Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
874
123.135.869
 
Giặc khách: Ngô Côn
Hồ Bạch Thảo

 

Ngô Côn tức Ngô Á Chung, con lãnh tụ Thiên Ðịa Hội (1) Ngô Lăng Vân. Năm 1851, Ngô Lăng Vân nỗi dậy tại châu Tân Ninh  (nay thuộc huyện Phù Tuy), tỉnh Quảng Tây. Năm 1861, Lăng Vân lập nước Diên Lăng tại phủ Thái Bình ( nay thuộc Sùng Tả Thị), tỉnh Quảng Tây; tự xưng là Diên Lăng Quốc vương;  cho đúc ấn, định y phục, phong quan tước. Năm 1863, phủ Thái Bình bị quân Thanh vây hãm, Ngô Lăng Vân vượt vòng vây, bị phục kích giết.

 

Ngô Á Chung kế vị, mang đồ đảng sang hoạt động tại các tỉnh biên giới Việt Nam; nhắm tránh sự chú ý của nhà Thanh, y đổi tên là Ngô Côn, hoặc Ngô Hòa Khanh. Bọn giặc quấy phá tại các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, tháng 7 năm Tự Ðức thứ 18 [1865], đánh úp đồn Quang Lang tại Lạng Sơn; viên Tri huyện bị giết, phó Lãnh binh chạy trốn. (2)

 

Tháng 8 cùng năm, quân Ngô Côn cướp phá huyện Quảng Uyên, phủ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; trong khi Lãnh binh Bùi Phó mang quân đến giải cứu,  thì giặc đến đánh chiếm tỉnh thành Cao Bằng. Tuần phủ Lạng Sơn, Trịnh Lý Hanh nghe tin, bèn đem 400 quân đến đóng tại Cầu Phong (3), chỗ gần giáp giới hai tỉnh để ngăn chặn. (4)

 

Tháng 10, Khâm mệnh Vũ Trọng Bình đến tỉnh thành Lạng Sơn, đem đại binh đến đóng tại đồn Cầu Phong, sai Ngô Văn Ðộ, Nguyễn Cao Bình đến đóng tại các trạm Cao Nhã, Cao Phúc thuộc huyện Thạch An (5) để phối hợp với quân tỉnh Cao Bằng và hẹn ngày đánh thành. Ngoài ra cũng báo tin cho Tuần phủ Quảng Tây về tình hình giặc tại Việt Nam để nhờ sớm giúp xử trí. (6)

 

Tháng 11, quân của Vũ Trọng Bình bị đánh úp, tan vỡ tại đồn Cầu Phong; Vũ Trọng Bình phải mang quân về đóng tại Quang Lang, Lạng Sơn;  cùng xin tăng thêm quân. (7)

 

Tháng 12, Tuần phủ Lạng Bằng Trịnh Lý Hanh đem quân đánh thắng bọn giặc tại phố Ðồng Bộc và đồn Khôn Quang giết gần 200 tên, khiến bọn giặc phải rút lui. (8)

 

 

Tháng giêng năm Tự Ðức thứ 19 [1866] quan quân thu phục được đồn Cầu Phong. Vua Tự Ðức cho rằng Cầu Phong nằm trên con đường đến tỉnh Cao Bằng, nay thu phục được thì tỉnh lỵ Cao Bằng có thể lần lượt bình; bèn đem cờ báo tin thắng trận đến các nơi, cùng làm thơ để ghi nhớ, và ban dụ khen thưởng quan quân (9).

