Đúng ra chỉ chạy xe khoảng hai mươi phút nữa tới nhà, nhưng Tra đề nghị: "Bây giờ ở lại đây". Chưa hiểu gì tôi chỉ "ừ ừ…" Tra giải thích: "Cả hai đã có chút men bia rồi, về nhà ông rầy rà, sáng rỗi về!".
Ngồi đàng sau xe Tra chở tôi đến khách sạn, trên đường dọc bờ biển. Gần đây non cây rưỡi số là cụm công nghiệp mới lập từ ngày xóa bao cấp, đang độ ăn nên làm ra. Nhà phố san sát lô nhô có tây có ta, cái giả cổ, cái hiện đại, phố mọc lên thêm mấy khách sạn trong đó có khách sạn Hạ Trắng nầy. Không biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có phiền lòng khi tên bài hát của mình được xử dụng tuỳ tiện không? Hỏi thế thôi chứ xin nhạc sĩ họ Trịnh thông cảm vì không có luật lệ nào cấm, tên giữ chữ đặt, danh tánh các Anh hùng dân tộc sử sách ghi rành rành như Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền… mà nhiều bậc sinh thành đời nay còn lấy đặt tên cho con, rồi kêu ngang kêu ngược, huống hồ gì tên bài hát! Theo tôi sai đúng chưa rõ, ở vùng ven biển xưa nắng cháy da người, đi đâu cũng gặp cát, cát nóng phỏng chân nay nhiều doanh nhân đến xây dựng Công ty, Xí nghiệp thu hút con em người địa phương và hàng ngàn nam nữ lao động từ khắp nơi kéo nhau về làm công nhân, làng xóm lên phố, đường sá chỗ láng nhựa, chỗ đổ bêtông láng bóng, giờ tan ca đông nghịt người qua lại, mùa hạ nhộn nhịp trên bãi dưới biển, thì “Hạ Trắng” cho thêm phần thơ mộng.
Trước khi vào đây, tôi cố tìm cách chối từ nhưng Tra thuyết phục hai đứa thân nhau mà trên hai mươi năm rồi mới có dịp gặp nhau, thư giản chút chứ có gì đâu. Tôi đành lòng theo. (Nói các vị đừng cười lâu nay chuyên nghề làm ruộng “tầu điên?” (tiền đâu?) nên tôi chưa một lần bén mảng tới chỗ nầy!)
Tuổi gần năm mươi phong độ và lịch thiệp, Tra chóng vánh làm tất cả các thủ tục ban đầu, rồi giao tôi cho một “em tươi mát” hướng dẫn đi lên phòng số 204. Tôi nói: “Mi đi với tau !” Tra nói: “Một lát sẽ về với ông, lo gì!”.
Khách sạn ở quê mà sang qúa! tôi bẩm bẩm trong bụng…, phòng máy lạnh,ánh sáng mờ ảo, mùi thơm nước hoa phảng phất, và “em…”. Tôi làm dạn hỏi: ““Em” quê ở đâu?”. “Em” lảng tránh câu hỏi, nhẹ nhàng nói giọng ngoài tỉnh, một câu gì đó… tôi nghe không kịp. “Bao nhiêu tuổi?”. “Hai hai” “Đến đây lâu chưa?”. “Mới tuần rồi”. “Tại sao vậy?”. “Hoàn cảnh”. Em hỏi lại tôi: “Anh mới đến đây lần đầu?”. “Ừ!”. “Không dám!”. “Ngó biết hỏi chi!”. “Nhiều người gỉa nai!”. Tôi hỏi “Răng biết?”. “Em” nhìn tôi tỏ vẻ e dè dò xét rồi nói “Khi nhập cuộc… biết liền!”.
Thời gian tíc tắc…
Tra được “cô em” dìu về phòng tôi và nói nếu hai anh muốn “vui vẻ” “em đi” (y đêm). “Anh sẽ phôn” Tra vừa trả lời vừa ngã lăn người xuống giường nệm trải ra trắng muốt, quay qua hỏi tôi: “Massage hay giác”, tôi bảo: “Massage”, rồi giở lưng cho tôi xem những vòng tròn máu tụ lại trên da bằng dụng cụ giác hơi.
