Đợi khách nửa đêm cây ngát thức
(Thanh Tâm Tuyền)
Anh xuống xe đò, đặt chân trên hè phố Thị Trấn Sương Mù hồi khuya; lúc đó mấy giờ anh không biết. Anh không nhìn đồng hồ ở cổ tay. Anh nhìn quanh, dáo dác tìm kiếm một quán cà phê: một quán cà phê mở sớm, một quán cà phê mở thâu đêm, một quán cà phê nào đó đang mở cửa…
Không một quán cà phê nào mở cửa; hoặc giả Thị Trấn Sương Mù chẳng có mấy quán cà phê. Ồ không, không phải vậy; anh từng sống ở đây, từng biết ở đây không ít quán cà phê. Anh đã có hàng ngàn ngày lang thang ở Thị Trấn Sương Mù, ngồi hết quán cà phê này tới quán cà phê khác. Những quán rượu thì anh không nói. Những quán rượu không ở ngoài đường phố của Thị Trấn Sương Mù, mà nằm sâu dưới những lũng đồi rừng của cao nguyên Bảo Lộc - Lâm Đồng.
Không một quán cà phê nào mở cửa. Đèn đường phố Thị Trấn Sương Mù sáng nhòa bầu trời đêm. “Anh đi chuyến xe khởi hành lúc mười hai giờ khuya, sẽ tới Thị Trấn Sương Mù khoảng bốn giờ bốn rưỡi sáng là cùng. Anh nhớ điện thoại cho em ngay nhé; điện thoại cho em ngay khi anh bước xuống xe…”
Anh bước xuống xe có lẽ đã nửa tiếng đồng hồ, hơn hay kém chút ít chừng đó mà thôi. Anh không kéo tay áo ấm lên để xem giờ giấc; chiếc áo ấm anh vận không dày lắm, tay áo phủ kín chiếc đồng hồ. Anh không muốn người phụ nữ thức giấc vào giờ khuya khoắt; có thể anh đã quên rằng Th. vẫn thức giấc rất sớm. “Anh thức giấc còn sớm hơn em hả? Vậy anh tới quán Thu Xưa, cùng tưới cây với em đi!” Anh chưa từng tới quán Thu Xưa một buổi tinh sương nào, dù anh dậy sớm hơn tất cả mọi người, trừ những người không hề ngủ; và dù anh rất ưa thích cùng Th. tưới cây cỏ hoa lá trong sân vườn vẫn giữ vẻ hoang sơ của quán Thu Xưa, ngôi quán anh từng bảo là rất giống đền đài phế tích. “Anh không thức giấc sớm hay muộn bao giờ, vì anh có ngủ đâu để mà thức…,” anh định nói vậy, nhưng anh lại nói: “Có nhiều việc anh ưa thích lắm, nhưng không bao giờ anh thực hiện được, dù cũng không mấy khó khăn thực hiện...” Nghĩa là anh luôn bị lỡ làng các thứ, anh muốn nói vậy.
Anh đã nói với Th. từ lúc anh lấy vé đi chuyến xe đêm: “Em đừng đón anh, chỉ vì anh thích như vậy; anh sẽ gặp em sau.” Bây giờ anh đứng trơ vơ giữa lòng thị trấn; không một quán cà phê mở cửa; bầu trời nhòa lẫn ánh đèn điện sáng bệch… Anh thọc tay túi quần, cả túi dọc lẫn túi sau, tìm cái điện thoại. Thôi thế cũng được, anh nghĩ vậy; anh đã bỏ quên cái điện thoại đâu đó; có lẽ anh bỏ quên cái điện thoại khi còn ở Sài Gòn, tại quán cà phê bên cạnh bến đỗ, nơi mua vé xe. Lúc đó anh nghe điện thoại Th. gọi; anh nghe rồi thuận tay đặt cái điện thoại xuống mặt bàn, anh nghĩ có lẽ vậy.
Anh nhìn bầu trời nhòa nhạt ánh đèn điện sáng bệch, ngơ ngẩn một hồi lâu. Th. có thể đã bấm số điện thoại gọi anh; cái điện thoại của anh có thể đã reo lên; có thể cái điện thoại của anh im bặt, vì có thể người nào đã nhặt được cái điện thoại, không bắt máy.
