Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.144.517
 
Quá Ðề Cao, Hoặc Một Chút Cười Cợt, Ðối Với Vua Chúa
Trần Văn Nam

I/ Vũ Hoàng Chương mượn hơi hùm Thành Cát Tư Hãn – Thời tiền chiến, thi sĩ Vũ Hoàng Chương vướng mang tật nghiện thuốc phiện. Tuy thể xác có lúc rã rời bởi những cơn hành hạ của ma túy, nhưng tinh thần thi sĩ rất hùng cường. Khi say sưa với hương nha phiến là lúc ông thả hồn phiêu linh, một trong những lúc bay bổng ấy là mơ tưởng theo cuộc chinh phục thế giới của đoàn hùng binh Mông Cổ. Nhà thơ từng mặc cảm “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”, phải chăng vì ông đã có thời là công chức thuộc địa Pháp. Ðể giải tỏa mặc cảm, để giải bày lòng yêu nước chống lại cuộc đô hộ của người Pháp (nói rộng ra là của người Tây phương), thi sĩ đã mượn uy danh Thành Cát Tư Hãn, muợn hơi hùm của quân Mông Cổ một thời chinh phục Âu Châu, qua bài thơ “Hơi Tàn Ðông Á”:

 

Phơi phới linh hồn lỏng khóa then

Say nghe giọt nhựa khóc trên đèn

Mê ly cả một trời Ðông Á

Sực tỉnh trong lòng nấm mộ đen.

Ðáy cốc bao la vạn vực sầu

Ngai vàng Mông Cổ ngự đêm nâu

Hãy nghe bão táp trong cô tịch

Vó ngựa dân Hồi dẫm đất Âu.

 

Có một chi tiết, chắc nhà thơ đã lầm: dân tộc Mông Cổ không phải người Hồi. Vùng Tân Cương sát biên giới Mông Cổ mới là đất của người Hồi cùng nguồn gốc chủng tộc với Thổ Nhĩ Kỳ. Qua đoạn thơ trên, ta cũng nương theo tác giả mà mường tượng ra chất đen quánh của thuốc phiện như chứa đựng vực thẳm của lịch sử ngàn năm. Ðáy cốc nhỏ thôi nhưng lại mở ra cả một trời thảo nguyên với đoàn binh mã như giông gió tràn qua Âu Châu. Có khác nào cây cổ thụ nhỏ trong chậu bon-sai khai mở cho tâm hồn ta cả một trời thiên nhiên, sâu thẳm thời gian và rộng lớn không gian. Trong cô tịch đêm khuya khi nằm hút thuốc phiện, thi sĩ nghe bão táp quá khứ của đế quốc Mông cổ. Ông nhập hồn cùng đoàn quân chinh phạt tiến như nước vỡ bờ trên thảo nguyên lồng lộng, rồi rầm rộ đi vào những lớp lớp thành quách quy hàng. Mộng du như vậy, nhưng nhà thơ bao giờ cũng đối chiếu về hiện tại phảng phất hương nha phiến, mờ ảo ánh đèn dầu bên khay thuốc phiện, và tiếng reo vui của nhựa ma túy đang chín tới:

 

Thuyền chiếu nằm mơ cuộc viễn chinh

Buồm neo rời rạc bến u minh

Ðâu đây quằn quại trong làn khói

Lớp lớp uy nghi vạn lý thành.

 

Nhựa chín dần trên ngọn lửa đào

Ngược dòng năm tháng khói lên cao

Huơng thiêng rẽ lối đôi bờ mộng

Cung các vàng son môt thuở nào.

