Cái hứng khởi của người làm văn nghệ là tìm được sự đồng điệu với tha nhân, tất cả những nỗi niềm đột ngộ được bùng vỡ một cách hạo nhiên, tự tại vô cùng giữa trời đất mang mang. Người tri kỷ phải chăng cũng được sắp đặt giữa định mệnh, chỉ cần một tiếng sét vô minh đánh vụt xuống sân tiềm thức, cho chợt vỡ oà trong bức màn đêm còn phủ dụ của cái riêng ta. Đó là lúc giao cảm sáp nhập vào tri ngộ, đưa đẩy khí thiêng trở về với bản lai…Trứng đá bỗng nhiên thoát thai cung nghênh cùng thiên địa bao la, một cái nhảy cũng vung vẩy pháp hoa ra tận tam thiên đại thiên thế giới, cho xanh ngát một lời thơ, như tiếng hét lạnh ngập thái hư…Có lúc , thi nhân cô độc ôm cái đạo phi thường, đứng lặng lẽ trên đỉnh núi cao, với tay chạm vào ngàn sao phiêu bạc, mây trời và gió núi là những tri âm bao phủ quanh một hồn thơ tiền định, giữa bao la của thương hải tang điền, ngơ ngẩn suốt mấy hướng thơ đi. Giờ đây, suốt hành trình với tâm thức, đằng đẵng hơn nửa thế kỷ du phương, hành giả vẫn lặng lẽ chống gậy vàng, trôi suốt dọc đường phong vũ, rải thơ như rải hoa vô ưu, rực rỡ bên cát bụi. Cát bụi thì vẫn vô tâm lăn lóc giữa trần gian đầy thay đổi biến thiên, nhưng hoa vô ưu đã sáng rực trong pháp âm vi diệu, hoá thân thành rừng cây già đầy trái tinh hoa, nặng trĩu giữa cuộc đời. Với tay mà hái cái hạo nhiên huyền diệu ấy , cắn vào răng ngà dòng sữa ngọt tụ đẫm thần khí hậu thiên, phải chăng người thơ vẫn ngơ ngác trước thành tựu ngàn năm vừa tụ lại trong đêm. Trăng thì vàng óng, hoa thì say sưa nở nhuỵ, nhưng trăng có soi xuống êm đềm cho hoa nở, và hoa có bừng nở lúc trăng soi? Mơ màng trong cái giao hoà của hư và thực, đã đẩy đưa tinh tuý được chắt lọc diệu kỳ cho thơ anh rực rỡ, và đẹp như chiếc ráng hoàng hôn nghiêng bên vùng cổ địa biên giới và núi cao…
Trần Yên Thảo nhập thể vào Thơ ca bằng suốt hơn 50 năm chìm đắm trong giấc mộng liêu trai, vừa gõ hồn mình từ những chiều vắng lặng, vừa chộp bắt từng mảnh tơ trời vươn vấn tinh thơ. Trải bao nhiêu năm tháng chợt bắt lấy dòng thơ anh xuyên suốt ở đoạn đường dài, biết bao thay đổi thăng trầm đã đưa dấu chân trần dần dần thoát khỏi nghịch chướng hoang phế của tư thức, thoát xác chan hoà bạch diện trong kẻ chợ ung dung bước đến tự tại khôn cùng.
