Kỉnh tính toán hôm nay còn hai ngàn đồng không biết mua gì đây! Số tiền này chỉ có thể mua đậu hũ hoặc cá khô mà thôi. Mua cá khô tốt hơn vì cá khô theo Kỉnh nghĩ nó sẽ có nhiều chất bổ. Còn rau thì tất nhiên là rau muống. Hai đứa nhỏ cũng đã quen kiểu ăn của bố, những món ăn mà bố chúng gọi là “truyền thông dân tộc” nào là tép khô, cá khô, đậu, cà và mắm... Bố chúng chả nói ông Thánh Gióng đã ăn “bảy nong cơm, ba nong cà” là gì? Lũ con của Kỉnh vẫn lớn lên như cỏ dại mọc trên đất hoang vậy.
Hàng ngày Kỉnh ra ngồi co ro ở ngã tư và cầu thầm cho người ta hư xe. Vì nếu như họ hư xe thì Kỉnh mới có tiền! Được cái thời buổi này Kỉnh có quyền “chém” thẳng tay, cứ sơ sơ bơm hai bánh xe cũng kiếm được bốn trăm. Cả ngày ngồi cũng kiếm được mấy ngàn...
Nhưng gần đây “sự canh tranh lành mạnh” đã xảy ra. Đối diện ở bên kia đường xuất hiện một anh chàng lực lưỡng khỏe mạnh. Không hiểu anh ta có biệt tài gì mà nơi anh ta bao giờ cũng đông khách hơn Kỉnh. Số tiền thu hàng ngày sụt xuống một nửa, thậm chí chỉ còn một phần ba, có ngày gặp “xui” chỉ có mấy trăm. Mấy bố con phải tính toán từng trăm để tiêu xài.
Kỉnh vốn dĩ là bộ đội chuyên ngành đã từng học ở Đại học. Tốt nghiệp anh ra dạy ở một trường Cao đẳng của Trung ương. Ở trường Trung ương nên có “thoáng” hơn. Ở đó có thể nhận được cán bộ ở khắp nơi về, thậm chí ở mãi ngoài miền Bắc. Vì thế trường càng ngày càng phình ra bởi những người giỏi chạy chọt ở khắp mọi nơi xin vào đây để hợp thức hóa hộ khẩu. Đang dạy tự nhiên Kỉnh phải điều về làm hành chính. Chỗ Kỉnh dạy trước đây đã được thay chân bằng một cô vợ rất diêm dúa của ông Tổng giám đốc nào đó mới xin vào trường. Đùng một cái Kỉnh lại bị điều sang tổ bảo vệ gác cổng, đến nước này thì không chịu được nữa Kỉnh đã phản ứng. Phòng tổ chức đã đưa ra hai điều kiện. Một là cứ làm ở vị trí đó, hai là cho nghỉ làm. Lòng tự ái đã làm Kỉnh chọn lựa vế thứ hai. Và anh đã phải ra vỉa hè chữa xe đạp. Người vợ của Kỉnh cũng là giáo viên nhưng cô ta có cách sống khác. Thấy chồng “bất tài” và “hèn kém” cô ấy đã xin chia tay. Kỉnh đồng ý ngay vì anh ta vốn là người luôn tôn trọng tự do của người khác.
Gần đây Kỉnh lai nghĩ ra kế “làm ăn” mới, anh ta làm thơ lia lịa và gởi đi tất cả các báo mà anh có thể gửi, nhưng vô hiệu. Nghe nói “viết” thì phải có “lách” mới được, Kỉnh không biết “lách” là gì nên làm sao mà những chữ như gà bới kia của Kỉnh có thể biến thành những hàng chữ in trên báo đều đặn và đẹp đẽ được! Còn một điều này nữa, thơ của anh ta có hay không nhỉ? Cái kiểu thơ sặc mùi keo vá xe làm sao có thể ươm vào vườn thơ đầy hương sắc của thiên hạ được!
