Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.161
123.162.382
 
Chuyện Về Một Cái Truyện Không Được Đăng Báo
Nguyễn Hữu Duyên

Tôi mở tin nhắn của Hưng, một người bạn trẻ cùng làng ra đọc.

- Em đã gọt lại truyện và chuyển lên ban biên tập, nhưng bị gác lại rồi!

Thực ra, tôi cũng đã dự đoán được điều ấy, bởi nội dung của cái truyện tôi viết có những chi tiết đề cập liên quan giữa tôi và Du, tổng biên tập  báo, về cái ngày mà chúng tôi cùng dạy học ở một trường cấp 2 gần thị xã. Anh gác lại là phải. Tôi không buồn và cũng không giận anh, vì nó hợp với lẽ tự nhiên thôi. Chỉ có điều người bạn trẻ cùng làng với tôi, đang làm trưởng ban chính trị- văn xã của báo, không nắm được nguồn gốc của vấn đề nên bị sốc. Và, cậu ta gọi điện giải thích cho tôi với giọng  buồn buồn.

Tôi cười:

-  Cậu có còn nhớ ngày xưa tôi có tập cho lũ nhỏ các cậu một bài hát sinh hoạt cộng đồng trên bãi cát ven sông?

-  Em nhớ chứ! Đó là bài: Đời là thế!

-  Trí nhớ cậu tốt đấy!

-  Nhưng em thấy truyện của anh bị gác lại đâu có liên quan gì đến bài hát ấy đâu?

-  Có chứ! Tổng biên tập báo, ngày xưa cùng dạy một trường với tôi đấy!

-  À…thì ra…

-  Đời là thế, cậu không nên buồn.

-  Em thấy tiếc, bởi cái truyện ấy đọc được, nhưng…em lại không có quyền.

 

Cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước, tôi và Du dạy cùng trường, anh dạy toán, tôi dạy văn. Ở cấp hai, đây là hai môn có thể giúp người thầy cải thiện được cuộc sống từ dạy thêm cho học sinh ở trường và ở nhà. Nhiều người cho rằng, việc kiếm thêm tiền từ cái nghề của mình cũng tốt hơn đi bốc vác, giữ xe đạp, gác cổng sân vận động, nhà văn hóa…gặp phải cái cảnh cười ra nước mắt khi người thầy nhận tiền công từ đứa học trò của mình là con của ông chủ, bà chủ; khi học trò của mình là người gửi xe đạp, là khán giả xem phim, xem đá bóng…

 

Với sức trẻ, ngoài những tiết chính khóa, giờ dạy thêm của Du gần như kín cả tuần. Riêng tôi, ngoài những lúc soạn bài, chấm bài, lên lớp, thì đọc sách, đánh cờ, bởi những điều cần giảng, tôi đã nói hết trên lớp rồi. Và, tôi chỉ tham gia phụ đạo ở những buổi ngoại khóa do tổ bộ môn tổ chức. Nhưng, điều quan trọng, là cái nhìn của tôi về chuyện dạy thêm, nó giống như món hàng, có kẻ mua người bán, tôi không muốn như vậy. Nhiều người cho rằng tôi dở hơi, gàn, vì có lợi thế trong tay mà không biết sử dụng. Có giáo viên nhờ dạy thêm sau vài năm đã mua được đất, mua được nhà… Công bằng mà nói, tôi không quan tâm đến, bởi chuyện ai nấy làm.

 

Rồi một sáng chủ nhật, như thường lệ, tôi đang đánh cờ ở ngoài hè của một cái nhà gần như là câu lạc bộ cờ tướng của xã, người chơi cờ thì đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Chủ nhà thì bán cà phê, trà đá, nước mía, và cả bánh mì nữa để phục vụ cho người chơi cờ vì lỡ ván, hoặc “kỳ phùng địch thủ” nên quá giờ cơm …Và, tôi vô tình nghe được câu chuyện trong đám người ấy nói về Du.

….

- Tụi nhỏ đứa nào không đến nhà hắn học thêm thì hôm sau hắn kiểm tra bài, ăn một gậy, hai gậy(*) là cái chắc.

- Anh cứ nói quá. Đã là thầy thì ai lại làm thế?

- Đó là chưa nói sẽ thiếu điểm thi học kỳ, và phải ở lại lớp. Nếu anh không tin thì hỏi thằng con anh sẽ biết.

-  ….

Nghe những lời như vậy, tôi không còn đủ can đảm và thần sắc để tiếp tục ngồi đánh được nữa. Tôi đứng dậy, suýt nữa làm đổ ly cà phê chưa uống xong. Tôi đạp xe đến thẳng nhà Du. Đoạn đường thì không dài, chỉ khoảng hơn ba trăm mét, trời không nắng, gió thổi từ cánh đồng hai bên đường như muốn đẩy tôi đạp nhanh hơn, thế nhưng, cả người tôi mồ hôi cứ như muốn thoát ra ngoài.

