Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.069
123.138.182
 
Nhớ Nhà Văn Hóa Đặng Tiến Nam
Nguyễn Anh Tuấn

Ông đã đi xa hơn một năm nay...

Nhưng cây ban rừng Tây Bắc mà ông trồng trước cửa nhà đến độ tháng 3 này vẫn lại nở hoa. Những chậu hoa cây cảnh trong vườn dù vắng ông vẫn tiếp tục lặng lẽ thực hiện sứ mệnh làm đẹp cho đời của chúng. Có điều, những cánh hoa long lanh sương sớm lại dường như rưng rưng một nỗi buồn xa cách; những dáng cây thế tuy vẫn khoe dáng song lại như có gì ngơ ngác, bơ vơ, bởi người tạo ra chúng và hàng ngày chăm sóc chúng đã không còn trên cõi thế; bởi chủ nhân thật sự của những cây và hoa đó lúc sinh thời đã gửi gắm cả tâm hồn mình vào chúng, coi chúng như những người bạn tâm giao, tâm đắc. Dường như ông vẫn còn quanh quẩn ở đâu đó để thở dài não nuột và rơi lệ khi cánh mai trắng muốt rơi rụng đầy vườn lạnh: "Gió thở dài xót cánh hoa bay/ Sương rơi lệ thương cành mảnh khảnh" (Mai rụng).

        

 

Đó là nhà văn hóa Đặng Tiến Nam - người đã yêu thiên nhiên, yêu văn hóa một cách sâu nặng, đã sống với thiên nhiên, sống với văn hóa một cách hết lòng, và coi đó là phương thức tồn tại chủ yếu của mình trong suốt nhiều năm tháng dài...

 

Sinh ra ở quê hương Vũ Trung, Kiến Xương, Thái Bình, ông có nhiều dòng thơ dòng văn da diết xúc động viết về quê hương (Đẹp nhất làng tôi, Hương xưa- Thơ, Duyên nợ đường trần- Truyện ngắn). Song qua gần sáu thập kỷ sinh sống ở Thủ đô, ông đã đem những tinh hoa của quê hương cùng nhiều vùng đất khác hòa nhập vào đây, đồng thời chắt lọc, nâng cao những giá trị văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Nói như GS Nguyễn Huệ Chi, “Thăng Long là trung tâm văn hoá duy nhất, đóng vai trò “nơi tụ hội bốn phương đất nước”.

 