Nhưng vận may đã tới, có một tờ báo không biết vì lý do nào đó đã đăng bài thơ của anh. Anh hồi hộp cầm tờ báo đọc hàng chục lần bài thơ và ngắm đi ngắm lại cái tên của mình được in trên báo “Lê Củng Kỉnh”. Sướng quá, ba bố con đã mua những một ký chôm chôm về ăn mừng...
Hôm nay Kỉnh lai giật thót mình khi thấy người gọi cổng là cái anh chàng đưa tiền nhuận bút hôm nọ. Lại được đăng báo lần nữa à? Mình có đưa thơ gửi đăng nữa đâu? Chuyện gì đến sẽ đến, tiền nhuận bút không có nhưng Kỉnh nhận được bức thư. Bức thư của Vân người yêu xa xưa gửi tới. Vân đã đọc tờ báo có in thơ của Kỉnh và cô biết ngay cái tên “không giống ai” của anh ta (Ừ nhỉ, có lẽ cả nước không ai có thể trùng với cái họ tên kỳ cục của Kỉnh). Vân đã gửi thư đến tòa soạn tờ báo và nhờ tòa soạn gửi đến tay Kỉnh.
Bàn tay run run cầm lá thư mong manh, Kỉnh đọc tiếp:
...“Anh ơi người ta nói “khôn đâu khi trẻ, khỏe đâu khi già” nên anh hãy tha thứ cho em. ngày đó! Lúc đó em cả tin, dại dột, đến mãi sau này em mới nhận được thư của anh Hiệp viết thanh minh em mới biết. Nhưng các anh vào Nam rồi đâu biết để gửi thư... Một lần nữa, anh ơi, hãy ngàn lần tha thứ cho em... Nhận được thư này nếu rỗi rãi anh hãy viết cho em một lá thư để mừng là anh vẫn nhớ tới em... Em chẳng dám mong anh về thăm em đâu?
Em
Hạnh Vân
Kỉnh ngồi thừ người ra suy nghĩ. Năm đó Vân mới mười sáu tuổi thì năm nay Vân đã ba mươi sáu tuổi rồi. Trời ơi hai mươi năm đã trôi qua sao người con gái đó vẫn nhớ tới mình?
Đó là kỷ niệm mối tình đầu ngắn ngủi, tươi đẹp nhất mà cũng trớ trêu đượm buồn của Kỉnh. Kỉnh đã dành cho nó những giọt nước mắt cay đắng âm thầm và cả hàng tá bài thơ mà Kỉnh đã say sưa “sáng tác” nữa:
“...Thương lắm em ơi, vai em mang miếng vá
Những kỷ niệm chập chờn tất cả đã qua,
Còn hồn anh, vườn thu rơi lá
Cô đơn, trống trải, muôn bề.
Về quê em miền quê xa thẳm
Tầm mắt anh giới hạn bởi chân trời
Ôi miền Trung, miền núi đồi thưa làng xóm
Dải đất cỗi cằn tím ngắt hoa sim,
Ngày đông xưa bao đêm mờ mưa bụi
Gió thổi về buốt giá những bàn tay
Xót lòng anh người trai ra trận
Hoang mạc hồn chưa thấm giọt tình duyên.
Ngây thơ lắm, bên nhau ta sưởi lửa
Lửa ơi, sao không ấm lòng người
Bàn tay lạnh bởi trai tim rất nóng
Lửa tắt rồi, tay lại giá thêm.
Rồi anh đi không một lời nhắn lại
Mà chiến trường rung chuyển những đợt bom
Hiểu không em, người trai áo bạc màu mưa nắng
Giữa trưa hè mong sưởi lửa đêm đông.
Ao sờn vai, nhớ vai người miếng vá
Những buổi học về gió lạnh tím môi
Rừng mùa mưa nhớ áo người ướt sũng
Sáu tháng mưa hoài, có mấy ngày không?
Anh nhớ nữa những đồi sim bát ngát
Dù ngày xưa, xưa quá đi rồi
Anh nhớ nữa những bãi sông vàng cát
Có ai về theo bóng hoàng hôn”...
