(Tặng những cô gái có nghị lực trong cuộc sống!)
Cái ngày mà Li Li nhận cùng một lúc ba giấy báo hỏng thi đại học, buồn hơn cả cái ngày đầu tiên cô bé cảm nhận biết được mình là người không bình thường với cái bàn chân bên phải bị ‘cù queo’ bẩm sinh do di chứng....
Ba mẹ Li Li khóc theo Li Li hết cả nước mắt, thay vì giận dữ hay la mắng. Chính điều nầy càng làm cho Li Li thương ba mẹ bao nhiêu thì giận cho chính mình bấy nhiêu. Li Li thầm trách phải chi nghe lời mấy đứa bạn, đầu năm 12 học lệch* đi. Cả nhóm bạn làm như thế nay đứa “Ngân hàng”, đứa “ Y”, đứa “Dược”, học loại khá thôi như bé Mai Hân cũng đỗ vào “Nhân văn...”, mấy đứa con trai càng tốt hơn nhiều đa phần “Bách khoa”, còn Li Li, tất cả bạn bè cùng khối lớp 12, nhà trường và ba mẹ đều tin Li Li đậu chắc ăn, thì lại hỏng!.
Suốt mười hai năm đèn sách với hàng trăm danh hiệu Giỏi, Xuất sắc, rồi nào là Tài năng nữa chứ, coi như đi toi. Lực học của Li Li, thật sự chứ không phải vì “học sinh khuyết tật” được ưu ái đâu nhé!.
Biết cháu thi hỏng đại học buồn bã chán nản, chú Năm, em ruột của ba Li Li mua gởi về cho một dàn vi tính mới cứng.
Đây là người bạn tâm đắc của Li Li.
Trong khi bạn bè lo giấy nọ tờ kia nhập trường, Li Li chúi đầu vào màn hình, thầy Sanh dạy vi tính thấy vậy đặt ra cho Li Li một thời gian biểu học tin học nâng cao do chính thầy dạy mỗi tuần ba tiết tại nhà miễn phí. Li Li cảm phục thầy và dần dần hội nhập trở lại nếp sống bình thường. Thầy Sanh nói: “Không nhất thiết phải đỗ đại học đâu! Nếu em có chí, giỏi môn tin học cũng có lắm đất dụng võ!”. Li Li tin lời thầy và học...
Ngoài những giờ lý thuyết và thực hành tin học, Li Li lội vào mạng internet thấy thú vị. Bao nhiêu kiến thức được cập nhật chỉ cần một cái nhấp chuột.
Một hôm Li Li nhận được một lời “yêu thương” trên trang Yume.vn thấy ngộ ngộ. Rồi viết mail trả lời. Đó là chuyện bốn năm về trước.
Đúng ra nếu là cô gái không khuyết tật thì với nét đẹp duyên dáng không kém hoa khôi của trường Trung học phổ thông Gò Nổi nầy là mấy, Li Li có quyền chiếm hữu vòng tay của ‘chàng trai ấy’, chễm chệ trở thành vợ của ‘chàng trai ấy’ cũng nên. Hơn một năm mail qua chat lại đến thời khắc “tao ngộ” Li Li bỗng nhận ra rằng mình không có được hạnh phúc thật sự, mà có chăng chỉ trên cánh sóng mà thôi!. Li Li đơn phương cắt đứt mọi liên lạc với 'chàng trai ấy' trên mạng.
Bữa đó trời mưa, những cơn mưa mùa đông miền Trung thì ai cũng biết rồi, nó như người bất đắc chí điều gì, cứ rả rích rả rích... rồi ầm ầm... ầm ầm... Mưa trước ngõ, mưa sau nhà và có khi mưa gió thông thốc vào cả lòng người Li li như chiều tối nay chẳng hạn. Li Li bật máy vi tính đọc lại những bức mail của Thichtinhoc – nick - name ‘chàng trai ấy’ – gởi cho Li Li, với nick - name Nganha:
“Nganha! Thương em nhiều nha! Hôm anh đi Hà Nội, vào thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, mới biết một chi tiết hết sức thú vị. Em biết không người hướng dẫn viên du lịch kể, tại nơi đặt tượng thờ thầy Chu Văn An, phía đàng sau tượng có một khu vực, trước đây có luật bất thành văn là: ‘Không được bất cứ ai, kể cả Nhà Vua bước vào đàng phía sau ấy, trừ ông Thủ Từ'. Ngày nay thì du khách ai muốn vào thì vào chứ không cấm nữa!. Theo quan niệm xưa, mọi người chỉ được phép đứng trước tượng thầy mà chiêm bái, xong bước lùi trở ra. Đây là cử chỉ thể hiện tôn sư trọng đạo, em ạ!. Có thú vị không?. Còn nữa, trong Văn Miếu – trường Đại học đầu tiên của nước mình đấy! – Có hai cổng vào: Cổng thứ nhất trước đây sĩ tử nào cũng vào được. Còn cổng thứ hai chỉ có những sĩ tử thi đỗ kỳ thi Hương mới được vào mà vào đây, rồi chưa chắc trở ra cổng nầy đâu nếu học hành không đạt kết qủa, Giám sinh (Sinh viên) “học không có kết quả” sẽ được trường cho ra cổng hậu!. Hằng ngày vào mỗi buổi sáng trước giờ học tất cả Giám sinh học ở đây phải ra soi mặt mình xuống Giếng Thiền Quang hình vuông nằm ở trung tâm Văn Miếu, để tự soi xét việc đúng sai của bản thân mình. Theo em thông tin trên thú vị chứ!. Thichtinhoc”.