 

Tháng 3 quân giặc chiếm được 2  trạm Cao Phúc, Cao Nhã chặn đường đến Cao Bằng. Rồi sau đó Ngô Côn và đồng bọn đến cửa quân xin nộp trả tỉnh thành Cao Bằng; đáp lại viên Khâm mệnh Vũ Trọng Bình ủy lạo tiền bạc, nuôi ăn trên 3000 người với lời hứa sẽ trở về Trung Quốc, số còn lại cho ở nơi biên giới để cày cấy, buôn bán. Vua Tự Ðức được tin báo rất mừng, lại làm bài thơ Hỷ tiệp [Mừng thắng trận] dài 18 câu, rồi sai mang cờ chiến thắng báo khắp mọi nơi.(10)

 

Thực ra lúc bấy quân Ngô Côn đang trên trên đà thắng trận, vừa chiếm tỉnh thành Cao Bằng, lại chẹn giữ hai trạm Cao Phúc, Cao Nhã thuộc huyện Thạch An, nằm trên đường huyết mạch từ Lạng Sơn đến tỉnh này. Lý do bọn chúng đột nhiên xin trả lại thành trì, chẳng qua đó chỉ là kế trá hàng để được tiếp tế. Tuy trả lại thành, nhưng đạo quân này vẫn được an toàn tại vùng biên giới để chuẩn bị trở về quấy phá Trung Quốc. Triều đình ta chắc không phải không nghĩ ra điều đó, nhưng lúc bấy giờ quân Pháp đang lăm le chiếm 3 tỉnh miền tây Nam Kỳ, loạn lạc nỗi lên khắp nơi, lòng dân thất vọng ly tán; nên Tự Ðức đành mượn một chiến thắng giả, để mong ru lòng mình và lòng người!

 

Tháng 3 năm Tự Ðức thứ 20 [1867] tại huyện Long Châu tỉnh Quảng Tây có giặc nỗi lên, bọn Ngô Côn từ Cao Bằng đem quân trở về nước để giúp, Tuần phủ Thái Bình [Quảng Tây] yêu cầu ta mang quân chặn đánh. Vua Tự Ðức sai viện Cơ mật viết thư giao cho Tuần phủ Lạng Bằng đưa cho Tri phủ Thái Bình với  nội dung rằng không biết Ngô Côn là tướng giặc Ngô Á Chung nên cho đầu hàng , sắp xếp cho ở, cũng là cách đỡ việc đánh dẹp cho nhà Thanh. (11)

Tháng 2 năm Tự Ðức thứ 21 [1868] bọn giặc Ngô Côn giả cách vào tỉnh thành Cao Bằng xin yết kiến, rồi đưa quân vào đánh úp tỉnh thành này. Quyền Bố chánh Nguyễn Văn Vĩ nghĩ rằng chúng đã hàng, cho vào và không phòng bị nên bị đánh úp; Bố chánh bị bắt, viên Suất đội bị giết. (12)

Tháng 3, đầu đảng Ngô côn mang quân cướp bóc tỉnh Lạng Sơn, rồi vây đồn Lạc Dương tại huyện Tràng Ðịnh, giáp giới Cao Bằng; triều đình ra lệnh cho Thống đốc Phạm Chi Hương báo cho quân Thanh để cùng đánh. (13)

 

Về phía Trung Quốc, bọn Ngô Côn, lúc bấy giờ đang chiếm đóng các châu giáp giới Việt Nam như Qui Thuận, thuộc phủ Trấn An; vua Ðồng Trị ra lệnh cho Tuần phủ Quảng Tây Tô Phượng Văn mang quân đánh dẹp:

 

Ngày 16 Giáp Ngọ tháng 4 năm Ðồng Trị thứ 7 [8/5/1868]

 

……Nghịch phỉ Trấn An Ngô Á Chung ( 吳亞終  Ngô Côn, đóng tại các xứ như châu Qui Thuận, lệnh Tô  Phượng Văn đốc sức quan binh tấn tốc tiễu biện để địa phương được yên tĩnh…..(Mục Tông Thực Lục quyển 229, trang 14-15)

 

Mùa hè năm Tự Ðức thứ 21 [1868] quan quân thua trận tại đồn Tú Sơn, thuộc Lạng Sơn; viên Tham tri Nguyễn Mại và Ðề đốc Nguyễn Viết Thành đều bị giết; Thống đốc Phạm Chi Hương bị Ngô Côn bắt. Rồi qua lời nhắn của Phan Chi Hương từ đồn giặc tâu về rằng Ngô Côn lại một lần nữa xin hàng. Triều đình lúc bấy giờ lưỡng lự, vì nếu cho hàng thì phải nuôi ăn với số lượng khoảng 15.000 người, không kham nỗi; nếu đánh thì thực lực không đủ, lại không biết quân Thanh có thực sự giúp không, nên sai Hữu tướng quân Phạm Khắc Thận đi xem xét tình hình rồi mới quyết định (14).

