Trong tuần trước, chúng tôi đã tường thuật chuyện Đức TGM Nguyễn Văn Thuận bị bắt ở Sài Gòn ngày 15.8.1975, bị đưa ra quản thúc tại giáo xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, Khánh Hoà, rồi ngày 18.3.1976 bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh, Nha Trang. Sau đây là giai đoạn tiếp theo:
CHUẨN BỊ RA BẮC
Ngày 29.11.1976, xe công an lại đến trại Phú Khánh đưa ngài vào trại Thủ Đức. Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Thanh Giàu, một chức sắc của Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo, kể lại chuyện gặp ngài tại trại Thủ Đức như sau:
“Lúc ấy khoảng 2 giờ chiều, trong khi chúng tôi đang kê khai lý lịch vào cuốn sổ của trại thì từ ngoài cổng, một toán bảy người đang đi về phía phòng chúng tôi, trong đó tôi nhận ra có Đại Tá Lý Bá Phẩm, tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa (Nha Trang), còn những người kia thì hoàn toàn xa lạ, tuy nhiên có một người khi vừa trông thấy làm tôi thật ngạc nhiên, vì dù trong lớp áo bình thường như bao người khác, nhưng hình như ở người đó thoát ra một điều gì rất đặc biệt, rất trong sáng và tôi thầm nghĩ đây không phải là một người tầm thường. Rồi cũng như những người đến trước, mọi người kê khai tên tuổi và chức vụ của mình, chừng đó tôi mới biết vị trung niên rất đẹp trai, mặt mày rất sáng sủa kia là vị Giám Mục giáo phận Nha Trang Nguyễn Văn Thuận, và sau đó anh em Công giáo bắt đầu bu quanh Ngài để nghe Ngài nói chuyện...
“Trong thời gian ngắn ngủi, chỉ có một tuần lễ, sống chung phòng với Đức TGM Nguyễn Văn Thuận tại trại Thủ Đức, qua cung cách xử thế và đức độ của Ngài đã khiến tôi ngày càng kính trọng hơn...”
Tiếp đến là giai doạn chuẩn bị lên đường ra Bắc. Chúng ta hãy nghe ông Nguyễn Thanh Giàu kể tiếp:
“Sau màn khám xét, đồ đạc chúng tôi được cho vào những bao bố được buộc bởi những dây nylon đủ màu, xanh, vàng, trắng, đỏ...
“Tâm sự chúng tôi cực kỳ hoang mang, không biết số phận mình ra sao, họ sẽ đưa mình đi đâu đây? Có người đoán họ sẽ đưa chúng tôi ra Phú Quốc, người thì nói Côn Sơn, Bà Rá, v.v... nhưng có người biết chúng tôi sẽ ra Bắc: Đó là Đức Cha Thuận. Có lẽ Ngài còn biết rõ họ sẽ đưa chúng tôi đi bằng đường biển, cho nên những ngày sau đó, Ngài đến từng anh em thăm hỏi và cho thuốc những người đang bị bịnh, tôi nhớ có một người gốc thiểu số tên là Điểu Ngang, đang bị bịnh rất nặng, và Cha Thuận đã tặng cho anh nầy nhiều thuốc để điều trị. Đức Cha Thuận còn phân phối thuốc say sóng, chống ói cho anh em và Ngài đã thuật lại câu chuyện khi Ngài từ Sài gòn đi đến Marseille bằng đường biển Ngài bị say sóng rất nhiều. Ngài khuyên mọi người khi đi tàu nên nhịn ăn nhịn uống, khi nào đói lắm hãy ăn, khát lắm mới uống, vì khi say sóng nó sẽ ói đến khi trong người không còn gì để ói mới thôi.”
TRÊN ĐƯỜNG RA BẮC
Ngày 1.12.1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tàu Trường Xuân đi ra Bắc. Khi ra đi, vì không có gì để đựng các đồ tùy thân, ngài phải lấy cái quần cột hai ống lại và dồn đồ vào trong rồi mang đi. Chúng ta hãy nghe chính ngài kể lại các diễn biến này:
“Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc - một cuộc hải hành dài 1.700 cây số...
“Cùng với các tù nhân khác, tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 người, trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói: “Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xẩy ra cho tôi ở đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.” (Cv 20,22,23). Tôi đã sống trong lo âu suốt đêm hôm ấy.
“Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng nghe lời tôi. Cách đây hai năm, trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết thẹo còn hằn trên cổ.
“Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi lo âu của họ. Tôi đã chia sẻ các đau khổ của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng 12, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài đi chết “bên ngoài tường thành”, “bên ngoài tường thánh.”
Tôi là người đã cùng đi trên chuyến tàu này với ngài, nhưng bị giam ở một khoang tàu khác. Ông Nguyễn Thanh Giàu, người bị giam chung cùng khoang với ngài đã tóm lược lại những gì đã xẩy ra trong khoang tàu của ngài như sau:
“Suốt mấy ngày ngồi dưới sàn tàu chở than dơ bẩn, lại thêm mấy thùng chứa phân, chứa nước tiểu bị tràn ra ngoài, mọi người như ngồi trên hầm phân. Đức Cha Thuận một lần nữa lại an ủi anh em, cố gắng giữ vững tinh thần, nếu để tinh thần sa sút bị bịnh lúc nầy thì rất là khổ.”