Không ít người nặng lòng yêu thiên nhiên, hoa lá, cây cỏ, song Đặng Tiến Nam - với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa đã nhìn nhận khám phá chúng dưới góc độ văn hóa & lịch sử, ông đã dày công khảo cứu sách vở cổ kim, hỏi han nhiều người, kết hợp với sự tích lũy thực tế cả một đời để có thể có được những thiên bút ký, tiểu luận có chiều sâu, rất bổ ích cho nhiều giới - kể cả giới nghiên cứu - như những bài viết: Cây khoai ráy, Hoa nhài, Rau muống, Hoa mai- bà chúa của các loài hoa, Thú chơi địa lan, Văn hóa trà VN, Thú chơi hoa tết của người VN, Hoa - Cây cảnh trên đất Thăng Long, Nhớ mùa thu cũ, Nghĩ về hoa v.v. Nhà sử học Trần Quốc Vượng lúc sinh thời từng trân trọng nhắc tới ông khi bàn về "Thế ứng xử của người Việt với cây và hoa" như sau: "Cũng như cụ Đặng Tiến Nam, Tô Hoài, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường suy đoán rằng các vườn hoa là khởi nghuyên tự các nhà vương hầu quý tộc thời Trần..."(Văn hóa Việt Nam-Tìm tòi và suy ngẫm-Nxb Văn Học, 2001, trang 556). Khi kể lại những quan sát, suy nghĩ về những cảnh, những người, những vật - dù đã xa xưa hay đang hiện diện trong đời sống nhưng chẳng mấy ai chú ý đến, ông thường khái quát lên thành những vấn đề xã hội, đạo lý. Ví dụ như trong thiên bút ký sâu sắc: "Tiếng chim nhân thế", qua tiếng chim, ông đã ngẫm ngợi : "Thì ra loài chim cũng như con người. Con chim nào sinh ra cũng biết hót, song có con hót hay, con hót dở, con thì chỉ... biết nhại". Ông luôn luôn nhấn mạnh tới chức năng văn hóa truyền thống và sự biểu lộ cung bậc của thế ứng xử giữa con người với con người trong xã hội ở những gì ông viết. Phải có một tâm hồn thật cao khiết, một trái tim giàu nhân hậu mới có thể viết ra được những giấc mộng lạ lùng nhưng đau đáu nỗi niềm nhân sinh bên các chậu lan, bên bạn cũ (Duyên nợ trần gian- Truyện ngắn); mới có thể dựng lên những cảnh đời xưa với những thi vị của nghèo nàn nhưng thanh bạch như cụ đồ Kép với cội mai Thanh Đài (Đồng vọng- Tn); mới có thể kể lại nổi những giấc mộng ám ảnh trong đầm sen để đòi lại sự công bằng cho sen, phê phán một câu ca dao cũ hạ thấp phẩm giá của sen vì đã đối lập sen với bùn (Khát vọng của một huyền thoại- Tn). Ông bày tỏ sự đồng điệu sâu xa với các thi sĩ Tản Đà, ông bạn già Phùng Quán (Nhớ Tản Đà, Khóc Phùng Quán- Thơ). Ông ca ngợi bênh vực cho một loài hoa bị oan ức bao lâu nay (Hoa nhài- Tiểu luận). Ông nghiêng mình trước nhân cách đẹp đẽ của người quân tử chân chính xưa kia để rồi căm phẫn trước những gì ngụy quân tử đời nay. Ông mỉa mai những kẻ cơ hội, thực chất trống rỗng phải vờ yêu văn hóa để trục lợi (Đệ nhất chi lan- Tn). Ông luôn xuất hiện như một người biết độ lượng và tha thứ, song cũng từ nỗi bất hạnh của mình rút ra triết lý cay đắng về nhân phẩm và lẽ đối nhân xử thế (Một thời xưa cũ- Tn). Nhà văn hóa cùng nhà nhân văn chủ nghĩa trong ông luôn luôn dành chỗ cho những con người bất hạnh dưới đáy cùng xã hội. Ông ám ảnh mãi không thôi trước cái chết của "Đĩ con" do chết no vào cái năm hãi hùng Ất Dậu (Cái chết cũng có nghịch đảo- Tn); và những giọt nước mắt của một em bé gái 10 tuổi nguyện làm ngựa đổi chuối để dành cho bà lão nghèo cô đơn cũng chính là nước mắt của ông (Làm ngựa- Tn). Trước nỗi bất hạnh của hai con người là vị sư nữ và người lính cũ, ngay trong giờ phút gặp lại định mệnh, ông đã nhìn lên những tượng phật mờ ảo qua làn nước mắt nhạt nhòa để giác ngộ ra sự hóa giải đau thương của kiếp người bằng triết lý thiền định (Chiều muộn -Tn). Ông lắng lòng xa xót trong nỗi đau của người cha nghèo buộc phải làm lễ cúng cầu cho con thi trượt, vì lo con đỗ sẽ không có tiền cho con ăn học! (Khấp khểnh đường trần- Tn) Ông cảm thông tận đáy lòng với giấc mộng khủng khiếp của cụ Cử lúc cuối đời như lời trăng trối, đồng thời cũng là một sự lên án gay gắt đối với những kẻ "quỷ đội lốt người" đã đem trâu ra chọi để mua vui và cầu lợi (Định mệnh- Tn). Ngay cả khi ông là nạn nhân của sự bất công, sự vô ơn, nhưng ông vẫn không bao giờ rời xa nguyên tắc sống và bản chất nhân hậu của mình ( Khoảng cách giữa vô hình và hữu hạn- Tn).

