Trích trường ca
“Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”
Nguyễn Du
▪
“Cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ nhảy múa lên,
bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của bản thân chúng.”
K. Marx
72.
▪
Nếu chữ Thi sĩ không đủ
Tay không viết trọn lời
Hình hài sẽ làm thay
Mỗi chiều Mỹ nhân ngâm mình
Bài thơ chảy xuống
bắt đầu từ cổ
*
Em có nhìn ra những gì của chúng ta trong thơ
Không ai thấy nổi
Không ai ngoài Chúa giữ quyền
Biết nguyên do những lời Người ban
Trang thơ kín đáo hơn kinh thánh.
73.
▪
Góc đường
Cây khô to
Làm cái dấu chấm than
Trên vòm đất trương nở
Vậy thôi mà Thi sĩ phải đỏ mặt
Trong một sự ái ân tưởng tượng ban sơ
*
cuối cùng thì
em đã mang về điều giản dị
cho vào cái trừu tượng chúng mình thường có
tình ái là một loại thiên tài
mới chịu hai món khó
trong thực đơn không bao giờ gây ngán
đời người đói khát thương yêu.
74.
▪
Đang soạn các câu
Phụ nữ dễ chết vì thơ và nhà thơ
Một vài dòng cả đời nghiêng ngả
Cho em ngắm mười ngón tay thơ đâu
Gặp câu
“23 năm trở về 9 người lính sống sót trong trận Gạc Ma sống ra sao
Anh Dũng tâm sự con cái từng cho rằng chuyện anh bị Trung Quốc bắt làm tù binh là
Hoàn toàn không có thật”[i]
Sự bình đẳng và khoan nhượng chưa tự hiện diện giữa thi từ
Chữ lớn nuốt chữ bé
Nhịp mạnh đè nhịp lép
Mưa rơi là rơi ngoài trời
Bàn văn là nơi Thi sĩ cúi đầu
Và xếp đặt
(Giữ nguyên chữ
Không nguyên văn cho vừa thi điệu):
“Ngày 13 tháng 3 năm 2012[ii]
Nhà báo quân đội Mai Thanh Hải viết
trên blog cá nhân
… Quần đảo Trường Sa gồm khoảng 148 đảo nhỏ
đảo san hô và đảo chìm ở giữa
biển Đông
hiện nay là của huyện Trường Sa tỉnh Khánh Hoà
…Trong những tháng đầu năm 1988 Hải quân Trung Quốc cho quân
chiếm đóng một số bãi đá
Hải quân Việt Nam đưa vũ khí khí tài ra đóng giữ
ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi
Đầu tháng 3 Trung Quốc huy động 2 Hạm đội xuống khu quần đảo
Tư lệnh Hải quân Việt Nam lệnh cho Vùng 4 sẵn sàng chiến đấu
19 giờ ngày 11 Tàu HQ-604 rời cảng ra đảo Gạc Ma
Chiến dịch CQ-88
Tàu HQ-605 đến Len Đao lúc 5h ngày 14 và cắm cờ Việt Nam trên đảo
Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh cho công binh khẩn trương dùng xuồng chuyển vật liệu xây dựng lên đảo ngay trong đêm 13
Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ cắm cờ Việt Nam và triển khai 4 Tổ bảo vệ đảo
Trung Quốc điều thêm 2 Hộ vệ hạm trang bị pháo 100 mm
yêu cầu phía Việt Nam rút khỏi đảo Gạc Ma
Sáng ngày 14
Thiếu uý Trần Văn Phương
và 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư
Nguyễn Văn Lanh
được cử lên đảo bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm
6 giờ sáng
Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam
Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương
Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương
trước khi chết Thiếu úy Phương đã hô
Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo
hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân
Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam
Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu
Trung Quốc tiếp tục nã pháo
Tàu HQ-604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần
Thuyền trưởng Vũ Phi, Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh
Tại đảo Cô Lin
lúc 6 giờ
tàu HQ-505 của Hải quân Việt Nam đã cắm hai lá cờ trên đảo
8 giờ 15
thủy thủ tàu HQ-505 vừa dập lửa cứu tàu bảo vệ đảo
và đưa xuồng đến cứu thủy thủ tàu HQ-604 bị chìm ở phía bãi Gạc Ma ngay gần đó
Thượng uý Nguyễn Văn Chương và Trung uý Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh và chiến sĩ về tàu 505
Thi hài các chiến sĩ Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Tư, cùng các thương binh
được đặt trên xuồng
Số người còn sức một tay bám thành xuồng một tay làm mái chèo đưa xuồng về đến bãi Cô Lin
Trong trận chiến ngày 14
Hải quân Việt Nam bị thiệt hại 3 tàu
3 người hy sinh
11 người khác bị thương
70 người bị mất tích
(sau này Trung Quốc đã trao trả cho Việt Nam 9 người bị bắt
64 người vẫn mất tích và
được xem là đã hy sinh)
Nhờ hành động dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và tập thể tàu HQ-505
tàu Việt Nam nằm trên đá Cô Lin và giữ được bãi đá ngầm này
Trung Quốc chiếm đá Gạc Ma từ ngày 16
tháng 3 năm 1988 và vẫn giữ
cho đến nay
Trong suốt thời gian xảy ra chiến sự
Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không can thiệp
dù giữa Việt Nam và Liên Xô có ký riêng một hiệp ước liên minh quân sự
Khi các tàu của Hải quân Việt Nam bị đánh đắm
tàu chiến Trung Quốc chặn không cho tàu của Hội Chữ thập đỏ vào
để cứu chữa thương binh.”
