Có một thuở, anh nhớ lại, nhưng không thể nhớ rõ thuở ấy là thuở nào. Thị trấn anh đặt chân tới lúc đó là thị trấn nào, lạ hoắc. Anh nhớ lại, đấy là một thuở buồn rầu. Lúc ấy anh không làm gì khác ngoài buồn rầu. Anh không thể làm gì khác ngoài cái việc dong dạo đơn độc, chỉ dong dạo đơn độc mà thôi. Tình trạng lúc ấy xem ra rất giống lúc này, ấy tuy nhiên lại không giống lúc này. Ở thị trấn sương mù, anh có Th. để gặp gỡ. Anh có nỗi buốt giá hoang vắng cô tịch của nơi chốn, anh có nỗi dịu dàng của người thiếu phụ anh yêu thương.
Một thuở anh nhớ lại, anh đi dạo đơn độc như danh nhân nọ; xem ra rất giống mà không giống danh nhân nọ. Jean-Jacques Rousseau đi dạo đơn độc tám năm trong điền trang một vùng quê. Những con đom đóm chập chờn ở vùng quê khắp các quốc gia trên toàn thế giới, hẳn nhiên chúng cũng chập chờn ở điền trang nơi Jean-Jacques Rousseau trú ngụ, chập chờn cùng bóng dáng một mệnh phụ phu nhân đương thời. Thị trấn không tên, nơi anh đã đặt chân tới thuở ấy, có những con đom đóm hay không, anh không thể nhớ. Có Liên, duy nhất có Liên. Liệu anh có gắn bó với chờ đợi một bóng dáng được hứa hẹn?
Liên, cô gái chỉ là một tên gọi; Liên, chủ nhân đích thực ngôi nhà, ông Huân bảo vậy; nơi anh, gọi là nơi thuê trọ, ấy tuy nhiên không phải trả tiền. Từ thị trấn không tên, từ ngôi nhà ấy, anh đã viết thư gửi ông Huân, anh vẫn gọi là Ông Huân Tước, người xem ra đích thực bảo trợ anh, ở Sài Gòn: Có lẽ tôi thua rồi, đời tôi sắp đi-đời-nhà-ma mất rồi: ở đây tôi chết đói tiếng động. Ngôi nhà này, thị trấn này, sao mà vắng lặng đến thế? Bằn bặt. Tiếng chim trong vườn, nếu có, mà dường như tôi ngờ rằng không có, tôi chưa được nghe tiếng chim trong khu vườn của ngôi nhà này, ở thị trấn này; tiếng chim có cất lên cũng lọt thỏm vào trống không. Vậy mà ông bảo tôi cứ thanh thản ở đây. Ông bảo tôi sẽ gặp cô em họ của ông, Liên, mà ông luôn gọi là người nữ định mệnh, ông gọi bằng tiếng Pháp, femme fatale; phải gặp để phục sinh cuộc sống đáng sống, ông bảo vậy. Tôi đã chờ đợi. Bây giờ thì tôi chỉ chờ đợi một thứ duy nhất, tiếng động. Tôi chỉ cần tiếng động, cây cỏ chỉ cần giọt sương. Tôi, cây cỏ, chỉ cần có tiếng động - giọt sương để sống.
Anh ở một trong ba căn phòng. Ngôi nhà mái ngói âm dương thấp xoải, cũ kỹ , hiu quạnh trong nơi chốn của nó, một thị trấn không tên; không phải thị-trấn-miền-đông của Ông-anh-thi-sĩ Viên Linh, không phải thị-trấn-sương-mù của Th. Thị trấn không tên, sao hiển hiện gương mặt của nhà văn anh từng thân thiết một thời, một thời ông còn hiện diện ở trần gian, Lý Hoàng Phong. Thân thiết nhà văn qua hình ảnh người em, thi sĩ Quách Thoại; qua tiếng hát vọng tưởng của Đoàn Thị Hương, em gái của hai người. Nhà văn trọng tuổi ấy ngồi trước sân nhà (ngôi nhà này?) Trên chiếc ghế gỗ cũ kỹ. Ngồi vô vị, ngồi thẫn thờ, ngồi mất định vị phương hướng…
Anh ở đây, ông Huân bảo, để thay mặt ông gần gũi bà cụ, mẹ ông. Bà cụ ở ngôi nhà cách đấy chừng nửa cây số, có gia nhân túc trực trông nom, chăm sóc.
Tất nhiên Ông Huân Tước gửi thư phúc đáp. …Chú không ở đây thì chẳng có nơi nào thích hợp hơn với chú nữa… Anh tự hỏi, sao ông Huân không nói thẳng ra rằng anh đã cùng đường, rằng chẳng còn đâu nữa nơi chốn dung thân? Ông Huân lại trưng ra sự tệ hại của tiếng động, minh chứng tiếng ồn nơi thành thị là hoàn toàn xấu đối với sức khỏe
…Còn như chú phải canh giữ vườn trái ruộng nương sợ chim chóc phá hoại, tôi sẵn sàng mua về máy phát thanh tiếng heo bò rống ở lò sát sinh, để xua đuổi chúng… Hay tôi biểu ở dưới ấy dẫn điện vô nhà, mua máy cát-xết để chú nghe nhạc… Anh nghĩ, ông Huân có thể tiếp tục: nếu không có hoa để ngắm, ông sẽ mua ở Sài Gòn, gửi về đây đủ loại hoa giấy, hoa vải, hoa ny-lông…
Gia nhân của ngôi nhà mau mắn sắp xếp cho anh ở căn phòng giữa. Ông Huân Tước đã căn dặn như vậy, hoặc tất nhiên như vậy. Căn phòng phía trái là nơi ở của Liên; cô gái không thể xa rời thêm một mét ngôi mộ người cha, bên hông phía trái ngôi nhà. Phía bên phải, người em họ của Liên, chàng trai tên Tân gì đó, ông Huân bảo, cũng bất chợt về đây trú ngụ. Anh ta chỉ ở căn phòng ấy, duy nhất căn phòng ấy, không thể xa rời một ly tấc cây đại hồ cầm của một người rất thân đã quá vãng, ông Huân bảo vậy.
