Trước hết cần hiểu đây không phải là quá trình hội nhập như các lãnh đạo ASEAN hay hô hào và được truyền hình Việt Nam không chỉ phát lại mà còn đồng thanh góp giọng. Đây là quá trình lịch sử mà các nước Á châu nằm theo trục biển đang trải qua, được tác giả Ellen L. Frost phân tích trong quyển sách mà Đại học quốc gia Singapore xuất bản[1] năm 2008: Asia’s new regionalism.
Theo đó, khu vực này chưa bao giờ chuyển dịch, mở cửa và đô thị hóa (theo cách hiểu về xã hội – cosmopolitan) đến như vậy. Phí liên lạc giảm và tiền giao thông rẻ dần trong điều kiện hệ thống hạ tầng kết nối nhanh chóng và hiệu quả. “Một du khách đến thăm các cảng lớn của châu Á và các cộng đồng dân cư dọc bờ biển nhiều khả năng sẽ gặp người đến từ đủ mọi vùng đất trong khu vực: một quan chức người Malaysia, một kỹ sư người Ấn Độ, một khách du lịch Trung Quốc, một nhà đầu tư Nhật Bản, một người chạy bàn Philippine, một giáo sư người Hàn Quốc, và có lẽ là một doanh nhân người Indonesia nữa, dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp” (Frost 2008:1). Sự chuyển động của châu Á Thái Bình Dương còn thể hiện qua hoạt động của các băng đảng không chỉ buôn ma túy và hàng lậu mà còn kinh doanh cả thân xác phụ nữ với mạng lưới trải rộng qua nhiều nước, hay sự lan tỏa của các loại virus giết người hàng loạt như bệnh SARS hồi năm 2003 và sau đó là cúm gia cầm.
Châu Á to đến nỗi bay từ Tokyo đến Jakarta mất gần như một ngày làm việc. Vùng đất có cả đỉnh núi cao nhất thế giới lẫn những thành phố lớn nhất, hơn một nửa dân số thế giới, nhiều người Hồi giáo hơn tất cả các nước Trung Đông cộng lại, cảng biển bận nhất thế giới ở Singapore và Hongkong. Nhưng cũng là nơi có nhu cầu dầu mỏ nhiều đến nỗi thế giới phải có thêm một khu vực như toàn bộ vùng Vịnh mới đủ cho cơn khát của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Và nếu tăng trưởng của Đức và sau đó là Nhật kéo theo hai cuộc đại chiến thế giới, phát triển của Liên Xô kéo theo chiến tranh lạnh, thì nay ngôi vị kinh tế của Trung Quốc khiến người ta cực kỳ lo ngại cho hòa bình và thịnh vượng của các nước trong khu vực, mà cũng là thách thức cho Hoa Kỳ, quốc gia từng tham gia ba cuộc chiến lớn ở đây trong vòng một thế kỷ qua, và luôn có mặt trong mọi tính toán địa chính trị, bên cạnh sự hiện diện quân sự lâu dài hơn và quân số lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Nhìn vào khu vực này với những mâu thuẫn vừa nêu có GS Samuel Huntington và tác phẩm nổi tiếng về Sự va đập của các nền văn minh (The Clash of Civilizations). Nhưng TS Ellen L. Frost đi theo cách nhìn ngược lại mà những chuyên gia trong khu vực như nhà ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani và nhà báo Nhật Yoichi Funabashi đưa ra về một trạng thái hòa trộn vừa tan chảy vừa giải phóng năng lượng: fusion. Đây không chỉ đơn giản là sự hòa trộn giữa văn hóa các nước trong khu vực mà là phản ứng tích hợp giữa hay nền văn minh phương Đông và phương Tây diễn ra trong môi trường khu vực châu Á Thái Bình Dương với mỗi nền văn hóa dân tộc - quốc gia là một chất xúc tác riêng. Với TS Ellen Frost, tiến trình hội nhập của khu vực diễn ra dưới tác động của hai lực kéo đẩy chính: một là sự hội nhập tức thời và đa dạng của mỗi cá nhân và nhóm trong không gian châu Á biển (Maritime Asia) với động lực từ thị trường, thông qua cơ hội và các mối quan hệ xã hội và sắc tộc, trong điều kiện thông tin và di chuyển ngày càng dễ dàng; và hai là một số tác động từ các chính phủ muốn có quan hệ chặt chẽ hơn trong khu vực châu Á theo hướng chủ nghĩa khu vực hay khu vực hóa, do nhu cầu an ninh và độc lập quốc gia nhất là trong kinh tế cũng như hiệu quả. Đó là qui luật lịch sử chính trị được trình bày xuyên suốt trong tác phẩm.
Tham khảo:
Frost, Ellen L. 2008, [Tư tưởng khu vực mới của châu Á] Asia’s new regionalism, NUS Publisher và Lynne Rienner Publishers