Kể ra thì bài thơ không vần trên của Kỉnh cũng hay đấy chứ, anh đánh máy hàng chục bản gửi đi các báo mà cũng chẳng thấy ai đăng. Có lẽ người ta chưa thích nhiều với... “miếng vá” ấy! Nhưng lòng anh bây giờ đang rách tả tơi. Người vợ của anh đã bỏ anh và nàng đã có hạnh phúc mới còn anh thì cô đơn, trơ trọi! Anh phải đi tìm Vân người con gái vời xa bởi thời gian và không gian thăm thẳm. Quê nàng là một miền quê nghèo đói ở mãi tận miền Trung, nơi mà có đèo Ngang với những vần thơ tuyệt vời của Bà Huyện Thanh Quan bất tử... Nơi mà làng Cảnh Dương thơ mộng mãi mãi nằm cô đơn trên cồn cát trắng, ngàn năm trơ trọi với sóng gió biển Thái Bình Dương. Nơi mà tím ngắt hoa của những bãi sim, bãi mua ngàn thuở. Nơi mà cách đây hai mươi năm người con trai trắng trẻo thư sinh với bộ quân phục mới tinh, quân hàm binh nhì như hai lá cờ đỏ chói trên cổ áo đã ở đây trong vòng một tháng. Nơi mà lần đầu tiên người con trai đó đã được nếm sự ngọt ngào nhưng cay đắng của tình yêu kỳ diệu đầu đời.
Phải tới đó! Trái tim đã nhắc Kỉnh như thế, nhưng tới bằng cách nào đây! Tiền anh làm sao mà có. Anh đã nghĩ tới Sinh người bạn học ngày xưa làm giám đốc của một xí nghiệp nọ. Sinh may mắn hơn anh nhiều, sống sang trọng và đàng hoàng ở một biệt thự nhỏ. Tiếp anh hôm nay Sinh tỏ ra vô cùng vui mừng vì bạn bè lâu ngày gặp lại. Cả hai người ngồi ôn lại những kỷ niệm thời xưa. Họ nhắc lại kỷ niệm những sáng mùa đông đi học. Năm sau đứa đi trên bờ đê sông Hồng hun hút gió lạnh. Về mùa đông nước sông Hồng cũng giống như nước các con sông khác, đều trong xanh đến lạ lùng. Sắc đỏ và dòng chảy cuồn cuộn của nó chỉ diễn ra vào những tháng mùa hè rực nắng. Lạnh quá cả bọn run lên trong những bộ quần áo mong manh. Cuối cùng cả bọn nghĩ ra một cách là chơi trò chạy đuổi và đẩy nhau từ trên mặt đê xuống chân đê thoai thoải cho ấm. Tiếng cười, tiếng la hét ầm ĩ, dưới làn mưa bụi trong xóa mênh mông bao phủ cả trời cả đất...
Tự nhiên Kỉnh không muốn nói vấn đề nhờ vả nữa và anh xin phép bạn ra về. Anh muốn buổi nói chuyện đó chỉ mãi mãi đọng lại là những kỷ niệm ấu thơ êm đềm, trong trắng...
Về tìm Vân vẫn là ý nghĩ xoáy mãi trong đầu anh của những ngày ấy. Phải chăng cái khổ cực cứ bám mãi lấy anh. Có lần anh nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời u ám. Mây đen cuồn cuộn bay qua. Nhưng kìa, một ngôi sao đã ló ra và tỏa ánh sáng màu xanh kỳ diệu. Anh sáng lạ lùng đó như thách thức với đám mây kia, lúc mờ lúc tỏ nhưng cuối cùng vẫn hiện diện, còn mây kia thì sẽ trôi qua và dần dần từng đám, từng đám bị tan biến hết.
...Hai cô gái đến gõ cửa, Kỉnh mở cửa mời các cô vào nhà. Các cô tự giới thiệu là từ dưới quê lên thành phố học may và xin ở trọ. Mừng quá anh nói với các cô rằng các cô cứ việc ở bao nhiêu lâu cũng được, giá tiền nhà thì tùy các cô trả. Ngạc nhiên hai cô bé nháy mắt cho nhau. Các cô không ngờ cái anh chàng chữa xe đạp này lại bốc đồng đến thế! Đó là dịp may trời cho để anh có thể ra miền Trung thực hiện ước mơ của mình.
