Theo tập tục tín ngưỡng dân gian người Việt mình thì hằng năm, những miếu thờ Bà Ngũ Hành ở rải rác trong khắp nội thành, ngoại thành vùng Sài Gòn đều đồng loạt tổ chức lễ vía Bà vào ngày 19 tháng Ba âm lịch, như năm nay là nhằm ngày 9/4/2012 vừa qua.
TÍN NGƯỠNG THỜ “MẪU” BIẾN “NĂM CHẤT” THÀNH “NĂM BÀ”
Từ thời Trung Hoa cổ đại, Ngũ Hành vốn là một khái niệm siêu hình học nền tảng trong các học thuyết về Âm Dương/Ngũ Hành của Khổng tử và Lão tử. Ngũ Hành là năm loại vật chất căn bản, gồm: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa ( lửa) và Thổ (đất). Như giải thích trong kinh Dịch và kinh Thư, năm chất liệu ấy vận động, phát triển theo hướng "tương sinh" và “ tương khắc", đồng thời biểu thị quy luật sinh thành/vận động của toàn vũ trụ, thế giới và cả trong cuộc sinh tồn của nhân loại. Xuất phát từ Trung Quốc, lần hồi thuyết Ngũ Hành được tín ngưỡng hóa, thành sự thờ phượng “vạn vật linh thiêng” rất phổ biến trong nhiều dân tộc Á Đông cho đến ngày nay.
Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành từ phương Bắc, rồi hòa quyện vào những tín ngưỡng dân gian đã có trước, người Việt cổ đã đưa thuyết này vào thờ phượng với những nhận định thực tiễn, giản dị. Chẳng hạn như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hoả hoạn, thì ‘hành’ Hỏa với hình tượng Hỏa thần được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; vùng trồng lúa, trồng màu thờ Thổ thần v.v… Mặt khác, tại nước Việt xưa, so với các tục thờ Thổ Địa, Tài Thần, Chúa Xứ Thánh mẫu.v.v…, tục thờ Ngũ Hành đã xuất hiện muộn nhưng đặc biệt lại được dân gian hình tượng hóa khác đi mà thành tục thờ Ngũ Hành Nương Nương tức một nhóm năm vị nữ thần. Còn muộn hơn nữa là đến năm Duy Tân thứ năm (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn mới sắc phong chung cho năm Bà là các “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần", có phân ra minh bạch là: “Thổ Đức Thánh Phi”, “Hoả Đức Thánh Phi”, “Kim Đức Thánh Phi, “Thủy Đức Thánh Phi” và “Mộc Đức Thánh Phi”.
Nhưng tại sao biểu tượng cho “năm chất tạo nên trời đất” lại là các nữ thần mà không phải là nam thần? Theo cái nhìn sơ khai của các dân tộc trồng lúa nước, sống phụ thuộc vào thiên nhiên - như người Việt cổ - giới tự nhiên có tính “ âm sinh”, bởi từ thời tiền sử, con người nhìn thấy chuyện đẻ đái, sinh ra con người hay sinh ra các con thú, con vật chỉ có từ người đàn bà hay các con thú giống cái. Có thể nói kinh nghiệm thô thiển này của con người vừa ra khỏi giai đoạn bầy-đàn, đời sống xã hội sơ khai còn nặng tính phồn thực, đã là nguyên do có trước tiên trong số những nguyên do dẫn tới chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng thờ Mẫu - biểu tượng thần linh nghiêng về “Mẹ", “Mẹ Đất”. Riêng ở nước Việt xưa, tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian (các thánh mẫu, bà chúa, như: đức Bà Thủy phủ, Thiên Phủ, Địa Phủ, Nhạc Phủ, Man Nương, Bà Chúa Thượng Ngàn.v.v…) đã có từ trước khi Phật giáo truyền vào đất Việt.