Cái ngạc nhiên không phải bây giờ mới thể hiện, sự thanh thoát của vầng trăng nghiêng chiếu tơ vàng phủ trùm trên hướng đi, đã từ lâu xuyên sơn dịu vợi thoắt rải dài xuyên thấu từ đỉnh núi đông miên, dạo gót trên lộ trình sơn dã xuống tận bình nguyên, vàng ánh những ánh sáng lân tinh lấp loáng tận chân đồi. Cái hay của Trần Yên Thảo , ảo diệu trên từng ngôn ngữ sử dụng thần kỳ, mà dòng thơ đáng nói là lục bát chiêu hồn từ con chữ tinh hoa. Từ trước đến thời gian hiện tại, sự thành công trong ngôn ngữ thi ca Trần Yên Thảo đã bước đi trong cái tự nhiên thoát thai cho những gì tồn đọng thanh khí và chắt ngọc. Dấn bước thật sâu và thật xưa cũ, bao nhiêu ngày tháng trôi qua thơ anh vẫn điềm nhiên đi vào sự thế, như một lão đạo sĩ khuếch tán âm dương trời đất, vạch định rạch ròi giữa cái hạo nhiên, hanh thông cho thơ biến hoá hồn nhiên tuỳ cơ duyên ở mỗi cổ địa mà nở một loài hoa. Có chiêm nghiệm thơ Trần Yên Thảo thời trước và bước đến dòng thi ca ào ạt tuôn chảy hôm nay, mới thấy anh xem thơ là đạo, nghiêm túc vác túi thơ dưới âm quang vũ trụ mà kinh hành từng bước soi tâm. Đọc thơ Trần Yên Thảo ngày trước đã chợt hiểu có ngày thõng tay vào chợ, mà như biến hoá của thập mục ngưu đồ. Quả thật “khúc ngâm du tử vỡ oà quanh đây”, anh đã chia xớt rượu và hoa, khi bỗng chốc thoắt nhớ thoắt quên với cái khuynh khoái huyền vi của Lý Bạch. Anh hoà mình vào cái vô cùng say đắm và chìm ngất trong tuyệt dịu của hương hoa, chỉ động lòng từ thiên cổ về bên thềm đánh rơi mộng lớn, cung thỉnh “ta nghiêng vò rượu nằm cười với hoa” , và thi tiên Lý Bạch có hay ? Trần Yên Thảo đem tam muội đốt ngàn tâm sự, mà cõi cô miên vẫn cứ chập chờn. Còn tỉnh say, của rượu và thơ, cũng có lần Phạm Trích Tiên ngơ ngác phù du với lẽ sống. Tập Rượu Người Và Cảnh Vật của một lão trích tiên phàm trần này, đầy rẫy chiêu thức ru ngủ lòng người nhưng trong tận cùng cô độc của cái chìm đắm quạnh hiu giữa bao la cuộc đời, phủ xuống cho tửu thi Phạm Trích Tiên lăn lóc giữa tình bạn, tình người, phu thê, và cái tử sinh…Ngược lại, thi tập Quà Tặng Người Xưa của Trần Yên Thảo lại chan hoà những cái tuyệt diệu từ những bài thơ khoáng đạt tự cổ chí kim với Mãn Giác Thiền Sư, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…Đến Lý Bạch, Vương Bột, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục…Cũng dòng lệ phân kỳ sum họp ly tán, cũng gậy thiền xế bóng vầng trăng soi kề, cũng tóc trắng còn mơ mộng gì, tiếng tỳ bà đứt ruột cũng dấu người, bàng bạc chân mây, cũng rượu và thơ bát ngát…Quà Tặng Người Xưa có vẻ tiên phong đạo cốt và tuyệt diệu . Hôm tác phẩm ra mắt đồng điệu bạn hiền (1997), xem như hơn 20 năm Trần Yên Thảo mới tụ hình, lại một phen tháo dỡ thảo am tận đất trời Phan Thiết, lưu lạc lang thang trở lại phàm trần. Lành thay, nhà thơ lại một phen đoạ xuống nhân gian, tay xách gậy vàng, vuốt râu quang quả điềm nhiên giữa cõi đời ô trọc, như một Basho lướt thướt lượn theo cơn gió đẩy đưa, và thơ Hài Cú một phen rơi rớt cho đến tận hôm nay, làm kinh động cả những giây phút tịnh tâm nhập thất. Chiều hoàng hôn rơi nhẹ xuống con kênh thơ ấu sau hè, gió thoảng và mưa lang thang rớt xuống nỗi buồn nhè nhẹ trong tôi, choàng tay đọc rồi nghiền ngẫm tập thơ Quà Tặng Người Xưa, như thể “ngàn sao thêm một chút tôi / góp dòng nước mắt gởi người ngàn xưa”. Cơn rúng động mười phương chợt đổ ập vào hồn, khuynh khoát và bao la quá, tôi thật sự choáng ngợp trong cái tình của thi nhân, gần 30 năm im bóng, lại chợt rộ nở như ngàn hoa hướng dương soi cánh theo ánh sáng bình minh. