Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
912
123.136.169
 
Từ Oscar Salemink đến Buôn Ma Thuột.
Đinh Lê Na

 

Nhà nhân học Oscar Salemink [1]

 

Tôi bắt đầu tiếp cận với các nghiên cứu của GS Oscar Salemink thông qua khái niệm ethography (dân tộc ký) [2] vừa là tên gọi một ngành học cũng là một phương pháp nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn. Ethography được ghép từ hai chữ gốc Hy Lạp là ethnos (θνος, con người/dân gian) và graphein (γράφειν, viết), là phương pháp định tính thu lượm dữ liệu thông qua quan sát, phỏng vấn và sưu tập để viết khảo luận. Phương pháp thực hiện qua 2 bước: khảo sát điền dã và phân tích, viết khảo luận. Các dữ liệu thu thập ở bước thứ 1 thường là dữ liệu sơ cấp (primary sources).

 

Theo truyền thống ngành nhân chủng học, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái Pháp và Anglo- Saxon phân biệt nhau ở cách tiến hành nghiên cứu. Trong khi một bên có sự phân định rạch ròi giữa các nhà dân tộc học hàn lâm tại mẫu quốc (Pháp) và các nhà dân tộc học nghiệp dư nghiên cứu thực tế tại bản địa; bên còn lại coi việc “chìm ngập ít nhất một năm ở một làng nào đó” mới là công việc hiện trường thực sự [3]. Việc phân định rõ ràng theo cách thức của các nhà dân tộc học Pháp sẽ bỏ qua yếu tố ảnh hưởng của địa phương khi mẫu quốc tiến hành các chính sách dân tộc cho quá trình thực dân của mình. Ở với Việt Nam, trong suốt thời gian dưới thời kỳ Pháp cai trị, nhiều nghiên cứu dân tộc đã được thực hiện với bước đầu là thông qua những cuộc truyền giáo. Đó cũng là quá trình thể chế và chuyên môn hóa phương pháp dân tộc ký mà sau này đã xây dựng thành giáo trình cho sinh viên (Mauss, Marcel 1947, Giáo khoa dân tộc ký, Viện dân tộc học). Qua đó, nhấn mạnh việc thâm nhập hiện trường nghiên cứu (sống tại địa phương, được đặt tên theo cách gọi địa phương) trở thành điểm mốc quan trọng thay đổi cách tiếp cận vấn đề dân tộc của các nhà nghiên cứu nước ngoài ở Việt Nam.

 

Tiếp nhận phương án nghiên cứu đương đại này, năm 1991, lần thứ 2 GS Salemink đến Việt Nam, nơi mà ông đã rất quan tâm từ thời sinh viên, tiến hành những cuộc khảo sát điền dã đến vùng Tây Nguyên [4] để kể lại câu chuyện về lịch sử dân tộc ký cũng như mối liên quan với các vấn đề thực dân của vùng đất này. Không những vậy, ông còn thâm nhập và tìm hiểu về vùng đất có đời sống văn hóa phong phú và giàu bản sắc dân tộc, của những tộc người Ê Đê, Barnah, Gia Rai,…thường được gọi dưới tên là người “Mọi” (Mois) hay người Thượng (Montagnard, Highlanders), các vấn đề về lịch sử nhân học tại nước thuộc địa, tìm hiểu các vấn đề đồng cốt ở miền núi phía Bắc (Hòa Bình) và xuất bản nhiều đầu sách, tham luận về chủ đề này [5].

 

Đến Buôn Ma Thuột [6]

 

Theo các hướng dẫn về dân tộc ký và khảo sát điền dã, tôi quyết định tự thực hiện một chuyến đi ngắn tới Buôn Mê Thuột với mục đích thực nghiệm một phần phương pháp dân tộc ký đã biết trên lý thuyết và bước đầu tìm hiểu những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến vùng đất Tây Nguyên.

 

Dựa vào cách GS Salemink chuẩn bị cho chuyến đi điền dã năm 1991 của mình, tôi cũng bắt đầu từ việc tìm hiểu các thông tin cần thiết để có thể tự vạch cho mình một hành trình và mục tiêu. Vì chuyến đi tương đối ngắn ngày, sau khi cân nhắc tôi chọn phương tiện di chuyển là ô tô và hệ thống giao thông công cộng địa phương. Từ đó, qua những quan sát dọc đường, trên các tuyến chọn sẵn, tôi sẽ có được những nhận định bước đầu về những địa danh tôi đi qua, cũng là cơ sở khi tôi muốn quay lại tìm hiểu kỹ hơn sau này. Nguyên tắc đặt ra trong quá trình khảo sát là dừng lại ở việc quan sát, chụp ảnh, có giao tiếp nhưng không can thiệp.

