Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.174
123.147.188
 
Quê Cha
Trần Yên Hòa

Quê tôi có những người trai lực điền khoẻ mạnh, vặm vỡ. Anh sáu Quế, anh năm Đạt, anh hai Ngọc... Mỗi lần đi gánh lúa, đi cày hay đi gieo mạ, các anh cởi trần trùng trục để lộ ra một thân hình rắn chắc, màu da nâu với những bắp thịt cuồn cuộn. Các anh làm nông nhưng đến khi mùa màng đã xong, các anh đi thồ bằng xe đạp, đi từ làng quê lên tận Cẩm Y để chở những hàng hóa thổ sản về dưới miền xuôi cho những bạn hàng đi buôn ''nguồn''. Trong đầu óc nhỏ nhoi của tôi thuở ấy, các anh là “thần tượng”.

 

Những đêm trăng sáng đầy trời, ánh trăng vằng vặc soi rọi cả một khoảng không gian, như rãi tơ vàng xuống khắp thôn làng. Qua lũy tre, qua các khu vườn đầy cây trái, tiếng hát của thanh niên thiếu nữ vang lên trong đêm sáng trăng nghe rõ mòn một. Các anh đầu chải láng bóng, đạp xe đạp bóp chuông leng keng, lượn qua lượn lại chung quanh các nàng thiếu nữ. Tôi nhìn các anh thích thú vô cùng.

 

Rồi một hai năm sau, mảnh đất quê nghèo ấy không cột được chân các anh lại. Anh sáu Quế, anh hai Ngọc bỏ đi vào miền Nam lập nghiệp. Trước khi đi, anh Quế tuyên bố, ''ở chi cái đất chó ỉa nầy'', còn anh hai Ngọc thì hát câu, ''quê hương anh nghèo lắm em ơi''. Hai anh đã bỏ xứ, nghe nói hai anh vào miền Nam làm ăn một thời gian rỗi đăng lính Cộng Hòa. Còn anh năm Đạt thì vào xung phong vào biệt kích quận. Anh đánh trận đâu trên Kỳ Sơn, bị chết sau đó. Thế là những thanh niên thuở thiếu thời của tôi, đã bỏ quê mà đi biệt.

 

Quê tôi là một vùng quê nghèo, nhà tôi cha mẹ làm nông nên suốt ngày, ngoài giờ đi học, tôi quần quật với công việc đồng áng. Quê tên là An Mỹ nên tôi nhiều lúc tôi thấy mình như là cậu bé học trò trong truyện Quê Mẹ của Thanh Tịnh. Tôi ở đây suốt thời thơ ấu, không đi đâu xa ngoài cái làng nhỏ bé, ngôi trường tiểu học, khu gò Chùa, gò ông Đốc, cầu Lở, đập Lạnh, đập Trà Thai. Tôi chưa có ý thức gì về quê hương, chỉ biết mình sinh ra ở đâu thì ở đó.

Đó lá quê cha.

 

Nhưng sao lạ quá, những người sinh ở quê tôi khi lớn lên lại lục tục bỏ quê mà đi. Các cô thiếu nữ cũng vậy. Có hai chị là chị Cần và chị Sử được tiếng là đẹp. Chị Cần con ông Học ở sát nhà tôi. Hồi còn nhỏ, chị có mái tóc đen huyền, hàm răng trắng đều và dáng đi uyển chuyển. Chị không được đi học nhiều nhưng chị ca tân nhạc rất hay, nhất là những đêm trăng sáng chị trãi chiếu ra sân ngồi hát bản ''Gạo trắng trăng thanh'' thì tuyệt. Thế mà lớn lên chị không thích cái tên Cần nữa nên chị đổi tên là Mỹ Ly, tóc uốn bềnh bồng, thuở đó gọi là ''phi dê''. Gương mặt chị trái soan dễ thương với mái tóc dài, thế mà một hôm chị xuống phố ''phi dê'' mái tóc, mái tóc chị trở thành cong queo, xỏa phía sau lưng và lòa xòa trên trán. Chị đã mất đi trong tôi gần ba mươi phần trăm cái cảm tình mà tôi đã dành cho chị. Rồi chị tô son môi, đánh phấn, kẻ chì đen ở mắt, tôi lại mất cảm tình với chị lên đến năm mươi phần trăm. Rồi đến khi chị bịt răng vàng trên hàm răng trắng đẹp của chị là tôi không còn cảm tình nào nữa. Sau đó chị bỏ xứ mà đi vì bị gia đình ép duyên lấy một anh chàng trai nông dân. Người dân quê nói chị là ''đi vong''. Đi vong là tiếng xấu nên ai bàn tán về chị cũng bàn tán thầm thì, ra chiều dè bĩu.

