Cũng trong đêm nay, sau khi nghe nhạc Trầm Tử Thiêng thì cũng tình cờ sau lưng tôi một tập thơ bạn tặng đã lâu chợt rơi xuống từ trên kệ sách. Vì lúc này tôi đang treo bức họa chân dung của mình do anh Hà Cẩm Tâm vừa mới về phác họa cho, tôi đã đọc các tập thơ, sách dịch và biên khảo của Trần Yên Thảo từ lâu, nhưng lúc này thần kinh căng thẳng, nhiều lần tôi cầm bút viết về anh nhưng vừa nghĩ đến đã bị choáng không viết được. Cái ý định của tôi là viết thật kỹ về Trần Yên Thảo, vì sau khi tôi đọc tập sách “Con Đường Tơ Lụa” của anh dịch, tôi biết anh là một cây bút có tài, có kiến thức và cả tài làm thơ hơn hẳn các bạn đương thời là loại cảm hứng từ Cổ Thi, Đường Thi trước hết là tập”Quà Tặng Người Xưa”, thi phẩm với lời giới thiệu của Bùi Giáng đề tựa như sau:
Dở trang gay cấn
dở càn
Vô duyên là thế
Muộn màng
thế ru?
Mình đi? Để chút
lời chào
Ta ngồi ngắm mãi
đưa vào vi vu.
(Quà tặng người xưa )
Chân trời Việt
Trong bài kính tặng Không Lộ Thiền Sư
“Nụ cười Hoa Nghiêm.”
Theo như Bùi Giáng có 4 quyển sách vĩ đại nhất là Thần Thoại Hy Lạp, Nam Hoa Kinh, Kinh Hoa Nghiêm… còn thứ tư là Thơ Đỗ Phủ ắt hẳn là Bùi Giáng quên nhắc đến Con Đường Ngã Ba của mình. Trong bài Tặng Không Lộ thiền sư có câu thơ thú vị là:
Và khi trăng tỏ đường về,
Hoa Nghiêm cười nụ bên lề tử sinh!
Rồi đến:
Lời rằng Xuân đến xuân qua
Mượn hoa nói chuyện gần xa cõi người.
Ý nói về câu :
Đừng ngại Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua còn nở một cành mai
Không biết tôi nhớ có đúng không nhưng tôi không thích bài này lắm. Vì có chất lý luận trong đó nhiều quá! Thơ là tiếng nói tự nhiên và chân tình của thi sĩ nói với đời thế đó! Tác giả dịch:
Xuân phai đừng bảo hoa tàn
Cành mai sân trước nở vàng đêm qua
Cũng như thơ của tác giả thiền sư Nhất Hạnh viết:
Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã
Nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi
Vẫn nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống, vẫn ăn và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ
Tôi mới nói được
Những điều tôi ước mơ
Tác giả Trần Yên Thảo nhắc tới và khắc họa về hình ảnh tinh thần của những danh nhân nữ sĩ đời trước như Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương và các cụ Nguyễn Du, Đồ Chiểu, Chu Thần, Tam Nguyên Yên Đổ, Vị Xuyên, Tản Đà...những thi sĩ Việt lừng danh một thời trong văn học sử Việt, với một bút pháp thi ca lão luyện vững vàng mà xưa nay ít có ai vịnh như thế, và vịnh hay như thế.
Qua lần có vẻ như tri ân đến thi sĩ Việt, đến chân trời Đường Thi, nhắc đến một Vương Bột, thiên tài thi sĩ đã chết đuối trên biển khi sang thăm cha trở về lúc cha làm quan ở đất Giao Châu. Bài thơ tứ tuyệt viết dành cho Vương Bột khá mông lung, và buồn buồn. Bài Hạ Tri Chương nhắc đến cảnh truân chuyên xa cố quận đến bạc đầu trở về thì không ai nhìn ra nữa được, tiếc là nó không giống với những tình cảnh của người Việt đi cải tạo hay vượt biên, đến già trở về như Hà Cẩm Tâm đến 80 tuổi quay về quê không ai biết là ai cả! Hay cứ như họa sĩ Hoài Nam, chỉ ở Sài Gòn thôi mà khi trở về Tân An để tìm lại căn nhà của mình bị tịch thu đóng đồn bót, cũng bị xét hỏi và xua đuổi không cho ở lại, bây giờ nghĩ ra còn khổ hơn Hạ Tri Chương thời Đường nhiều!
Từ bài Lưu Đày cho đến bài Tống biệt Yên Đan, Lạc Tân Vương đã tạo ra một khí thơ bất tử trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, Trần Tử Ngang với kỳ tứ như bài thơ lúc ông rời quê hương đi qua cánh rừng thấy cây thì cao, cây thì thấp, đến già trở lại qua cánh rừng trước kia, ông chợt nhìn thấy tất cả cổ thụ đều bằng nhau, và bài Đăng U Châu Đài Ca là tuyệt bút trong này có dịch. Đỗ Mục có câu thơ:
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu lại
Còn giữa lầu xanh tiếng bạc lòng.