 

 

Không chỉ là một người làm vườn giàu kinh nghiệm để viết ra những chỉ dẫn cụ thể chính xác về cách chăm sóc cây, hoa, cách tạo dáng cây, ông còn có kiến thức uyên bác để phân tích ý nghĩa, nội dung các thế cây dáng cây, các loài hoa ở trầm tích văn hóa chiều sâu và giá trị nhân văn đích thực của chúng. Ông đã có một công trình khảo cứu bề thế "Cốt cách cây cảnh Việt Nam". Kiến văn mọi mặt của ông thực thâm hậu. Đặc biệt, ông am hiểu tường tận văn chương cổ - trung đại, văn học dân gian, văn hóa Phật giáo... Sự hiểu biết đó giúp ông tìm ra những triết lý cao sâu của nghề chơi & trồng hoa cây cảnh, và giúp ông bước vào tranh luận học thuật về những vấn đề hóc búa. Như trong tiểu luận: "Đại thi hào Nguyễn Du có nhầm lẫn?", ông đã làm sáng tỏ tên gọi của một loài hoa là Trà mi trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà nhiều nhà nghiên cứu dày dặn đang phải tranh cãi; hoặc ông tự tin phê phán lối thư pháp viết theo mẫu tự La-tinh như sau: "Đó là một điều đáng xấu hổ !" (Đôi điều về thi pháp VN- TL ). v.v.

 

Làm thơ, viết văn, viết sách về cây cảnh, chăm sóc cây hoa, dạy dỗ con cháu, trò chuyện hay giúp đỡ bè bạn... tất cả đối với ông chỉ nhằm một mục đích lớn nhất và thiêng liêng nhất là duy trì những giá trị văn hóa, giữa cái thời buổi văn hóa đang trên đà xuống dốc không phanh! Ông làm điều đó một cách có hệ thống, với một triết lý rõ rệt và một nền tảng văn hóa vững chãi, làm một cách say sưa, không vụ lợi, mà kết quả đã vượt khỏi ý muốn chủ quan của ông và vượt xa sự kỳ vọng của nhiều người. Ông xứng đáng được tôn vinh là một nhà Văn Hóa của dân gian trên mảnh đất nghìn năm Văn hiến Thăng Long - Hà Nội! Gọi ông là "Nhà văn hóa của dân gian", vì hiện tại, chưa có một tổ chức chính trị - văn hóa - xã hội nào kịp chính thức công nhận ông là "Nhà văn hóa", với các thứ bằng cấp và giấy chứng nhận; song với những gì ông hằng ấp ủ và với những gì ông đã làm, nhân dân khu phố Bồ Đề (Gia Lâm), nhân dân Hà Nội, nhân dân nơi quê cha đất tổ của ông và nhân dân nhiều địa phương khác có thể tự hào coi ông là một nhà văn hóa của mình mà với thời gian, sẽ được nhiều tầng lớp người khắp cả nước biết đến.  

 

Điều rất may mắn đối với ông, cho bạn hữu thân thiết của ông, và cho cuộc đời, là các con gái (ông không có con trai), con rể, các cháu ngoại đều là những người biết quý trọng những di sản tinh thần của ông để lại. Họ trân trọng từng di bút, từng bài thơ dòng văn, từng bức ảnh kỷ niệm của ông, và hàng ngày vẫn chăm sóc những cây hoa do ông từng chăm sóc, nâng niu từng cuốn sách đã in hay chưa in của ông như những báu vật còn sót lại của một tâm hồn chưa hề vắng bóng giữa thế gian còn nhiều phiền muộn này...