 

Chị Sử cũng hát hay lắm, tôi mê chị hát những bài hát hồi đó như bài Trăng rụng xuống cầu, Trăng soi duyên lành, Tình lúa duyên trăng. Tôi nhớ trong những đêm tối trời, chị đến nhà tôi chơi với chị Khiêm, cả nhà ngồi trên cái sân lác gạch rộng và chị bắt đầu hát. Tiếng hát chị, âm thanh trong vắt, len qua từng đường tơ kẻ tóc, làm tôi ngộp thở. Chị Sử cũng có mái tóc dài. Chị lớn hơn tôi những mười tuổi mà tôi mê tiếng hát của chị như nàng Mỵ Nương mê tiếng hát Trương Chi. Nhưng rồi năm chị mười tám tuổi, chị đi lấy chồng ở Đà Nẵng, Đà Nẵng là nơi phồn hoa đô hội. Chị đã bỏ nơi đồng chua nước mặn để về chốn phồn hoa. Tôi nhớ chị đến mấy tháng liền. Nhưng rồi thôi cũng đành vậy.

 

Thế là hết. Những người sinh ra và lớn lên ở quê tôi tương đối khá khá một chút đã bỏ làng đi hết. Chỉ còn lại những người dân quê chất phát, như chú tư Mai, chú ba Tình, chú Tư Nhỏ. Suốt đời các chú làm bạn với cây cuốc, làm bạn với đàn bò, mảnh vườn, thửa ruộng. Hầu như suốt đời các chú chưa đặt chân đến Đà Nẵng, Hội An lần nào. Và quê tôi cũng chỉ còn lại ông Đàn, ông Bán, thím Yên, thím Trà, ông hai Cận, bà Ngộ...những người lúc nào cũng bận những bộ áo quần vá chùm, vá đụp với một đàn con leo nheo lóc nhóc.

 

Đến ngày tôi thi đậu đệ thất, bước chân vô trung học mới thấy bầu trời trước mặt của mình cao rộng quá. Như thị xã Tam Kỳ cũng còn quá xa lạ đối với tôi. Nó xa lạ, to lớn và nhiều hấp dẫn. Tôi đi học ngày hai buổi, ở trọ lại nhà bà Nhi ăn cơm tháng. Bà Nhi nấu cơm tháng cho những đứa học trò ở các xã xa về trọ học. Ngày đầu xa nhà, tôi nhớ ''nhà tôi'' quá, dù nhà tôi chỉ cách  thị xã Tam Kỳ chừng tám cây số, mà tôi thấy như đã xa vạn dặm. Buổi chiều đi học về nhìn đàn sáo rừng từ đâu bay đậu đầy trên cây đa trong sân trường Trần Cao Vân, tôi khóc rấm rức. Anh Giảng tôi phải dổ nhiều lần tôi mới nín. Đến ngày hôm sau khi tan học xong là tôi đạp xe về nhà ngay, tôi đạp xe suốt 8 cây số mà không biết mệt. Về nhìn cánh cổng nhà là tôi thấy vui, nhìn cha tôi đang đọc sách, mẹ tôi nấu cơm trong bếp là tôi thấy vui. Tôi nghĩ là chắc tôi không rứt ra được, khỏi mảnh đất đó, khu vườn đó, cái nhà đó, suốt đời.

