Trẻ sơ sinh giới tính nam. Không có dị tật. Phát hiện ở ngã tư xã Trà Diên sáng sớm ngày 22/02/2000. Nhận dạng ban đầu tóc hơi quắn, mũi cao, cân nặng 3505 Gram. Mặc áo thun màu cánh sen bên trong áo có chữ King. Ngày nhập vào Trung tâm nuôi dưỡng mồ côi Nhân Ái: tạm thời 22/02/2000, chính thức 22/03/2000. Người nhận làm bảo mẫu cô Nguyên Hà”.
Trên đây là tóm tắt về cháu Nguyên Hạnh.
Trân gởi tôi mảnh giấy như thế và nói chiều nay ghé lại quán Nguồn Cội uống cà phê sẽ kể tiếp.
*
Trời tháng giêng âm lịch mà nắng gắt quá, Trân đi môt lần rồi, con đường từ ngã ba quán An vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Nhân Ái chỉ mười hai cây số nhưng sao hôm nay thấy xa thế! Trân lẩm bẩm giục Nguyện cho xe chạy nhanh hơn. Nguyện nói: “Hôm nay chủ nhật, mới chín giờ còn sớm vội gì!” Trân nói: “Buổi chiều mình còn thăm Trung tâm phụng dưỡng người già Nhơn Bổn nữa” Nguyện: “Ừ, ừ…” tăng ga, chiếc xe tám chỗ ngồi đời mới vút lên ngọt xợt.
Đến nơi, các cô bảo mẫu và mấy chục trẻ vui vẻ chào đón, việc này làm thường xuyên nên cả cô và cháu thực hiện nền nếp lịch sự không chê vào đâu được. Tiếp sau các cô cùng Trân và Nguyện chuyển những kiện quà từ xe vào hội trường.
Hội trường được trang hoàn tươm tất, có câu: “KÍNH CHÀO MỪNG VÀ CẢM ƠN QUÝ NHÀ TÀI TRỢ” gắn trang trọng trên phông xanh. Việc tặng quà cho các cháu chóng vánh, tiếp đó là buổi giao lưu trong không khí ấm cúng các cháu vừa ăn bánh uống nước ngọt vừa vui hát rộn ràng. Nguyên Hạnh, mười tuổi học lớp bốn dẫn chương trình nói không hề vấp lời nào giỏi y như MC chính hiệu trên truyền hình. Sau khi hát, giới thiệu các bạn hát, Nguyên Hạnh xin phép kể chuyện: (từ lớp mẫu giáo đến nay các cô nói đây là một cây kể chuyện vừa có duyên, vừa có giọng kể và diễn đạt nhân vật, sự việc xuất sắc đã đạt nhiều giải thưởng cấp huyện, cấp tỉnh).
“Kính thưa…! Câu chuyện cháu kể không phải là truyện cổ tích mà là chuyện thật đêm qua khi ngủ cháu mơ thấy rõ ràng.
Cách đây… năm (chỗ này cu cậu nói là nghe không được rõ nên không kể chính xác số năm), con người tốt đẹp hơn con người bây giờ nhiều lắm, tốt…, đẹp…(chỗ này diễn đạt bằng tay chứ không kể), và con người là động vật sướng nhất trong số động vật có mặt trên quả đất vào thời ấy. Không cần đi học: hiểu biết, không cần lao động: có ăn, mà ăn ngon nữa (từ ngữ lao động hồi đó gọi là đi tìm thức ăn). Đặc biệt con người rất tài giỏi: bay, nhảy thoắt một cái là được tựa như phép đằng vân. Muốn đi đâu chỉ cần nhún chân vẫy tay là bay vút vút lên bầu trời xanh, tích tắc đến nơi cần đến hạ chân an toàn (bây giờ gọi là hạ cánh an toàn), con người ai cũng biết sáng tác thơ, văn, nhạc, hoạ và biết đủ tất cả nghề nghiệp… môn nào nghề nào không làm thì thôi đã làm nhất định rất đẹp, rất hay, riêng phần hót (tức là hát bây giờ) khỏi nói, giọng nam giọng nữ, giọng thiếu niên thiếu nhi và cả người cao tuổi tuỳ tuổi tác sẽ trầm bổng du dương, nhất là khi hót hợp ca, hợp xướng không cần tập tành, muốn hót đứng gần lại, hót”.
