Lại đang ngồi trong nhà Dịch thuật. Bên hồ Balaton.
Chưa bao giờ tôi đến đây vào mùa đông, vào những ngày lạnh nhất như bây giờ.
Sáng sớm ra bến busz để đi, tuyết lấp lánh vảy cá bay xiên xiên dưới ánh đèn đường. Thật kỳ diệu, những vảy cá màu bạc lấp lánh bay xuống từ…hư vô, cả đêm những vảy cá này đã đắp nên những gò tuyết trắng muốt, đường, bãi cỏ, bụi hoa biến mất, chỉ còn một màu trắng mênh mang…
Vậy mà con người nhất định không tin vào cái vô hình. Họ chỉ tin cái gì đong đếm, kiểm chứng được, giống như lúc đếm một xấp tiền…
Từ đâu ra sự tuyệt diệu trắng tinh khôi, cái cảm giác mát lạnh trong sạch của một sáng tuyết rơi và cả không gian chỉ là một màu trắng trong tinh khiết? Sự trong sạch trong lành này là sự sống? là cái chết? đặt tên là gì cũng được, bởi bản chất của nó là sự bình yên, sự tĩnh tại, cảm giác như không - thời gian ngưng lại nhưng thực ra toàn bộ đang hân hoan reo ca từ bên trong tỏa ra ngoài. Tĩnh lặng, bình yên sẽ nghe trong lòng tiếng reo ca ấy: niềm vui tươi tỉnh không lời.
Lên xe, lạnh cóng, những bóng người mờ mờ khăn áo sùm sụp, ngoài kia đất trời hắt một màu trắng phau để trong xe tối om khiến xe chưa chuyển bánh, hành khách đã ngủ ngon lành tất thảy. Chỉ ông tài thức, khởi động máy.
Trong giấc mơ màng, tôi tưởng mình đang ngồi trên máy bay: cũng tiếng động đều đều này, cũng khung ghế chật chội, người cứng đơ. Tưởng chừng mở mắt ra, nhìn qua cửa kính sẽ thấy mây đọng từng tảng trắng muốt, bầu trời xanh thẳm vô tận ngoài kia, tưởng như mình đang đứng yên, chứ không phải đang bay: cảm giác đọng lơ lửng giữa không trung, giữa những đám mây, giữa làn trời xanh ngắt, không động đậy…
Ở đâu con người cũng bị buộc như thế, một cách vô hình. Nhưng khi ở trên mặt đất, đôi chân của nó di chuyển, bởi thế nó cảm thấy tự do?
…..
Chiều ra hồ. Rất lạnh, nhiệt độ khoảng -6,-8 độ. Một màu trắng mênh mông trải rộng trước mắt. Tiếng nhạc vui tươi văng vẳng. Tiếng cười, tiếng nói lao xao. Tôi mải ngắm những khu biệt thự trơ trụi…(không muốn viết nữa- 02.05)
….
Từ chiều tối hôm qua tới giờ đọc tuyển tập những lá thư của Hamvas Béla. Hồi tháng 10 tới đây chưa có cuốn này. Đọc hết sức say sưa. Không chỉ vì những suy nghĩ của Hamvas bao giờ cũng thế: thông thái, trực tiếp, đầy xúc cảm, đúng…mà vì thông qua datum của những bức thư có thể thấy cuộc đời của Hamvas. Không ai biết trước được ngày tháng đời mình sẽ như thế nào. Nhưng Hamvas đã phát hiện ra sự thật đúng đắn: „bản chất của con người là bất tử, chỉ sau khi hiểu và nhận ra điều này, con người mới bắt đầu sống.” Và: bản thân cuộc đời trần thế( trên quả đất) không có gì mang lại hạnh phúc, chỉ là sự khát sống để hưởng ( khoái cảm).
Bởi vậy dù đang làm gì: làm vườn, làm thủ kho, ông cũng chỉ chăm chú đặt trọng tâm ngày sống của mình vào viết. Viết những điều ông học được, hiểu ra, biết, về cuộc đời của con người. Đọc những lá thư của Hamvas giống như chuyện trò với một người làm mình không biết chán. Cần gì đâu sự trao đổi trực tiếp?