Đến lượt năm vị nữ thần Ngũ Hành được tôn thờ thì dân gian tin rằng các Bà có những quyền năng nhứt định đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim khí, nước nôi và cây gỗ, tức đây là nhóm thần linh có thể phù hộ cho đám nông dân, ngư dân, thợ thủ công…, nói chung là hầu hết tầng lớp thứ dân trong xã hội cổ xưa.
Trước kia, Ngũ Hành Nương Nương thường được thờ trong những am, miếu, điện…, phổ biến nhứt là các ngôi miếu lớn, nhỏ mà người dân quen gọi ngắn gọn là “miếu Ngũ Hành” hay “miếu Bà” - không nghe có kiểu gọi “miếu năm Bà”. Tiến về phương Nam, đến vùng đất Gia định cũ, trong đó có Sài Gòn/Tp.HCM ngày nay, tục thờ Bà Ngũ Hành càng được quãng bá rộng rãi, những ngôi miễu Bà xuất hiện khắp nơi, nhứt là ở các vùng nông thôn và vùng ven đô. Ban đầu, người ta thờ Bà bằng bài vị chữ Nho, nhưng mấy mươi năm gần đây, bài vị lần hồi được thay bằng tượng tô, đúc bằng xi măng. Rồi từ màu sơn thân tượng cho đến y áo, khăn choàng khoác ngoài, mỗi Đức Bà (tức mỗi hành) đều có màu riêng biệt. Kim Bà thì mặc áo trắng, Mộc Bà áo xanh, Hỏa Bà áo đỏ, Thủy Bà áo đen (hoặc tím) và Thổ Bà thì áo vàng.
“BÀ” Ở TRONG ĐÌNH, CHÙA, CẢ TRONG KHU PHỐ, NGỎ HẼM
Ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định cũ, do phần lớn giới trung lưu và giới bình dân (tiểu thương, sản xuất tiểu/thủ công nghiệp, lao động giản đơn…), thường tin là Bà Ngũ Hành linh hiển, nên từ xa xưa, trước ngày 30/4/1975, miễu Bà được cất, dựng rải rác, lớn/nhỏ đủ kiểu, liền kề nhau khắp các thôn ấp, đường phố. Như ở quận Gò Vấp (thuộc tỉnh Gia Định cũ, là địa phương có rất nhiều chùa, miễu) chỉ nội trong hai khu phố kề nhau, một thuộc đường Lê Lợi và một thuộc đường Nguyễn Thái Sơn, đã có tới bốn chỗ thờ Bà Ngũ Hành, một miễu ở mặt tiền đường và ba cái kia thì khuất trong ngỏ hẽm, cách nhau chỉ chừng 500 – 600 mét.
Xưa nay, trong đất thổ cư, vườn tược của mình, nhiều nhà giàu đã cúc cung dựng miễu thờ Bà, như ở vùng quận 9 (gần Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ) hiện nay, có những ngôi miễu Bà thật nhỏ, có khi chỉ bằng cái tủ áo, được cất ngay cạnh ao nuôi cá và chuồng gà vịt. Có khi Bà được gia chủ thờ riêng một miễu, khi thì thờ Bà chung với Thổ Địa, Quan Công, Mẹ Thai Sanh… Còn ở nơi thờ phượng công cộng là các ngôi đình làng, kiểu thờ “quần tiên, chư thần” càng phồn tạp hơn. Mang danh nghĩa “đình” là dành để thờ Thành Hoàng (vị nhân thần bảo hộ cho làng, xã), nhưng trong đình thì ngoài bệ thờ Thành Hoàng, luôn luôn có thêm bàn thờ, khám thờ Ngũ Hành Nương Nương, Quan Thánh, Thổ Địa, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Linh Sơn Thánh Mẫu.v.v… Ở những ngôi đình cổ, như đình Minh Hương Gia Thạnh (ở quận 5, xây năm 1797) , đình Phong Phú (ở quận 9, xây năm 1937), đình Phú Nhuận (đã hơn 150 năm tuổi), đình An Phú (ở quận 12, khoảng trên 250 năm tuổi).v.v…, thì hằng năm, bà con bá tánh cúng vía Bà cũng lớn không thua gì lễ vía Thành Hoàng địa phương.
