Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.159.561
 
Kỷ niệm 11 năm ngày mất 1-4-2001- 1-4 -2012 Trịnh Công Sơn, Uống Chung Ly Rượu Này
Đinh Cường

Một ngày giáp Tết năm 1998 thật xúc động nhận được tập nhạc Sơn ký tặng tôi và gia đình: Tuyển tập những bài ca không năm tháng, nhà xuất bản Âm Nhạc, với cái hộp carton màu đỏ bọc ngoài, Sơn vẽ lên đó bình hoa vàng và ly rượu với lời ghi: uống chung ly rượu này, tôi giữ mãi một tình bạn ấm áp ấy … như cùng Sơn uống ly rượu mừng Xuân. Bao nhiêu mùa Xuân qua không còn bạn, ly rượu rót trước ảnh thờ bạn trên kệ sách bốc hơi còn đọng lại cặn vàng mốc. Nhớ vô cùng những bức tranh bạn vẽ, những đêm khuya trên Đơn Dương năm xưa nào, những đêm khuya Huế, Sài Gòn, Hà Nội, hay Paris, Canada … Trịnh Công Sơn vẽ nhiều tranh, với những hưng phấn đột xuất kỳ lạ, càng về khuya khi rượu đã thấm, còn lại một hai người bạn thiết, Sơn vẽ… Nhiều nhất có lẽ là những tĩnh vật có ly rượu, những chiếc ly thủy tinh luôn chờ người nhạc sĩ tài hoa ấy rót thêm rượu vào. Như Tản Đà, như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Sáng …Rượu là chất kích thích để sáng tác, một niềm vui thật nồng nàn … Hương rượu nồng hơn mọi thứ tình (Vũ Hữu Định) .

 

 

1- Trịnh Công Sơn - Đinh Cường

    Montreal, Canada 1992

 

Sau tĩnh vật những ly rượu là những phác thảo chân dung bạn bè. Trịnh Công Sơn nắm bắt và lột tả khi vẽ chân dung rất tài, những người bạn vong niên như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Hoàng Cầm, Thái Bá Vân, Dương Tường, Bùi Giáng… những khuôn mặt bạn bè: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Cung, Đinh Cường, Bửu Ý, Lữ Quỳnh … qua nét vẽ của Sơn khi đã thấm rượu trong buổi hàn huyên, chỉ cần phác vài nét chính, dậm thêm màu đậm nhạt, hoen nhòa đã tỏ lộ ra cái thần sắc của người đối diện mà đôi khi vẽ kỹ chưa chắc đã có hồn như vậy. Sơn còn vẽ rất nhiều chân dung những nhan sắc, là hương hoa của mùa màng tình yêu hay bất chợt thấy dáng ai kia với màu son môi như một đốm lửa hồng (đôi môi em là đốm lửa hồng - TCS)… Sơn rất thích câu này của nhà triết học Pháp Gaston Bachelard: Mais allez au fond de l’ inconscient, retrouvez vous avec le poète, le rêve primitif et vous verrez clairement la vérité: elle est rouge la petite fleur bleu  (Này ngụp sâu xuống đáy tiềm thức, cùng thi sĩ tìm gặp giấc mộng ban sơ và người sẽ trông thấy rạng ngời sự thật: đóa hoa xanh bé bỏng kia màu lửa rực). Mộng ban sơ, làm sao không nhớ Bùi Giáng, không nhớ Chagall, không nhớ Henri Rousseau trong những tranh thấm đẩm lá hoa cồn mộng mị .