*
Anh cố không nghĩ, nhưng anh biết Th. đang chạy xe gắn máy đi tìm anh. Th. tìm anh trong Thị Trấn Sương Mù, Th. tin tưởng sẽ gặp anh ở chỗ này hay chỗ khác. Anh đi bộ trên đường khuya vắng, và lâu lâu anh phải dừng nghỉ ở đâu đó, cũng trên những con đường phố của Thị Trấn Sương Mù; hẳn sẽ dễ dàng gặp anh, có lẽ Th. đã nghĩ vậy. Những chiếc xe vận tải hàng hóa và xe khách vẫn liên tục chạy nhanh trên quốc lộ xuyên qua Thị Trấn Sương Mù; thảng hoặc có xe dừng lại không lâu trên khoảng quốc lộ cũng là đường phố của thị trấn. Anh biết, duy Th. chạy xe gắn máy; một mình Th. trên những con đường lòng vòng lên xuống quanh quất Thị Trấn Sương Mù.
Anh đi bộ, thấy thênh thang nhẹ nhàng vì chỉ mang theo cái túi gọn nhỏ đựng vài cuốn sách báo sẽ tặng Th. Cái túi vốn để đựng hai chai rượu vang; thi sĩ Huy Tưởng tặng anh cái túi này, một lần thi sĩ du lịch nước Úc trở về Sài Gòn. Hai chai rượu vang còn lại một chai, trong cái túi khi thi sĩ Huy Tưởng tặng. Anh giữ nguyên chai rượu; đặt trong tủ sách có cửa kính, thỉnh thoảng anh ngó cái nhãn hiệu Poet’s Corner trên chai rượu; thật ra anh chủ tâm ngó cái nhãn hiệu của chai rượu mà thôi. Bây giờ cái túi và chai rượu vang màu đỏ ấy là kỷ niệm của người bạn thân thiết tâm giao, đã định cư ở Úc từ ba, bốn năm rồi. Anh đặc biệt ưa thích cái túi đựng rượu vang ấy, nó giống gần y chang cái túi anh từng có; anh đã đưa cái túi anh từng có, đựng mấy cuốn sách Phật học cho Th., từ lúc nào đấy anh không nhớ rõ.
Anh ngồi xuống ghế đá bên ngoài một căn nhà phố cửa đóng kín. Bên trong căn nhà tối đen. Anh châm điếu thuốc. Anh thương em quá Th. ơi. Anh khoan khoái với điếu thuốc. Ông thầy thuốc nói anh phải dứt tuyệt với việc hút thuốc lá vì bệnh tim; chứng bệnh gọi là nhồi máu cơ tim - bệnh mạch vành; nhưng anh đã không thể dứt tuyệt, không thể bớt hút đi một chút nào là đằng khác. Tự động anh tưởng nhớ thi sĩ Brodsky; hình như ông thi sĩ Nga ấy đã chết vì cũng không nghe lời thầy thuốc; ông cứ hút thuốc lá liên tục sau khi đã trải qua cơn bệnh tối kỵ chất nicotine và mấy ngàn hóa chất hung hiểm khác.
Em đã chịu đựng tất cả; chịu đựng tất cả một cách can đảm, một cách không sợ hãi, một cách không khuất phục, anh hiểu và thương yêu Th. nhiều hơn vì vậy. Anh hiểu tai nạn của Th.; anh biết Th. đã có một tình yêu bị xúc phạm nặng nề; anh kinh ngạc để rồi liền thấy, trong trạng thái tỉnh thức: Th. có một số phận quá giống ni sư Hạnh Đạt, người nữ tu đã sống và đã chết ở Thiền viện Viên Chiếu, vùng huyện lỵ Long Thành - tỉnh Đồng Nai. Ấy tuy nhiên Th. không bị lưỡi hái của Tử thần ngoắng qua cổ như ni sư Hạnh Đạt. Nhưng biết đâu trở thành người thiên cổ như ni sư Hạnh Đạt, là đã may mắn thoát khỏi bể khổ trần gian.
Anh nhìn lên những tàn lá phía trên đầu; một cây tươi tốt vươn lên cao, nhánh cành tỏa rộng trước căn nhà phố cửa đóng kín, tỏa rộng trùm phủ phía trên chiếc ghế đá ngoài hiên căn nhà phố, có anh đang ngồi hút thuốc. Dòng thơ của anh Tâm hiện trong đầu anh, cùng lúc anh nghĩ tới Th.; có lẽ Th., không, hiển nhiên Th. là như vậy, Th. đang tìm anh trên những con đường Thị Trấn Sương Mù.
