Tôi vừa mua 2 cuốn sách “khủng”, đều do anh Hiếu Tân (tên thật là Tiết Hùng Thái) dịch, và đều của nhà nhà triết học và nhà vật lý lượng tử hàng đầu nước Anh (thực ra, người ta gọi ông là nhà vật lý lý thuyết, nhưng điều kỳ vĩ là các nhà vật lý đỉnh cao đều trở thành những nhà triết học) David Bohm (1917–1992). Các cuốn sách có tên Tư duy như một hệ thống và Cái toàn thể và trật tự ẩn, đều do NXB Trí Thức ấn hành. Những cuốn sách có thể lập bản đồ thế giới cho “hệ thống tư duy” cùng với “trật tự ẩn” (cái mà, đau thương thay, thiên hạ thường mù tịt, vì bị xích trong gông cùm của “trật tự hiện”). Nhưng, hôm nay, không phải là ngày bàn về những cuốn sách ấy. Chỉ biết là 2 cuốn sách này làm tôi nhớ lần đầu gặp dịch giả Chu Trung Can (1949–2012).
Hôm ấy cũng là lần đầu tôi gặp dịch giả Hiếu Tân, ra Hà Nội từ Vũng Tàu. Anh được bạn bè (nhà thơ/nhà văn/dịch giả Nguyễn Hồng Nhung) giới thiệu rằng ra Hà Nội thì phải gặp nhà văn Đặng Thân và nữ thi sỹ Trương Thị Kim Dung. Đấy là lý do tôi được mời đến quán bia Hải Xồm ở phố Tăng Bạt Hổ. Đến nơi là gặp ngay dịch giả Hiếu Tân, thi sỹ Kim Dung. Chuyện trò vui vẻ, nhưng anh Hiếu Tân vẫn ngóng chờ ai. Một lúc sau có hai người đến, đó là một “lão tướng” đẹp “như Tây”, chính là Chu Trung Can, và một “ấu tướng” xinh “như Nhật”, mà sau đó ông gọi là gã “cuồng thư” Lang Minh. Chà, nói chuyện thì nhận ra tên Thiên Minh khét tiếng, bạn thân của mình trên blog yahoo!360 cũ (cùng với vài tên Hải Phòng “loạn thư” khác). Hóa ra, anh Hiếu Tân ra Hà Nội là vì 2 cuốn sách trên, và chính dịch giả Chu Trung Can là người hiệu đính cuốn Tư duy như một hệ thống. Cũng tại đây tôi được nghe về D. Bohm.
Hầu như hôm đó chỉ thấy Chu Trung Can nói, có điều không ai thấy chán, vì ông cặn kẽ mọi điều. Có khi chỉ nói về một từ với các chiều ngữ nghĩa và các cách dịch (tất nhiên là rất hay) mà phải “mất” đến nửa tiếng (Tôi rất thích thú với kiến giải về từ “condition” của ông, liên quan tới nhiều ý niệm, nhất là khi ông đề cập tới cuốn sách của J-F Lyotard về hậu hiện đại). Từ ông, cả một thế giới cao sâu kỳ lạ tuôn chảy, từ Kant bên Đức sang Bùi Văn Nam Sơn bên mình, người mà ông bảo các “trí” Sài Gòn gọi là “guru” (Mà cũng vì BVNS đã dịch và diễn giải Kant nên tôi có “đề nghị” với ông là hãy gọi BVNS là “Kan[t]guru” – sau này gặp BVNS tôi cũng đã kể cho “guru” nghe chuyện đó!)…
Từ sau lần gặp đầu tiên đó, không hiểu ông có ấn tượng gì với tôi mà gọi điện thoại cho tôi luôn luôn. Như muốn gặp để trao đổi những câu chuyện gì đó rất bức thiết. Khổ nỗi, tôi cũng bận quá, nên chẳng gặp ông được nhiều. Trời hỡi, tôi những tưởng là tháng ngày còn dài rộng lắm.