Trò chuyện với nhau một chặp Tra ngủ ngáy khò khò…
Hơn bốn giờ sáng, tôi dậy tắt máy lạnh, mở cánh cửa sổ đứng nhìn ra xa xa cảnh vât còn lờ mờ, chợt nghe tiếng gà ở nhà kế bên gáy vang cảm giác dễ chịu. Nơi tôi và Tra đang ở là phố với đầy đủ các tiện nghi hiện đại, chỉ cần bước ra non cây số là nông thôn với biết bao sự vất vả lam lũ của người nông dân, tôi từng nghe nói một lon bia ngoại uống tại đây bằng mấy ký gạo, một chai rượu ngoại tính bằng mấy con bò. Tra nói với tôi so đo làm gì phận số cả, mà đúng thật như vậy Tra học bình thường thôi nhưng giờ có bằng nầy bằng nọ đủ cả, trong số bạn bè ngày xưa nay mỗi đứa một phương trời có người thành đạt ông nọ bà kia, có người không mấy khi nhàn hạ, Tra ở tốp thứ nhất. Tôi hỏi: “Bây giờ mấy đứa con?” “Ba đứa, hai đứa đầu đang du học ở Úc”. “Còn nhớ thằng Bi không?” “Nghe nói đang là giám đốc một sở ở thành phố”. Thằng Nhiêu doanh nhân,thằng…, thằng…
Tôi nói: “Đi với mi từ trưa hôm qua đến giờ tiêu năm triệu, mất một nửa cái vi tính con gái út mà tau dành dụm mấy năm mới sắm được!”. Tra cười cười cho biết vợ vừa trúng đất cát, chi tiền để về thăm quê lo gì. “Mai ông đi với tôi tiếp một buổi nữa”. “Quê giờ không biết thay đổi nhiều không, gần Sài Gòn, ở nơi Tra công tác nông dân phần lớn sống bằng dịch vụ đất cát phất lên nhanh lắm. Nhà cửa, xe cộ toàn đời mới. Bà xã xuống ở với họ mới ba năm cũng phất lên theo!”. Tra kể với tâm trạng phấn chấn. Tôi nói: “Không biết sáng mai làm đất sạ lúa có đi được không!”. “Ông nhờ người làm giúp” Tôi lắc đầu “Chưa chắc có tiền mướn được đâu! Mùa vụ bận lắm, phần ai nấy làm”. Tra gợi ý nhờ người nơi khác - Tôi nghĩ đến Tri tư đề vừa trổ nước vừa làm giúp, trả tiền công cao lên gấp đôi chắc được. Tra kể sắp tới làm luận án Tiến sĩ... nên cần tôi dẫn đi thực tế, tôi nói: “Mi dư biết đi chi mệt”. Tra cười cười…
*
Vừa về tới nhà Tra điện cảm ơn. Nhớ hôm lội đồng một buổi Tra giống như người đến từ ngoài hành tinh, cái gì cũng hỏi, Tra tâm sự quê mình khá hơn lên một chút song nỗi cực nhọc vẫn còn đó. Nắng hạn lúa, màu cần nước tưới mà trạm bơm điện bị lũ lụt bồi lấp không đủ nước, hàng vụ cần phải thuê xe máy nạo vét luồng lạch, bể hút bể xả tốn hàng chục triệu đồng. Nhiều khi do thiếu hụt nước tưới hoặc máy cày làm đất không kịp mà bà con la lối to tiếng mất lòng với nhau!.
Tra đứng tần ngần trước cánh đồng đang ở thời vụ nhộn nhịp, trước mặt là từng tốp từng tốp phụ nữ sắp lối cấy, kế bên nhiều nông dân, thanh niên lõm bõm lúi húi nhổ mộng, Tra thắc mắc tại sao không nhổ khô như mọi khi mà phải đổ nước vào ruộng trên mắt cá chân mới nhổ, tôi giải thích phải làm như vậy nhổ cây mộng mới khỏi bị đứt gốc. Tra gật gật đầu. Chín giờ, tốp cấy lên bờ uống nước nửa buổi, khi các chị tháo bỏ khăn che mặt mũi ra, vui vẻ ăn mì Quảng, Tra mới nhận biết có một chị hồi xưa thiếu chút nữa là vợ của Tra, tôi không tin nhưng sau đó qua cuộc trò chuyện giữa hai người là đúng. Chị Huyên (gọi theo tên con) bẽn lẽn nói nói… ừ ừ… những chuyện ngày xa xưa, Tra đưa máy ảnh đề nghị tôi chụp giùm một kiểu ảnh chị Huyên có Tra đứng kế bên gọi là kỷ niệm, chị quày quảy không chịu, tôi ủng hộ chị, nói với Tra thôi. Mà thôi chứ một người phốp pháp trắng da dài tóc, một người đang cấy lúa ăn mặc áo quần lao động lôi thôi như thế làm sao chụp hình chung được! Tra hiểu ý, cầm máy ảnh xin chụp riêng chị Huyên mấy phô, rồi hứa sẽ gởi ảnh về tặng.
Tra nhắc tôi vào mạng đọc những điều Tra ghi lại qua chuyến đi.
Đoạn cuối trang mail: “Mình ghi nhận những tâm sự hết sức chân tình của Toàn và bà con nông dân quê mình và hứa sẽ cố gắng làm điều tốt đẹp. Chúc Toàn và gia đình mạnh khoẻ & hạnh phúc.Tra./.