Những bức email của chàng Thìn lúc nào cũng đầy ắp những câu chuyện, khi thì ở ngoài phố, khi thì ở ngay trong nhà của chàng:
“Nganha!....... Chiều nay mẹ anh giục anh cưới vợ!!!. Eo ôi, không biết mẹ có biết chuyện của hai đứa mình không nhỉ?. Anh tin là chắc do linh tính mách bảo đó thôi!. Anh nói rồi, em xem hôm nào cho anh gặp em đi! Em cứ hẹn và anh sẽ đến!, dẫu anh phải đi bao nhiêu cây số!. Anh tin hai đứa hợp nhau. Anh chỉ còn hai tháng nữa sẽ tốt nghiệp. Mẹ nói nếu ra trường muốn làm công ty nhà nước thì làm, còn không cứ mở riêng công ty mà làm. Mẹ bật mí đã để dành cho anh đủ “ngân” vừa cưới vợ vừa lập công ty. Em có vui không!. À! Bạn anh từ Canada điện về khuyên anh, nếu có điều kiện nên lập công ty, có thiếu chút ít sẽ “viện trợ mười năm hoàn lại”, bởi theo bạn anh bây giờ mà đầu tư làm phần mếm tin học và kinh doanh máy vi tính là số dách!. Em giữ gìn sức khoẻ nghe, Ô...m - h...ôn - em!!!. Thichtinhoc.
Sài Gòn đẹp và không có ban đêm. Hôm ở ga tàu hỏa, lần đầu tiên đặt chân xuống đất Sài Gòn nầy hai mắt Li Li choáng ngợp trước bao nhiêu ánh sáng từ những bóng đèn toả sáng hết công suất, đến nỗi đã hai mươi ba giờ rồi mà sân ga sáng trưng và nhộn nhịp lạ. Nếu có mẹ cùng đi, chắc mẹ sẽ nói đèn sáng cỡ nầy con kiến bò dưới nền sân cũng thấy rõ mồn một cho xem!. Em Liên con chú Năm, chạy xe Honda đến đón chờ hơi lâu, vì tàu phải tránh mấy chuyến tàu đặc biệt gì đó nên đến ga muộn hơn 20 phút. Định thần, Li Li đến ngay hàng trụ cờ ở sân ga như hẹn, gặp ngay Liên, hai chi em đèo nhau về nhà. Li Li đi Sài Gòn là theo gợi ý của thiếm Đào vợ chú Năm.
Thiếm nói với mẹ, hôm về quê dự đám giỗ bà nội: “Anh chị cho cháu vào trỏng đi. Trong em có nhiều công ty, họ ưu tiên cho những trường hợp như cháu, lương hướng cũng khá lắm!”.
Nghe thiếm, mẹ thúc giục và Li Li đi...
Thương cho cô Liên, chị em lâu ngày mới gặp, lạ hoắc lạ huơ thế mà Liên đối với Li như quen nhau lâu lắm rồi, tình chị em thúc bá mà!. Liên hoạt bát, hết hỏi chuyện nầy sang chuyện kia... khiến Li Li hòa nhập nhanh chóng và hình như cũng quên đi dị tật bẩm sinh của mình!.
Con của người bạn của chú Năm hôm đến nhà thăm Liên hay tin Liên có người chị “khuyết tật” nhưng cực giỏi tin học, đã nói, nếu chú Năm đồng ý, sẽ dành cho “cô khuyết tật” một công việc phù hợp ở công ty của anh. Một tin tốt lành đến ngay sau mấy tuần Liên cùng Li Li đi hai, ba nơi nộp hồ sơ xin việc. Phải nói Li Li hy vọng nhiều. Không ai đặt nặng vấn đề “khuyết tật” của Li Li, mà trái lại họ còn nói nhiều câu nói thể hiện sự thông cảm chia xẻ hết sức chân tình. Có người như anh Tánh, phụ trách phòng Nhân sự, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Phước, quận Bình Tân, sau khi xem sơ qua hồ sơ, còn quả quyết: “Không dám hứa chắc, chứ công ty đang cần Li Li!”