Mình ở Hung không có lấy một người để trao đổi hoặc dạy bảo mình những điều cao hơn. Ngoài Hamvas. Đọc ông thật nhiều, thật kỹ, ngẫm nghĩ những gì trong tư tưởng Hamvas và…vỡ lẽ.
Từ lâu rồi, mình đã cho rằng dân VN sở dĩ như ngày hôm nay vì thuộc loại dân vô đạo. Từ lâu rồi mình cứ tưởng các nước châu Âu có „quốc đạo” là Thiên chúa giáo hoặc một tôn giáo nào đấy nên họ nâng cao nền văn hóa của họ lên. Nhưng giờ đây mình nhìn rõ: trong từng con người, Á hay Âu, VN hay Hung hay gì gì đi nữa, đều chứa chất đầy đủ tính chất: VÔ ĐẠO. Con người hiện đại của các thế kỷ này là như thế. Vì đạo ở đây không phải một cái đạo cụ thể nào hết, mà là đạo LÀM NGƯỜI. Thời đại này không có cái đạo người.
Bởi vậy ai cũng bất mãn, ưa thích quyền lực, không có gì sâu sắc, không muốn làm gì đến nơi đến chốn, với bản thân thì buông thả, với người khác thì đòi hỏi hoặc cưỡng ép. Bởi vậy chả ai chú ý đến ai hoặc đến bất cứ cái gì một cách sâu sắc. Ngay để HƯỞNG THỤ cũng không sâu sắc, đi qua một cành hoa nở đẹp và thơm đến thế mà hết sức thờ ơ. Một thứ lối sống mình gọi là miếng cao su hết ĐÀN HỒI.
Hôm đến nhà cái D. nó bày ra trước mắt mình một cuộc sống cực kỳ tùy tiện, chảy nhão, vô giá trị đến mức sững sờ, ông chồng Hung của nó với những „giá trị” châu Âu còn sót lại một chút trong người cũng phải đầu hàng, bởi ông ta cũng tha hóa y như cô vợ châu Á, khi hạ chuẩn sống của họ dưới mức văn hóa người.
Mà có gì cần phải hiểu biết ghê gớm đâu cơ chứ? hãy làm từng việc một một cách CÓ HỌC, cẩn thận, để tâm hồn và tình cảm vào đấy. Nó nấu ăn một cách khủng khiếp. Mình nói cho nó cách nấu món canh cá chua, từng động tác, cái nào trước, cái nào sau, nó bảo về mặt lý thuyết hình như nó cũng biết như thế, nhưng”hơi đâu mà làm”.
Đơn giản khi làm một cái gì đấy mình TÔN TRỌNG các nghi lễ thực hiện, vì biết không thể làm khác. Con người hoặc là không làm, hoặc làm cho ra đầu ra đũa, có gì khó đâu? Không, nó không làm vì quen tùy tiện, quen chảy nhão ra không suy nghĩ gì hết, lúc nào cũng thấy nó mở mồmnói luyên thuyên, không hỏi liên tục thì kể lể liên tục, nửa phút im lặng để suy nghĩ cũng không có.
Trước kia mình buồn lắm, nếu nhìn thấy cảnh này, sẽ mang lại cho mình bao nhiêu là liên tưởng( vì tự đóng khung nội dung đời vào đấy) và buồn vô cùng vì thấy toàn bộ hiện thực là một sự vô nghĩa. Nhưng bây giờ mình không buồn nữa, trước cảnh này, mình giải thích được, mình dửng dưng và muốn bỏ đi ngay: đơn giản vì mình muốn dành thời gian vào những việc có ý nghĩa hơn nhiều: đọc sách, đọc sách, dịch và dịch.