Anh chưa từng thấy ngôi nhà tương tự nào bố trí, ngăn chia đều đặn, riêng biệt như vậy. Những vách ngăn bằng gỗ đã bóng ngời xưa cũ, hẳn được đóng ghép như vậy từ bao lâu rồi. Giống phòng trọ trong nhà nghỉ, để anh có thể gọi ngôi nhà này là khách sạn của một vùng quê vắng lặng, bặt thinh.
Ở đây, thốt nhiên anh nhớ người thầy dạy tiếng Pháp, ông Đặng Tương, hơn anh vài tuổi. Building Cửu Long tại Sài Gòn, ông cư ngụ sau khi rời trường đại học Sorbonne về nước. Ông dạy môn tiếng Pháp, dĩ nhiên, tại một trường trung học nổi tiếng, trường Chu Văn An, một trường Bắc Việt di chuyển vào thủ đô của miền Nam. Ông chỉ chọn một người học trò, và tác phẩm của một tác giả ngoài chương trình, La nausée của Jean-Paul Sartre. Anh biết ông là kẻ bị ám. Nhân vật của tác phẩm ấy, người học trò ấy, hai cá thể tuyệt đối, có ý nghĩa với ông. Cậu làm thơ phải không? Ông nhìn và biết anh làm thơ. Ông bảo người học trò viết dòng thơ nào đó của hắn, trên trang đầu quyển sách không lúc nào rời ông.
Té ra nỗi chết trong đêm hoài vọng
Riêng hắn thôi an ủi nỗi niềm
Ông nói, rất nhiều đêm, ông nằm trừng ngó cái trần của căn phòng hoen ố. Căn phòng câm nín ấy, cũng còn may là có những con muỗi không ngớt kêu vo ve.
Anh nhớ lại hành lang tối bẩn chật hẹp, bốc mùi tanh nồng ẩm mốc. Ông nằm cứng đờ, xám xịt ở phía dưới cái giường đơn chăn - drap nhầu nhò. Lọ thuốc ngủ còn lại vài viên, nằm ngay ngắn bên cạnh ông, sát chân giường.
Con chó anh mang theo về đây tự dưng đi mất.
Anh không thể ngủ, nhìn trân lên nóc ngôi nhà. Mái ngói âm dương, những vì kèo cũ đen; anh biết những thứ ấy đang dàn trước mặt, trong bóng tối của ngôi nhà.
Anh chợt nghe tiếng động, tiếng rên nhỏ, tiếng của sợi dây kim loại đang rung. Anh trở dậy, nhìn quanh căn phòng. Không, không phải con chó của anh trở về, rên nhỏ bên giường như anh mơ thấy đêm nào.
Anh nhớ lại, thư của ông Huân vẫn nhắn nhủ …Liên, Liên, người nữ định mệnh ấy, số phận sẽ dành ân sủng cho Liên. Cuối cùng Liên sẽ gặp chú, chú Đăng ạ. Dưới-đáy-vực-cô-đơn, chú sẽ gặp chính mình như vậy, như Liên…
Anh nghe tiếng phừng phựt đột ngột. Ai đấy vừa kéo mạnh phím dây đại hồ cầm, ngay trong căn phòng phía bên phải. Tiếng rên bất chợt, ngắn ngủi, lụi tắt, lại nổi lên từng hồi; có lẽ từ một âm vực sâu kín nổi lên từng hồi, rung trong không gian trống vắng.
Bỗng chốc tiếng thở hổn hển muốn bứt hơi, của kẻ bị rượt đuổi. Tiếng phừng phựt liên tiếp của phím dây đại hồ cầm. Tiếng hổn hển và rõ lên từng lời Không chịu nổi nữa đâu… Thôi Tân. Thôi đừng. Ối Liên chết mất. Tiếng nói khác, cùng lúc nổi lên; nổi lên rồi rung nhẹ một hồi ngắn ngủi Ôi Liên. Liên. Tân yêu Liên chết được…
Lúc ấy mười hai giờ khuya. Không giờ. Anh rời khỏi ngôi nhà, đi bất định trên con lộ. Một chiếc xe vận tải lao nhanh, thoáng chốc mất dạng sau đám bụi đỏ. Không. Không. Anh tự nhủ, nơi chốn này không có thật. Nơi chốn này, thị trấn không tên này, không bao giờ có thật. Cũng có thể là thị trấn miền đông của Ông-anh-thi-sĩ Viên Linh, thị trấn sương mù của Th.?
./.