Rồi đến cái ngày tôi in xong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Gọi điện cho ông ra café để tặng sách, lúc đầu giờ chiều. Trời cứ mưa lâm thâm mà cứ ngồi vỉa hè chuyện trò như không dứt, ông cũng có điều gì đó như không muốn rời. Thấy cứ là lạ. Ông nói về đủ thứ chuyện, từ con cái trong nhà đến các thiên hà... Những câu chuyện ông nói hôm ấy dễ viết lại được cả một cuốn sách nhỏ. Rồi ông nói ông yêu tha thiết ca khúc “The windmill of your mind”. Ông còn hát lên những giai điệu nhẹ nhàng quyến rũ và bảo muốn dịch nó ra tiếng Việt mà thấy khó, nhưng may đã có Như Huy dịch bài này hay lắm. Hôm ấy cũng là ngày Trịnh Xuân Thuận về nước ra mắt sách Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao và đến nói chuyện ở l’Espace tối hôm đó. Khi gặp tôi, Chu Trung Can có ôm theo quyển sách này, bên trong có kẹp tờ giấy, có ba cột.
Ông đưa tờ giấy cho tôi, nói rằng nhân có Trịnh Xuân Thuận về nước nói về “các vì sao” nên ông copy ra đây bài thơ của một nhà thơ Rumania nổi tiếng, rồi tìm ra bản tiếng Pháp, bản tiếng Anh, dự định để đọc ở l’Espace. Ông rất muốn dịch bài thơ ra tiếng Việt mà có vẻ thấy khó nhằn. Ông đưa bài thơ cho tôi như thể muốn tìm ra người dịch bài thơ này cho thật hay. Phải chăng vì muốn như vậy nên ông đã không mang bài thơ ấy đến l’Espace nữa. Rồi ông chia tay, vĩnh viễn luôn. Ông đã ra đi đột ngột vào 8.1.2012. Nào, ai có thể dịch bài thơ này cho thật hay, cho ông nghe nào?
Nào ai có thể ngờ đó là cuộc gặp cuối cùng trên đời? Nào ai có thể biết tờ giấy này giờ đây là một kỷ vật? Trời ạ, tờ giấy ông đưa cho tôi có một điềm triệu mà tôi đã không để ý. Nó như một lời nhắn rằng ông sắp lên đường “to the star”. Kỷ vật cuối cùng này về ông, chắc rằng, tôi sẽ giữ mãi.
Với việc lần đầu tiên trong đời tôi không thể không viết một bài kiểu “kỷ niệm” này, các bạn chắc chắn đã hiểu Chu Trung Can là con người như thế nào. Với riêng tôi, chẳng thể ngờ trong thoáng chớp mắt, Trời đã cướp đi của tôi một trong vài con người “talker & sharer” hiếm hoi.
Giờ thì số điện thoại mang tên “Chu Can” vẫn còn nguyên trong máy tôi sẽ mãi mãi không bao giờ rung nữa.
16-29/2/12
PHỤ LỤC I
“Bằng vào lương thức thông thường, ta thấy mình là một sinh thể tuyệt vời biết mấy, và cũng với lương thức ấy, ta thấy mình nhỏ bé và với số lượng ít ỏi biết nhường nào so với cái vũ trụ – cả vĩ mô lẫm vi mô – mà ta sống trong đó. Cô đơn đến vậy sao? Không hề! Chúng ta hẳn phải có vô số bạn bè khắp trong vũ trụ bao la. Vì nếu có một đấng sáng tạo như Chúa hay các chư thần tối cao của nhiều tôn giáo khác, hay chính vũ trụ tự thân đã tạo nên vũ trụ này thì kẻ toàn năng ấy không thể nào “lãng phí không gian” đến như vậy được. Chỉ là chúng ta chưa có cơ may gặp được bạn bè, trong đó có thể có những bạn bè ngay cạnh ta thôi, đang vui vầy khắp nẻo đường vũ trụ, hoặc giả vũ trụ chỉ là cái gì đó thật bé nhỏ, và ta chính là vũ trụ, hoặc giả chúng ta hiện chỉ là những quả trứng đã giao hoan với tinh trùng đang còn nằm trong bào thai kín bưng để đợi một ngày kia cất tiếng chào đới, có thể đó là ngày mà chúng ta “chết” đi, vui vầy cùng bạn hữu, ngày chào đời kinh sợ biết bao mà cũng đẹp biết bao.”