Số tiền thuê nhà sáu tháng trả trước cũng là một món tiền kha khá. Kỉnh liền chi lại một phần nhờ hai cô giữ để nuôi giúp hai đứa nhỏ còn anh ra đi. Các cô thì vô cùng thích thú vì tự nhiên mình được làm chủ một căn nhà xa lạ ở thành phố này.
Kỉnh ra đi trên một chuyến tàu lửa chật chội mỗi ghế nhét những ba người nhưng lòng anh phơi phới. Suốt doc đường những kỷ niệm ngày xưa luôn về với anh.
Hồi đó anh được đơn vị cử đi hoc lớp y tá của Sư đoàn tổ chức. Sự ngẫu nhiên đã đưa anh và hai người bạn là Nhâm và Hiệp được bố trí đến ở nhà Vân. Khi bước vào nhà, anh đã chợt thấy Vân. Anh như sững người lại khi nhìn thấy nàng. Và Vân cũng thế ánh mắt họ đã gặp nhau, họ đã sửng sốt như đã từng hẹn nhau và trông thấy nhau trong mộng. Có người đã gọi hiện tượng đó là tiếng sét ái tình, nó đã tiền định mãi từ kiếp trước, chẳng biết có đúng không ? Chỉ biết sau đó Kỉnh đã sống cực kỳ khác lạ. Anh nhanh nhẹn hơn, lời nói thông mình hài hước tế nhị hơn. Anh trổ tài vẽ đẹp với các em của Vân. Những đêm trăng anh ta ra gốc vườn vắng vẻ thổi sáo. Có lúc anh đã bí mật ngắm nghía mình trong gương, luôn tay vuốt lại cổ áo cho thật phẳng phiu...
Những người lính thời đó gọi chủ nhà nơi mình ở là bọ, mạ (bố mẹ – tiếng địa phương) và sự thực tình cảm quân dân cũng ở mức độ như vậy. Anh và các bạn anh sau mỗi buổi đi học về đều tranh thủ giúp đỡ gia đình. Có khi họ đi gặt lúa, đi đào khoai hoặc bổ củi quét nhà... Cả bọn anh được bố mẹ Vân quý mến. Nhưng một điều chắc chắn là Vân đã dành tình cảm của mình cho Kỉnh. Có lần Vân đã giấu giếm cho Kỉnh một củ khoai nướng nóng hổi. Chàng trai mười bảy ấy bực mình vì hành động đó. Theo chàng nghĩ là Vân coi chàng như trẻ con và họ đã giận nhau. Nhưng giận và làm lành là gia vị ngọt ngào của tình yêu, là sự trêu nhử muôn đời của tình cảm, nên sau mỗi lần như thế họ lại gần nhau hơn.
Ngày đó mùa đông đến vội vàng và lạnh giá! Gia đình thường đốt một đống củi lớn giữa nhà để sưởi. Họ thường thức khuya nhất và ngồi bên nhau khi mọi người đã lên giường đắp chăn đi ngủ. Ánh lửa bập bùng làm hồng tươi khuôn mặt trái soan của Vân, bàn tay thon nhỏ trắng trẻo của Vân hơ trước những tán lửa than hồng đang dần dần tắt lụi. Trái tim của Kỉnh đập rộn lên và chàng đã mạnh bạo nhưng cũng rất vụng về đưa tay cầm lấy hai bàn tay nhỏ bé đó. Cảm giác nóng ấm mềm mại của bàn tay ấy mãi đến bây giờ Kỉnh vẫn còn nhớ. Như luồng điện chạm vào nhau, hai người đã run lên vì xúc động. Kỉnh thì thầm qua hơi thở:
– Anh, anh yêu em.
– Có thật thế không anh? Vân cũng nói rất nhỏ và như lơ đãng vậy.
– Anh thề mãi mãi yêu em?
Kỉnh đã vội vàng thề thốt như vậy đó.
