựng một nền văn học mang sắc thái riêng của dân tộc. Đối với ông việc có được một nền văn học riêng tức là có tiếng nói riêng, phương tiện thể hiện nền văn học đó là chữ quốc ngữ. Phạm Quỳnh cho rằng: “Một nước muốn mưu sự sinh tồn tìm đường phát đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không?” hoặc : “Làm người Việt Nam phải nên yêu, nên quý tiếng nước mình. Phải đặt quốc văn của mình lên trên cả chữ Tây, chữ Tàu”. Sở dĩ ông cho rằng để có một nền văn học riêng của dân tộc thì cần đề cao tiếng nói dân tộc vì: “... Cái nghiệp mượn tiếng nước ngoài để thay vào tiếng mình bao giờ nó cũng thế; mượn tiếng người thì mượn cả tư tưởng của người, mượn cả học thuật của người, rồi đến mượn cả tính tình phong tục của người nữa.”
Cách định hướng cho sự phát triển văn học nước nhà của Phạm Quỳnh cũng dựa trên nền tảng văn học quá khứ của dân tộc. Trong thời kỳ bấy giờ, không ít các nhà văn nhà thơ tiếp thu cái mới mong muốn thử nghiệm điều mới, thoát ly với nền văn học quá khứ. Song, Phạm Quỳnh dù truyền bá văn học nước ngoài nhưng vẫn đề cao văn học dân tộc. Cụ thể là ông có những bài viết ca ngợi vẻ đẹp của ca dao, cái hay của Truyện Kiều, cái đặc sắc của thơ Ta so với thơ Tây... Rõ ràng, quan niệm của ông là đổi mới chứ không thoát ly, không phủ nhận nền văn học Việt Nam trong quá khứ. Tình cảm đối với văn học dân tộc được bộc lộ ở lòng yêu nền văn học dân gian. Ông nhận định: “Mà cái văn chương truyền khẩu ấy, tuy không có sách nào biên chép, mà tôi dám quyết là một thứ văn chương rất phong phú, tưởng không có nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta”. Đối với Truyện Kiều ông viết: “... Truyện Kiều không những đối với văn học nước nhà, mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý”. Bên cạnh đó ông còn nói đến giá trị các tác phẩm của Trần Hưng Đạo, Chu Văn An hay Trạng Trình...
Có thể nhận ra một điều rất rõ ràng trong tác phẩm kể cả sáng tác lẫn dịch thuật là Phạm Quỳnh có vốn kiến thức phong phú, sâu rộng. Không những ông am tường về văn học dân tộc mà còn am hiểu về văn học Pháp. Vốn kiến thức đó đã giúp cho Nam Phong tạp chí đề cập đến nhiều vấn đề và tác động đến người đọc trên nhiều bình diện tri thức. Nói đến sự phát triển của văn học hiện đại Việt Nam không thể không nói đến vai trò của Nam Phong. 17 năm gắn bó với tạp chí này, Phạm Quỳnh đã góp nhiều công sức trong quá trình thúc đẩy sự phát triển và cách tân văn học Việt Nam thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Chính bản thân ông cũng xác định rằng: “Thấy nước ta không có quốc học vì không có quốc văn, nên bấy lâu đem công phu cống hiến cho việc gây dựng lấy một nền quốc văn xứng đáng”.
Bài viết khiêm tốn này chỉ mong mỏi cất lên một lời đa tạ muộn mằn cho người đã đóng góp cho văn học nước nhà đổi mới./.