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, sự trở lại của Trần Yên Thảo là một bước dậm chân để động thổ báo tin ngày trở lại của một thi nhân. Vì anh đã là một thi nhân đầy đủ tài hoa tụ hình rực rỡ từ bao nhiêu ngày tháng cũ, mà tôi chợt xúc động cái nghiệp chướng của người làm thơ là sự trung thành, thanh thoát và đầy sáng hoá ở mọi tình huống với bao lối rẽ của chân mây. Quả thật, như bao nhiêu bằng hữu khác, làm sao xoá bỏ con tim đã định phần của văn khúc. Một Lê Trúc Khanh vi diệu với thơ ngày trước, cũng nhiều phen ngẩn mặt đóng cửa thư trang, trầm mặc với bao nhiêu bể dâu thế sự. Một Trần Biên Thuỳ, tang thương với thời cuộc, vứt bỏ đèn sách và thi nghiệp vang dội ngày xưa, bước về biên giới cực Nam bên dòng kênh Vĩnh Tế, ẩn tích nơi hoang sơ. Nhưng làm sao chối bỏ nghiệp chướng, tất cả đều trở lại thôi, xuất hiện càng lúc càng rực rỡ phong quang đầy đủ như ngọn hải đăng giữa đại dương kỳ bí. Thi tập Quà Tặng Người Xưa, khiến tôi thanh thoát và sung sướng, nên không có gì khác hơn là nhờ giây nói trực hệ với nhà thơ, tập thơ hay quá, làm sao đây, ông qua tôi vui vài ly rượu nhạt. Trần Yên Thảo thật sự cũng cảm động hoà tâm chân thành của người bạn, dù hoàng hôn xuống đã lâu, cũng khăn gói cỡi gió bay qua tệ xá ,đàm đạo thâm giao. Từng ly rượu nồng chia xẻ cái vui tột cùng với thơ mà Trần Yên Thảo đã đặt tâm cảm xuyên thấu thời gian, trở về từ cõi không gian của Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trần Tử Ngang …Mà nâng thơ ngang mày, bạch đàm cùng tiền nhân. Cai hay trong thơ Trần Yên Thảo là sử dụng nhuần nhuyễn ngôn từ thật sáng tạo mà tự nhiên như cái hữu hiệu phải có, không thừa không thiếu, tạo một chững chạc và linh hoạt trong thơ. “Yêu trăng từ độ sơ huyền / ấy mùa tao ngộ từ thiên cổ về”. Cái sơ huyền từ vi tế bẩm sinh của trời đất , đến thiên cổ bao la mênh mông kéo dài từ vô thỉ đến vô chung , đã tạo dấu ấn rộng lớn giữa toạ độ bốn chiều không gian-thời gian trùng điệp.
Cái tĩnh tại và bừng sáng ở thơ Trần Yên Thảo , hầu như được anh gói ghém vào một hồn quê hương xuyên suốt, vì vậy, anh trung thành với vần thơ lục bát như là một cỗ xe trầm hương dong ruỗi suốt nẻo sơn khê, chỉ mong nghe trong gang tấc một lời thiên thu.
Trần Yên Thảo bay nhảy với thơ dễ dàng như đã công phu nhập thất, với thất thập nhị huyền công, phủ đầy trên lối cũ bước qua, mà anh đã nhảy dồn từng bước chân phiêu dạt như một hành giả vạch lối cho huyền cơ ẩn hiện. Có lần, Nguyễn Đức Nhơn trong tuyển tập Bên Trời, một tập thơ gồm 14 tác giả thơ miền Nam, in tại Hoa Kỳ, anh có tặng Trần Yên Thảo bài thơ 3 câu suy nghĩ cũng thật cách điệu mà rất xích xao: “chân trời nào có bao xa / mà lão Tề lộn đến ba bốn vòng / mới hay mình lọt vào tròng”. Tôi không hiểu anh Nhơn có nghĩ như tôi chữ lọt vào tròng không? Nhưng cái danh hiệu lão Tề thì tôi vô cùng tâm đắc. Vì Trần Yên Thảo bay nhảy trên thơ rất đễ dàng như một cuộc đùa chơi, một cuộc du hành thoáng chốc đã ngàn năm mây bay. Lão Tề thực sự đã đính kim cô trên vầng trán nhà thơ, như một định kiếp vậy. Từ Quà Tặng Người Xưa, bước dập dồn đưa chiêu thức phiêu du trên Rừng Sơ Nguyên, mà Nguyễn Bắc Sơn trong tâm đồng cảm rằng: “bây giờ quẫy cựa một mình đồng hoang”, với tiếng vọng rú ngàn tan loãng giữa cồn biển Đông. Còn Nguyễn Tôn Nhan tặng Rừng Sơ Nguyên bằng lục bát ba câu, một loại sấm thi tuyệt cú viết từ Ngu Cốc, “cõi này đâu có sơ nguyên? / rống lên một tiếng đỡ ghiền mai sau / lật tay cỏ mộ phai màu” . Lành thay, hành giả cũng loáng thoáng bay vụt ra khỏi thời gian, để từ không trung nhìn xuống tự thán và đóng tập thi phẩm vào dĩ vãng: “lìa rừng từ độ trai tơ / biển xanh thoắt đã còn trơ dâu cồn / quay về tính chuyện vuông tròn / thì ra rừng cũng đâu còn sơ nguyên”.