 

Thời gian cứ thế trôi qua. Học càng lên cao càng cần nhiều thì giờ. Học đến đệ tứ để chuẩn bị thi trung học, tôi phải ở trọ lại luôn dưới thị xã. Mới đầu thì hai ba ngày tôi đạp xe về quê, rồi một tuần, rồi một tháng. Nhiều lúc cần học bài hay vui chơi với bạn bè, tôi quên về nhà luôn. Chủ nhật tôi đạp xe vô Bầu Bầu, Cây Trâm để ăn mì Quảng. Chủ nhật khác tôi lại đạp xe đi Hà Lam, chợ Được, cùng lũ bạn rong chơi. Tôi quen dần với sự xa nhà, đến một lúc gần hai tháng tôi chưa về thăm nhà, khiến cha mẹ tôi phải đi tìm. Gặp tôi, cha mẹ tôi có phiền trách nhưng tôi có lý do của tôi, '' con bận học quá mà''.

 

Khi tôi học trên Đà Lạt, tôi quen và yêu một người con gái thì tôi có những mộng tưởng thật xa vời.

Ý Nhi là sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh. Em từ Sài gòn lên trọ học. Em con nhà giàu và học chương trình Pháp nên Ý Nhi nói tiếng Pháp như chim hót. Tôi quen em trong một buổi trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị cho Sinh Viên Sĩ Quan sang nghiên cứu sách ở thư viện Viện Đại Học Đà Lạt. Đó là năm thứ hai nên chúng tôi chuẩn bị làm một tiểu luận để ra trường. Tôi thích Văn Học nên định tìm tài liệu về vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi muốn đọc Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán nên lục lọi thư viện để tìm các tác phẩm của các tác giả nầy. Có một cô bé tóc dài chầm vai, bận jupe ngắn, áo sơ mi màu hoa vàng đang chăm chú đọc sách. Tôi vừa tìm được cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, tôi khoái quá nên sà xuống ngồi ghế cạnh cô bé. Đọc một lúc mỏi mắt tôi quay qua nhìn cô bé, tôi cười với cô làm quen. May quá, cô cũng cười lại. Tôi bắt chuyện, nói thật nhỏ vì trong thư viện đang im phăng phắc:

'' Chào cô, cô đọc gì mà chăm chú quá vậy?''

'' Khung Cửa Hẹp của André Gide, Vân Mồng dịch, khá lắm.''

'' Còn tôi Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc, cũng khá lắm.''

'' Anh thích mấy nhà văn miền Bắc à ?''

'' Không, đây là những nhà văn phản kháng trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm.''

Cô bé hứ một tiếng nhỏ ra điều không bằng lòng. Tôi nhìn cô và đoán cô khoảng mười chín hai mươi là cùng. Mái tóc có hai đuôi gà lủng lẳng hai bên nên trông rất có duyên. Gương mặt cô trắng hồng, đúng là con gái sống ở Đà Lạt. Người ta nói rằng con gái ở xa lên sống ở Đà Lạt đẹp hơn là con gái Đà Lạt chính hiệu vì thân hình thon thả và nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ cũng đúng, nhất là gặp cô gái nầy. Ngắm nước da cô và đôi mắt cô đã làm ngợp hồn tôi ngay từ phút đầu tiên.

Tôi bỏ chuyện văn học, hỏi qua thân thế và sự nghiệp của cô bé, tôi run đến cà lăm nhưng cuối cùng cũng hỏi được một câu:

'' Cô tên gì vậy, cho biết tên đi để dể gọi?''

Cô gái cười mím chi:

'' Ý Nhi.''

'' Tên hay quá, tôi có đọc một nhà thơ nữ nào đó cũng có tên là Ý Nhi.''