 

 

2- Uống chung ly rượu này

    Tranh TCS vẽ trên hộp đựng tập nhạc

 

Bức tranh vẽ Bích Diễm năm 1963 ở Huế - thời của ca khúc nổi tiếng Diễm Xưa - là khởi đầu cho những tranh sơn dầu khổ lớn về sau này của Sơn, những bức chân dung Dao Ánh, Chu Nguyệt Nga (mùa hè năm 1983 Nga từ Paris về,  chúng tôi đã chuẩn bị dự đám cưới  Sơn - Nga mà không thành, lần qua Paris năm ngoái tôi ghé thăm anh chị Đăng - Nga,  anh chị vẫn nhắc nhiều đến Sơn, vẫn luôn xem như  một tình bạn quý. Bức chân dung Sơn vẽ  Chu Nguyệt Nga với màu xanh lục Véronèse - là màu Sơn thích nhất - chị treo trong phòng riêng, xem lại dù qua thời gian, vẫn long lanh thánh thiện) và chân dung Yoshii Michiko, người bạn gái Nhật rất yêu thương Sơn, đã làm luận án tiến sĩ  “Chansons anti-guerre de Trịnh Công Sơn” Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn  tại Đại học Jussieu Paris 7…Còn bao nhiêu bức chân dung đẹp khác nữa, có cô chờ Sơn vẽ xong lấy đem đi ngay dù màu đang còn ướt. Trịnh Vĩnh Trinh, em gái út được Sơn vẽ nhiều nhất.

 

 

3- Ly rượu 1
    Pastel trên giấy – TCS

 

Từ vẽ bút sắt đến pastel, acrylic, màu nước màu dầu Trịnh Công Sơn đã triển lãm chung nhiều lần cùng các bạn hoạ sĩ tại Thành Phố HCM: với Tôn Thất Văn, Đinh Cường tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch từ 4-3 đến 10-3-1988, với Đỗ Quang Em, Đinh Cường tại Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc, 24 Lý Tự Trọng từ 14-1 đến 24-1-1989, với Đỗ Quang Em, Trịnh Cung tại Nhà Hàng Ritz 333 Trần Hưng Đạo từ 15-2-1990 đến 2-1-1991, với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn thất Văn tại Khách Sạn Nổi tháng 9-1991 và triển lãm sau cùng với Bửu Chỉ, Đinh Cường tại gallery Tự Do tử 20-8 đến 3-9-2000.

 

 

4- Ly rượu 2

   sơn dầu TCS

 

Được ghi nhận bởi những người có uy tín trong sinh hoạt hội họa và phê bình, như Nguyễn Trung đã viết : “…hôm nay chúng ta nói về Trịnh Công Sơn, họa sĩ Michel Ragon nhà lý thuyết, người bênh vực nghệ thuật mới, nghệ thuật trừu tượng, có viết rằng trong thời đại chúng ta, không còn những họa sĩ vẽ chơi ( peintre du dimanche ) nữa. Rất đúng với Trịnh Công Sơn. Anh mới vẽ một vài năm và đã trở thành họa sĩ thật thụ” ( phòng tranh Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn, sự phối hợp thú vị của ba tính chất khác nhau - Tuổi Trẻ Chủ Nhật 5-1-1889) như Huỳnh Hữu Uỷ đã viết: “Trường hợp Trịnh Công Sơn vẫn là đặc biệt, dù không còn gây chút ngạc nhiên nào về việc anh bày tranh trước công chúng. Mấy năm trước, đã có lần tôi thật bất ngờ và đầy kinh ngạc trước bức chân dung anh vẽ bạn họa sĩ, đội mũ nồi, ngậm ống vố, râu ria xồm xoàm, tất cả đều ánh lên trong màu bạc kim loại kỳ lạ, có thể nhận ra mức độ điêu luyện là cực điểm, đó là một trong những bức tranh đẹp nhất giữa tất cả các tác giả tôi yêu thích” ( Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại, trang 296, VAALA- California xb 2008)

 

 

5- Chân dung Chu Nguyệt Nga

    sơn dầu trên bố - TCS

 