Mình đã tìm thấy hiện thực thật sự là gì. Đấy là sống cho ra hồn như một con người: CAO QUÝ, THIÊNG LIÊNG, NỒNG NÀN CẢM XÚC và TRONG SẠCH. Thế thôi. Những cái khác, vứt hết, đừng cho nó vấy bẩn vào người, hay đọng lại trong tâm trí. Nói như Hamvas: nhiễm vụ là phải hãm phanh dục vọng sống chứ không phải thả dàn cho nó. Để làm gì? để tu thân mà làm người.
Con người chỉ biết yêu thương nếu tĩnh lặng lại, CHÚ Ý đến người khác. Nó phải học cách VỨT nó đi đã.
Từ bao giờ con người bắt đầu vô đạo như vậy? Từ khi mất thăng bằng, mất một cái nền tảng. Trước khi đọc Hamvas, mình không hiểu ra vấn đề một cách TỔNG QUÁT như bây giờ. Thứ nhất: mình sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà nền giáo dục là một sự xé nhỏ cái toàn bộ ( cả loài người như vậy) bởi vậy vô ích mày đọc nhiều, học nhiều, mày chỉ nhặt được những mảnh vỡ. Thứ hai: mình sống trong một cái thời đại không có THÀY. Toàn những anh mù dựa vào vai anh xẩm thong manh, và bài học là những bản nhạc lời ca dễ dãi hoặc mù mờ, thiên vị hoặc bài trừ, luôn luôn kích động, cổ vũ sự sống mù lòa này.
Chỉ có một thứ duy nhất đọng trong người: NỖI BUỒN. Trong một thời đại như Hamvas viết chỉ có 2 thứ: nỗi buồn và sự sợ hãi. Cho đến tận hôm nay vẫn đúng như thế.
Nhìn lại những bài viết có thể thấy quá trình phát triển của NHN. Những bài viết 1,2 năm đầu cực kỳ buồn bã, nhưng đầy vẻ khao khát muốn vượt lên, như thể một kẻ ngã xuống ( từ lúc nào không biết?) nhưng nhỏm dậy từ một vũng bùn lạnh lẽo đặc quánh và từ từ đứng dậy, rũ bỏ. Đồng thời, bên trong từ một tia leo lét, ngọn lửa bắt đầu thổi bùng lên , thông qua những khát khao yêu đương, những bài thơ của nó là ngọn lửa đang vươn tới trời cao nhờ làn gió yêu đương đó. Nó vẫn nhớ cảm giác đau cuồn cuộn cùng niềm hạnh phúc lan rộng mỗi ngày, khiến 1,2 năm đầu của nó biến thành một vết thương bị khoét rộng, không phải để cơ thể nó nhiễm trùng mà trái lại, để vứt đi những nơi nào có nọc độc, và cơ thể sống của nó dần dần hồi phục, lành lặn, tái sinh.
Nó tiếp tục kiếm tìm ý nghĩa đời sống, đầu tiên vẫn sục sọi trong các mảnh vỡ, cho dù là những mảnh vỡ đã chọn lọc. Nhưng rồi nó tìm ra Hamvas. Nó lại một lần nữa được „cứu sống”. Lần này về tinh thần. Vì nó đã hết buồn.(2012-02-06)
Đọc sang cuốn khác của Hamvas: Sự khủng hoảng thế giới.
Một điều NHN đã nhận ra và thực hiện được: vứt những thứ vớ vẩn trong ngày sống, chỉ giữ lại những gì nó cho là cần và thích làm. Vứt ra khỏi đầu toàn bộ những tư tưởng thừa, chỉ tập trung vào những”chủ đề” chính nó đang quan tâm. Vứt những mối quan hệ” chẳng để làm gì” để tiết kiệm chút thời gian ít ỏi dành cho đọc và dịch. Còn lại một điều nó đang băn khoăn: đôi khi ngại viết lâu, cái gọi là”sáng tác”, giờ đây nó không thích nữa, vì cứ viết được một chút nó lại vứt đi ngay, đây không phải cái mình muốn viết, nó nghĩ thế.
