Thật khó tưởng tượng giữa một vùng đất khắc nghiệt về thời tiết, quanh năm khô hạn, mưa ít nắng nhiều phơi trần những đồi cát chập chùng chồm mình ra biển lại có một hồ nước rộng mênh mông đã có tự bao đời. Bàu Trắng thuộc thôn Bình Nhơn ngày xưa và nay nằm ở xã Hòa Thắng huyện Bắc Bình (Bình Thuận) cách xa Phan Thiết khoảng 65 cây số nếu đi ngã quốc lộ 1A đến ngã ba Lương Son rẽ vào hoặc từ khu du lịch Hòn Rơm- Mũi Né thì dưới 12 cây số.
Bàu Trắng còn gọi là Bạch Hồ, Bàu Sen có nguồn nước ngọt tự nhiên được bao quanh bởi những đồi cát trắng hoang sơ. Có lẽ Bàu Trắng trở thành địa danh từ bài thơ “Bạch hồ nhàn hành” của Nguyễn Thông cảm tác khi đến đây vào năm 1867 và cách gọi cũng xuất phát từ địa hình tự nhiên. Dù gọi là bàu nhưng thực sự đó là một hồ nước lớn có chiều dài như một con sông gần 5 cây số và khoảng cách nhau giữa hai bờ trên 500 mét. Có nhiều tư liệu cho rằng Bàu Trắng rộng 70 ha, sâu có nơi 19 thước hoặc đường chu vi 12 dặm nhưng có thề coi đó là cách ước lượng trong đo đạc thời xưa. Bàu được ngăn đôi bởi một dải đất do người xưa đắp lên, nối với hai bờ nơi hẹp nhất để đi lại. Rồi từ đó có tên gọi Bàu Ông và Bàu Bà. Cũng có người gọi Bàu Ông là Bạch Hồ và Bàu Sen là Bàu Bà. Ngay đường vào là Bàu Ông và tiếp đến là Bàu Bà mọc kín sen có diện tích lớn gấp nhiều lần với Bàu Ông. Đặc biệt mực nước trong bàu quanh năm, dù mùa nắng hay mưa vẫn không thay đổi. Với không gian thoáng đảng dưới bầu trời bao la càng làm cho Bàu Trắng lênh láng màu nước xanh trong, soi bóng mây trời lảng đảng càng thêm quyến rủ. Mặt hồ nâng niu từng mảng lá sen xanh mướt trổ đầy nhụy hoa rạng rở ngát hương đã vẽ nên bức tranh thủy mặc hoành tráng trác tuyệt. Bên bờ hồ, chập chùng đồi cát trắng còn nhiều rặng dương cao vi vút xen lẫn những lùm cây xanh hoang dại và ngôi cổ miếu thờ Thiên Y thánh mẫu theo truyền thuyết của người Chăm. Với diện tích hồ rộng lớn tích tụ mạch nước tinh khiết ngọt ngào từ các đồi động cát bao quanh càng tạo ra sự bí ẩn ly kỳ. Dưới hồ có nhiều loài cá nước ngọt như lốc, trê, rô, trắm cỏ… Người dân ở đây kể lại mấy mươi năm trước còn bắt được cả cá sấu và loáng thoáng cọp, beo... Có vẻ huyền bí hơn, đáy hồ dày đặc nhiều lớp rong lạ có thể quấn chặt chân người và càng có vẻ ma quái hơn qua truyền khẩu về nỗi ám ảnh con “thuồng luồng” dài chục thước đã cướp mất nhiều mạng người xấu số được ký bán cho thần linh.
Cạnh Bàu Trắng, có một địa danh cũng không kém phần độc đáo là Hòn Hồng nhô ra sát biển, được phủ lên màu cát hồng rừng rực dưới ánh mặt trời. Nhưng có sức hấp dẫn hơn là Đồi Trinh Nữ. Đúng như tên gọi dưới cái nhìn của người có tâm hồn lãng mạn, bởi ngọn đồi cát này dù đứng ở góc độ nào, nhất là dưới ánh nắng ban mai hoặc lúc bóng ngả về chiều, có thể đó là một dáng nằm nghiêng của người con gái trong tư thế ẻo lả đang duỗi đôi chân trần, hoặc lúc tung xỏa mái tóc hồn nhiên vắt lên đồi ngực xuân thì…Gió biển ở đây không ngừng nghỉ, từng chặp thổi vào đã thay hình đổi dạng đồi cát bay Trinh Nữ với những gam màu, những đường nét huyền ảo lung linh. Người dân địa phương kể lại những ngày kháng chiến gian khổ, Bàu Trắng nằm trong phần đất chiến khu Lê Hồng Phong, lúc ấy bạt ngàn cánh rừng lá thấp, lùm bụi chập chùng với biết bao huyền thoại anh hùng, mưu trí đánh giặc và chống chọi cái nắng chát chúa, cát bỏng rang bên cạnh hồ nước hiền hòa này. Ngày nay khách xa gần đến đây đắm mình giữa cái không gian ngập đầy màu nắng hanh hao, đồi cát trắng chói chang như tương phản với hồ nước mênh mông, xanh trong nền trời vẫn cảm nhận được sự tĩnh lặng, êm đềm đến lạ lùng của cảnh quan thiên nhiên Bàu Trắng.
Ảnh: Bàu Trắng (Bình Thuận)