Anh xiết chặt lấy bàn tay mảnh dẻ của cô gái, đắm đuối nhìn vào mắt nàng đang chìm dần vào bóng đêm mờ ảo vì than đã tàn gần hết. Chàng vẫn nhìn và hình dung thấy đôi môi mọng gọn gàng của nàng mím chặt. Ôi tình yêu ban đầu nhẹ nhàng như một thoáng mơ, nhưng sao nó lắng đọng vô cùng, khắc ghi một dấu ấn nghẹn ngào vào khoảng sâu tâm hồn vốn đa cảm và thống khổ của người đời bình thường nhỏ bé! Đến tận lúc họ lìa xa thế giới này đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng, có lẽ tình yêu vẫn còn đó, ngời sáng như một ngọn lửa bất tử, làm ấm áp những linh hồn cô đơn lang thang tội nghiệp, đã có một lần nào đó diễm phúc được đón nhận tình yêu!
...Nàng nhẹ nhàng gỡ tay Kỉnh:
– Đi ngủ đi anh, nhỡ người ta biết... chúng mình.
Cả đêm hôm ấy Kỉnh không ngủ, con tim bất trị của anh cứ nhảy nhót lung tung trong lồng ngực!
Sáng ra Kỉnh cùng đồng đội lên núi kiếm củi. Nhâm và Hiệp nhìn thần sắc biến đổi của Kỉnh mà nhận xét:
– Tay này đã ăn phải “trái cấm” của tình yêu rồi!
Còn ông trời lại như muốn thử thách thêm. Gió mùa đông bắc bỗng tràn về, giá lạnh thấu xương, mây là là hạ thấp xuống sát ngọn đồi. Mưa bụi trắng xóa như ai tung bột phấn. Cả bọn ướt như chuột và khi về mới biết nhiệt độ hôm ấy đã hạ xuống chỉ còn 4oC. Kỉnh bị cảm lạnh. Bà mẹ vô cùng ngạc nhiên vì con bà mang quần áo của một anh bộ đội đi giặt. Bà cũng chợt nhìn thấy đôi má con bà ửng hồng như được sưởi ấm từ bên trong. Con mắt con bà long lanh tươi tắn và đặc biệt ở chiều sâu thẳm của con mắt ấy đã giữ lai một đốm lửa lấp lánh xa vời, tuy chưa rõ mấy nhưng nó đã hiển hiện. Bà đã hiểu! Đó là tình yêu!
Đời lính trong thời chiến tranh hỏi có mấy người đi mà được trở về. Gia đình Vân không đồng ý. Với lại Kỉnh là người xứ Bắc xa xôi, phong tục cách biệt. Anh chỉ là một người chiến sĩ trên đường đi chinh chiến phương trời Nam thoáng ghé qua đây mà thôi! Vả lại họ còn quá trẻ, cô gái đang học năm cuối cùng của cấp hai nên cần phải tập trung học tập... Tất cả những cái đó đã không ngăn cản được đôi trai gái. Họ vẫn đến với nhau, kiêu hãnh và thách thức mọi người. Anh không thể quên được giây phút thần tiên được hôn người mà mình yêu say đắm. Đôi môi mềm mại ướt át, nồng ấm của họ đã quấn quýt lấy nhau, hơi thở nồng nàn gấp gáp của họ đã pha trộn vào nhau và cũng hít sâu vào lồng ngực trẻ trung của họ. Con mắt nàng né tránh, với hàng mi cong dài xanh mướt nhìn xuống thẹn thùng. Làn tóc rối che phủ cả khuôn mặt hồng thắm mỹ miều... chỉ một lần duy nhất đó thôi nàng đã ban cho anh một ân huệ nhớ suốt đời!
Nhưng lạ chưa, chỉ vài hôm sau khuôn mặt kênh kênh, vênh váo xuất hiện, đẹp đấy nhưng đáng ghét biết bao! Anh chàng vào nhà, cô gái ra ngoài sân, anh chàng ra ngoài sân, cô gái lại vào trong nhà. Hỏi không nói, gọi không thưa, ôi bực ơi là bực! Cái mặt nghênh nghênh trông thật đáng ghét! Đồ ngu, ai bắt yêu vào con nhãi ranh, vắt mũi chưa sạch!