Nhưng dịch thơ vẫn thích. Đọc một bài thơ hay, thấy ý tưởng thật đẹp thế là hỳ hục dịch. Khi đó cảm hứng lớn nhất là tìm ra những từ Việt thật sát nghĩa nhưng đầy hình ảnh và cảm xúc. Lúc đó khối lượng từ ngữ tiếng Việt trong nó bắt đầu bị lục lọi: thông thường, một cách bản năng, những từ tương ứng tự”nhảy ra” khỏi đầu, nhưng có thể bài dịch bị vứt đấy, vài ngày sau đọc lại thấy không hề hài lòng chút nào, không đúng, mình có định dịch thế này đâu? lại dịch lại từ đầu.
Đây là một bằng chứng rất rõ về sự ĐÔNG ĐẢO của hình thức SỰ SỐNG mà Hamvas đã nói đến. Vì sự sống là một bản thể duy nhất bao trùm, nhưng vô hình, nên phải xuất hiện trong sự đông đảo của đời sống. Không chỉ trong đời sống người, mà cả trong thiên nhiên, trong thế giới động vật. Sự thể hiện của cái đông đảo này có vẻ như vô tận? Trong thế giới người, đấy là sự vô tận của biểu hiện ngôn ngữ. Được giữ lại trong văn bản. Điều diệu kỳ là mỗi thời đại có một „cảm xúc” khác nhau, nên ngôn ngữ của mỗi thời đại cũng khác nhau. Ví dụ bây giờ đọc một bài thơ tình của thế kỷ 18, có thể hiểu được nội dung tình cảm trong đó, nhưng khó mà rung động ( như kẻ sống trong thế kỷ đó). Có lẽ quy luật „thời đại” này cũng vì sự vô tận biến hóa của sự đông đảo?
Trước kia mình cứ tưởng văn học là tất cả. Thực ra văn học chủ yếu ghi lại biến hóa của sự đông đảo này. Dưới muôn hình muôn vẻ của sự phát triển biến dạng của đời sống người, văn học làm người ta say mê vì nó giúp con người cùng lúc có thể cảm nhận rất nhiều mẩu đời sống khác nhau. Nhưng văn học khó mà cứu con người khỏi những nỗi tuyệt vọng lớn, những nỗi tuyệt vọng lớn hơn cả bản thân họ, đấy là phần huyền bí, là phần vô hình con người chỉ cảm thấy mà không hiểu nổi. Cái đông đảo không đủ sức diễn tả hết mọi nguyên nhân biểu hiện của chính nó. Con người lúc đó sẽ tự „mò” đến với triết học.
NHN đã bao nhiêu lần đọc các loại sách triết học, và lần nào cũng…vứt đi! Hoặc không hiểu, hoặc những thứ nó đọc không thuyết phục được nó, nỗi chán chường của nó càng đậm hơn, sự hoang mang càng lan rộng hơn. Nó quay lại với văn học. Nhưng (có lẽ đi kèm với tuổi tác, là: số lượng ngày sống- và lượng đọc) nó vứt nốt văn học. Nó cảm thấy không chịu nổi sự hư cấu, sự bịa đặt, tính cách cường điệu trong sự chê bai cũng như khen ngợi, không chịu nổi những lối mòn cảm xúc và sự tuyệt vọng ngày mỗi bệnh hoạn hơn của con người thể hiện trong văn học.
Bây giờ thì nó hiểu tại sao vào những năm đầu của thập kỷ 80 nó bắt đầu ghét cay ghét đắng văn học của con người: đấy là những tiếng kêu cứu! Nó không muốn hòa vào những tiếng kêu cứu ấy nữa, những tiếng kêu cứu trước kia làm nó đầu tiên là sững sờ, sau cảm động, sau nữa cảm thông sâu sắc và có ý định làm gì đó để cứu vớt…
Một cái gì đó mạnh hơn vượt trên toàn bộ, bao trùm đời sống của riêng nó: nỗi buồn sâu sắc không lời. Cái gì vậy?