 

Buôn Ma Thuột xưa là Buôn làng của người Ê Đê (làng của Cha Thuột), nay đã được thay thế bằng một đô thị với những con đường rộng rãi sạch sẽ, nhiều cây xanh và khá hài hòa trong kiến trúc. Nếu đứng trên góc nhìn về một đô thị hiện đại, thì Buôn Mê đã làm được việc mà nhiều đô thị khác phải đau đầu. Đó là tạo dựng được một không gian dành cho người đi bộ, không gian công cộng với vườn hoa, công viên, cây xanh, những tòa nhà thấp tầng, những công trình điểm nhấn,…Nhưng, hãy nhìn sâu hơn một chút vào những ảnh hưởng của đô thị hóa từ những chuyến xe bus của hệ thống giao thông thành phố tỏa ra khắp khu vực xung quanh.

 

Trên dọc tuyến Buôn Mê – Lak hay Buôn Mê – Bản Đôn – Easup, có khá nhiều hành khách là người dân tộc bản địa. Với vẻ ngoài hơi luộm thuộm, có chút nghèo nàn, họ vẫn cười nụ cười vô tư vốn có, nụ cười mà tôi đã thấy qua những bộ phim, bức ảnh xưa. Hôm nay, họ cũng đã quen với những phương tiện di chuyển hiện đại, với sự kiểm soát hành chính bằng số nhà, với việc xây dựng nhà sàn mái tôn có hệ thống thu nước mái, với việc phục vụ du khách. Thì đâu đó, ta vẫn gặp những cô những bà với váy áo truyền thống địu con đi xe bus, những em học sinh trong trang phục hiện đại trao đổi với nhau bằng thứ tiếng của mình. Gầm nhà sàn không chỉ là chỗ cho trâu bò mà còn là nơi nghỉ ngơi, chứa củi, để xe,…Trong nhà sàn, vẫn là chỗ của gia đình, vẫn là không gian của khách khứa và riêng tư.

 

Nhưng những ngôi nhà dài không còn dài như xưa nữa [7], truyền thống gia đình thay đổi hay nguồn nguyên liệu làm nhà đã cạn đi. Có lẽ cả hai. Chỉ biết, trong buôn Súp tôi đến, ngay trung tâm làng là ngôi nhà dài xây bằng xi măng, bỏ không, kính vỡ, được lũ dê chọn hành lang làm địa điểm trú ngụ. Theo những gì tôi được nghe, những ngôi nhà dài cũng như nhà Rông của người BarNah, Gia Rai thường được chính quyền địa phương xây dựng và tặng lại cho làng làm nơi sinh hoạt chung, nhưng ít được dân làng sử dụng [8].

 

Còn một điều tôi đi tìm mãi mà không gặp, là tiếng Chiêng. Lúc đến bản, nghe tiếng karaoke, tôi đoán chừng có tiệc tùng. Quả là có tiệc, một đám cưới, theo cách như người Kinh vẫn làm, chỉ khác là ở trong nhà sàn. Cũng bàn tròn, ghế cao, cũng hát nhạc, uống rượu ầm ỹ,…Có vẻ, sự tiện lợi và vui vẻ của karaoke đã đẩy lùi sự cần thiết của tiếng Chiêng xưa trong những dịp trọng đại rồi chăng?

 

Cuối cùng, sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến một phần dân cư khác mà tôi gặp khá nhiều trên đường đi quan sát, người Kinh di cư đến đây. Có thể nói, họ là lực lượng chính tạo dựng nên tên tuổi của đất cà phê nhưng cũng là lực lượng biến những cánh rừng thành những hàng cao su thẳng tắp. Cũng chính họ xây dựng đường xá, hệ thống giao thông, bệnh viện, hay những ngôi nhà Dài nhà Rông bằng xi măng, xây dựng các khu du lịch và biến những vùng đất xưa vốn hoang vu thành thị tứ tấp nập. Rồi cũng chính họ “bảo tồn” Cồng Chiêng bằng công nhận Unesco và nâng lên tầm lễ hội.

 

Tôi kết thúc chuyến đi nhỏ của mình trong miên man quá nhiều suy nghĩ chưa có lời giải. Mọi thứ dường như đã khác với những mô tả khi xưa, hiện đại có, truyền thống còn nhưng sẽ còn được bao lâu?

