Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.209
123.151.734
 
Dương Kiều Minh tràn ngập âm thanh mê đắm và khoái cảm
Nguyễn Linh Khiếu

Trong chuyến xe cùng nhà thơ Dương Kiều Minh lên Lạng Sơn lấy thuốc năm ngoái, Minh có kể khi từ Sông Đà về học Nguyễn Du, Nguyễn Lương Ngọc đã đưa Minh đến chơi nhà tôi tại căn hộ chật chội ở Thanh Xuân Bắc. Tôi thú thật không còn nhớ, bởi ngày đó, Ngọc dẫn đến nhà tôi chơi rất nhiều văn nhân, họa sỹ không sao nhớ hết. Tôi kể với Mình rằng, tôi lại nhớ một buổi tối mùa xuân, tôi vào nhà Nguyễn Quang Thiều thì gặp Minh ở đó, ba chúng tôi đã cùng đàm đạo văn chương. Sau buổi đó, do nhà Minh và nhà Thiều cùng “xóm” nên chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ nhau hơn.

 

Nhớ lại ngày đó, sau khi in Củi lửa (1989), một tập thơ vừa rất hay vừa hoàn toàn mới lạ, một tập thơ được các bậc đàn anh hết lời ca ngợi, Minh in liên tiếp Dâng mẹ (1990)Những thời đại thanh xuân (1991). Vào những năm 1989 - 1995 trên thi  đàn Việt Nam, không có nhà thơ trẻ nào sánh nổi Dương Kiều Minh về sự nổi tiếng. Sự xuất hiện của thơ Dương Kiều Minh và ngay lập tức được thừa nhận rộng rãi không chỉ trong công chúng thơ trẻ mà cả các nhà thơ lão làng, quả là một hiện tượng thơ hiếm có. Mọi người đã không lầm, đến nay có thể khẳng định, trong rất ít nhà thơ để lại dấu ấn trên văn đàn của thế hệ chúng tôi có tên Dương Kiều Minh.

 

Sớm tìm được con đường riêng của thơ mình, Dương Kiều Minh hăm hở và mải miết bước vào cuộc hành trình thơ bất tận. Càng khai phá, càng bứt phá, càng thành tựu, thơ Minh càng xa cách thơ của những bạn thơ cùng thời. Có lẽ, không có mấy nhà thơ đương đại được bước vào cuộc hành trình thơ đầy hoan lạc với “sự  tràn ngập của âm thanh mê đắm và khoái cảm” như Dương Kiều Minh. Bây giờ đọc tuyển thơ Dương Kiều Minh (2011), ta thấy từ bài thơ đầu tiên đến bài thơ cuối cùng thi nhân bao giờ cũng vô cùng đắm đuối và mãn nguyện. Mỗi câu thơ, mỗi bài thơ, mỗi tập thơ và cả đời thơ của Minh là một thế giới quá đỗi mong manh, tinh khiết, bảng lảng khói sương và đẹp đến nỗi không thể không buồn.

 

Thơ Dương Kiều Minh là ánh sáng phản chiếu những gì đã qua, hay những gì chưa tới. Nó như thể ảo ánh phóng chiếu về từ một miền thăm thẳm xa xăm nào đó nhưng thực ra không phải ảo ảnh. Thơ Dương Kiều Minh là một thực tại vô vọng không thể nào tới được. Một thực tại tinh khiết không nhuốm bụi trần và Dương Kiều Minh luôn luôn nghiêm cẩn chiêm ngưỡng và ẩn hiện tan biến vào thực tại đó. Đọc thơ Dương Kiều Minh, ta luôn rơi vào cảm giác nghi hoặc bất định bởi không sao nắm bắt được thông điệp của thi nhân kể cả những thông điệp cảm xúc dù nó hết sức gần gũi và chân thành.