 

Du tiếp tôi tại phòng khách trên bộ sa-lông hàng hiệu. Du ngồi vắt chân chữ ngũ, đẩy ly nước về phía tôi và nhìn tôi chăm chăm:

- Hôm nay ông không đánh cờ à? Uống nước đi, thằng học trò mới biếu, trà Bắc chính hiệu đấy!

- Sáng nay, Du không dạy? – Tôi cầm ly nước đưa lên miệng nhấp một ngụm – Ôi, đắng quá, tôi vốn không sành chuyện uống trà mà!

- Tôi cho tụi nó nghỉ một buổi, định ra thị xã lấy cái ti-vi màu, đa hệ, coi cho đã mắt, chứ cái trắng đen này thì chán lắm. Tôi vừa mở cổng thì ông đến…Ờ mà ông có việc gì, hay là tính gửi đứa nào học thêm?

 

Nhìn ngôi nhà mới xây của Du cùng với cách nói chuyện khi tiếp xúc rất là hưng phấn, tôi không còn đủ can đảm để nói cho Du nghe những  lời mà tôi vừa nghe được khi nãy ở chỗ đánh cờ tướng.

- Không, không có việc gì cả. Lâu quá rồi… Thôi, Du có việc lên thị xã thì đi chứ kẻo nắng, mình về.

 

Rời khỏi nhà Du, cũng con đường ấy, nhưng sao chiếc xe đạp của tôi lăn một cách nặng nề, giống như tôi đang đạp ngược chiều gió vậy. Về đến nhà, như để cố quên đi chuyện không vui, tôi lấy sách ra đọc, nhưng những con chữ cứ nhảy múa, đành chịu. Tôi nằm thừ người, quăng cuốn sách sang một bên. Tôi tự nhủ, sao tôi lại không nói với Du những điều mình nghe được, bởi dù sao tôi với Du cũng là đồng nghiệp, lại học sư phạm cùng khóa, về công tác chung một hội đồng? Khi mới bước vào nghề, tôi không hề nghĩ là có một ngày tôi phải nghe những câu đau lòng như vậy. Lòng tự trọng. Sự tổn thương. Tôi luôn tâm niệm, nếu ai đó muốn kiếm tiền thì hãy đến nơi khác, môi trường giáo dục phải trong sáng, đẹp, ở đó chỉ có tình thương đối với học trò, trách nhiệm của người thầy nhằm giáo dục, đào tạo cho xã hội những con người có nhân cách, có tri thức…Có một lần trong những phút giải lao giữa giờ, tại phòng hội đồng giáo viên, tôi chỉ mới thở nhẹ cái ý đó thôi thì đồng nghiệp của tôi hầu hết ai cũng cười ngặt nghẽo. Riêng Du thì bảo rằng:

-  Ông sinh nhầm thế kỷ rồi. Bởi bây giờ làm gì còn có một Chu Văn An dâng sớ chém bảy nịnh thần, và tất nhiên- câu chuyện Quang Trung- Nguyễn Huệ nhiều lần cầu Nguyễn Thiếp đã trở thành cổ tích. Nghề dạy học cũng giống như bao nghề khác trong xã hội này, không quan trọng như ông nghĩ đâu. Kiếm tiền bằng chính cái nghề được nhà nước đào tạo, công nhận thì có gì sai nào? Mà mình đâu có ngồi không để lấy tiền?

 

Nghe Du nói thế, người tôi như nóng lên. Tôi nhìn thằng vào Du. Tôi muốn soi rọi trên khuôn mặt ấy như để tìm ra những tế bào mới vừa được sản sinh. Bởi tôi không thể tin một con người mới ngày nào còn ở chung phòng với tôi trong khu tập thể dành cho giáo viên, sớt chia cho nhau từng đọt rau lang cải thiện cuối tuần với những bữa cơm gạo cõng mì, nay lại đổi giọng như thế. Nhưng tôi lại nghĩ, cái giọng điệu ấy đâu phải chỉ riêng Du. Mà sao tôi lại phải khắt khe như vậy? Tôi im lặng, bước ra khỏi phòng hội đồng giáo viên, nghe thấy lòng mình trống rỗng. Tôi đã từng chứng kiến cảnh mẹ cầm roi đánh con, mẹ khóc, con cũng khóc. Thằng con khóc vì bị mẹ đánh, vì không có tiền nộp cho thầy; mẹ khóc vì phải đánh con đau, vì chưa đủ tiền để đưa con nộp cho thầy. Nghĩ đi nghĩ lại thấy thật chua xót và đau lòng. Lúc ấy tôi muốn nói với Du về đồng tiền anh nhận được từ những đứa học trò đến nhà học thêm, trong đó chứa chất biết bao nỗi niềm, mồ hôi và cả nước mắt của cha mẹ nó làm ra. Nhưng tôi lại không nói.  Tôi lại tự bào chữa cho chính bản thân mình, nói điều đó có được gì đâu, và cũng không thay đổi được gì. Bởi người thầy có dạy tốt hơn cũng nhận chừng ấy lương. Còn nếu để dành kiến thức cho những giờ dạy thêm thì thu nhập sẽ cao hơn nhiều, và cũng có thể đổi đời. Là những người thuộc giới được gọi là trí thức, sao họ lại không hiểu điều đó! Ngành giáo dục vẫn thừa biết nhưng đâu vẫn vào đấy. Bởi người thầy tự xoay xở được thì cũng giảm đi phần nào gánh nặng cho ngành và xã hội. Như vậy chẳng phải vẹn cả đôi đường sao? Và, nó như một dòng chảy không thể khác được. Thế nhưng tội nghiệp nhất vẫn là những ông cha bà mẹ, phải vất vả vì sợ con mình thua chị kém em, mặc cảm với bạn bè…Với tôi đó là áp lực lớn nhất và nặng nề nhất. Điều quái ác là suy nghĩ ấy luôn hiện hữu và lớn dần trong tôi qua năm này tháng nọ. Sự tích tụ đã đến lúc không thể không thoát ra, gần 40 năm rồi còn gì! Thế là tranh thủ những lúc rảnh rỗi, tôi ngồi vào máy, gõ từng con chữ. Cái truyện ra đời, Du là nguyên mẫu. Mà Du bây giờ lại là tổng biên tập của báo. Có thể, Du thấy truyện viết không sai về một thời lắm nhiêu khê của ngành giáo dục, trong đó có anh, có tôi và nhiều đồng nghiệp, nhưng tôi biết Du là người kỹ tính, anh sẽ gác lại.

