Thế là thị trấn đìu hiu quê tôi đã là thị xã rồi bạn ơi! Nhân dịp về thăm mẹ, chị em chúng tôi rủ nhau dạo phố, xem sự đổi mới của nó. Chúng tôi đi trên những con đường mới mở, được rải nhựa, thênh thang với tên của các anh hùng, liệt sĩ – và tên của thi nhân như: Phạm Hổ, Chế Lan Viên,v.v… Nhưng có tên đường rất lạ; không biết họ là ai, có công trạng gì to lớn với quê nhà …
Lúc mới về, chị em tôi nghe bà con lối xóm tỏ ra rất bức xúc về con đường dành cho nhà thơ Yến Lan. Và khi thực tế nhìn thấy, đó là cái góc tận cùng của thị xã. Nó chỉ là một đoạn đường cụt, chỉ hơn mười ngôi nhà cấp bốn! Chị em tôi ngỡ ngàng và vô cùng bất mãn, mắt ngấn lệ!
Đây là nơi mà nhân dân thị xã An Nhơn dành để tri ân cho những gì mà cả cuộc đời của nhà thơ tâm huyết và lấy đó làm lẽ sống cho mình đó ư?!
Nhà văn Mỹ John Stein đã viết: “Một khi ta đã rời quê vì kế sinh nhai thì ta khó trở lại cố hương, vì quê hương chỉ là ký ức nhẹ nhàng như mùi thơm của hộp băng phiến. Thực tế không giống những gì ta mong đợi.”
Ông nhà văn Mỹ kia không biết rằng có một nhà thơ Việt Nam luôn mong được trở lại chốn quê cũ sau bao năm bị chiến tranh chia cắt. Cái thị trấn nghèo nàn “đìu hiu, mặt trời ngủ giữa buổi chiều” vậy, mà sức ám ảnh của nó đối với nhà thơ của Bến My Lăng không thể chối bỏ để tìm vào Thành Phố HCM hay ra Hà Nội, đô thành hoa lệ – mà ở đó, cuộc sống đầy đủ hơn nhiều. Nhà thơ đó không ai khác – là người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân: Yến Lan.
Vì rất yêu quê mà nhà thơ đã dành trọn đời cho quê. Tình quê của ông không chỉ nói suông là “tôi yêu quê” Theo nhà thơ Thanh Hải: “… nhưng với một tâm hồn thơ, với cảm xúc tinh tế và với liên tưởng phong phú nhà thơ đã nghĩ tới những vấn đề cao xa, lý tưởng sống của người làm thơ, lẽ sống chết ở đời, khát vọng không cùng của người nghệ sĩ và cả tâm trạng cô đơn khi tuổi già sức yếu. Từ những sự kiện trong cuộc đời thực, qua cảm xúc thẩm mỹ, được nhà thơ đón nhận, trau dồi tư duy trong nghệ thuật làm nên những tứ thơ độc đáo. Thoạt xem, thoạt nghĩ tưởng như bình thường như không có gì, nhưng càng suy ngẫm càng thấy lời hết mà ý vẫn không cùng, càng thấy cái bình thường và cái bất thường xen lẫn trong nhau.
Những vần “thơ lưu” của ông là cuộc sống được chắt lọc qua tim, qua tâm hồn thi sĩ, là nghệ thuật điêu luyện về ngôn từ, hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu…là thế giới tình cảm bao la, là tiếng thơ của những cảm xúc chân thành”.
Những người lớn tuổi của cái tỉnh lẻ ấy vẫn không quên công lao của ông: “Ai đã từng sống trong thời điểm lịch sử đó mới thấy nhà thơ Yến Lan là một nhà thơ chân chính, nhà thơ thuộc về cách mạng”. Chính Chế Lan Viên tự nhận “đi xa nên về muộn”.
Tình quê của ông vẫn ngọt ngào, đầy mãi cho đến những ngày cuối đời
Với bao gió nghĩa trăng tình
Chưa phai phẩm ngọc xin dành lớp sau
Lẽ nào các bạn trẻ của thị xã không biết điều mà chính nhà thơ Tế Hanh cảm nhận được:
“Ông Yến Lan lạ lắm, cả đời không muốn đi đâu xa, không ham nhà cao cửa rộng, không thích sống ở đô thành ồn ả. Hơn 60 năm, Yến Lan chỉ thích quanh quẩn ở thị trấn, không có ai làm thơ mà ở lại đó đâu, ông ấy là một người sống chết với quê hương”.