Đấy là không gian vô hình huyền bí của con người, là cái mà sau này nó hiểu nó thiếu thốn biết chừng nào, sự thiếu thốn này làm nó bao nhiêu lần”mò” đến với triết học rồi lại ra đi, đấy là không gian SIÊU HÌNH của sự sống, thiếu không gian này, con người mất điểm tựa. Như thể ngồi trên chiếc ghế không có lưng tựa- bắt buộc phải dùng hình ảnh này để diễn tả một sự vô hình, vì chỉ có thể nhìn thấy sự sống trong một forma nào đấy. Thiếu không gian vô hình này, nó chỉ nhìn thấy những mảnh vỡ của đời sống, chịu, không thể ghép chúng lại để hiểu một cách tổng quát hơn, bao quát hơn.
Tại sao những sách triết học nó đọc không mang lại cho nó một giải đáp nào đấy, trước khi nó đọc Hamvas Béla? Bây giờ thì nó hiểu tại sao: vì những sách triết học đó do những con người( như nó) hoặc khác thời đại, hoặc cùng thời đại viết ra, với những giả thuyết trả lời cho những hoang mang thời đại của họ thì đúng hơn là sự giải đáp. Đây cũng là sự đông đảo trong đời sống người, từ góc độ triết học( chứ không phải văn học) nhưng vẫn không vượt cao hơn, không bao trùm quá phạm vi sống hữu hạn của kiếp người. Nếu thỏa mãn dừng lại ở những sách triết học này, có thể( yên lòng trong khoảnh khắc) đi theo hướng của một người nào đấy trong số các triết gia, nhưng nỗi buồn vẫn còn nguyên, sự tuyệt vọng vẫn còn nguyên, bởi sự huyền bí vẫn còn nguyên mà không”trực giác” được nó.
Nhớ cảm giác lúc đầu đọc Hamvas…
Đúng hơn, tình cờ một người bạn đưa cho mình mượn cuốn Con sư tử đỏ của bà Szepes Maria. Đọc, không hiểu gì hết. Vứt đi, đọc lại, vẫn không hiểu gì hết, chỉ loáng thoáng đọng cảm giác huyền bí như sắp sửa bước vào một làn sương mù dày đặc…Đọc lại, vứt đi. Cứ như vậy 5 lần, đến lần thứ 6 chợt hiểu…Cái gì giữ chân mình lâu đến thế ở một cuốn sách văn học không phải viết bằng tiếng mẹ đẻ? Sự huyền bí. Sự vô hình của sự sống?
Rồi tình cờ đọc đến Hamvas Béla. Thực ra, qua lời giới thiệu của một người bạn Hung, nó đã từng thử lướt xem Hamvas Béla viết những gì? Thấy Khổng tử, Lão tử, Trang tử, nó nghĩ thầm:”những thứ này có đầy bằng tiếng Việt, ta không tò mò chút nào với tiếng Hung”. Quả thật, nó đã đọc mấy ông”Tử” này rất nhiều, có cái thích, có cái không, nhưng phần lớn không hiểu gì cả. Nó thích nhất Trang tử (lúc đó) bởi sự lãng mạn bay bổng tự do của Trang Tử, nhưng để hiểu một cách sâu sắc và tổng quát toàn bộ tư tưởng của mấy ông „tử” này, nó chỉ đạt được kết quả sau khi đọc rất nhiều và hiểu ra Hamvas Béla. Lạ không? Tại sao? Ai có thể trả lời cho nó câu hỏi này?
Nó tự trả lời bằng giả định: chính bởi điểm xuất phát của triết học Hamvas- là sự TỔNG HỢP và THỐNG NHẤT của kiến thức.
Nó nhớ: văn bản đầu tiên của Hamvas Béla nó đọc là bài tiểu luận:” Thời kỳ Bảo Bình”. Đọc xong, nó gần như nhảy dựng lên khỏi ghế. Nó muốn dịch ngay tức khắc, tuy có rất nhiều khái niệm xa lạ trong đó.