MỘT NHÀ TU HÀNH ĐÁNG KÍNH
Ngày 3.12.1976 tàu cập bến Hải Phòng. Công an chia các tù nhân thành ba toán khác nhau theo dấu hiệu họ đã gắn ở mỗi người và đưa mỗi toán đến một trại khác nhau: Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Quang và Thanh Cẩm (Thanh Hóa). Riêng Đức TGM Nguyễn Văn Thuận bị đưa lên trại Vĩnh Quang ở Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc và Phú Thọ cũ), nằm sát chân núi Tam Đảo. Ông Nguyễn Thanh Giàu đã đi cùng trong toán này, nên đã kể lại một số chuyện về ngài trong thời gian ở trại Vĩnh Quang như sau:
“Họ chia chúng tôi thành từng đội, từng tổ và phân chia lao động. Tôi nhớ, khi phân công, anh em không muốn Ông Già, danh xưng để gọi Đức Cha Thuận vì lúc nầy cán bộ trại không cho gọi ai theo chức sắc tôn giáo, phải đi lao động nặng nhọc nên đề cử cho ông làm trực buồng, tức là ở nhà lo lấy thức ăn, sắp xếp chăn mền, dọn dẹp buồng và đương nhiên phải đi đổ phân hằng ngày.
“Anh em xin Ngài cho anh em thay Ngài làm công việc dơ bẩn nầy, nhưng Đức Cha Thuận không đồng ý và Ngài bảo: Tôi rất vinh dự được đi tù chung với anh em, xin anh em hãy để tôi làm hết bổn phận của tôi. Có lần vì Trời quá rét, nhiệm vụ người trực buồng phải đi lấy than đá đem về phòng để sưởi, vì bao than quá nặng trên đường về Ngài suýt mấy lần bị té ngã nhưng Ngài gắng gượng mang được về phòng, bỏ bao than xuống Ngài phải ngồi hồi lâu mới lấy lại sức...
“Có một điểm rất đặc biệt, khi cán bộ trại giam bắt tất cả tù nhân lên hội trường, là một gian nhà trống giữa sân trại, để làm bản tự khai... Sau vài giờ viết tự khai, họ cho nghỉ giải lao, người thì đi uống nước, đi vệ sinh,hút thuốc, nhưng phần đông thì bu quanh Ông Già để nghe Ông nói chuyện. Một cách rất trung thực mà nói, lúc bây giờ bu quanh Đức Cha Thuận không phải chỉ có giáo dân mà trong đó có đủ thành phần tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Riêng tôi, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, lúc bấy giờ tôi không nhìn Đức Cha Thuận là Một Đức TGM Công Giáo mà nhìn Ngài là MỘT BẬC CHÂN TU, MỘT NHÀ TU HÀNH ĐÁNG KÍNH.”
ĐƯA ĐẾN TRẠI THANH LIỆT
Sau thời gian lấy lời khai tổng quát và phân loại, ngày 5.2.1977 ngài bị tách ra và đưa vào giam ở trại Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, phía Nam Hà Nội. Huyện này trước thuộc tỉnh Hà Đông, rồi Hà Tây và nay là một huyện ngoại thành của Hà Nội. Xã Thanh Liệt là quê của Chu Văn An. Trước khi rời trại Vĩnh Quang, một tù nhân đã lấy cái bao tải chùi chân ở cửa ra vào, giặt sạch và may lại thành cái bao cho ngài đựng các đồ cần thiết.
Trại Thanh Liệt được thiết lập ngay trong Đình Thanh Liệt. Nhìn bên ngoài, không ai có thể biết được đó là một trại giam. Cổng trại là một cổng đình to lớn, đồ sộ. Qua khỏi cổng trại là một khu rộng thênh thang, chung quanh có hai lớp tường kiên cố. Trại được chia thành nhiều khu nhỏ: A, B, C, D... Mỗi khu có 7 hoặc 8 buồng, mỗi buồng dài 8 thước và rộng 2 thước 50. Mỗi buồng có hai cửa dày bằng gỗ, chung quanh có tường cao khoảng 5 thước. Đây là nơi được dùng để giam những nhân vật quan trọng hoặc những người cần được khai thác. Mỗi buồng thường giam một người, nhưng cũng có khi hai người. Trước đây, trại Thanh Liệt cũng là nơi giam giữ các tù binh Mỹ. Linh mục Trần Hữu Thanh bị giam ở phòng 5D, ông Nguyễn Tư Thái (Thái Đen) bị giam ở phòng 3D, còn Đức TGM Nguyễn Văn Thuận bị giam ở phòng 7D...
Trong thời gian bị giam ở trại này, Đức TGM Nguyễn Văn Thuận bị thẩm vấn liên tục về đủ mọi vấn đề, từ nội bộ của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, các thành phần linh mục bị coi là chống chính quyền, các thành phần linh mục đang tham gia các hoạt động của chính phủ... đến các tổ chức chính trị ở miền Nam Việt Nam. Đa số những người đến thẩm vấn là các công an cao cấp được Bộ Nội Vụ phái đến. Việc đối đầu với các công an loại này không phải là chuyện dễ dàng.
Sau này, khi ghi lại những đoạn ngắn về thời gian bị giam giữ, ngài có viết như sau:
“Trong 9 năm bị biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn diện bật sáng từ ngày này qua ngày nọ. Có lúc lại ở trong bóng tối từ tuần này qua tuần khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một giám mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẫn uất nổi lên trong tôi.
“Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi: “Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì Người đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo... đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ các việc đó, hãy bỏ ngay và hãy tín thác nơi ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con đã chọn Chúa chứ không phải những công việc của Chúa.
"Ánh sáng ấy sẽ đem lại cho tôi niềm an bình mới, làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi trong suốt 13 năm tù đày...”