 

Lúc bấy giờ trong triều đã có ý kiến rằng việc Ngô Côn hàng, không thu dụng được; vì một khi lương hết thì chúng tìm cách xin hàng, khi được yên thân thì bè lũ tụ tập càng đông, sinh ra dòm ngó; nên đánh dẹp, vỗ về hai đàng đều khó. Xin những chỗ quan trọng phòng thủ ngặt hơn, làm kế ‘vườn không nhà trống’ rút dân những vùng không yên đến nơi quan quân kiểm soát (15).

 

Lúc đầu vua Tự Ðức nghe lời, nhưng vào cuối năm Tự Ðức thứ 21 [1688] Phạm Chi Hương lại dẫn Ngô Côn đến ngoài thành Lạng Sơn xin đầu thuận; lần này quan Khâm sai Vũ Trọng Bình chấp thuận, cấp cho 10.000 lạng bạc, quân Ngô Côn nộp trả đồn Cầu Phong (16).

 

Về phía quân Thanh, có tờ tâu lên rằng bọn Phó tướng Tạ Kế Quí hợp đồng với quân ta, giải vây được các đồn như Lạc Dương (17), Cửu Phong [Cẩu Pung], vị trí giáp giới 2 tỉnh Lạng, Bằng. Ngoài ra triều đình nhà Thanh còn ra lệnh cho Tuần phủ Quảng Tây Tô Phượng Văn , cùng Ðề đốc Phùng Tử Tài sai thuộc viên đánh dẹp giặc Ngô Côn [Á Chung], vì có tin chúng âm mưu trở về quấy phá tại phủ Thái Bình:

 

Ngày 15 Tân Dậu tháng 6 năm Ðồng trị thứ 7 [3/8/1868]

 

Nghịch phỉ Ngô Á Chung cấu kết với giặc phỉ Việt Nam tại Lộng Khuông hợp đồng đánh các xứ Lạc Dương, Cửu Phong [Cẩu Pung?]; bị bọn Phó tướng Tạ Kế Quí mang quân binh, thổ luyện, hội đồng với quân Di [Việt Nam] chia đường giáp công, chém bắt được rất nhiều, lập tức giải vây cho Cửu Phong, Lạc Dương, việc tiễu trừ thật tấn tốc. Lại cứ theo lời cung của giặc bị bắt, Ngô Á Chung muốn phân binh tập kích các xứ Long Châu, Hạ Ðống, Trục Hạ để khiên chế quan quân; lệnh Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài nghiêm sức cho La Văn Phúc ra sức phòng ngừa; lại ra lệnh cho các quan văn võ thuộc phủ Thái Bình, tăng cường chặn đóng tại các ải thuộc Trục Hạ, để át thế giặc. Một mặt chỉ thị cho phủ Thái Bình gửi thông tri cho quan Di Việt Nam cùng các lộ quan binh văn võ phối hợp đánh bắt, giết cừ khôi, không để cho lâu ngày man diên, nhiều lần phiền đến binh lực…..( Mục Tông Thực Lục quyển 235, trang 32-34))

 

Rồi nhận được văn thư của vua Tự Ðức xin viện binh, vua Ðồng Trị sai Tô Phượng Văn và Phùng Tử Tài tổ chức cuộc hành quân lớn, vừa đánh dẹp tại các châu nơi biên giới, một mặt ra khỏi quan ải truy kích:

 

Ngày 30 Quí Dậu tháng 10 năm Ðồng Trị thứ 7 [13/12/1868]

 

Lại dụ Quân cơ đại thần:

“ Tô Phượng Văn dâng tấu triệp rằng đã nhận được văn thư của Việt Nam, xin phái binh hiệp lực tiễu trừ giặc.