Kỉnh nằm thừ ra như người mất hồn. Hai thằng bạn quỷ quái nhìn anh mà khoái trá. A già! Bọn này thật không đáng tin tưởng chút nào, anh đã linh cảm như vậy. Cái mặt nhơn nhơn rất tởm của hai tên làm anh càng bực tức. Anh hét lên:
– Đồ quỷ, chúng mày nhìn cái gì?
Chúng nó lại nhe răng cười trắng hếu như quỷ sứ thật!
Trên đời này có lẽ buồn bực và đau đớn nhất là mình không hiểu người ta ghét mình, bỏ rơi mình vì lẽ gì?
Thời gian ấy kéo dài khoảng hai ngày thì cái mớ bòng bong rối rắm đó được gỡ ra. Một lần, Thân là thằng nhỏ em của Vân có nói với Kỉnh rằng chị Vân mấy hôm nay buồn vì nghe nói ngoài Bắc anh đã có vợ: Trời! Kỉnh vô cùng sửng sốt:
– Ai nói như vậy! – Anh lạc giọng, hét lên.
Thằng bé sợ hãi trả lời:
– Em và chị Vân trong buồng nghe hai anh Hiệp và Nhâm nói chuyện với nhau, hôm đó các anh ấy nằm nghỉ trưa ở trên giường, anh Hiệp còn nói, anh ấy cũng đi dự đám cưới của anh tổ chức to lắm, chả là mẹ anh vội cưới vợ cho anh để anh đi bộ đội! Hai anh ấy nói chuyện to oang oang ai mà chả nghe thấy!
Đồ vu khống! Kỉnh điên lên đi tìm “hai đứa”, “hai đứa” thì đang ngồi ôn bài tại một nhà kho của hợp tác xã ở giữa cánh đồng. Kỉnh xông vào chỉ vào mặt chúng nó:
– Chúng mày là đồ tồi, không ăn được thì đạp đổ phải không?
“Hai đứa” cũng nhanh ý đoán được câu chuyện nên cười cười nói nói một cách hòa nhã để giảm xung khí của Kỉnh...
Ngay lúc đó thôi, tiếng còi báo động bỗng cất lên từng hồi rất gấp. Cả bọn vội vàng trở về tập hợp. Lệnh trên ban ra, chiều nay 3 giờ hành quân. Đó là vào một buổi chiều lạnh nắng vàng yếu ớt của những ngày tháng cuối năm 1970. Trong khoảng thời gian đó, sự hoạt động quân sự của kẻ thù đã gia tăng. Chúng mang máy bay trực thăng ra định cướp lại phi công Mỹ bị giam ở mãi tận Hà Tây. Chúng đưa hạm đội 7 áp sát vào vùng biển Quảng Bình, mưu toan mở cuộc hành quân Lam Sơn 117 tại phía Tây Tổ quốc hòng quét sạch đường mòn Hồ Chí Minh...
Kỉnh ra đi gấp như vậy nên chỉ kịp chào gia đình và không biết may hay là không may, anh ta không được gặp mặt Vân vì Vân lúc ấy đi học buổi chiều ở trường.
Cái tình yêu chóng vánh, đáng gọi là trò “bi hài” của người lính trẻ thời chiến tranh là như vậy đó. Trong rừng Trường Sơn ba đứa vẫn được ở chung với nhau. Một đêm nào đó họ ôm chặt lấy nhau hai đưa bạn đã xin lỗi Kỉnh về hành động đùa giỡn ấy. Ngay hôm sau dưới con mắt “kiểm soát” của Kỉnh, Hiệp đã viết thư về nhà Vân minh oan cho anh. Chuyện tình đầu của Kỉnh là vậy đó, nó ngắn ngủi quá chừng nhưng vẫn đau xót xé nát tim gan. Nhâm và Hiệp cũng không còn nữa mà để cho anh hờn, anh giận! Họ đã lần lượt hy sinh anh dũng trong các cuộc tấn công và phòng thủ đẫm máu tai thành cổ Quảng Trị vào mùa mưa năm 1972...