Một điểm đặc biệt nữa là dù chỉ là các nữ thần thuộc tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc hàng “chư Phật” trong Phật giáo, Bà Ngũ Hành vẫn được thờ trong chùa (chính danh là cửa Phật), nhưng phải là với những ngôi chùa cổ theo phái Đại Thừa, chứ không ở những ngôi chùa theo phái Tiểu Thừa, nhất là những chùa tân thời, mới xây dựng gần đây, như trường hợp chùa Quảng Đức (ở quận 3). Do vậy, trong khuôn viên một số ngôi chùa cổ, như chùa Phổ Đà Quan Âm (quận Gò Vấp), chùa Vạn Thọ (quận 1), chùa Bình An (quận Bình Tân), hay chùa Bửu Long sơn tự ở tận Dĩ An (Bình Dương).v.v…, những ngôi miễu Bà đều được bà con thắp nhang, thay hoa quả thường xuyên.
Được thờ cúng từ ở những ngôi miếu khang trang, lộng lẫy, cho đến những bàn thờ, trang thờ nhỏ bé, đơn sơ tại tư gia, có thể nói “Bà” là nhóm thần linh rất gần gũi với bá tánh. Thậm chí ở vài cái miễu trong ngỏ hẽm – có khi nhỏ hẹp đến nổi chỉ bằng hai, ba chiếc chiếu trải ra - miễu vẫn còn là “hộ khẩu 1 người”, người coi sóc miễu ăn ở, sinh hoạt luôn ở phía sau bàn thờ Bà.
VÍA BÀ CÓ BÓNG RỖI HÁT, TẾ…
Theo đúng tục lệ thì lễ vía Ngũ Hành Nương Nương là vào ngày 19 tháng Ba âm lịch hằng năm, nhưng có vài nơi cúng trễ hơn, như ở ngôi miễu Bà nẳm ở đường Phan Văn Khõe, gần chợ Bình Tây (cất năm 1970), lại cúng Bà vảo ngày 23 tháng Ba. Cũng theo đúng lệ thì vào kỳ vía, các miễu Bà phải mời đám bóng rỗi – thường là dân pêđê nam – đến hát, tế, múa dưng bông… Trước đó, bà con thường xúm nhau “đấp y cho Mẹ”, là nghi thức lau chùi, sơn sửa, thay áo, mảo mới cho các pho tượng Bà.
Riêng ở một ngôi miễu nhỏ nằm trên đường Lê Lợi (phường 3 quận Gò Vấp, sẽ bị giải tỏa để mở đường), thì theo chị Dung, người vừa coi sóc miễu vừa có nghề tế bóng rỗi, bà con ở đây vẫn có lệ riêng là hễ lúc nào có ai phát tâm cúng Bà là cứ nhờ chị tổ chức mâm lễ, chứ không cần chờ đến kỳ vía tháng Ba âm lịch. Còn theo bà Ba Thích, thuộc gia đình bỏ công bỏ của cất ngôi miễu này từ hồi năm 1950, cứ ba năm một lần, ngoài kỳ vía Bà vào ngày 19 tháng Ba ÂL, gia đình bà đều giữ đúng lệ, chọn một ngày khác để cúng tạ Ngũ Hành Hành Nương. Bà Ba nghiêm trang giải thích: “ Mẹ Mẫu đã gia ơn phò hộ bấy lâu nay thì gia đình tôi mới được mạnh khỏe, bình an, con cháu đầy đàn và làm ăn đều thuận lợi…”.
Chú thích ảnh: Lễ vía Bà ở miễu Ngũ Hành nằm trong một con hẽm nhỏ đường Lê Lợi ( phường 3 Gò Vấp)