Nguyên Hạnh ngừng kể nháy nháy đôi mắt sáng trưng, lấy khăn lau khuôn mặt khôi ngô, cười tươi để lộ những chiếc răng trắng đều y chang những hạt lựu, khiến cho Trân và Nguyện đã thương càng thương cu cậu hơn. Trân nói nhỏ với cô Nguyên Hà: “Chặp nữa cô cho tôi gặp Nguyên Hạnh một chút được không?” Cô Hà nhẹ nhàng trả lời: “Dạ được”.
Nguyên Hạnh kể tiếp: “Đặc biệt mọi người yêu thương nhau lắm! (đoạn này cu cậu vừa kể vừa ra điệu bộ) ví dụ như…, ví dụ như… (cu cậu đưa ra nhiều ví dụ thấm đẫm tình người nhất là tình yêu thương trong mái ấm gia đình, không khác mấy với bây giờ điều nầy chứng tỏ chuyện ngủ mơ thấy là thật, vì từ hồi sinh ra đến nay sống tập thể, được cô và các bạn trong Trung tâm thương yêu thì có, chứ đâu có ông bà, cha mẹ anh chị em ruột đâu mà biết mà kể, nghe cu cậu kể chuyện với giọng thanh bân diễn cảm ai nấy cũng cảm động rơm rớm nước mắt…) Dạ câu chuyện còn dài, cháu kể nữa làm mất thì giờ các bác, các cô quá! Cháu xin hẹn lần sau kể tiếp”.
Cô Nguyên Hà có ý kiến: “Đúng đó, xin phép anh Trân và anh Nguyện cho cháu hẹn…” Cả hội trường đồng ý vỗ tay tán thưởng Nguyên Hạnh liên hồi.
(Phần viết trong ngoặc đơn là do tôi thêm vào, không phải lời kể của Nguyên Hạnh.)
*
Đoạn cuối của truyện ngắn:
Theo Nguyên Hạnh sau đó vì một lý do gì đó không rõ, con người mất dần thiên tài được thừa hưởng và như ngày nay ai muốn giỏi điều gì việc gì phải rèn luyện học hỏi mới phát huy được tài năng, “vì một lý do gì…” cháu biết mà không dám kể, đó là càng về sau con người sống với nhau thiếu dần tình yêu thương, dẫn tới nhiêu khê, xung đột, nhiều gia đình tan vỡ, nhiều đôi trai gái yêu nhau không cưới nhau, nhiều trường hợp để lại hậu quả “có em bé” cũng rũ bỏ không chút lương tâm. Thế giới chiến tranh, đầy bất trắc… đạo đức suy đồi… kẻ đạo đức giả nhan nhản, người lương thiện, người làm việc thiện hiếm hoi. Thật ra làm điều tốt cốt ở cái tâm, tôi biết anh Trân, anh Nguyện đây không giàu có gì nhưng như hai anh nói: “Mình khác người một chút, trong khi thiên hạ bù khú nhậu nhẹt, mình có mà ít thôi còn chủ yếu dành dụm tiền lâu lâu đi thăm viếng tặng quà cụ già neo đơn, trẻ em bất hạnh cơ nhỡ.”
*
Truyện ngắn nầy đăng trên báo, ông Liếng đọc thấy trường hợp nhân vật Nguyên Hạnh trong truyện sao giống tình cảnh con của ông ta quá! – rồi ông chủ tâm đi tìm. Chiếc áo thun là chiếc áo do chính ông ta mua trong đó có ghi chữ King nơi gần lai áo, nét chữ ông viết bằng mực xạ sau mười mấy năm Trung tâm Nhân Ái lưu giữ giờ đưa ra xem màu mực đen còn nguyên. Tôi hỏi ý nghĩa chữ King ông ta buồn buồn không trả lời, chắc có gì trắc ẩn. Ông nói trời thương ông quá, nếu ngày ấy không mua áo, không dùng cây cọ viết thư pháp viết chữ như thế vào áo thì nay lấy gì làm tin.
Ông Luyến kể sau này cưới vợ, làm ăn sung túc, chức phận hẳn hoi nhưng không có con cái, gia đình luc đục, vợ đi Sài Gòn nghe nói có chồng có con, làm ăn khá giả lâu nay không về Đà Nẵng nên không gặp, hay tin này mẹ Nguyên Hạnh vui hay buồn không biết riêng ông mừng hơn cả được vàng khối.
Ở đời có việc không ngờ, ông Liếng không ngờ tìm gặp được con!
Tôi không ngờ truyện ngắn này giúp được một điều Nguyên Hạnh thường mong mỏi trong nhiều giấc mơ… nay em đã gặp cha!. ./.