Một buổi chiều cuối năm ghé khu chợ Mỹ mua vài chai rượu uống Giao thừa, đón năm mới, ở vùng nầy người Á đông khá hiếm gặp, đang quanh quẩn chợt nghe nói tiếng “người mình” lại là giọng Huế, nhìn ngang qua thấy hình như là hai mẹ con đang nói chuyện với nhau, lại loáng thoáng nghe bà mẹ không rõ nói gì, chỉ nghe hai chữ “tội hí” chợt bật cười, đúng là Huế “xịn”. Người Huế, nhất là phụ nữ thường hay nói “tội hí”, “tội chưa”, “tội quá” để biểu hiện tình cảm theo từng cung bậc của mình khi nghe ai kể hay nhìn thấy điều gì, từ những không may nho nhỏ cho đến những bất hạnh của người khác, người quen biết hay là người dưng. Nghe câu “tội hí” lại lan man nhớ nhiều chuyện rất Huế.
Huế vốn chưa bao giờ là xứ giàu, mà hình như giờ cũng vậy nếu so đa số các tỉnh khác, nhưng các bà mẹ Huế gần như có đức tính chung là thương học trò, đứa nào đi học là tốt, xã hội chỉ đi học mới có tương lai nên ai cũng gắng cho con đi học, lo cho con mình đi học rồi thì thương luôn cả bạn của con. Có thằng bạn học lớp quá khó khăn, về kể mẹ, “tội hí”, kể thêm nữa “tội chưa”, vậy là rũ thằng bạn về ở luôn, một thằng khác cũng vậy ở với dì dượng quá khắc nghiệt, “tội quá”, rồi cũng kéo về ở chung cho vui, lại có mấy thằng nhà ở xa đi học quá vất vả nhất là vào mùa Đông tháng giá, “tội hí” thôi thỉnh thoảng về ở lại cho tiện, cũng nhờ vậy mà đã có được một khoảng thời gian thú vị cùng bạn bè, cùng học hành, vui chơi rồi đêm gác chân nhau ngủ trên căn gác nhỏ. Thỉnh thoảng ham vui ở lại nhà bạn bè thấy mấy bà mẹ bạn cũng y hệt, đêm bạn con ở lại khuya thế nào cũng có món ăn cho tụi nó kẻo đói, cứ tưởng thức khuya học bài đâu biết thằng làm thơ, thằng nhớ đứa con gái gặp hồi chiều, thằng hát hò lại thêm thuốc lá mù mịt. Bây giờ có thằng thành công thằng thất bại, thằng giàu thằng nghèo nhưng ngồi đểm lại không có thằng nào hư hỏng cả, chắc là đã có tình những bà mẹ như vậy rất khó mà hư.
Có ông cậu lái xe Huế-Đà Nẵng, một buổi trưa ngồi ăn cơm quán ở bến xe, có cậu thanh niên ngồi bên cạnh, nhìn dĩa cơm thấy ăn uống kham khổ hỏi chuyện mới biết học trò trong Quảng ra học ở trọ ký túc xá rất vất vả, tối về kể vợ, vợ chép miệng “tội hí”, mấy tuần sau tình cờ cũng gặp lại nơi quán ăn, chuyện trò tế nhị quanh co một hồi rồi mời về ở dạy kèm cho con cái trong nhà. Kết quả rất có hậu, đổ đạt ra trường lại ẵm luôn cô con gái giữa xinh nhất nhà, bà mợ cười tủm tỉm, ông cậu cười lớn nhờ công tui mà cũng nhờ bà “tội hí”.
Lại có ông anh, đúng là ông bạn vong niên, người Gia Định đi lính ra đóng quân tại Huế hay ghé ở lại nhà ở lại sau mỗi lần hành quân, ông nầy có ngón đàn tuyệt diệu, hát lại hay, ghé nhiều lần quen được chị hàng xóm khá xinh. Mỗi lần nghe anh kể chuyện gian khổ đời lính là chị “tội hí”, nghe người bị thương là “ tội chưa”, nghe chết là “tội quá”, anh thì mê người đẹp có cái giọng Huế khi nói “tội hí” với gương mặt dịu dàng, trán chau lại, mắt chớp chớp nên càng bịa chuyện kể mãi. Sau mấy lần “tội hí” với anh thì người chị đã liêu xiêu, đến lần “tội chưa” khi thăm anh bị thương nhẹ thì ván đóng thuyền. Rất lâu sau mới gặp lại anh chị ở trong Nam, ngồi nhậu với anh nhớ lại hỏi chị, giờ chị còn hay nói “tội hí” nữa không, chị cười cười anh trả lời, bả bây giờ cũng còn “tội hí” nhưng hí… như ngựa, con đông, thời buổi khó khăn, chồng mới cải tạo về, buôn bán chạy dọc suốt ngày không “hí” mới lạ.
Dễ thương nhất là thằng bạn ở Sài Gòn đã rất lâu, tiếp xúc, dạy học toàn là người Nam vậy mà vẫn giọng thuần Huế, thích nhậu mù trời, có giọng hát ấm, càng say hát càng hay. Cứ mỗi lần hát xong khi được khen nó chỉ chép miệng, “nghe tội”. Bản nhạc “nghe tội”, không những nghe đã hay mà như bắt gặp được cái cảm xúc tận cùng của hồn bản nhạc qua từng câu nhạc, nói nghe tưởng lạ lại là rất Huế.
Ngày cuối năm những bà mẹ Huế chúng ta khi nhớ đến những thằng con đang ở phương rất xa không có mặt cạnh mình trong những dịp gia đình sum họp như kỵ giỗ hay đón Tết năm mới thế nào cũng buộc miệng “tội cho hắn”. Cứ nghĩ vậy mà nhớ nhà quá sức./.