“ Nghịch phỉ Ngô Á Chung cấu kết với tên giặc đã hàng tại Việt Nam là Tạ Tĩnh Xuyên dựa vào đất hiểm để kháng cự, thế rất hung dữ. Trước đây dụ bọn Tô Phượng Văn đốc suất quan binh phối hợp với quân Di giáp công, hẹn ngày tiêu diệt. Nay đọc văn thư của Quốc vương Việt Nam trình bày xin viện binh, thực là bách thiết; nước này được phong tước từ lâu, càng thêm cung thuận, nay bị đảng phỉ tại nội địa, quấy nhiễu tại biên thùy, như vậy lấy gì để đáp ứng lòng nhu viễn của triều đình đối kẻ xa xôi. Các xứ Qui Thuận, Bằng Tường, có giặc phỉ đóng, binh lực không thể dẹp được hết; nay lệnh Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài mộ thêm quân, chia đường cùng tiến, vượt cảnh đánh nhanh; phối hợp với quân Di Việt Nam hai mặt tiến công, cấp tốc diệt loài dơ bẩn để làm yên tĩnh biên cương. Không được cho rằng vượt biên giới hiểm và xa, rồi lờ đi không làm để làm trò cười cho Việt Nam. Những đồ vũ khí lương thực, lệnh Tô Phượng Văn tiếp tế một cách rộng rãi, đừng để thiếu….. ( Mục Tông Thực Lục quyển 245, trang 24-25)

 

Tháng 3 năm Tự Ðức thứ 22 [1869] Ðề đốc Phùng Tử Tài mang quân ra khỏi quan ải đánh phá Khô Chu, Lăng Nậm tại Cao Bằng; vua sai Vũ Trọng Bình, Hiệp thống Nguyễn Hiên phối hợp cùng đánh. Tiếp đến liên quân Thanh Việt  đánh phá phá đồn giặc tại Chu Quyền, Kỳ Lừa, Ðồng Ðăng tại tỉnh Lạng Sơn. Giặc Ngô Côn mỗi lần đánh mang nhiều súng, hỏa mù, cửi ngựa xung đột, khiến đâm bắn không kịp;  nên Tổng thống Ðoàn Thọ tâu xin dùng súng phun lửa để chống lại (18).

 

Sau khi quân Ngô Côn bị liên quân Thanh Việt đánh dẹp tại các cứ điểm thuộc tỉnh Lạng Sơn, bọn chúng bắt buộc phải rút về tỉnh Cao Bằng; lực lượng liên quân tiếp tục truy kích:

 

Ngày 14 Giáp Thân tháng 7 năm Ðồng Trị thứ 8 [21/8/1869]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Tô Phượng Văn và Phùng Tử Tài dâng tấu triệp rằng quan quân đã khắc phục các đồn tại Việt Nam như Cửu Phong, dẹp bằng lũy giặc, hiện điều động quân tiến đánh.

 

“ Ngô Á Chung đốc suất đồng đảng trốn vào Việt Nam, man diên đến các xứ Thông Huề, Văn Uyên, Lạc Dương [thuộc Lạng Sơn]. Bị viên Tuần phủ ra lệnh Tổng binh Tạ Kế Quí thống lĩnh quân lính , phối hợp với bọn Phó tướng Lưu Ngọc Thành chia đường tiến đánh, diệt giặc rất nhiều, lại thiêu hủy đến trên 20 lũy giặc, khắc phục Thông Huề. Tạ Kế Quí do con đường từ Cao Thôn tiến về phía Mộc Mã ; quân của Phó tướng Ngô Thiên Hưng từ Bản Tích thừa thắng tiến thẳng, đánh chiếm được thôn Bản Tại; bọn phỉ tại châu Văn Uyên cũng bị Ðô ty Trần Triều Cương đánh tan. Ðảng giặc từ Khu Doanh đến tiếp viện, quan quân hẹn cùng toán quân đã hàng và quân Di vượt sông đánh kẹp, khiến quân giặc tan rã, bọn tàn dư theo đường mà trốn. Bọn nghịch lại xuống chiếm Long Châu, Phùng Tử Tài bèn sai bọn Lưu Ngọc Thành theo đường Bân Kiều, mấy lần chiếm lũy giặc, rồi từ các xứ Na Cẩm, Hoành Pha chia đường vây đánh, lần lượt khắc phục các đồn Cửu Phong, Lạc Dương; bọn phỉ rút lui về Mộc Mã. Tô Phượng Văn nhận thấy thế giặc suy bại dần, đôn đốc quân tiến công; lại thông sức cho các lộ quan quân Di tại Lạng Bằng ngăn đánh bọn giặc tan rã.…….. ( Mục Tông Thực Lục quyển 262, trang 20-22)