Và sau cùng là lời phát biểu của Trịnh Công Sơn: “ Nghệ thuật đích thực là một thứ thông điệp còn lại ở sau cùng, khi mọi hình thức tồn tại khác đã mất đi”’(catalogue triển lãm hội họa Trịnh Công Sơn - Đinh Cuờng - Bửu Chỉ, gallery Tự Do). Thật vậy, chỉ có nghệ thuật là tiếng nói chung của nhân loại.  Hoạ sĩ Marc Chagall năm xưa ghé  thăm  nhà người bạn ở Georgetown, Washington DC đã vẽ tặng bạn bức tranh khảm sành (mosaique) nay nhà người bạn ấy nơi vùng tôi ở có ghi tấm bảng đồng nhỏ trước nhà cho khách có thể hẹn vào xem. Trịnh Công Sơn cũng có để lại bức tranh vẽ trên tường lớn tại nhà người bạn thân ở Huế là Bửu Ý mà Bửu Ý nói đùa ai mua thì phải gở cả bức tường nhà …

 

Đến với thế giới hội họa, cũng như âm nhạc của Sơn là đến bằng linh cảm, bởi vì tâm hồn Sơn là một tâm hồn nhạy bén không cùng. Sơn cũng vẽ dễ như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát nói: “ Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Không gian tranh của Sơn bao giờ cũng dở dang, nhưng lại đầy tinh khiết, sáng tạo : “ Nghệ thuật dạy cho tôi biết biên giới của hữu hạn và sự vô cùng. Riêng trong hội họa tôi còn bắt gặp thêm cái không bờ bến của một giấc mộng tự do tinh thần”. Sơn phát biểu như một tuyên ngôn nghệ thuật. Tranh Sơn thanh thoát đến hư tưởng. Người xem thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, khác với những “ lời ca thơ ”  đầy nước mắt của Sơn “ tôi không thể phân biệt được nước mắt với âm nhạc” ( Nietzsche )

 

 

6- Chân dung Michiko

    Bút dạ- TCS

 

Uống chung ly rượu này, ngồi nhìn lại bức tranh nhỏ của Sơn, đêm cuối năm ngoài trời lạnh căm, nhớ đêm khuya nào ở nhà Sơn, năm 1999, Sơn và tôi đã cùng vẽ tiếng kèn đồng Trần Mạnh Tuấn. Tiếng kèn saxophone đã thổi bài Cát Bụi khi hạ huyệt Sơn ở Gò Dưa với bao nhiêu hoa và nước mắt, tết này là hơn mười năm rồi Sơn ơi …Tháng 8 vừa qua tôi đã đứng chụp dưới bảng tên đường Trịnh Công Sơn ở Huế, gió ở bờ sông thổi lên và bầu trời xanh trong, như một giấc mơ đời hư ảo, như lời bạn: Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo. Hội họa là cái hư ảo chuộc lại những cái hư ảo khác.

 

 

7- Chân dung Trịnh Vĩnh Trinh
    sơn dầu trên bố - TCS

 

Virginia, Dec. 2011

( Nguồn: Lao Động Miền Trung & Tây Nguyên, Xuân Nhâm Thìn 2012 )




 

Đinh Cường
Số lần đọc: 2814
Ngày đăng: 01.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dương Kiều Minh tràn ngập âm thanh mê đắm và khoái cảm - Nguyễn Linh Khiếu
Chút Huế: Vôi đá trên thành - Hà Thủy
Bánh Căn Trên Phố Sài Gòn - Lê Ký Thương
Mười Một Năm, Cũng Chỉ Là Khoảnh khắc - Lữ Quỳnh
Nhớ Một Tiếng Đàn Lạ - Hà Thủy
Cát Đá và Hoa - Cao Thu Cúc
Nhớ Nhà Văn Hóa Đặng Tiến Nam - Nguyễn Anh Tuấn
Kỷ vật Hồ trường - Trần Trung Sáng
Bà nội tôi - Lâm Bích Thủy
Bềnh Bồng Trên Bè “Nhà Hàng” Đực Nhỏ - Phạm Nga
Cùng một tác giả
Gió (thơ)
Phố lên đèn (hội họa)
Khuya im (thơ)
Bên kia (thơ)