Giờ đây trên con tàu đang lao đi trong cái không gian nóng nực này, anh mơ mộng ngồi và tâm hồn đang hướng về với những kỷ niệm ngày xưa, với con sông Ròn lúc nào cũng chảy xiết, với bãi cát trắng của Ba Đồn trải dài mênh mông vô tận, với những đồng lúa xanh rờn Quảng Kim, Quảng Tùng bát ngát...
Bước vào nhà mọi người không thể nào nhận ra được Kỉnh. Bọ và mạ đã già, tóc bạc quá nhiều. Ôi thời gian, người đã cướp đi tất cả. Ngày ấy bọ và mạ còn tuổi thanh xuân. Kỉnh nhớ rất rõ bắp tay gân guốc của bọ nổi lên cuồn cuộn khi chèo thuyền đưa bộ đội qua sông. Giờ đây, ông ngồi co ro trên giường gầy còm, ốm yếu... Cuối cùng mọi người cũng hiểu ra khi Kỉnh đứa bức thư của Vân đã viết. Nhưng sao kìa, vẻ mặt của bọ lại buồn bã như thế! Bọ đã thân thiết như ngày nào gọi Kỉnh là “con”! Ông ngậm ngùi nói:
– Con về đã muộn rồi, bây giờ có gặp nó cũng vô nghĩa... Nó không biết gì nữa!
– Tại sao? Kỉnh sợ hãi kêu lên.
– Con bình tĩnh để bọ kể con nghe. Dạo ấy ở trên tỉnh người ta lấy thanh niên xung phong, nó đòi đi ngay chẳng nghe lời ai cả. Có ngờ đâu chỉ bốn tháng sau nó bị thương vì bom Mỹ thả. Điều trị được hai năm họ cho nó về nhà. Nhà nước cho một suất lương nữa để trả tiền cho con em ruột săn sóc nó. Bây giờ em nó đi lấy chồng thì mạ là người phục vụ.
Cách đây hai tháng nhà đã biết được tên con viết trên báo, nửa tin, nửa ngờ nhưng riêng nó thì vui mừng vì biết con còn sống. Nó quyết định viết thư gửi cho con ngay. Con biết không từ đó trở đi nó khóc suốt ngày vì nhớ thương con, nó ân hận vì đã làm con buồn. Mạ kể suốt ngày nó cầu mong con hạnh phúc. Rồi nó lại còn ghen nữa chứ, nó tưởng tượng ra vợ con để nó ghen đây! (bọ cười...). Suốt ngày nó gọi tên con rồi lại cười khóc một mình như người điên. Nó bảo mạ: “Chắc anh ấy chẳng thèm về gặp con đâu? Vợ anh ấy đâu có cho anh ấy đi. Rồi nó khóc rưng rức hai mắt lúc nào cũng sưng húp. Bệnh tình của nó càng nặng. Hai tay của nó tự nhiên bi liệt. Thế là đến nay toàn thân nó bất động, chỉ còn cái đầu là lắc qua lắc lai được thôi. Khoảng hai tuần nay thì nó không biết gì nữa, cấm khẩu luôn nhưng vẫn ăn được. Bác sĩ bảo nó sẽ chết trong vài tháng nữa. Bệnh này ác độc vậy đó, nó hành người ta biết bao năm tháng nay rồi!
Nghe xong Kỉnh bủn rủn cả người. Môi run run anh khẽ gọi:
– Vân!... Rồi anh nhắm mắt lại, ở kẽ con mắt đã có nhiều vết nhăn ấy, ngân ngấn nước mắt. Bọ vội đứng lên đỡ anh vì sợ anh ngã xỉu.
Anh mở mắt cầm lấy tay bọ và nói như van xin:
– Bọ cho con gặp mặt em con!
Ông gia thở dài một cái đứng dậy và dẫn Kỉnh vào buồng. Ông bảo mạ mở thêm cửa sổ cho sáng.