…
Cả buổi chiều ngồi đọc nốt cuốn Những lá thư của Hamvas Béla. Mỗi lá thư là một bài tiểu luận ngắn, hoặc một giải thích khái niệm hoặc một nội dung hoàn toàn mới. Hamvas đã biến thành chính những tiểu luận ấy, tuy „nhịp sống” đời thường của ông vẫn là của một người lao động ( thủ kho) bận rộn, với bao nhiêu vướng mắc hàng ngày. Đọc những lá thư của Hamvas thấy ngày nào, giờ nào( có thể tranh thủ được) ông đều đọc sách, ghi chép, viết…Rất nhiều thất bại giữa chừng: không viết nổi, không diễn tả nổi điều muốn thể hiện, không đủ thời gian để tổng hợp hóa… nhưng điều đáng học nhất từ ông là sự BỀN BỈ, chưa được thì làm lại, thậm chí làm lại từ đầu. Có lúc ông đã quẳng tất cả bản thảo đã viết vào lửa, có lúc nghĩ rằng sẽ quẳng tiếp vào lửa… nhưng mỗi lá thư lại thấy một sáng tạo tinh thần mới ra đời. Bạn bè ông chờ đợi những sáng tạo tinh thần cụ thể ấy từng ngày, họ đánh máy và chuyển tiếp cho nhau đọc. Những người bạn của Hamvas cứ như cùng ông diễn màn kịch thiên thần bay lượn trên trời để thể hiện những hành động vô hình. Nếu không có những datum cụ thể dưới từng bức thư, cứ tưởng đang đọc…sách. Không, chưa bao giờ mình thấy Hamvas hư cấu, bởi vậy đọc ông rất gần gũi, trực tiếp, sống động, cứ như đang ngồi đối diện với ông. Đọc những lá thư (là thứ riêng tư với từng con người cụ thể) càng thấy mình tiếp xúc trực tiếp với Hamvas hơn, càng hiểu sâu sắc những nội dung trong các tác phẩm đã đọc của ông hơn.
Bởi Hamvas là một sự THỐNG NHẤT: tư tưởng biến thành việc làm.
Đúng thế, điều lớn nhất học được từ Hamvas: HIỆN THỰC HÓA. Ông đã biến cuộc đời ông thành sự hiện thực hóa những tư tưởng triết học tổng quát nhất, bằng cách biến nó thành việc làm hàng ngày. Tư tưởng thành ngày sống và ngày sống thành tư tưởng. Chỉ có thể làm được điều này với một sự TỈNH TÁO, TRONG SẠCH, CAO CẢ mà chỉ con người đã ngộ đạo mới làm được, ngộ đạo ở đây có nghĩa là hiểu đúng về bản chất đời sống của con người. Bản chất của con người là: thiêng liêng, bất tử, cao quý, sống được như vậy, con người biến thành thượng đế, là ngộ đạo! (2012-02-07)
…
…
Hôm qua rất cố gắng nhưng không thể đọc nốt phần cuối Những lá thư của Hamvas Béla, đành vứt đấy đi ngủ từ 7h30’ tối, tuy sau đó vài phút đám dịch giả mới đến „có vẻ” muốn ăn mừng cuộc gặp mặt gọi xuống. Mình mặc kệ, muốn ngủ để sáng nay đọc nốt. Vậy mà bây giờ là buổi trưa (12h) mới đọc xong. Hamvas hiện lên qua những lá thư hết sức rõ ràng: ngăn gọn, chỉ có một quan điểm sống duy nhất( viết lời giải thích cho những cuốn sách Thiêng). Từ năm 40 tuổi trở đi, ba mươi năm còn lại của ông chỉ là viết. Công việc lao động chân tay nặng nhọc không hề mang lại một lời than vãn, chỉ như một thử thách hàng ngày cần bước qua. Tất cả những lá thư là nội dung cô đọng về sự sống người thiêng liêng, mỗi một dòng viết của Hamvas đều cần dừng lại thật lâu để ngẫm nghĩ, bởi bản thân dòng chữ đó là nội dung sống của một đời người rồi.