Trần Yên Thảo vẫn còn nghiệp chướng triền miên với thi ca, bao giờ buông thả thơ được, để như bầy ngựa hoang soãi vó vào nẻo quan sơn. Những bài thơ được tập san Trầm Hương tại Hoa Kỳ ấn hành, đã đăng tải nhiều bài thơ 7- 8 chữ của Trần Yên Thảo , với sắc thái mới, lạ tuyệt cùng. Chiêm nghiệm thử xem:
Mây đầu núi
Sáng dậy ta lên rừng đốn củi
Tình cờ gặp lại sáng hôm qua
Núi xanh cười ngất trên đầu núi
Nụ cười kiêu bạt tìm đâu xa
Búa sắt nhẹ khua thềm đá trắng
Bạc đầu, hỏi núi đã già chưa
Biết đâu ẩn khuất nơi hang động
Còn vài tiều lão ngàn năm xưa
Gối đá nhìn mây trắng trời xanh
Thần người xác bướm giấc trang sinh
Ở đâu là mộng đâu là thực
Mộng thực rồi, cũng một trống canh
Cũng đã từng mộng giấc kê vàng
Sực tỉnh ta lên nguồn đốt than
Mới biết chốn kinh kỳ nghẹt thở
Dập dìu kẻ sĩ chạy lăng xăng
Gánh củi đầu non rao cuối phố
Cũng sắm vai chen chúc chợ đời
Đi qua dâu bể cười khúc khích
Chợt biết mình chưa bỏ cuộc chơi
Người kẻ chợ thương ta không nhà
Quanh năm thơ thẩn trong rừng già
Đâu biết núi sông nào chở khắp
Thì lẽ nào ngược đãi riêng ta
Tựa gốc cây già khe suối vắng
Xem ra phú quý biết dường nào
Tiều lão ngàn xưa chừ, mây trắng
Chiều chiều qua núi hát nghêu ngao
Sực nhớ một thời đã lụi tàn
Sóng giạt chiều nay bãi xơ xác
Tro tàn bếp lạnh hờn xuân thu
Đã ngủ thiếp bên lề cô tịch
Còn nghe bứt rứt nợ giang hồ
Từ độ lăn thân vào thế sự
Giữa rừng gươm phỉ chí reo hò
Đã dựng đời ta trên mộng lớn
Thì đừng ray rứt mộng bâng quơ
Ta quên hẳn chút tình nơi cố quận
Ngày xanh mê mải nghiệp cung đao
Chí lớn ngạo đời qua dâu bể
Chưa bao năm đã rách nát chiến bào
Cuộc cờ chưa tan gối đã quỵ
Đan thanh vùi dưới bóng nguyệt tà
Khi sực nhớ tấc lòng tri kỷ
Tình xưa khăn gói đã đi xa
Ta khập khiễng giữa hai bờ sinh tử
Quanh đây nhân ảnh hoá sương mù
Thế sự trôi dần xa cổ tích
Và ngàn đời son phấn cũng hoang vu
Trần Yên Thảo
Thoắt cái, Trần Yên Thảo bước sang lãnh vực nghiên cứu, được xuất bản nhiều tác phẩm sưu khảo nghiêng về nhân văn xã hội học, anh cũng bước thật dài như thơ và thành công trên những quyển như : Những Kiệt Nhân Của Nền Văn Minh Cổ Đại Trung Quốc (NXB Văn Hoá Thông Tin, 2001), Lịch Sử Con Đường Tơ Lụa (NXB Văn Hoá Thông Tin, 2008).
Sự thành công thật sự cũng không khó khăn gì, với một Trần Yên Thảo nghiêm túc, chững chạc và thâm sâu suốt hành trình sáng tạo như một nhà thơ học giả uyên bác, mà cả đời nghiên cứu đã tích luỹ cho anh một khí lực sung mãn trong dịch thuật, biên soạn...Tuy nhiên, với tôi dù bất cứ suy ngẫm nào, dưới giọt sáng trăng soi đoá hoa tường vi vừa chợt nở, cũng thấm đẫm dòng thơ thanh thoát của nhà thơ Trần Yên Thảo ,mà gần nửa thế kỷ nay, lão hành giả bao giờ cũng vang một giọng cười trong sáng, hào sảng, hài nhi, ấm lạnh suốt quãng đường thơ vụt bay qua...
Ngày Đạm Tiên, 2009