 

Ðến đây Thanh Thực Lục chép rằng quan nhà Thanh tâu lên đã lấy lại được tỉnh thành Cao Bằng, rồi vua Ðồng Trị ra lệnh trao trả cho nước ta. Riêng Ðại Nam Thực Lục chép quân ta dưới quyền Hiệp thống Nguyễn Hiên, Ðề đốc Ðinh Hội phối hợp với quân Thanh thu phục thành Cao Bằng (19). Sau đây là văn bản trong Thanh Thực Lục:

 

Ngày 7 Bính Ngọ tháng 8 năm Ðồng Trị thứ 8 [12/9/1869]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Tô Phượng Văn và Phùng Tử Tài dâng các tấu triệp về việc quan quân đã khắc phục được tỉnh Cao Bằng của Di, cùng đánh thắng bọn Mèo thuộc tỉnh Quí Châu.

 

“ Vùng Mộc Mã [MụcMã] của Việt Nam là trấn quan trọng của tỉnh Cao Bằng, bọn thổ phỉ xứ này dẫn đầu đảng Ngô Á Chung chia nhau chiếm cứ Mộc Mã, Cao Bằng; ý muốn tử thủ. Phùng Tử Tài sai bọn Tạ Kế Quí mang quân chia đường tiến công. Từ ngày 23 tháng 4 trở về sau quan quân lần lượt truy tiễu, trước sau phá các lũy giặc như ải Mã Phúc, giết nhiều tên giặc phỉ, lấy lại tỉnh Cao Bằng của Di. Chiếu theo văn thư của viên Quốc vương, kèm bản đồ Thái Nguyên, Tuyên Quang đã được trình xem, cùng lời khẩn cầu giao lại đất Di, đất Cao Bằng đáng được giao cho Việt Nam quản lý. Lệnh Tô Phượng Văn thông báo cho viên Quốc vương, lập tức điều bát quân phòng thủ, và sai viên chức biện lý tốt mọi việc sau này…. ( Mục Tông Thực Lục quyển 264, trang 16-17

 

Thua trận tại các tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, đảng giặc Ngô Côn rút xuống vùng Chợ Chu, Chợ Mới tỉnh Thái Nguyên; vua Thanh ra lệnh cho Tuần phủ Tô Phượng Văn và Ðề đốc Phùng Tử Tài điều quân đánh tiếp:

 

Ngày 12 Canh Thìn tháng 9 năm Ðồng Trị thứ 8 [16/10/1869]

 

…. Riêng đầu sỏ đảng nghịch là Ngô Á Chung, tuy bị đánh thua nhưng chưa bị bắt; còn cấu kết với thổ phỉ tỉnh Thái Nguyên, chia quân đóng tại các xứ Chợ Chu (20), Chợ Mới (21); rồi thừa khi sơ hở trốn vào, đến nơi nào thì quấy nhiễu nơi ấy; vậy đến khi nào thì yên được! Nay ra lệnh cho Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài, chấn chỉnh tinh thần, bàn bạc tiến đánh; lúc này cuối mùa thu, chướng lệ đã rút, chính đáng lúc chỉnh đốn thêm các quân, lệnh tiến thẳng, nhắm bắt được tên đầu sỏ, diệt tan toàn bộ, không được nhìn ngó chần chừ…….. (Mục Tông Thực Lục quyển 266, trang 26-27)