'' Tôi không phải nhà thơ.''

Cô gái làm tôi cụt hứng nhưng ít ra tôi cũng vượt qua bức tường thành... thỏ đế trong tôi. Tôi bận đồ lính Sinh Viên Sĩ Quan trong Mùa Văn Hóa, áo quần màu vàng nhạt nên trông cũng chửng chạc, đầu hớt cua láng o với cái bê rê xanh đậm chụp trên đầu. Cô gái hỏi lại:

'' Anh tên gì?''

'' Chuẩn, Trần Chuẩn''.

Cô gái bật cười lên nho nhỏ:

'' Tên anh cũng giống ông nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhạc của ông nầy thì tuyệt. Còn anh có viết nhạc không?

Tôi háo hức lên tiếng khoe khoang:

'' Tôi không viết nhạc nhưng tôi làm thơ được.''

Tôi định nói với cô gái về những bài thơ tôi đã làm, đã cất dấu chẳng cho ai biết và có một số bài đăng báo. Tôi hăm hở như người lính sắp xung trận tấn công kẻ địch với thiên tài thơ phú của tôi. Nhưng cô gái lại dập ngay tôi bằng câu:

'' Ý Nhi chỉ thích đọc thơ hay thôi, như thơ của Nguyên Sa hay Thanh Tâm Tuyền''

Tôi thấy đã gặp thứ dữ. Thơ tôi còn trong bóng tối, đăng được một bài thơ là tôi đã mừng lắm, thế mà cô gái chỉ thích thơ của những nhà thơ thời danh. Tôi cúi đầu suy nghĩ, đã phóng lao thì phải theo lao, tôi nói:

'' Nếu cô thích thơ Thanh Tâm Tuyền tôi sẽ biếu cô tập Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy.''

Cô bé kêu lên có vẻ thích thú:

'' Nhớ nghe, mai anh đem cho Ý Nhi nghe anh Chuẩn, mai em sẽ gặp anh ở đây?''

Cô bé xếp sách lại rồi đứng lên ra về. Dáng cô bé thon gọn nhẹ nhàng. Cô cười nhẹ với tôi và gật đàu chào rồi vụt ra khỏi cửa. Tôi thấy Ý Nhi như một vệt khói tan loảng trong bầu trời xanh ngắt. Còn lại một không khí thư viện lặng im đến rợn người. Tôi ngồi đọc quyển sách Trăm Hoa... mà lòng để đâu đâu cho đến khi sĩ quan hướng dẫn gọi chúng tôi xếp hàng về trường.

 

Đó là những ấn tượng về cô sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh. Và ngày hôm sau, tôi đã đem biếu cô gái tập thơ của Thanh Tâm Tuyền. Chuyện tình bắt đầu từ đây và kéo dài suốt những ngày tôi ở Đà Lạt. Em lúc nào cũng trên cao vời với những ước mơ xa tầm tay của tôi. Tôi cũng cảm thấy như mình cố trút bỏ đi lớp vỏ cũ. Một cậu học trò nhà quê đi chân đất. Lớn lên với nhửng đám ruộng, những mảnh vườn. Tôi muốn vượt trội lên trên những người bạn cùng quê cùng lớp ngày xưa. Em quý phái, em sang cà, em có chiều sâu tâm hồn. Em nghe nhạc Trịnh công Sơn, Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn Từ Linh. Còn tôi là lính, dù là sĩ quan, đôi lúc cũng tôi cũng có những mơ mộng bình thường của một người lính chiến. Em chế diễu tôi:''Anh thích nghe nhạc sến lắm, phải không?''

 

Điều đó làm tôi thẹn thùng, tôi như một cậu bé luôn bước theo cây gậy chỉ huy của em. Phải cao sang, đừng nhúng đến đám bình dân mà làm hoen ố đi cuộc sống của mình. Tôi không hiểu tại sao gần gũi đám bình dân mà bị hoen ố. Nhưng tôi đã mê muội trong ý nghĩ.

