Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.172
123.147.255
 
Dòng Nhạc Dấn Thân Của Nguyễn Phú Yên
Tôn Thất Lập

Miền Trung những năm 1960 là thời kỳ bão táp của những đổi thay chính trị và xã hội.Tất cả đã dội vào tâm hồn những sinh viên, học sinh của thành phố Huế nhỏ bé. Từ năm 1963, bắt đầu những cuộc xuống đường mãnh liệt của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là của sinh viên học sinh, đã lôi cuốn nhiều thanh niên hòa vào dòng chảy lịch sử. Cả giới trẻ dường như đã thức tỉnh. Những tờ báo sinh viên, những bài thơ, bài nhạc nói lên lòng yêu nước, sự khát khao đổi đời đã làm rung động bao tâm hồn thanh xuân. Năm1961-1962 Nguyễn Phú Yên cùng anh em làm tờ báo viết tay mang tên Hoa Thời Gian, tờ báo sống được hai năm. Năm 1966 anh bước chân vào giảng đường đại học. Mùa hè anh thường có mặt ở 55 Trần Hưng Đạo, trụ sở của Hội đồng nhân dân tranh thủ cách mạng TP Huế, rồi lên xuống nhà in Nguyễn Đình Hưởng ở đường Bạch Đằng, theo dõi và tham gia viết bài cho tờ báo ra hằng ngày của lực lượng tranh đấu. Học dự bị văn khoa, anh gửi bài cho tờ Đỉnh Triều của nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Huế, bắt đầu một quá trình nhận thức của người sinh viên trẻ. Lúc này Trịnh Công Sơn đã hát những ca khúc về thân phận da vàng, Miên Đức Thắng với những bài ca phản chiến tại giảng đường Văn khoa. Rồi thơ của Thái Luân, Chu Sơn, Trần Quang Long… thổi làn gió mới trong tâm tư giới trẻ. Cũng từ đó anh cùng với nhóm bạn thân chủ trương tờ báo ronéo Hành Động ra mắt vào cuối năm 1967 như một thử nghiệm cho con đường hoạt động văn học nghệ thuật của nhóm, tờ báo in roneo và bìa in typo. Cũng thời gian này, anh thực hiện chương trình nhạc chủ đề hằng tuần trên Đài phát thanh Huế, quy tụ một số ca sĩ sinh viên học sinh nổi tiếng lúc bấy giờ. Các chương trình được chăm chút kỹ với các chủ đề như Mùa thu, nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Tôn Thất Lập… Anh tham gia các hoạt động văn nghệ của sinh viên Huế như các buổi đọc thơ và hát nhạc yêu nước do Ban đại diện Sinh viên sư phạm tổ chức vào tháng 12-1967; hai đêm không ngủ tại sân trường Đại học Khoa học và Văn Khoa Huế do nhà thơ Ngô Kha phụ trách vào tháng 8-1968; đêm nhạc Tôn Thất Lập tại giảng đường C Đại học khoa học Huế do Hội đồng Sinh viên liên khoa Huế tổ chức vào tháng 11-1968… Những hoạt động này cùng với cao trào tranh đấu của sinh viên là thực tiễn sinh động, là nguồn suối cảm hứng để anh tiếp bước vào con đường sáng tác âm nhạc. Với anh, sáng tác như một nhu cầu cần thiết và bằng cách riêng của mình, nói lên tâm tư, nguyện vọng của một lớp trẻ đô thị lúc bấy giờ. Có lẽ đấy là nỗi niềm không chỉ của riêng anh mà còn là của đông đảo sinh viên, thanh niên cùng trang lứa.

 

Sáng tác trong bối cảnh thời chiến như thế cho nên hầu như anh không có nhiều tình khúc. Có lẽ đó chính là mâu thuẫn nội tại của một người sáng tác trẻ: trong một hoàn cảnh cực đoan nào đó có thể không cho phép ca ngợi tình yêu riêng tư. Anh đã chấp nhận con đường sáng tác đó để dễ dàng hòa nhập vào phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh bấy giờ.

 

Nội dung ca khúc Nguyễn Phú Yên bắt nguồn từ các nguồn cảm hứng: ngợi ca cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc, ngợi ca hình ảnh của người đi chiến đấu vì đất nước; cuộc tranh đấu chống đế quốc của tuổi trẻ đô thị miền Nam; tình yêu quê hương đằm thắm, cuộc sống tươi đẹp và niềm mong ước hòa bình, độc lập.