 

……..

[1] GS Oscar Salemink hiện đang giảng dạy tại Đại học Amstecdam Hà Lan, chuyên ngành nhân học (từ T2.2012), giữ vai trò đại diện Quỹ Ford ở Việt Nam và Thái Lan từ 1996 – 2001.GS Salemink đã thực hiện nhiều các nghiên cứu về Việt Nam, luận án tiến sĩ của ông về chủ đề dân tộc ký ở Tây Nguyên. Ông đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1987.

 

Ngoài ra, ông còn quan tâm đến các chủ đề như lịch sử nhân học, sự phát triển và xã hội dân sự, quyền con người, văn hóa thừa kế, tôn giáo và sự chuyển đổi trong tín ngưỡng.

 

Trang nhà của GS Salemink tại

 http://anthropology.ku.dk/staff/beskrivelse/?id=403491&f=1,

trang Facebook https://www.facebook.com/#!/profile.php?id=1347767200

 

[2] tìm hiểu thêm về phương pháp dân tộc ký tại

http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A2n_t%E1%BB%99c_k%C3%BD

 

[3] Theo bản tóm lược “Dân tộc ký: một món võ trong chính sách dân tộc thời kỳ 1930 - 1945” của GS Oscar Salemink.

 

 [4] Cụ thể là thị xã Kon Tum, Kon Tum; huyện Ayunpa, Gia Lai; huyện Di Linh và Bảo Lộc, Lâm Đồng . Cũng theo GS Salemink (2003:8) do sự hạn chế người ngoại quốc tiếp cận địa bàn tỉnh Dak Lak trong suốt thời gian ông thực hiện nghiên cứu nên ông chỉ có thể đến được tại các địa điểm nêu trên. Theo các tài liệu về các dân tộc Việt Nam, khu vực Tây Nguyên là địa bàn sinh sống chính của người Ê Đê và GiaRai, Bahnar và nhiều dân tộc thiểu số khác, thường được biết đến với nhà dài của người Ê Đê, nhà rông của người Bahnar, Giarai; trường ca Đam San, Xing Nhã và văn hóa Cồng Chiêng hay tiểu quốc Hỏa Xá, Thủy Xá. Tác phẩm “Salemink, O 1997, ' The king of fire and Vietnamese ethnic policy in the Central Highlands ', in D McCaskill & K Kampe (eds) , Development or domestication?: Indigenous peoples of Southeast Asia Silk Worm Books, Chiang Mai, pp. 488-535” kể về nhân vật Hỏa Xá, vua Lửa của người GiaRai, ngày ông vẫn còn sống.

 

[5] Danh sách các ấn phẩm có thể tìm thấy tại trang nhà của GS Salemink theo địa chỉ trên.

 

[6] Buôn Ma Thuột, trung tâm của tỉnh Đak Lak, đồng thời cũng được mệnh danh là “thủ phủ Tây Nguyên” hay “thủ đô cà phê”. Thông tin về Buôn Ma Thuột có thể tham khảo tại http://vi.wikipedia.org/wiki/Bu%C3%B4n_Ma_Thu%E1%BB%99t.

 

[7] Nhà dài – một trong những đặc trưng của người Ê Đê theo chế độ đại gia đình mẫu hệ, nhà được nối dài theo số lượng con gái lấy chồng, xem thêm tại http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_d%C3%A0i_%C3%8A_%C4%90%C3%AA

 

[8] Xem thêm tại bài viết “Nhà rông thời bê tông cốt thép”

http://ashui.com/mag/index.php/tuongtac/goc-nhin/96-goc-nhin/1932-nha-rong-thoi-be-tong-cot-thep.html

 

 

Đinh Lê Na
Số lần đọc: 2787
Ngày đăng: 10.04.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Xã hội hiểu qua lăng kính Hàm số - Lê Hải*
Dân tộc và Huyền thoại - Lê Hải*
Bản sắc Việt xuyên quốc gia - Lê Hải*
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Tý/Tử *chút chuột (phần 10A) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Mão/Mẹo/mèo - Nguyễn Cung Thông
Xin Tiếp Lửa Cho Ông Đinh Kim Phúc - Hà văn Thùy
Lối Sống Ngưới Hà Nội Qua Ba Thế Hệ Một Gia Đình Trí Thức - Hoàng Hưng
Thế Nào Là Người Hà Nội? - Lê Phú Khải
Thâm thúy và đáo để - Đỗ thị Đông Xuân
Sự Hình Thành Dân Cư Ấn Độ - Hà văn Thùy