 

Không hiểu sao, dù viết về cái gì, ở đâu thì cuối cùng thể nào Dương Kiều Minh cũng dẫn ta về miền trung du đất dốc, những dòng sông trong vắt, những vùng đồi lô xô, lãng đãng khói lam chiều, những gò đống liêu xiêu, những chiều cuối đông hiu hắt, những bụi cây gai lúp xúp, những vạt ngải tiên, những vườn mận trắng ngần... tất cả chập chờn hiện ra trong sắc màu nhân gian vừa mộc mạc vẻ đẹp đơn sơ, vừa nghèo và buồn. Có thể đó là quê hương nhà thơ, xứ sở tuổi thơ thần tiên của nhà thơ. Không hiểu sao, những câu chuyện khi ta còn nhỏ bao giờ cũng ám ảnh các nhà thơ, ám ảnh đến nỗi không thể nào lý giải được. Tuổi thơ, với nhà thơ, như thể thiên đường đã mất. Thơ Dương Kiều Minh, bằng cách riêng của mình tìm cách tạo dựng lại cái thiên đường ấy. Đôi khi tôi cứ ngờ ngợ rằng, cái không gian trung du lô xô đồi núi mà thơ Dương Kiều Minh hằng lặng lẽ đi về ấy hình như có quan hệ nào đó đến cội rễ của cư dân châu thổ sông Hồng.

 

Nhiều năm giao du với Dương Kiều Minh, tôi biết Minh là người nghiêm cẩn đọc sách và nghiền ngẫm. Mấy chục năm trong cõi nhân gian, tôi nghĩ, dường như Dương Kiều Minh không có ham muốn nào, thú vui nào ngoài làm thơ và đọc sách. Mọi câu chuyện với Minh đều liên quan đến văn chương chữ nghĩa. Mối bận tâm nhất của Minh trong cõi đời này chỉ là thơ ca. Sống trong cuộc đời mà tâm trí chỉ để ở thơ ca chữ nghĩa như thế quả là hạnh phúc. Trong lời Tự sự lần xuất bản 2011 Thơ Dương Kiều Minh, nhà thơ tâm sự: “Được sinh ra làm người, lại được sống giữa trời xanh, được uống nước và tắm gội từ dòng sông cuộc đời, lại được sống trong lớp lớp ánh sáng từ vẻ đẹp của văn chương rạng tỏa, như vậy là đã qua mãn nguyện rồi”. Là người có may mắn thỉnh thoảng được trò chuyện cùng Dương Kiều Minh, tôi tin rằng nhà thơ hoàn toàn mãn nguyện khi chia tay cõi nhân gian để bước vào cuộc hành trình vĩnh hằng vĩ đại với bao niềm hoan lạc, bao niềm mê đắm.

 

Hà Nội, 28. 3. 2012     

 

Nguyễn Linh Khiếu
Số lần đọc: 2044
Ngày đăng: 30.03.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chút Huế: Vôi đá trên thành - Hà Thủy
Bánh Căn Trên Phố Sài Gòn - Lê Ký Thương
Mười Một Năm, Cũng Chỉ Là Khoảnh khắc - Lữ Quỳnh
Nhớ Một Tiếng Đàn Lạ - Hà Thủy
Cát Đá và Hoa - Cao Thu Cúc
Nhớ Nhà Văn Hóa Đặng Tiến Nam - Nguyễn Anh Tuấn
Kỷ vật Hồ trường - Trần Trung Sáng
Bà nội tôi - Lâm Bích Thủy
Bềnh Bồng Trên Bè “Nhà Hàng” Đực Nhỏ - Phạm Nga
Kỷ niệm đầu tiên và lưu niệm cuối cùng với dịch giả Chu Trung Can - Đặng Thân
Cùng một tác giả
Ngựa biên (tạp văn)
Miền yêu -1 (tạp văn)
Miền yêu -2 (tạp văn)
Phồn sinh (nghệ thuật)
Cây gạo gù (tạp văn)
Miếu mòi (tạp văn)
Nhớ hoa đào (tạp văn)