(Chu Trung Can)
“Chu Trung Can là một con người rất hóm hỉnh, sự hóm hỉnh của một con người đã đủ từng trải và tri thức để hiểu rằng nếu đã là sự thật -một sự thật đúng nghĩa là sự thật, và do đó luôn là một dị bản của tình yêu thương và sự thấu hiểu- thì nó (sự thật ấy) sẽ phải luôn-biết-mỉm-cười.”
(Như Huy)
“Thông tuệ uyên bác mà lại rất duyên dáng … cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng đã mang lại cho bọn em, lứa trẻ ngày ấy biết bao nhiêu thú vị trong những lần đàn đúm và một khối lượng kiến thức có thể nói là khổng lồ.”
(Hoài Thu)
PHỤ LỤC II
Bài thơ “La Steaua” của Mihai Eminescu (1850–1889)
1. Bản tiếng Rumania:
LA STEAUA
La steaua care-a răsărit
E-o cale-atât de lungă,
Că mii de ani i-au trebuit
Luminii să ne-ajungă.
Poate de mult s-a stins în drum
În depărtări albastre,
Iar raza ei abia acum
Luci vederii noastre.
Icoana stelei ce-a murit
Încet pe cer se suie;
Era pe când nu s-a zărit,
Azi o vedem si nu e.
Tot astfel când al nostru dor
Pieri în noapte-adâncă,
Lumina stinsului amor
Ne urmărește încă.
2. Bản tiếng Pháp
A l’étoile
A l'étoile qu'on aperçoit
Il y a un si long chemin
Que la lumičre traversa
Par les millénaires sans fin.
Peut-être est-elle éteinte dans
L'immensité des lointains bleus
Mais c'est à peine maintenant
Qu'elle reluit dans nos yeux.
Les traits de l'astre mort là-bas
Montent au ciel lentement;
Elle était sans qu'elle fût là,
Quand on la voit elle est néant.
Ainsi quand notre amour divin
Périt dans la profonde nuit,
L'éclat de notre feu éteint
Persiste encore, nous poursuit.
3. Bản tiếng Anh
TO THE STAR
So far it is athwart the blue
To where yon star appears,
That for its light to reach our view
Has needed thousand years.
Maybe that ages gone it shed
Its glow, then languished in the skies,
Yet only now its rays have sped
Their journey to our eyes.
The icon of the star that died
Slowly the vault ascended;
Time was ere it could first be spied,
We see now what is ended.
So is it when our love’s aspire
Is hid beneath night’s bowl,
The gleam of its extinguished fire
Enkindles yet our soul.
3. Bản tiếng Việt (do Chu Trung Can tạm dịch, nghe nói là qua bản tiếng Rumania)
ĐƯỜNG TỚI VÌ SAO
Tới cõi ấy nơi vì sao lấp lóe
Là đường dài hun hút xa xăm,
Để đến với ta nơi dương thế
Ánh sao đêm vượt cả nghìn năm.
Đã tắt tự thủa nào lâu lắm,
Chốn xanh kia thăm thẳm bầu trời,
Mà ánh sáng của tinh cầu xưa ấy
Vẫn lung linh rọi chiếu muôn nơi.
Bóng dáng vì sao đã qua đời
Thong thả đi về trong màn đêm;
Lúc có đó nào ai biết tới,
Khi chết rồi mới được ngắm xem.
Âu cũng vậy như lửa lòng heo hắt
Đã lụi tàn trong hoài niệm mờ xa,
Nhưng ánh sáng của cuộc tình nguội tắt
Vẫn rõi soi mỗi bước chân ta.