Về Đỗ Phủ thiên tài thời Đường qua bài thơ vịnh về ông có tựa là “Dòng bi sử” rất tuyệt. Tác giả Trần Yên Thảo còn vịnh về các tác giả xưa như một mối giao tình bất tử của nhà thơ hiện đại và các thi gia đời trước như tiếng chuông Hạnh Ngộ tặng Trương Kế, về Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Vương Duy Vương Xương Linh, Trương Hổ, Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Giả Đảo, Đỗ Thu Nương, Hàn Hữu, Lý Thương Ẩn, Đỗ Mục, Trịnh Cốc, Vy Trang tất cả đều có thơ vịnh, lột tả cái sâu thẳm và tài hoa nhất của thi nhân kim cổ. Đây là một tập thơ quý cho những ai muốn tìm hiểu Đường Thi, có những dòng thơ ruột lừng danh nức tiếng xưa nay đều được nhà thơ Trần Yên Thảo dịch ra một cách lưu loát, tinh anh sâu thẳm của từng bài, từng tác giả.
Quà tặng người xưa của Trần Yên Thảo đặc biệt làm một công việc vừa cảm hứng và tinh lọc cái tinh hoa đẹp nhất của Đường Thi, vừa tặng người xưa mà thật ra là tặng cho người đời nay cái Châu Thiện Mỹ hoằng viễn của thi ca cổ kim vậy.
Không chỉ dịch thơ mà tác phẩm của Trần Yên Thảo rất công phu trong dịch thuật như Con Đường Tơ Lụa và những Kiệt nhân của nền văn minh cổ đại Trung Quốc.
(Chú ý: Tuy nhiên trong quyển này tiểu sử các danh nhân lỗi lạc, có một số người vốn là người Bách Việt đời xưa mà sách này vẫn nhầm lẫn đó là người Hán tộc (xin xem Bách Việt Hiền Chí) của Trần Lam Giang viết ở tạp chí Khởi Hành để biết tài danh của dân tộc Việt không kém bất cứ dân tộc nào của Trung Hoa và thế giới. Có trích in trong Đại Việt Thần Đạo của Trần Tuấn Kiệt xuất bản tại Anh Quốc. Trần Tuấn Kiệt)
Chúng tôi xin trích vài bài thơ do anh dịch thuật cảm tác để bạn thơ hiểu rõ thêm về ngòi bút tài hoa của Trần Yên Thảo
Hát khi lên đài U Châu
Trước, không gặp được người xưa
Người sau chờ mãi sao chưa tương phùng
Nghĩ trong trời đất vô cùng
Ta rơi nước mắt khóc dùm cho ta
(Trần Tử Ngang – Đăng U Châu đài ca)
Khúc hát Vị Thành
Mưa mai thấm bụi Vị Thành
Vờn xanh quán rượu liễu xanh trở màu
Ly bôi cạn hết đi nào
Kẻo ra Dương ải biết bầu bạn ai!
(Vương Duy – Vị Thành khúc)
Ra biên ải
Trăng Tần ải Hán nhiêu khê,
Chinh nhân vạn dặm ngày về chưa hay
Cầm bằng Lý tưởng còn đây
Thì Âm san đã vùi thây ngựa Hồ
(Vương Xương Linh – Xuất tái)
Áo cũ tơ vàng
Tiếc chi áo cũ tơ vàng
Khuyên người tiếc lấy tuổi vàng ngày xanh
Hái hoa đương độ hoa xinh
Chờ chi hoa rụng bẽ cành cây không
(Đỗ Thu Nương – Kim Lũ Y)
Trần Yên Thảo dịch
Thay lời bạt ở sau trang bìa có bài thơ đề thật hay:
Ai đi từ độ măng tơ
Ai còn xõa tóc ngồi trơ bên cồn
Lối xưa nhòa nhạt gót hồng
Người xưa chắc đã về Bồng Lai xưa
Trần Yên Thảo
Quà tặng người xưa là thi phẩm chọn lọc đặc biệt cho khách yêu thơ yêu cái cao sâu của Đường Thi:
(Chú thích:
Trong tập có phụ bản:
Cù Nguyễn, Hồ Hữu Thủ
Chân dung tác giả: Hồ Hữu Thủ
Đường Thi trích dịch: Trần Yên Thảo
Thủ bút Hán tự: Lâm Hồng Lân.
(Nhà xuất bản Trẻ, 1997)
Việt Nam, mùa Hạ năm Nhâm Thìn (2012)