*
Lâu rồi anh mới gặp trăng thu
trên nóc nhà hàng xóm
Hàng xóm tứ thời vẫn là hàng xóm
Trăng thu mãi là trăng bốn mùa
Cái nóc nhà
Cái nóc nhà hàng xóm có thể chập chờn
trống vắng
Trong tầm nhìn của anh
xuân hạ đông
lá xanh đất hồng tuyết trắng
Ngủ ngon nghe em
Anh đứng ru bên nóc nhà hàng xóm
vàng thu.
75.
▪
Không yêu được
úp mặt vào tường
khóc
Vẫn không yêu được
nhìn vào bồn tiểu
khóc tiếp
Yêu được
ngẩng lên trời
cười
Vẫn yêu được
cúi xuống đất
cười tiếp
Xong tất cả
vào phòng văn
viết
Xong một bài thơ yêu
Lặp lại (tùy nghi số lần) - một trường ca yêu
Thay yêu
bằng các từ khác (tùy tâm)
Tường bồn tiểu trời đất khóc cười và
các phụ từ
sẽ tự thay (tùy ý tùy cơ)
Xong 99 phần trăm
1 phần trăm - tài và số
Thi sĩ
gật gù
mở cửa
phòng ngủ
Bắt đầu
*
Trên đường bay tới núi
Thanh âm từ em gọi anh trở lại
Tiếng kêu của dã thú
Tiếng kèn đồng tập trận
Tiếng thở hắt cổ họng nhà độc tài
Tiếng gái lành đêm hoa
Tiếng ồn từ chiếc máy hát cũ
Trung bình cộng không là phép toán khi tình gián đoạn
Anh lại trôi ra biển
Trong khi gián đoạn.
76.
*
Tinh nhậy một nhịp thơ xiên chạm
Cả thân thể rụng rời
Rồi làm ướt làm chảy tan trái đất
Thịt da gào thét rách mặt trời
Mỗi dãy núi là khớp xương ngậm nuốt
Thiên hà đổi thay sau dục vọng hình hài
Anh muốn là nhà nghệ sĩ nhiệm mầu
Lấy thanh sắc thi ca làm tài liệu tình yêu[iii]
Các nhà thơ giải thích vũ trụ -
Cái vũ trụ mà những người tình tái tạo
Các triết gia và nhà tranh đấu hết việc làm
Chúng ta xét lại Karl Marx
Là phụ nữ
em hãy tự hào
Suối nguồn cách mạng tinh cầu
▪
Tháng tháng ngày ngày
Thắp nhang sau mỗi bài thơ hay làm được
Hôm nay lần đầu tiên Thi sĩ tột đỉnh mừng vui
nghe thấy tiếng vọng
khói hương:
“Ở đây chúng tôi
thưởng thức
cần thêm người”.
(Trích trường ca TRĂM THI ĐIỆU)
Vancouver, Thu - Đông 2011 & Xuân 2012
[i] Quỳnh Chi; rfa.org 1/11/2011
[ii] Mai Thanh Hải; Chiến dịch CQ-88 và trận chiến 14/3/1988 tại Trường Sa, maithanhhaiddk.blogspot.com 13/3/2012