 

Chị Đặng Anh Phương, con gái đầu lòng của ông kể: "Bố em là người rất trọng tình nghĩa. Ông quý bạn bè như thể anh em ruột thịt, quý anh em đồng hao như hoặc hơn bản thân mình... Ông không mệt mỏi "hướng đạo" cho con cháu biết thưởng thức cái đẹp thật sự, hơn thế - biết tự tạo ra cái đẹp bằng bàn tay khối óc của mình, như cắm một lọ hoa, cắt sửa một cành cành đào, treo một bức tranh, sắp xếp một đồ vật sao cho nổi bật đựơc cái đẹp, cái tinh túy nhất của chúng... Nhưng ông là con người "tội nghiệp", hiền lành đến mức rụt rè... Ông chỉ "đáo để" và hăng say những lúc nói về văn thơ nghệ thuật, chứ bình thường cuộc sống của ông rất lặng và buồn, nhất là buồn về nhân tình thế thái... "

 

Chị Đặng Bích Thủy, người con gái thứ tư thì nghẹn ngào tâm sự: "Trước kia, em cảm nhận được sự tài hoa và công sức chăm sóc thể hiện tình yêu, và cả trí tuệ mà ông đã dành cho cây cho hoa, và từ ngày ông đi xa, em luôn thấy hình bóng của ông mỗi khi ngắm nhìn chúng..."

 

Mấy con rể của ông rất thân thiết với ông, họ được đối xử quý hóa bình đẳng, được học nhiều điều từ ông; họ gọi đùa ông là “anh cả”! Còn mấy đứa cháu ngọai của ông thì  bộc lộ hồn nhiên: “Ông ngọai của chúng cháu thật phi thường!”...Sức lan tỏa, sự ảnh hưởng sâu xa của tinh thần ông đối với con cháu nói riêng, với cuộc đời nói chung thực đáng quý, đáng trân trọng vô hạn, và cũng thực hiếm hoi làm sao giữa những năm tháng mà Quan hệ gia đình thiêng liêng trong toàn xã hội bị chủ nghĩa thực dụng và sự suy đốn đạo lý giáng cho những đòn tơi tả!

*

Tôi, một đàn em hạng chót được ông coi là bạn vong niên của ông xin viết đôi dòng muộn mằn này để thay cho nén nhang thắp trên bàn thờ ông vào những ngày cây ban trước nhà ông nở rộ, thứ hoa khiến tôi được sống lại cả một thời tuổi trẻ lang thang trên vùng rừng núi Tây Bắc, thứ hoa có khả năng giúp tôi đi vào thấm thía hơn trong những giấc ảo mộng kỳ lạ nhưng thổn thức trăn trở và nồng ấm tình người của ông - một nhà Văn hóa của Dân gian đất Thăng Long - Hà Nội, một người cả đời khao khát và phấn đấu đến hơi thở cuối cùng cho Cái Đẹp và sự Tốt Lành cần hiện hữu giữa nhân gian...

 

 

* Những bài viết của ông Đặng Tiến Nam lấy từ các tác phẩm:

-  Cốt cách cây cảnh Việt Nam ( Khảo cứu- Nxb Khoa học Xã hội, 1998 )

- Duyên nợ trần gian ( Tùy bút, truyện ngắn- Nxb Thanh niên, 2003)

- Tình hoang ( văn xuôi chọn lọc- Nxb văn học, 2010 )

- Đẹp nhất làng tôi ( Thơ- Nxb văn học, 2010)

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 3169
Ngày đăng: 14.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kỷ vật Hồ trường - Trần Trung Sáng
Bà nội tôi - Lâm Bích Thủy
Bềnh Bồng Trên Bè “Nhà Hàng” Đực Nhỏ - Phạm Nga
Kỷ niệm đầu tiên và lưu niệm cuối cùng với dịch giả Chu Trung Can - Đặng Thân
Sài Gòn-Những Ngày Không Thứ - Hà Thủy
Di Sản Văn Hóa “Sống” Cùng Thành Phố - Nguyễn Thị Hậu
Con Kiến Bò Trong Tai - Lê Văn Thiện
Nỗi Đau Lớn Nhất Trong Đời Tôi - Tôn Nữ Hỷ Khương
Lên ngọn suối gặp "Vùng rừng nóng bỏng". - Nguyễn Anh Tuấn
Đêm Nằm Nghe Pê-Đê Hát - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)