 

Sau khi đánh dẹp đảng giặc tại vùng Ðại Từ, Chợ Mới thuộc tỉnh Thái Nguyên, nhận thấy thế giặc đã suy; nhà Thanh trù tính kế hoạch hậu chiến, bằng cách đem bọn đã hàng trở về Trung Quốc cùng nghiêm cấm xuất cảnh:

 

Ngày 6 Quí Mão tháng 12 năm Ðồng Trị thứ 8 [7/1/1870]

 

Dụ các Quân cơ đại thần:

“ Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài tâu mấy lần đánh tan sào huyệt giặc trong đất Di; hiện tại ra sức bao vây tiễu trừ. Tô Phượng Văn lại dâng tấu triệp đã tiếp nhận  văn thư của viên Quốc vương Việt Nam về việc trù biện biên giới trong ngoài.

 

“ Giặc phỉ Ngô Á Chung trốn vào Việt Nam, mấy lần bị quan quân truy đuổi, đánh phá sào huyệt chúng tại Ðại Từ (22), chợ Mới, bọn phỉ rút về Tả Châu, thế đã suy sụp. Lệnh cho Phùng Tử Tài đốc sức các quân 4 mặt vây đánh, diệt sạch tất cả, nhắm cấp tốc xong việc, không được chần chừ chút nào. Lần này người ra hàng nhiều, Phùng Tử Tài định khi toàn quân trở về, cũng mang hết số này trở về nội địa, việc lo liệu  hợp cách; tuy nhiên số người đông, nên việc an sáp định cư không dễ; lệnh viên Ðề đốc tùy lúc thích hợp cấp phiếu, chia ra nhóm rồi đưa về quê quán. Tô Phượng Văn thông sức ngay cho các châu huyện lo việc an sáp, ràng buộc nghiêm nhặt, không để gây ra chuyện. Còn việc dân nội địa, xuất cảnh không có phép, lệ cấm nghiêm nhặt; quan địa phương không chịu xem xét, cần phải xử tội nặng. Tô Phượng Văn hiện tuyên cáo rõ định lệ, truyền hịch cho 2 phủ Thái Bình và Trấn An nghiêm phòng, cùng báo cho Quốc vương Việt Nam kê tra một lượt; nay chiếu theo lời xin cho thi hành, hẹn ngày sự việc yên ỗn, không được hình thức hữu danh vô thực.” Ðem dụ này theo độ khẩn 500 dặm 1 ngày, truyền để hay biết. (Mục Tông Thực Lục, quyển 272, trang 7-8)

 

Trong khi quân Thanh do Ðề đốc Phùng Tử Tài chỉ huy đang lo truy kích tại vùng tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên hiện nay; thì cánh quân chủ lực của giặc do Ngô Côn đích thân chỉ huy, hành quân cấp tốc đến tỉnh Bắc Ninh, với ý định chiếm tỉnh thành để làm căn cứ. Lúc này trong thành chỉ có hơn 300 lính, phần lớn già yếu; tình trạng thành rất cô đơn nguy ngập. Tổng đốc Bùi Tuấn bèn sai người ra ngoài phố, hô hào trai tráng khỏe mạnh vào giữ thành; khi việc điều động vừa xong, thì giặc đến vây thành. Tổng đốc Bùi Tuấn ngày đêm ở trên thành đốc quân chống giữ, thấy chỗ đông người tụ họp bèn cho bắn pháo dữ dội. Rồi Ngô Côn trúng đạn bị thương nặng, sau đó chết; vừa lúc Tuần phủ Ông Ích Khiêm viện binh tới; trong ngoài đánh giáp công, chém đầu giặc kể đến hàng ngàn, vòng vây được giải (23). Thanh Sử Cảo cũng xác nhận Ngô Côn bị thương vì súng tại Bắc Ninh, sau đó uống thuốc độc tự tử, bọn giặc rất sợ hãi, khi đại binh đến thì xin hàng (24). Riêng Ðại Nam Thực Lục chép chép việc vào tháng 7 năm Tự Ðức thứ 22 [1869] như sau:

Ðầu mục giặc là Ngô Côn vây tỉnh Bắc Ninh, áp đến cửa thành phía trước, khí thế rất mạnh. Bọn Nguyễn Văn Phong, Bùi Tuấn dựa vào thành cố giữ. Ông Ích Khiêm được tin báo, từ huyện Kim Anh [tỉnh Bắc Ninh] tự cai quản đem quân và voi đang đêm đi gấp đường tiến về đánh giúp. Trong thành cùng bắn ra, Côn trúng đạn lạc, bọn giặc rút lui về giữ Ðài Bàng (gần tỉnh thành), Bắc Ninh được giải vây (25).

 

Trận đánh kết liễu cuộc đời tên giặc Ngô Côn tại tỉnh thành Bắc Ninh không có quân Thanh tham dự, bởi vậy văn bản Thanh Thực Lục dưới đây, chỉ chép việc lấy được thi thể Ngô Á Chung [tức Ngô Côn] nhưng không đề cập việc y bị giết trong trường hợp nào và cũng nhân đó tuyên bố việc đánh dẹp Ngô Côn kết thúc:

 

Ngày 20 Ðinh Tỵ tháng 12 năm Ðồng Trị thứ 8 [21/1/1870]

 

Lại dụ [Quân cơ đại thần]:

“ Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài dâng tấu triệp đã dẹp tan toàn bộ bọn nghịch họ Ngô [Á Chung], các tỉnh tại Việt Nam sạch hết bọn giặc.

 

“ Sau khi sào huyệt tại Ðại Từ bị đánh chiếm, nghịch phỉ Ngô Á Chung chạy đến Tả Châu; quan quân lại thu phục Tả Châu, rồi liên tiếp thắng đuổi đến các xứ Triệu Số, Tả Lương; bọn giặc chạy đến vùng Cổ Lãm (26) cậy hiểm mà chống giữ. Ðồng tri Vương Ân Hạo và các tướng chém giết tại quan ải rồi tiến vào, bắt sống được gia quyến giặc Ngô, cùng nhiều tên đầu mục như Tạ Bát, lại lấy được thi thể của Ngô Á Chung, đem đầu y cùng các tên khác bêu ra để cho mọi người thấy. Thổ phỉ tại các xứ ở

 

Việt Nam như Vĩnh Tường (27), cũng bị Phó tướng Ngô Thiên Hưng công phá sào huyệt; số còn lại trốn đến vùng tỉnh Sơn Tây rồi bị đánh bắt không để sót.

 

“ Việc tiễu trừ có cố gắng; tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, vẫn ra lệnh cho Tô Phượng Văn, Phùng Tử Tài đốc suất tướng biền ra sức truy bắt, nhắm tận số tiễu trừ các loại thổ phỉ, không để cho ngày sau phải phiền đến binh lực. Còn tỉnh Quảng Tây và Việt Nam biên giới tiếp giáp, bọn gian dễ ẩn náu; lệnh cho viên Tuần phủ truyền hịch thông sức các quan văn võ nghiêm cấm biên giới, không cho kẻ gian trốn vượt rồi sinh ra chuyện; lại giúp cho các phủ nội địa có được thành quả tốt sau này, cũng lệnh cho Phùng Tử Tài trù biện ỗn thỏa. Tỉnh Quảng Ðông cần chuyển lương thực hàng tháng, lệnh Tô Phượng Văn tùy lúc thúc dục để đủ  dùng.” Ðem dụ này theo độ khẩn 500 dặm 1 ngày, truyền lệnh để hay biết. ( Mục Tông Thực Lục quyển 273, trang 11)

*

 