Đây rồi, Vân của anh đây, ngang người nàng phủ một chiếc chăn vá nhiều chỗ, cáu đen bẩn thỉu. Hai bàn chân gầy yếu trắng nhạt teo lại như chân trẻ con. Hai tay Vân cũng vậy, teo hết, các ngón tay da bọc lấy xương, chỗ cổ tay là nơi những đốt xương phình to ra sần sùi lở loét.
Một mùi tanh nồng bốc lên từ chỗ Vân, sau này Kỉnh mới biết đó là mùi thịt da bị thối loét ở vùng mông và vai do nằm quá dài ngày. Tóc Vân lơ thơ rụng hết. Vân nằm thẳng, con mắt có quầng tím ấy mở to nhìn lên trời lờ đờ vô nghĩa. Khuôn mặt của Vân có gầy sọp lại nhưng anh vẫn nhận ra. Anh nhận ra vì hai mươi năm trời qua anh thường vẫn nằm mơ tới Vân. Anh là thằng hèn nhát. Anh đã không giữ lời thề của anh với Vân. Sau chiến tranh anh không hề tìm Vân. Ánh đèn màu khêu gợi và cảnh nhộn nhip của Sài Gòn đã làm hoa mắt anh. Anh đã quên rằng ở một mái nhà tranh xa xôi vắng lặng đó đã từng có Vân người yêu chung thủy đầu đời của anh. Anh đã say sưa lao vào những cuộc tình mới và cho đến lúc này đây. Anh nào đâu còn hạnh phúc!
...Anh dùng thìa bón cháo cho Vân. Vân ăn rất khỏe mặc dù chỉ là cháo loãng vì gia đình của Vân rất nghèo. Anh chưa kịp múc thìa khác thì cái mồm đó đã há ra như đòi hỏi. Vân chúm môi lại, mút lấy mút để. Ôi bản năng sinh tồn của con người rất mạnh, càng gần đến lúc chết con người lại càng tỏ ra tham lam mãnh liệt. Thật ngu đần thay họ thèm muốn sống, muốn sống nữa, sống nữa, để hít thở thêm nữa chút không khí đâu có trong lành ở cõi trần gian vô nghĩa thô thiển này! Anh thương Vân vô vàn! Khuôn mặt này đã có một lần anh đã nâng lên để hôn đây’? Sao bây giờ nó tiều tụy quá đỗi. Chỉ có làn môi vẫn còn giữ được đường nét. Tuy thế đôi môi hình trái tim đó bây giờ cũng trắng nhạt vì không còn sự sống.
...Hôm nay là ngày thứ ba anh ở đây. Nhìn những bữa cơm có độn khoai mì của gia đình mà anh ái ngại. Anh ở đây nữa làm chi khi Vân không hề biết anh? Khi mà chuyện xưa đã trôi theo thời gian tới hai mươi năm trời đằng đẵng. Anh đến đây làm chi? Thật hèn nhát! Do cuộc hôn nhân đổ vỡ mà anh mới đến! Anh quả là ích kỷ: thì ra anh đến đây cũng chỉ vì anh! Phải chăng lúc này anh là nhân vật thừa tại đây? Anh phải về! Thôi vĩnh biệt những kỷ niệm, những ước mơ của mối tình đầu ngây thơ xa thẳm... Anh chợt nghĩ đến những đứa con nhỏ dại của anh, đêm nay vắng anh không biết chúng nó có ngủ yên không, giữa tiết trời oi bức này? Anh nghĩ đến cái nắp cống xi măng cũ kỹ nứt nẻ luôn tỏa mùi hôi thối là nơi anh vẫn ngồi chữa xe hàng ngày... Chỗ ấy có còn trống không? Hay là lại có người đến chiếm mất rồi, anh bỗng giật mình lo sợ...
Anh dự định đưa hết số tiền dành để mua vé trở về Sài Gòn cho gia đình Vân, rồi anh sẽ ra ga xin đi nhờ. Nghĩ đi nghĩ lại anh lại thôi, anh sợ người ta không chịu...
Sao anh hay như vậy nhỉ? Cứ định làm rồi lại buông xuôi...