 

Nhưng tình yêu với em thì tuyệt. Ý Nhi sống rất thoải mái trong mọi quan hệ. Cả những ngày nghĩ phép thứ bảy, chủ nhật, tôi đã dành hết cho em. Trong căn phòng trọ em thuê ở đường Lý Thái Tổ. Đây là nơi chốn thần tiên của chúng tôi. Em khơi dậy trong tôi niềm đam mê chất ngất. Gương mặt em sang cả, đôi mắt to đen, mái tóc dài. Vùng ngực căn tròn và những mãng da thịt trắng hồng Đà Lạt. Em đã hớp hồn tôi như một thỏi nam châm.

 

Ngày ra trường, chúng tôi chia tay thật bùi ngùi. Tôi bị đổi tận mãi ngoài Trung. Em trở về Sài Gòn để học cao học. Em nói. ''Ý Nhi sẽ chờ anh đến khi nào anh lên đại uý, em sẽ về làm vợ anh.''

 

Tôi xa Ý Nhi như xa một phần đời mình. Yêu em lòng tôi cách ly hẳn với đời sống thường nhật. Tôi trôi dần, hay cảm thấy trôi dần vào một nơi chốn sang cả, xa hẳn nơi chốn mình đang sống, tôi cảm thấy mình như là một con người khác. Tách biệt hẳn. Đến khi xa em, tôi mới chợt giật mình hiểu ra một điều, là mình như đã tách xa ra khỏi quê cha mình vậy.

 

Tôi hành quân liên hồi kỳ trận với những ngày nắng gió ở Quảng Ngãi, Quảng Nam. Tôi ở trên núi cao, ở trong rừng sâu, ở bên những người lính thật thà nhưng đầy nhiệt huyết. Tôi gần gủi, cận kề với những mảnh đời tối đen. Cận kề với cái sống và cái chết. Cận kề với biên giới tử sinh. Tôi dần dần cách xa Ý Nhi. Ý Nhi trở về Sài Gòn. Nàng vẫn sống với những mộng ước cao vời. Rồi nàng không liên lạc với tôi nữa. Còn đời tôi đan liền với đám lính bụi đời, cô hồn hết chỗ nói. Nhưng tôi phải sống vậy. Tôi không phân biệt giữa những cái cao và cái thấp. Tất cả đều đi đến một chỗ là sự sống còn. Nhớ em, tôi vùi dập mình trong những hoài niệm cũ.

 

Con người khi lớn lên ai không muốn vươn cao, như học hành đỗ đạt để làm ông nọ bà kia. Tôi không vươn tới chỗ đó. Tôi sống với đám lính trong rừng suốt năm suốt tháng làm sao em không bỏ tôi được.

 

Nhưng dù gì, cho mãi đến những tháng năm sau đó và sau ba mươi tháng tư bảy lăm nữa, khi tôi đã lăn lóc qua bao nhiêu trại tù. Tôi được thả về với hai bàn tay trắng thực sự. Tôi buôn bán quần áo cũ ngoài chợ trời và tôi đã gâp lại Ý Nhi.

Trên đường Nguyễn Trọng Tuyển giáp với đường Phạm Văn Hai. Tôi dừng xe đạp để tạt vào một chổ bán áo quần cũ trên lề đường. Đây là một điểm hẹn của những hạng người chôm chỉa ngoài xã hội hoặc ''chà đồ nhôm''. Thời đại toàn dân đều đói rã họng nên nhiều gia đình có thứ gì đem bán thứ nấy để kiếm miếng cơm. Áo quần cũ được tiêu thụ qua các tụ điểm nằm rãi rác trên các con đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Trọng Tuyển, Phạm Văn Hai. Chỉ một vài người đàn bà ngồi đó, để phía ngoài một vài bộ đồ, đó là tín hiệu tụ điểm nơi chốn mua bán quần áo cũ được gọi là hàng ''lạt xon''. Tôi tấp vào một chỗ có một người đàn bà đội nón lá, bận cái áo sơ mi rộng thùng thình choàng ngoài dài tay. Tôi là một tay chạy hàng mới vào nghề, tôi hỏi chị bán hàng:

- Có hàng nào ''sang'' cho tôi không chị?