 

Hôm cậu em cùng làng gọi điện nói chuyện cái truyện không được đăng, tôi bảo rằng:

- Đăng hay không đăng, điều đó bây giờ không còn quan trọng nữa, bởi vì tôi đã viết ra được những điều mình chiêm nghiệm qua bao nhiêu năm sống với nghề, với cuộc đời này. Còn việc cậu không có quyền, nhưng tôi thấy cậu ăn ở được, thế thì tốt rồi. Tôi quý cậu vì điều ấy. Bởi theo tôi, điều tồi tệ nhất trong cuộc sống này, là bất nghĩa. Khi nào cậu về thăm quê, anh em mình sẽ trao đổi nhiều hơn, chứ nói qua điện thoại không hết ý, lại tốn nhiều tiền. Vậy nhé!

 

 

Hưng nhỏ hơn tôi khoảng gần 10 tuổi. Trước khi làm luận văn tốt nghiệp Đại học tổng hợp Văn, Hưng về thực tập tại địa phương, và được phân công về trường tôi viết bài phản ánh về những tấm gương học sinh vượt khó vươn lên học giỏi. Là tổ trưởng bộ môn, tôi được phân công giúp đỡ Hưng từ việc thâm nhập thực tế, thu thập tư liệu, gặp gỡ học sinh và cha mẹ của các em, xử lý qua câu chữ thế nào cho đạt…Sau khi ra trường, Hưng về công tác tại báo tỉnh, đến nay cũng trên 20 năm. Và vài năm trở lại đây, đảm nhiệm vị trí trưởng ban chính trị- văn xã của báo. Anh em viết lách biết Hưng giỏi, nhất là các bài viết ở lĩnh vực báo chí. Còn chuyện thơ văn, Hưng cũng có một vài cái đọc được. Riêng tôi mến Hưng vì cái tình. Tôi chưa bao giờ kể cái nghĩa hồi xưa tôi ở với Hưng, nhưng tôi biết Hưng luôn nhớ. Khi tôi viết gửi vào hộp thư của Hưng một mẫu chuyện rất nhỏ thôi, cũng không hay lắm, nhưng Hưng làm cho nó tròn trịa, mang tính khái quát cao, bài đăng, anh em đọc khen tôi viết hay, tôi chỉ cười. Và, nhiều bài như thế chứ không phải chỉ một vài bài.

 

Bây giờ- khi nghĩ đến cái truyện không được đăng, tôi cầm máy điện thoại lên, soạn tin nhắn và gửi cho Hưng với nội dung như sau: “Hưng ơi, trong cuộc sống này, chỉ nghĩa tình thôi, thì chưa đủ để giúp nhau một cách trọn vẹn, phải không cậu? Đời là thế mà!”

 

 (*) Ý nói một điểm, hai điểm.

 

 

Nguyễn Hữu Duyên
Số lần đọc: 1510
Ngày đăng: 16.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Su Su - Mường Mán
Sinh Hoạt - Kinh Dương Vương
Một Người Đen Bạc Đỏ Tình - Hà Thủy
Cặp Đôi Bi Tráng - Khuất Đẩu
Chú Gấu Bông - Hòa Văn
Thằng Người Gỗ - Đặng Hồng Quang
Khúc Tuyệt Mù - Nguyễn Đạt
Thị Xã - Trần Yên Hòa
Rượu Người - Võ Xuân Phương
Phóng Sinh Chữ Nghĩa - Phan Trang Hy