“Vách đá cheo leo”, tác giả Cao Thoại Châu, gồm 50 bài tạp văn, dài 256 trang, do NXB Hội Nhà Văn ấn hành vào tháng 3 năm 2012. Bìa do Huỳnh Thị Nhung & Mạnh Khoa trình bày, mỗi bài tạp văn kèm theo “phụ lục” là một hay hai bài thơ.
Cao Thoại Châu sinh năm 1939 tại Nam Định, lớn lên tại Sài Gòn, từng đi dạy học ở Châu Đốc, Kom Tum, Pleiku, Long An. Anh đã cho xuất bản ba tập thơ: “Bản thảo một đời – NXB Long An năm 1993 “, “Rạng đông một ngày vô định – NXB Văn Nghệ năm 2007”, “Ngựa hồng – NXB Thanh Niên năm 2009” và một tập Tạp văn “Vớt lá trên sông – NXB Hội Nhà Văn năm 2010”. Anh còn dùng các bút hiệu khác là Hư Trúc, Mãn Châu, Tiểu Nhã.
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu nhận xét về tập sách nầy như sau: “Đúng là đọc Tạp văn của một nhà thơ thấy rất khác so với đọc Tạp văn của một nhà văn hay của môt nhà báo. Lại càng khác khi đó là “Tạp văn của Cao Thoại Châu”. Cần phải có tâm thế “bao dung và điềm đạm” giống tác giả mới có thể “mỉm những nụ ưu tư” trước những đa đoan và nhiễu nhương thế sự, phận người.” (Bao dung & Điềm đạm).
Còn họa sĩ Huỳnh Thị Nhung coi đây là những mảnh vá của cuộc đời: “Cũng phải thôi, anh là con người luôn nặng nợ với tha nhân, thấy đời rách thì cứ rút tâm ra mà vá, Cao Thoại Châu vá khéo léo và nhuần nhuyễn như người được trời sinh ra chỉ để vá.” (Những mảnh vá).
Đây là tập tạp văn thứ hai của Cao Thoại Châu, chứng tỏ bút lực sung mãn của người bước vào tuổi 73 tuổi, vẫn viết blog “Rạng đông một ngày vô định” mỗi ngày. Mỗi bài tạp văn của nhà thơ chất chứa đầy nỗi ưu tư, trăn trở với cuộc sống, về mọi thứ diễn ra quanh ta. Từ câu chuyện Trước ngày tận thế, Hoang tưởng và ức chế cộng dồn đến Xóm tôi ở, Siêu mỏng và siêu ngố!, Văn hóa…chuyện tục, sao không?
Chậm rãi đọc từng trang, có nhiều đoạn làm chúng tôi giật mình, cảm động phải tự vấn với lương tâm chính mình.
”Để có một ly nước chanh, thật đơn giản nhưng không phải ai cũng
làm được một cách dễ dàng, pha mà có người đã quên bỏ
đường... Càng không thể nhắm mắt uống một ly tưởng như
đã có đường!”
(Trái chanh và ly nước chanh)
“Trừng trị nghiêm khắc nhưng kẻ này là một yêu cầu chung của toàn xã hội nhưng như thế chưa đủ, thậm chí là còn thiếu lắm. Bởi đã có cả một làn sóng tội ác đủ kiểu dạng và càng ngày càng nghiêm trọng về các mặt. Dưới bề mặt bình an của xã hội là một con nước ngầm của cái ác, thì sao không mời các nhà xã hội học, tâm lý học cùng chung tay trong việc hình thành chống tội ác từ gốc của nó? Chống không phải chỉ cho hôm nay mà cho nhiều thế hệ, thậm chí cho thế hệ cháu chắt chúng ta?” (Hoang tưởng và ức chế cộng dồn)
“Trong tình yêu chẳng hạn, biết bao người hơn một
lần trong đời cũng phải lên chuyến tàu suốt, khác nhau là
người khôn ngoan, có tâm hồn và bản lĩnh thì không bù lu
bù loa oán trách bất cứ ai, mà lặng lẽ cầm chiếc vé đúng
mệnh giá và lên tàu! Không làm cho giá vé đội lên một
cách vô ích, đó là người biết sống...!”
(Giá của chiếc vé tàu suốt)
“Trong một lần hai vị gặp nhau sau bài thơ đó, Tản Đà (đang say) trách “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?”, Nguyễn Vỹ (cũng đang say) đáp “Tôi có ví như thế thì chó nó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?”. Câu thơ và cả cách đối đáp thật đầy bi phẫn của người cầm bút thời nô lệ! Phải vì đối đáp ấy mà sáng nay hai cụ cùng về đây trong tĩnh lặng của lòng tôi tôn kính và cảm thương đôi người cầm bút của một thời đại?” (Phút tinh khôi tôi lại nhớ người!).
Có nhiều lúc tác giả sa đà, luận bàn dài dòng khiến cho bạn đọc thấy rối rắm như đi lạc vào mê hồn trận của câu chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu ngoài đời. Đọc xong tập Tạp văn “Vách đá cheo leo”, chúng tôi hình dung ra cái nụ cười mỉm chi đầy bao dung và hàm súc của một nhà thơ lớn tuổi đang sống vui, an nhàn ở mảnh đất Long An.