Nhà thơ Chế Lan Viên có lần tâm sự với bạn văn “Chính Yến Lan đã dẫn dắt tôi vào với làng văn”. Để rồi khi nhin thấy bạn gặp nhiều bất hạnh hơn mình đã đề tựa cho tập “Thơ Yến Lan” xuất bản 1987, phải viết ra một câu chứa nhiều thâm thúy:
“Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng. Nếu không ai nhắc đến, chỉ ra gọi lên, tán dương, ủng hộ thì nó bị vùi lấp đi, đầu là trong im lặng, mà sau là trong lãng quên”.
Với tinh thần trách nhiệm cao, anh Cao Kế – giảng viên triết học Trường Đại học Qui Nhơn – người đã cùng công tác tuyên truyền với nhà thơ trong những năm Cách mạng và kháng chiến chia sẻ:
“Nếu có một tác giả nào sau này viết về lịch sử thơ ca Cách mạng của Việt Nam và tỉnh Bình Định thì phải thấy cho hết con người Yến Lan đã đóng góp như thế nào và đánh giá cho đúng cái tác dụng to lớn những bài thơ Yến Lan đã viết khá hay trong những ngày đầu Cách mạng như: “Bình Định 1947”, một bài thơ mà nội dung phục vụ Cách mạng kịp thời và về phương diện nghệ thuật ai cũng phải công nhận là một bài thơ rất hay.
Chính những bài thơ ông làm lúc này đã có tác động đến đội ngũ trí thức làm cho họ tin vào Cách mạng và theo Cách mạng…”
Chủ Tịch Hội Nhà văn VN – Nhà thơ Hữu Thỉnh- đã ghi nhận: “Trong sáng tác, gần 60 năm liên tục ông đã cống hiến nhiều truyện ngắn, kịch thơ, ca kịch, trường ca và thơ, ở thể loại nào cũng có thành tựu”.
Chính vì vậy, cùng với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tế Hanh và nhiều nhà thơ cùng thế hệ Yến Lan đã có nhiều đóng góp lớn cho văn học và để trở thành bậc thầy mẫu mực cho nhiều thế hệ các nhà văn noi theo”.
Ghi nhận những công lao mà nhà thơ Yến Lan cống hiến, Nhà nước VN đã tặng thưởng ông Huân chương lao động Hạng Nhất và Giải thưởng nhà nước cho sự cống hiển của ông Văn học Nghệ thuật và Cách mạng.
Vậy mà khi đặt tên đường Yến Lan thì họ lại nhét ông vào cái xó như đã nói ở trên, thậm chí có người còn đặt câu hỏi: “Sao cả hội nhà văn Việt Nam không ai đưa đám ông Phan Khôi mà chỉ có mình Yến Lan, như vậy là phải như thế nào đó…”
Thế nên, gia đình chúng tôi không chấp nhận lối giải thích thiếu công bằng, và không thuyết phục sau đây của chính quyền địa phương: “Vì tên ông đưa lên sau nên không còn đường nào khác..” Nó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi chứng kiến, và thấy rằng trong vấn đề này có uẩn khúc gì đó, vì còn nhiều đường mới chưa đặt tên, nhiều con đường mà tên tuổi chẳng ai biết thì vừa dài, vừa rộng. Hay là “Bụt chùa nhà” không thiêng?
Xin được trích dẫn nơi đây ý kiến của nhà văn Lê Hoài Lương – một ngừơi Bình Định – để tạm kết thúc mấy điều suy nghĩ về “ Hà Cớ Gì? “ – mãi mãi là câu hỏi lớn cho người dân TX An Nhơn hôm nay & ngày mai:
“Với bài viết này tôi không có ý so sánh văn tài hay chế độ đãi ngộ mà chỉ nêu chút chua xót hậu sinh, rằng, số phận của một thi sĩ có thể bi đát hay được tôn vinh lúc còn sống nhưng giá tri thực của thi sĩ chắc chắn sẽ còn lại với muôn đời. (LHL)”