Đọc những lá thư cuối hiểu được nội dung đời người khi già( từ 60 tuổi trở đi), đọc thấy sự bình yên trống rỗng mà tuổi già đạt đến. Với mình tất nhiên là điều mới, vì mình chưa đến tuổi đó, nhưng bắt đầu hiểu, cảm nhận được, chia xẻ được. Hamvas đã có lúc không muốn viết nữa, muốn từ bỏ đam mê này, để chỉ”sống” thôi, nhưng không được, ông lại viết. Cho đến khi chết.
Sự trực tiếp, sự tỉnh táo và thông thái từ đầu tới cuối là nét chủ đạo lớn nhất của đời Hamvas. Sự sống cao cả của một thiên thần- chỉ diễn tả như vậy được với đời sống tinh thần của Hamvas- con người muốn sống được như vậy luôn luôn cần tỉnh táo và đủ thông thái để”trước sau như một”. trời! khó làm sao!( sáng 2012-02-08)
…
Lang thang dạo chơi bên hồ. Nắng vàng rực. Cảnh vật trắng muốt. Nước biến mất, thay vào đó là mặt băng cứng, phẳng lỳ hoặc trong suốt. Tuyết-được vun thành từng đống cao vút. Tuyết phủ trên những cây dại, nhũng chùm gai nhọn hoắt giơ lên trời, những quả dại mọng đỏ thập thò hoặc lẩn lút giữa làn da tuyết mịn màng trắng bong. Tiếng nhạc vui tươi văng vẳng. Người ta trượt trên mặt băng, bám vào nhau, ngã dúi dụi, họ cười đùa vui vẻ. Nắng chan hòa phủ lên mọi vật, mọi người trông như cảnh một bộ phim về miền bắc cực khổng lồ. Biển hồ( vẫn đọng trong ký ức sóng xanh từng lớp lớp vỗ vào bờ) biến mất. Tất cả là một mặt cứng, phẳng lỳ, không còn cảm giác vô tận của nước nữa, mà hình như giới hạn của mặt băng lấp ló phía xa xa (có lẽ giống như cái hữu hạn nhìn thấy được của thay đổi thể xác?)
Từ trên cầu nhìn xuống, thấy lũ vịt trời béo nịch nhởn nhơ bơi lội giữa một vũng nước loang không đóng băng, người ta bảo đấy là nguồn nước ấm. Mấy ả thiên nga cũng loanh quanh, vào mùa đông trông chúng mất cái vẻ bệ vệ kênh kiệu, lông cũng không trắng ngọc ngà mà hơi hơi nâu, nhưng vẫn ra sức tranh cướp mất mẩu bánh mỳ khô với lũ vịt trời, chả khác gì mùa hè hay mùa thu lúc mình ra đây. Sao ghét thế không biết? Hừ!
Lững thững đi và nghĩ tới Hamvas Béla. Khi đọc tác phẩm của ông, hoặc đọc những lá thư ông viết, chỉ thấy một tinh thần cao siêu, vượt lên mọi cái cụ thể, bao trùm toàn bộ vũ trụ và thế gian của con người vào đó. Nhưng khi đọc những cuốn viết về ông, thấy không phải họ viết về một Hamvas như thế. Ảnh hưởng ngôn từ của Hamvas đọc trực tiếp khác hẳn đọc ngôn từ của người khác viết về ông. Người ta phân tích ông một cách tách rời, từng bộ phận rời rạc, chẳng dựng lên hình ảnh của Hamvas thì chớ, mà trái lại, làm ông biến mất.
Tại sao thế? Vì họ không chạm tới được tinh thần của ông. Người ta chỉ vẽ ra được chân dung hình thức bên ngoài của Hamvas thôi. Bởi vậy chỉ nên đọc tác phẩm của Hamvas là đủ.( 4h chiều 2012-02-08)
Tối không thiết đọc viết gì hết, bèn ngồi …xem phim. Xem lại bộ phim mình thích, đoạn mình thích thôi, đẹp tuyệt, êm đềm, đầy tình cảm. Đi ngủ trong cảm giác êm dịu của tình yêu. Óh!