Ðầu đảng giặc Ngô Côn tuy đã chết, nhưng trước khi Ðề đốc Phùng Tử Tài rút quân về nước, lệnh được nêu trong chỉ dụ của vua Ðồng Trị ‘đốc suất tướng biền ra sức truy bắt, nhắm tận số tiễu trừ các loại thổ phỉ, không để cho ngày sau phải phiền đến binh lực’ không được thi hành đúng mức. Tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư đảng của Ngô Côn như Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Ðen của Lưu Vĩnh Phúc v v…; khiến cho tình hình vùng thượng du, trung du miền Bắc không sáng sủa thêm, do đó Ðề đốc Phùng Tử Tài cũng phải mấy lần mang quân trở lại Việt Nam.

 

 

Chú thích:

 

1.Thiên Ðịa Hội: một tổ chức phản Thanh phục Minh tại Trung Quốc; danh xưng với ý nghĩa coi trời như cha, coi đất như mẹ.

2. Ðại Nam Thực Lục, Bản dịch của Viện Sử Học, HN: NXB Giáo Dục,năm 2007, tập 7, trang 942.

3.Cầu Phong: có thể đây là Cẩu Pung, tên quan ải và phố thuộc xã Bằng quân, huyện lỵ Thất Khê, Lạng Sơn.

4. Ðại Nam Thực Lục, Sđd, tập 7, trang 950

5.Trạm Cao Phúc tại phía nam tỉnh thành Cao Bằng 31 dặm; trạm Cao Nhã tại phía nam trạm Cao Phúc 31 dặm, cách trạm Lạng Hoành tỉnh Lạng sơn 18 dặm.

6. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 956-957

7. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 968.

8. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 977.

9. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 980.

10. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang  990.

11. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1050

12. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1098

13. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1103

14. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1124

15. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1125

16. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1153

17.Ðồn Lạc Dương: thuộc huyện Thất Khê, tỉnh Lạng Sơn; gần biên giới Việt Hoa.

18. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1178-1179

19. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1185

20.Chợ Chu: hiện nay thuộc huyện Ðịnh Hòa, tỉnh Thái Nguyên.

21.Chợ Mới: hiện nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

22.Ðại Từ: nay là huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

23. Ðại Nam Liệt truyện, Viện Sử Học VN dịch, Huế: NXB Thuận Hóa, 2005, tập 4, trang 220

24. Thanh Sử Cảo: Liệt truyện, quyển 314, Việt Nam.

25. Ðại Nam Thực Lục, sđd, tập 7, trang 1196

26.Cổ Lãm: thuộc huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

27.Vĩnh Tường: nay là huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; giáp với sông Hồng Hà.

 

Hồ Bạch Thảo
Số lần đọc: 2530
Ngày đăng: 05.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Hữu Bài (1863 - 1935) - 1 - Nguyên Hương N.C
Nguyễn Hữu Bài (1863 - 1935) - 2 - Nguyên Hương N.C
Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ : Phải chăng cần viết lại lịch sử ? - 2 - Nguyễn Đăng Trúc
Ai đã thành lập Giáo Hội Việt Nam? - Nguyễn Đăng Trúc
Phải chăng cần viết lại lịch sử ? - 1 - Nguyễn Đăng Trúc
Ngài Tả Dinh Đô Thống Chế Lê Văn Phong Đã Về Với Cháu Con - Diệp Hồng Phương
Nhà Mạc diệt vong - Hồ Bạch Thảo
Bước Đầu Xác Định Danh Hiệu Các Tiểu Quốc Thuộc Miền Bắc Vương Quốc Cổ Chiêm Thành / Champa Khoảng Thế KỶ 11-15 - Trần Kỳ Phương
Từ Chi và Phương pháp sử học phi chính thống - Lê Hải*
Sông Ðỗ Chú: biên giới lịch sử qua tư liệu Việt-Hoa - Hồ Bạch Thảo
Cùng một tác giả
Biển Giao Chỉ (lịch sử)
109. Vua Lê Uy Mục. (tiểu luận)