 

Khởi đi từ những rung cảm như thế, sau ngày ra trường, anh gửi đến bạn bè sáng tác đầu tay Thuyền em đi trong đêm vào dịp đầu năm học 1969-1970. Bài hát được phổ biến trong các chương trình văn nghệ sinh viên và trong phong trào đấu tranh đô thị. Trong bài báo tựa đề Đường đêm lấp lánh sao trời đăng trên nhật báo Điện Tín ngày 27-12-1973, GS Lý Chánh Trung viết: “Tôi nhớ tới bài hát của một nhạc sĩ trẻ tuổi miền Trung, tả cảnh cô gái quê trong đêm bơi xuồng đến gặp người chiến sĩ:

 

Đêm nay có thuyền em đi

Thuyền trôi nhanh đến nơi đầu sông

Đường đêm lấp lánh sao trời

Mà em vui vững lòng đi tới

 

Bài hát thật tươi mát, nói lên niềm tin trong thời chiến. Bây giờ niềm tin ấy phải được chuyển sang thời bình, biến thành động lực thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc. Con đường hòa giải sẽ là con đường gian khổ, gập ghềnh, hun hút trong đêm. Nhưng trong đêm, sao trời vẫn lấp lánh…”.

 

Bài hát Thuyền em đi trong đêm đã được các đoàn văn nghệ sinh viên ở Canada, ở Đức, Bỉ, Pháp… dựng thành tốp ca nữ hay các hoạt cảnh rất duyên dáng và hấp dẫn. Sau sáng tác này, anh viết tiếp: Nhà em dưới núi Trường Sơn, Gửi về anh lúa chín vàng quê em, Mẹ vẫn chờ em (thơ Tần Hoài Dạ Vũ), Đất nước chờ em (thơ Võ Quê)…

 

Để đáp ứng cho yêu cầu đấu tranh trực diện trên đường phố, Nguyễn Phú Yên đã có những sáng tác kịp thời. Anh đã khai thác các yếu tố động trong chèo, tuồng, hát bội để đưa vào các sáng tác dạng nhạc cảnh, liên khúc là thế mạnh của phong trào. Với ca khúc Công trường chiều nay (thơ Võ Quê), tôi đã viết kịch bản để biên đạo Tùng Linh dựng thành một hoạt cảnh tái hiện cuộc tranh đấu trên đường phố của học sinh, sinh viên trong chương trình của Đoàn văn nghệ Sinh viên Sài Gòn. Bên cạnh đó, các ca khúc Tiếng gọi thanh niên, Sài Gòn ơi vùng lên, Tiếng hát thanh xuân trên thành phố miền Nam… có đủ các yếu tố để soạn thành những tổ khúc hợp xướng, các liên khúc hợp ca nhiều bè…

 

Ngay giữa cuộc đấu tranh khốc liệt, bên cạnh các bài hát mang tính thúc giục, Nguyễn Phú Yên còn thổi vào lòng người niềm tin, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, đó cũng là điểm đến của những tấm lòng vì dân, vì nước. Niềm hy vọng đó là có thật, anh đã gieo những âm thanh thật trong sáng, thật hiền hòa nhưng mãnh liệt: Tiếng chim rừng hát mừng sông núi, Gió hòa bình đã thổi (thơ Tần Hoài Dạ Vũ), Tiếng hò trên ruộng đồng quê ta, Cô giáo trẻ trên bản làng xa…

 

Về ngôn ngữ âm nhạc: ở hầu hết sáng tác của mình, anh đã sử dụng nhuần nhuyễn hệ thống thang âm ngũ cung trong dân nhạc Việt Nam. Dòng nhạc dấn thân của anh đậm đà bản sắc dân tộc, được dàn trải trên những tiết tấu hiện đại, vì vậy âm nhạc của anh tuy hòa chung vào dòng nhạc phong trào nhưng đã sớm bộc lộ một sắc thái riêng rất dễ nhận biết. Nguyễn Phú Yên đã thể hiện được bản lĩnh sáng tạo trong việc đổi mới ngôn ngữ và bút pháp.

 

Với dòng nhạc dấn thân trong chiến tranh, ngày nay sáng tác của anh rất dễ hòa nhập vào cộng đồng trong thời bình vì anh đã xây dựng một nền tảng vững vàng trên gốc rễ của âm nhạc dân gian truyền thống cộng với những thủ pháp phát triển hiện đại anh thường vận dụng, đó là con đường của một tác giả đầy triển vọng trong sáng tạo âm nhạc./.

 

 

Tôn Thất Lập
Số lần đọc: 1972
Ngày đăng: 10.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đức Tiến Những Ca Khúc Lạ Thường Trong Một Thế Giới Lạ Thường. - Nguyễn Tấn Cứ
Thanh Tâm Tuyền với bài thơ LỆ ĐÁ XANH hay NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU - Nguyễn Việt
“Thuyền Viễn Xứ” trong tâm thức hoài hương - Đào Trường Phúc
Đời Sao Buồn Chi Mấy Cố Nhân Ơi (* ) - Huyền Chiêu
Bao Giờ Ta Về Với "Mẹ"? - Trung Nghĩa
Nghĩ Về Hai Bài Thơ Mưa Chưa Ðược Phổ Nhạc - Trần Văn Nam
Đi Xem Dàn Nhạc Giao Hưởng Việt Nam - Nguyễn Thị Hải Hà
Giữ Trong Tim Được Không ? - Huyền Chiêu
Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam - Nguyễn Việt
Người Từ Trăm Năm Về Phai Tóc Nhuộm - Huyền Chiêu
Cùng một tác giả