Mới đầu tháng hai mà nắng đã chang chang, mặt trời lên khoảng cây sào, cánh đồng xóm Thượng thôn Biểu Xuyên rộn việc, người cắt từ ruộng này qua ruộng khác, tiếng gọi nhau, giỡn trong đám con trai, con gái.
Trên đường vào thôn một người đàn ông gánh hai bao than to tướng, ông nhìn cánh đồng trĩu lúa, mà dân vẫn thiếu ăn, lòng ông quặn lại, thuế cao, sưu nặng. Quá ác! Ông dừng lại bên các cô gái hỏi nhà Cai Thập, một cô chỉ, vào xóm, đi hết đoạn này, quẹo trái, đi khoảng nữa, thấy nhà ngõ to, ngôi nhà to nhất xóm đấy. Ông đi còn nghe vẳng, Chắc nhà ông Cai sắp có tiệc hay cúng giỗ tụi bay ơi! Chắc lễ hỏi con gái út đấy. Trong tiếng đùa giỡn của các chàng trai, cô gái ấy, ông thấy nơi ánh mắt nét mệt mỏi, của đói và làm việc cùng cực. Người làm ra lúa gạo, mà thiếu gạo ăn, người trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải mà mặc rách rưới. Bọn cường hào, ác bá, bọn hào lý, bọn xu nịnh, bọn chạy theo Pháp lang sa tạo một thế lực lớn chèn ép, bóc lột dân nghèo càng nghèo hơn, vắt kiệt sức người dân qua sưu cao, thuế nặng. Giáo Võ, vâng người gánh than là Giáo Võ, lòng trĩu tâm sự.
Vốn là học trò chữ Nho, ở Nho Lâm, thi hai lần không đỗ, ở nhà dạy học. Sau nghe theo tiếng gọi Cần Vương của chủ soái Đào Doãn Địch ở Tùng Giản mà tham gia, giỏi võ, lại có tâm, trí thông minh, Giáo Võ đã làm khiếp đảm bọn cướp, bọn chó săn của Pháp lang sa, ông chỉ tham gia các cuộc chinh phục cần tài năng và trí tuệ, thường ở bên chủ soái, vừa là tham mưu vừa bảo vệ. Sau khi Đào chủ soái mất, trao quyền lại cho Mai nguyên soái, Giáo Võ về với Mai nguyên soái. Cả cuộc đời đọc sách thánh hiền, nghe, nhìn những oan trái của dân lành, ông nghiệm ra một điều, trong tình hình đất nước hiện tại, không thể dùng đạo lý suông nói với kẻ ác, mà muốn cảm hóa kẻ ác phải dùng sức mạnh chinh phục, như khi kẻ cướp vào nhà cướp của, giết người thì không thể nói điều phải trái, nói điều thiện ác, nói nhân quả, mà phải dùng dao, gậy chống lại, phải đánh bại chúng.
Nhà Cai Thập, nhà ngói, bề thế nằm trong vườn rộng, quanh là hàng rào chè dày, giờ này chắc người nhà ra đồng hết, cửa ngõ đóng kín, người đàn ông gánh than đi qua, đi lại rao: ai mua than không, nhiều lần, cửa ngõ mở, cô gái nhỏ, gọi gánh vào, cô vừa khép cửa ngõ vừa nói may quá, mốt nhà có lễ hỏi cô út nhà ông tui, rồi dẫn gánh ra nhà sau,
Cai Thập là con thứ chín của chánh tổng Ngan, lúc nhỏ, ỷ vào nhà giàu và thế của cha, chỉ chơi bời, cờ bạc, sau đăng lính tập, dần lên chức cai, rồi được đưa về coi tù ở ngục Bình Định, ở đây ông được học võ của các người tù đủ hạng, sẵn có tư chất côn đồ, tính liều lĩnh nên ông tiến rất nhanh, các ngón nghề, ngón hiểm đều được ông học hết, người ta đồn với nhau, các tù sợ nhất là khi ông hỏi cung, ông thường sử dụng các đòn hiểm, người bị hỏi cung thế nào cũng chết, không mau thì lâu. Tài sản của Cai Thập giàu lên rất nhanh lúc này.
Nghe nói, có lần hắn đi chơi về khuya, bị một nhóm người, cướp hay thù chận đánh, chỉ bằng cái dù mà Cai Thập đánh tan nhóm người trên.
Có những 3 vợ, vợ đầu có cưới hỏi, vợ hai là bà ở đâu Quảng Nam, chồng bị tù do hoạt động chống Pháp, có người dẫn đến Cai Thập nhờ giúp đỡ, thấy thị có nhan sắc, Cai Thập hứa giúp, qua lại nhiều lần, người ta thấy chồng bà này chết đột ngột trong tù, sau đó bà này làm vợ Cai Thập. Vợ thứ ba là một đau xót của xã hội!
Cha cô này cũng là địa chủ, có máu cờ bạc, sau sa vào hút, bán hết sản nghiệp, sau phải bán cả con gái cho gã Cai Thập làm vợ,
Cai Thập không những là chúa trong gia đình, mà còn là hung thần cùa làng xã, đã để ý đến ai, hay ruộng của nhà nào thì trước sau gì cũng lấy được, nghe có đám ruộng tốt của tay Bá thôn trên lại nằm lọt trong khu ruộng Cai Thập, Cai Thập cho người đến hỏi mua để tạo vùng, tay Bá không bán, thế là Cai Thập thông với nhóm hào lý không cho xả nước qua ruộng nó, ruộng không có nước chỉ để trống, cỏ mọc, sau phải bán giá rẻ cho Cai Thập, Cai Thập ruộng vùng rất nhiều, một gia sản lớn,
Từ khi hết coi tù, Cai Thập ở nhà, lâu lâu có khách trên thành đến chơi, già có trẻ có, khi này nhà như có giỗ.
