Thầy vừa ngả lưng chợp mắt thì đã thấy hiển hiện trước mặt mình trên tòa sen Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và tả hữu hai bên hai vị Bồ Tát. Bên trái Đức Phật là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho trí tuệ phá đêm tối vô minh cưỡi trên con sư tử màu xanh. Tay phải Ngài dương cao lên khỏi đầu lưỡi gươm bốc lửa dùng để chặt đứt những xiềng xích của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi. Tay trái của Ngài cầm cuốn kinh Bát Nhã, chiếc áo giáp Ngài mang trên người là giáp nhẫn nhục. Bên phải Đức Phật là Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền biểu thị cho hạnh nguyện rộng lớn hóa độ chúng sinh, đưa họ từ bờ mê sang bến giác ngồi trên lưng con voi trắng sáu ngà. Tại sao lại là voi trắng sáu ngà? Voi trắng sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng tà tâm tà ý xâm nhập vào người tu hành theo sáu đường. Năm đường của thân là thính giác, vị giác, xúc giác, thị giác, khứu giác và đường còn lại là ý-tư tưởng của con người. Thầy cúi rạp người đảnh lễ xong ngẩng lên bạch Đức Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Ngài cho con diện kiến có điều gì chỉ dạy ?
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thay lời Đức Phật:
- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhà ngươi xuất gia tu hành từ năm mười bốn tuổi, đã từng sang Ấn Độ tu tập giáo lý, nay lại phát tâm nguyện ra trụ trì ở một chùa thuộc Quần đảo Trường Sa để thi hành Phật sự. Vì vậy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho gọi nhà ngươi diện kiến hôm nay.
- Bạch Đức Thế Tôn! Từ rất xa xưa trên những hòn đảo của Quần đảo Trường Sa đã từng in dấu chân của tổ tiên người Việt. Dấu vết để lại là những am thờ tiền thân của ba ngôi chùa hiện nay trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn. Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/ Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ/ Cá đọc kệ được thành tiên/ Rồng nghe kinh mà mộ đạo. Từ xưa đạo Phật đã tồn tại trên quần đảo này, vì vậy việc phát tâm nguyện của con và chư tăng ra Trường Sa hành đạo hôm nay là một sự dĩ nhiên trong việc kế tục sự nghiệp những bậc tiền bối của mình.
Đến lượt Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền lên tiếng :
- Tư tưởng từ bi hỉ xả của đạo Phật đã được các phật tử Việt Nam lấy làm phương châm nhập thế để gắn bó giữa Đạo và Đời. Qua các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư có công hộ quốc an dân. Bởi vậy việc nhà ngươi phát tâm nguyện ra trụ trì chùa ở Trường Sa cũng là một việc làm hộ quốc an dân đáng được xiển dương.
- Đệ tử xin tiếp lời Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền. Lịch sử Việt Nam ghi nhớ nhà vua anh minh Trần Nhân Tông đã lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược. Khi đất nước thái bình Ngài nhường ngôi vua tìm đến non cao Yên Tử tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự. Ngài đã để lại lời nhắn nhủ hậu thế như một di chúc cho muôn đời con cháu: " Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Chính lời di chúc đó đã thúc giục đệ tử muốn được nhanh chóng ra với quân và dân Quần đảo Trường Sa, nơi bốn bề mênh mông sóng nước, nơi kẻ thù ngày đêm rình rập để được tự tay thắp một nén hương, thỉnh một tiếng chuông hoằng dương Phật Pháp.
Không gian bỗng dưng bừng sáng khi Đức Phật cất tiếng nói:
- Này đệ tử của ta...
Chưa kịp nghe hết lời Đức Phật thì Thầy tỉnh giấc vì một hồi chuông ngân nga vang động không trung. Hồi chuông báo hiệu sự bắt đầu của khóa lễ buổi chiều./.