Li Li sửa lại chiếc ghế cho ngay ngắn rồi ngồi xuống. Phòng làm việc của Li Li được anh Nhơn, phụ trách quản lý, sắp xếp ở tầng một, rất thuận tiện, Li Li có thể cho xe máy chạy thẳng vào cửa hàng, xong đi mấy chục bước là tới.
Thời gian như ngựa chạy tên bay, hồi nhỏ Li Li từng đọc câu nầy trong một bài tập đọc sách giáo khoa, giờ ngẫm nghĩ đúng thật. Gần Tết rồi. Chắc ba mẹ và cu Tủn – đứa em út của Li Li – giờ nầy trông chị về lắm!. Mà không về sớm được đâu!. Anh Thìn, Giám đốc Công ty nói thế. Công việc cuối năm bận rộn, nhiều khách hàng lãnh tiền thưởng, tiền lương tháng mười ba... muốn mua tặng cho con cho cháu dàn vi tính, lắp đặt trước ngày tất niên. Công việc kế toán tiền mặt của Li Li không ai thay được, đó là lý do chính đáng anh Thìn nói với Li Li, anh hứa sẽ hậu thưởng và đã đặt xong vé máy bay khứ hồi Sài Gòn – Đà Nẵng, Đà Nẵng – Sài Gòn cho Li Li rồi, nhưng đến 21 giờ tối hai mươi chín Tết mới bay.
Li Li vươn người một cách thỏa mái để chống mệt mỏi sau một buổi say mê cần mẩn làm việc. Bàn giao tiền cho Thủ quỹ xong Li Li đi về, mới mà đã 11 giờ rưỡi rồi.
Thìn điện: “Em ở nhà?”. Li Li trả lời, cũng qua điện thoại di động: “Dạ!”. “Anh có thể gặp em vào chiều nay sau giờ nghỉ được không?”. “Có gì quan trọng không anh?”. Li Li hỏi lại. “Không gì đâu! Anh muốn hỏi em chút việc thôi!”. Li Li dịu dàng: “Dạ!”.
Mấy ngày qua Thìn phân vân mãi. Li Li cô gái hết sức đẹp, nhất là đôi mắt như có điều gì muốn nói, mạnh mẽ và đầy tự tin. Chỉ có khuyết tật ở chân, anh muốn giúp Li Li chỉnh hình theo phương pháp hiện đại. Một anh bạn của Thìn là bác sĩ cho biết trường hợp nầy nếu thực hiện mổ chỉnh hình đúng phướng pháp, bàn chân trở lại bình thường, không quẹt quẹt như thế nữa. Từ hôm anh bạn nói, Thìn có thưa với mẹ, bà tán thành và nói: "Làm được là phước đó con ạ!".
Sau khi nghe Thìn đặt vấn đề “chỉnh hình” Li Li mừng lắm mà không dám nhận ngay, Li Li xin trả lời sau khi thưa với ba mẹ và hỏi ý kiến chú thiếm Năm.
Ra bệnh viện sau một ngày “chỉnh hình” xong, Li Li đi làm bình thường. Niềm vui đến với Li Li như phép của Bụt, của Tiên, trong truyện cổ tích. Li Li trông đến Tết hơn lúc nào!. Tối lại ngồi săm soi bàn chân, Li Li rơm rớm nước mắt. Hai ngày nằm ở bệnh viện, bà mẹ của anh Thìn chạy lui chạy tới lo cho Li Li từng li từng xíu như mẹ ruột, bà dặn dò cặn kẻ mọi chuyện nào là..., nào là...
Tất cả cũng vì mong bàn chân của Li Li sau “chỉnh hình” tốt nhất. Cho xứng với vẻ đẹp vừa tính nết vừa vóc dáng của Li Li.
*
Mới đó mà hơn mười bảy năm rồi. Bây giờ Li Li có chồng có con, có nhà cửa đàng hoàng tại Sài Gòn nầy. Công ty của vợ chồng Li Li ăn nên làm ra, phát triển ngày càng tốt... Hai đứa con, một trai lên bảy, một gái mười bốn tuổi, ngoan ngoãn. Còn chồng Li Li là Thìn, "chàng trai" có nick - name Thichtinhoc thuở nào.
* Học lệch: Học các môn chủ yếu để thi Đại học.