Những nhà giàu như Cai Thập phải thuê người có võ để giữ trộm cướp, nhưng nhà Cai Thập thì không, ỷ vào võ nghệ giỏi, lại nữa Cai Thập là chỗ thân quen với các quan trên thành, cả quan Tây lẫn quan Ta, nên cũng được giới trộm cướp e dè, nghĩa binh nhiều lần đến gợi ý ủng hộ tiền bạc, không những không được đáp ứng mà những người đến nói, sau đó bị bắt hoặc bị giết chết. Người bán than nuốt nước miếng, chặn nỗi uất nghẹn, cái ác phải bị trừng phạt!
Người bán than được Cai Thập gọi vào bảo ra nhà sau để bà mày cho tiền than. Vào nhà ngang, thấy Cai Thập người to, mặc bộ đồ lụa trắng, ngồi nơi phản gõ, cạnh bàn tròn, đang uống trà, mùi trà thơm, cạnh là bộ bình bát thuốc lào, nghe đâu chận lận của tay lý trưởng làng bên. Nhà ngang khá rộng, treo nhiều hoành phi, liễn đối, người bán than liếc nhìn thoáng qua, là các câu ca ngợi công đức của Cai Thập với nhà nước Pháp lang sa, hẳn còn nhiều đồ quí, đồ cướp cạn của người khác, lầm lũi đi ra nhà sau, một lúc người bán than ra lên đứng gần chỗ ngồi cùa Cai Thập.
-Bà mày chưa cho tiền à.
-Cho rồi - Nhưng chưa trả tiền mua than.
Cai Thập ngớ một chút, rồi đập bàn, la lớn
-Thằng này hỗn, tao đập cho một gậy bây giờ, đứng dậy quơ tay lấy cây gậy luôn được dựng nơi xó cửa, đó là cây tre đực, được gọt bóng dùng làm côn, cây côn này trong tay Cai Thập lợi hại ghê lắm, người bán than hất cái nón cời ra sau gáy, Cai Thập thấy cặp mắt sáng lạnh đang nhìn, nhanh nhẹn bước ra sân, Cai Thập cầm gậy rượt theo.
Nắng đã nhích lên khoảng sào rưỡi, tỏa sáng rực cái sân rộng bằng đất nện kỹ, tiếng chim dồng dộc, se sẻ ríu rít. Người bán than dừng lại, Cai Thập quất mạnh, người bán than đưa cây đòn gánh làm bằng gốc tre già dài nhẵn bóng gạt ngang, một tiếng chát khô lạnh, xung quanh yên tĩnh, tay của Cai Thập bị dội bất ngờ, hơi đau, Cai Thâp dè chừng, chùng người, cây gậy cầm ngang, nhìn trừng trừng người bán than, như con trăn gió, cây gậy vụt từ trên xuống, bất ngờ dừng nửa chừng rồi thọc mạnh vào cổ người bán than, cú thọc như cú mổ của loài rắn độc. Nhanh như sóc, người bán than lách mình né, cây đòn gánh như con rồng hất mạnh, rồi phạt ngang, Cai Thập tránh khỏi.
Đang mùa, nên nhà vắng người, chỉ có bà lớn và cô gái ở, hai người chạy ra, định la, nhưng Cai Thập bảo im và đi ra nhà sau, ý hẳn tự tin hạ tên bán than, như những lần trước đánh bọn cướp.
Nắng dần lên, trong sân rộng, hai bóng người một bận bà ba đen, nhưng bên trong là tấm lòng trong trắng với đời, với đất nước. Một mặc bộ lụa trắng, nhưng chứa bên trong một tâm địa đen tối hại người, hại nước, một như con rồng đen dũng mãnh, một như con cọp trắng tinh quái, quần nhau, lâu lâu nghe tiếng chạm của hai thanh tre chát chúa, cả hai mồ hôi nhuễ nhại. Trời gần trưa, cả hai quần nhau khá lâu, đều thấm mệt. Cai Thập bỗng hét lớn, nhoài người qua bên quất mạnh cây gậy, người bán than, hất cây đòn gánh như con rồng vẫy đuôi, chạm mạnh vào tay Cai Thập, cây gậy hất tung ra xa, theo thế, cây đòn gánh trờ tới, Cai Thập té ngửa người, chưa kịp lăn tránh, thì đầu đòn gánh như vuốt rồng bấu mạnh vào yết hầu Cai Thập, Cai Thập nằm im, nhìn người bán than kinh hãi, người bán than nhấn mạnh chút nữa, quắt mắt nhìn trừng trừng Cai Thập, bây giờ như con trùn. Người bán than nhận trách nhiệm của Mai nguyên soái đến để đe tên cường hào này, và đưa nó về với dân, với nước. Vì dân mình đã chết nhiều rồi, đã khổ lắm rồi, cứu được người nào, kéo được người nào hay người nấy.
-Ta không giết ngươi, nhưng báo cho ngươi biết các điều sau: Không được giở thói ngang tàng, hống hách, thói cường hào ác bá, hà hiếp dân. Không làm chó săn cho bọn Pháp lang sa. Và quay về với dân. Nếu còn, lần sau ta đến lấy mạng ngươi.
Người bán than thu chiếc đòn gánh, nhẹ nhàng bước ra ngõ, bỗng nghe sau lưng có tiếng la lớn
-Giáo Võ, ông là Giáo Võ.
Người bán than khựng lại một chút, rồi bước thẳng.
Trời trưa, mồ hôi ướt đãm bộ áo lụa trắng, Cai Thập bỗng thấy có luồng khí lạnh chạy từ ót xuống xương khu!
(trong Bông mai trắng)