Đợi khách nửa đêm cây ngát thức. Người thi sĩ viết dòng thơ ấy, anh Tâm, bạn vong niên của anh, hiển nhiên bây giờ ở cõi tuyệt mù. Cõi tuyệt mù ở nơi đâu? Cõi tuyệt mù ở bên kia thế giới này? Anh Tâm có bài thơ nhan đề bằng tiếng Pháp, Mais désespérément. Anh nghĩ có thể từ đó anh sẽ viết một cái gì, bằng văn xuôi hay văn vần hay thơ tự do. Anh nhắn tin qua điện thoại cho nhà văn nữ NgH, người bạn tâm giao một thời, một thời vĩnh viễn (?) của anh Tâm: “Giả thử dịch nhan đề tiếng Pháp đó ra tiếng Việt, chị NgH sẽ dịch ra sao?” Chị NgH bảo đang uống bia với bằng hữu ở quê nhà lúc anh nhắn tin qua cái điện thoại; chị nhắn tin trả lời, chị dịch là Nhưng… tiêu rồi! Sau đó một buổi, chị NgH nói chị đang uống trà một mình, nghĩ nên dịch lại; và chị nhắn tin qua anh: Mais désespérément - Tuyệt mù khúc.
*
Đèn đường phố Thị Trấn Sương Mù đã tắt lúc nào anh không biết. Anh ngồi ở bàn ngoài của một quán cà phê vừa mở cửa. Anh uống cà phê, dĩ nhiên, và vẫn xao xuyến hồi hộp chờ mong nhìn thấy Th. trờ xe tới; nghe tiếng nói cười trong trẻo của Th. vang lên rạng rỡ hồn nhiên buổi sớm mai. Anh có thể tới Bưu điện, hay một điểm dịch vụ điện thoại nào đấy trong thị trấn, gọi điện thoại cho Th.; nhưng anh không nhớ nổi số điện thoại của Th., cũng như anh không nhớ được số điện thoại của bất cứ ai, kể cả số điện thoại của chính mình. Anh nghĩ, thật tệ hại, thời gian anh bị buộc nhập viện tại Trại Thần Kinh Tâm Lý trong Tổng Y Viện Cộng Hòa, một bệnh viện lớn nhất của quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở Sài Gòn; ở nơi đấy một phần chắc chắn không nhỏ ký ức của anh đã bị hủy hoại. Anh hoàn toàn không thể tìm tới nơi Th. làm việc, quán Thu Xưa, sau tai nạn của nàng. Sau tai nạn khủng khiếp ấy, mỗi lần Th. và anh muốn gặp nhau, cả hai phải dùng điện thoại hẹn gặp ở một nơi nào đó. Hẹn gặp ở một chỗ nào khác. Một chỗ không có những con mắt dò hỏi, những con mắt phán xét.
Một xe vận tải nhỏ dừng đột ngột trước quán cà phê anh đang ngồi. Chàng trai mở cửa xe nhảy xuống nền đất; anh nghe được sức nặng cường tráng của chàng trai. Chàng trai vừa bước vào quán vừa nói lớn: “Cho một bao thuốc ba số bà chủ ơi!” Anh nhìn thoáng, bắt gặp cái túi ở trước ngực chàng trai, cái túi của anh đưa cho Th. cùng mấy cuốn sách Phật học; anh không thể nhầm lẫn cái túi khá đặc biệt, có lẽ là cái túi có một không hai ấy, dĩ nhiên ngoại trừ cái túi đựng rượu vang của thi sĩ Huy Tưởng tặng anh. Anh nói vội với chàng trai: “Có phải anh là người nhà cô Th. ở quán Thu Xưa?”
Anh không thể nhận biết chàng trai có ngó sơ hay nhìn kỹ anh hay không, khi anh nói vậy. Anh nghe tiếng nói chàng trai, tiếng nói vẩn đục như có lẫn bụi đất trong âm giọng: “Tui không hề biết Thu Xưa Thu Nay gì đâu cha nội!”
Chàng trai có lẽ đã nhận bao thuốc lá ba số từ tay bà chủ quán, đi nhanh ra khỏi quán, nhảy lên xe vận tải nhỏ. Một lần nữa, anh nghe được sức nặng cường tráng của chàng trai. Chiếc xe vận tải nhỏ lao vút đi, bỏ lại đám khói mù mịt.
Anh ngồi bải hoải, anh ngồi vô vọng, anh ngồi trong trạng thái chới với ở cõi tuyệt mù.
Sài Gòn, tháng 3-2012