 

Trên những bản đồ lịch sử thế giới trong sách giáo khoa ở Mỹ, có vài bản ghi rõ đế quốc Mông Cổ trong thế kỷ 13 trải dài từ phía Tây bên cửa sông Danube thuộc Châu Âu, bao trùm đến phía Bắc cạnh hồ Baykal thuộc Nga, và xuống tới phía Nam vùng Phan Thiết thuộc nước Champa thời bấy giờ. Nhưng đến cuối thế kỷ 13, từ năm 1290 trở về sau, thì đế quốc này đã thu hẹp lại, riêng về phía Nam thì biên giới dừng lại dọc dài theo biên cương Bắc Việt Nam hiện nay. Ðây là dữ kiện ghi nhận thành quả cuộc chống trả của Ðại Việt dưới thời nhà Trần phối hợp cùng đồng minh Chiêm Thành dưới thời vua Chế Mân (Champa không cho quân Mông Cổ mượn đường đánh từ phía Nam lên). Nhắc một ít chứng tích lịch sử đó để cùng nhớ quân Mông Cổ có một thời là lực lượng hung hãn xâm lược. Chiến thuật của họ nhờ tận dụng thế mạnh của kỵ mã và cung tên tập luyện bắn thần tốc từ trên mình ngựa; và gieo khủng bố sợ hải để tạo tán loạn cho nơi nào họ sắp tấn công. Chỉ vì muốn giải tỏa mặc cảm bị người Tây phương cai trị, tức thực dân Pháp thời thuộc địa, mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thần-kỳ-hóa cuộc trường chinh Châu Âu rất hung bạo của đế quốc Mông Cổ.

 

II/ Bùi Giáng cười cợt vua Chế Mân quá hào hoa – Có một nhà văn ở Việt Nam hiện nay rất nổi tiếng, được giới văn học hải ngoại bàn tới nhiều: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông nổi tiếng vì lối viết trần trụi, bốc trần một cách hiện thực qua truyện viết về một ông tướng hồi hưu, trong đó có những mô tả mặt trái xã hội Việt Nam. Cũng lối viết trần trụi phơi bày sự thật, Nguyễn Huy Thiệp viết tác phẩm “Phẩm Tiết”, phơi bày sự thật đời sống của các vua chúa ngày xưa. Chỉ là hư cấu, vì làm sao biết sự thật ấy, đâu có ghi chép nhật ký lưu lại nào nơi cung đình của vua Quang Trung và vua Gia Long. Trong “Phẩm Tiết”, cả hai ông vua thù địch tranh giành giang sơn, cùng mê một nhan sắc tên là Quách Thị Vinh Hoa. Họ không phải tình địch cùng thời, nhưng trước sau đều đến với Vinh Hoa khi triều đình đổi chủ. Ngoài dung nhan,Vinh Hoa lại còn có hương thơm mùi hoa sữa từ cơ thể tiết ra.Vua Gia Long từng giết oan công thần, vì vậy ông bị coi như một người rất vong ơn bội nghĩa. Nhưng ta cũng biết khi bôn ba ở Miền Nam lúc chạy trốn cuộc săn đuổi của quân Tây Sơn, nơi nào ông được người dân cứu giúp, nơi nào ông thoát nạn, kể cả khi tránh bão gặp cá voi, khi lên ngai vua Gia Long đều không quên ơn, đều có sắc phong ghi nhớ. Trong “Phẩm Tiết”, vua Quang Trung bị gán cho những nét thật phàm tục thô lỗ trước Vinh Hoa. Nhớ không lầm thì trong một tác phẩm xuất bản sau đó không lâu, nhà văn Trần Vũ còn tô đậm thêm thói phàm tục của vua Quang Trung trước Ngọc Hân công chúa. Chắc hai nhà văn cùng một ý hướng: phá đổ huyền thoại là cách đưa các nhân vật trở lại đời sống bình thường, có thanh cao anh hùng mà cũng lắm khi phàm phu nhỏ hẹp. Có người nơi hải ngoại đọc truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nghĩ rằng nhà văn có ẩn ý đối với các nhân vật lịch sử hiện tại ở trong nước. Chắc cũng chỉ là ý kiến riêng, vì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hiện nay có nhiều sách lưu hành trong nước, biên khảo văn học nào cũng viết về ông như một nhà văn lớn trong chế độ…Việc đem các nhân vật lịch sử ra để tiểu-thuyết-hóa tính ham mê nhan sắc cũng đã có một nhà thơ từng làm rồi. Thi sĩ không lấy ra một nhân vật của lịch sử đất nước mà từ lịch sử Chiêm Thành, vua Chế Mân. Vị vua nước láng giềng này đã cắt đất để cầu hôn Huyền Trân công chúa của vua Trần. Thi sĩ đó không ai xa lạ, chính là nhà thơ Bùi Giáng:

 

Quận thành đổi lấy làn da

Hỏi sao lạ rứa? Hào hoa thưa rằng

Có chi mô, có chi mô

Nàng tuy nhỏ bé mà to bằng trời

Ô-Ri như rứa mà rồi

Gẫm ra như thể như tôi đó mà

Trăm năm trong cõi người ta

Thân còn chẳng tiếc, lọa là Ô-Ri

Riêng công chúa nọ ly kỳ

Là tôi tiếc suốt li bì càn khôn.

 

Bài thơ có những từ ngữ đậm nét đặc thù riêng của Bùi Giáng, làm ta liên hệ ngay đến câu thơ: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Các từ ngữ “hào hoa thưa rằng” mang vẻ cười cợt ông vua dâng sính lễ cưới công chúa Ðại Việt quá đắc giá, đem cả một phần giang sơn để hiến tặng; cũng đồng thời cười cợt thời phong kiến vua muốn gì thì không ai dám cản. Còn các từ ngữ “lọa là Ô-Ri” (Ô Ri là Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay), lời vua coi thường hai tỉnh này cho thấy sự khiếm khuyết những lưu tâm địa chất của người xưa, không những của vua Chế Mân mà của nhiều bậc vua chúa khác (như vua Nga đã bán Alaska giàu có tài nguyên dưới lòng đất cho Hoa Kỳ; như vua Kampuchia thấy miền hoang địa vô giá trị của chốn sình lầy Thủy Chân Lạp; như nhân loại văn minh đã một thời bỏ quên lục địa Nam Cực chôn giấu rất nhiều mỏ khoáng sản dưới bề dầy vạn niên băng giá). Và sau cùng là các từ ngữ “tiếc suốt li bì càn khôn”: mới đọc qua, tưởng nhà thơ Bùi Giáng có vẻ kỳ thị vua Chàm cưới công chúa Ðại Việt. Ngẫm nghĩ thì đó chỉ là sự mến tiếc một nhan sắc, điều này có vẻ xác đáng hơn, vì đây là tình cảm chung của nam giới khi một giai nhân tuyệt sắc lên xe hoa. Truyện những  giai nhân trong lịch sử ngàn năm như Cleopatra, Helen of Troy, Mỵ Châu công chúa, Huyền Trân công chúa, Ngọc Vạn công chúa… cứ còn mãi là nguồn cảm hứng cho thi nhân khi họ mới khám phá được một khía cạnh nào đó chưa ai nói đến.

 

City of Walnut, California, tháng 7 năm 2010

 

 

Trần Văn Nam
Số lần đọc: 2377
Ngày đăng: 07.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hữu Loan, Đèo Cả. 1916-2010 - Đặng Tiến
Ðời và Nhạc TRịNH CÔNG SƠN - Đặng Tiến
Kitô Giáo Tại Pháp: Tàn lụi hay chuyển mình - Nguyễn Đăng Trúc
Màu Tím Hoa Sim – Sắc Màu Vĩnh Cửu - Trần Thanh Hà
Thanh Tâm Tuyền đi tìm tiếng nói - Đỗ Lai Thúy
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 10 - hết - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 9 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 8 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 7 - Đỗ Tư Nghĩa
Con Đường Tuổi Trẻ - The Way Of Youth - Daikasu Ikeda 6 - Đỗ Tư Nghĩa
Cùng một tác giả
Bạt (điểm sách)