 

Chị bán hàng đang ăn trái ổi chấm muối, giọng xuýt xoa:

-  Có một ít hàng nhưng tôi để bán lẻ, sang lại cho mấy anh, mấy anh trả rẻ quá.

Tôi trả lời:

- Thì ở đâu cũng vậy thôi. Tôi đem về chợ Tân Bình cũng sang cho bạn hàng. Họ đóng hàng về Trung.

Chị đàn bà hít hà vì ổi chua hay ớt cay. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt chị, tự dưng tôi hớt hải. Sao giống Ý Nhi quá. Đã hơn mười lăm năm. Ý Nhi chắc đã sang Pháp hay Mỹ gì rồi. Đâu còn ở đây. Nhưng giống thì giống thật. Tôi nhìn chị đàn bà và hỏi:

-  Chị có phải là Ý Nhi không?

 

Người đàn bà nghe tôi hỏi vội quăng miếng ổi, lấy khăn lau qua quít vành môi

-  Sao anh biết Ý Nhi. Tôi không phải là Ý Nhi, Ý Nhi chết từ lâu rồi. Chỉ còn tôi là bà Tư chợ trời.

Thật không tưởng tượng nổi. Cuộc đời có nhiều cái thật oái ăm. Tôi không muốn gặp Ý Nhi trong hoàn cảnh nầy. Tôi muốn luôn giữ trong tôi những hoài niệm cũ về một cô nữ sinh viên chỉ thích nghe nhạc cao cấp, những sonat cung rê trưởng, đô trưởng, mi thứ, trong những hòa tấu khúc của Chopin. Em chê những người lính bụi đời, dơ dáy, khổ ải. Những tình khúc cho lính rẻ tiền. Bây giờ thì em ngồi đây, già sạm, đang ăn ổi chấm muối ớt ngon lành, mà ngày xưa em đã từng chê là ăn ngoài lề đường, bụi bặm, dơ dáy. Ôi một cuộc đổi đời quá lớn.

 

Sau lần gặp đó, tôi trốn biệt em. Trốn biệt những giấc mơ tôi. Tôi cứ nghĩ như em là một ai khác, một người đàn bà bán hàng chợ trời bình thường, với lời chửi thề vung vít khi có người mua hàng không được giá và ăn ốc, ăn bún riêu, húp nước sì sụp. Những ngày sau đó, tôi bỏ nghề chạy mối hàng và tìm cách '' over sea ''.

''Quê cha'' chỉ còn trong tôi nổi hoài niệm và cái thuở thiếu thời ở một vùng quê nhỏ bé, tôi cũng cố gắng quên đi. Tôi cũng như anh sáu Quế hay anh hai Ngọc ngày trước, đã bỏ quê mà đi tìm cái ăn, cái mặc ở một nơi chốn khác. Tôi chợt nhớ đến câu hát của anh hai Ngọc, năm tôi mười hai tuổi: ''Quê hương anh nghèo lắm em ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn''.

 

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 2603
Ngày đăng: 21.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lộn Ngược - Mang Viên Long
Hơn - Sức - Võ Xuân Phương
Liều Thuốc Điện Tử - Đặng Hồng Quang
Người Nuôi Bịnh Mướn - Nguyễn Minh Phúc
Yêu Internet - Hòa Văn
Chuyện Về Một Cái Truyện Không Được Đăng Báo - Nguyễn Hữu Duyên
Lời Hẹn Cuối Mùa Thu - Võ Anh Cương
Su Su - Mường Mán
Sinh Hoạt - Kinh Dương Vương
Một Người Đen Bạc Đỏ Tình - Hà Thủy
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)