Đầu tháng 5, vài cơn mưa chuyển mùa, chiều xuống thì trời xám xịt, buồn buồn... Một anh bạn, gốc dân Quảng Ngãi, kiếm sống chỉ bằng mấy giờ dạy kèm Anh ngữ, có nhã ý mời tôi đi ăn một món đặc sản quê anh. Ngại cho túi tiền eo hẹp của anh, tôi từ chối thì anh nói ngay “rẻ thôi mà!”.
Cái quán xập xệ nằm ở đầu đường Bình Giả, quận Tân Bình. Chị chủ quán có vẻ trầm lặng, không đon đã chuyện trò với khách nên chúng tôi cũng ngại, có gợi chuyện vài câu thì cũng không hỏi là chị ở ngoài đó, hay cái món hiếm thấy ở Sài Gòn này được chuyển vào như thế nào... Nhưng khá gây ấn tượng là mấy chữ “Don Quảng Ngãi” được ghi dõng dạc, to nét trên đầu cái bảng lớn treo trước quán. Rồi hầu như để cho đồng bộ, bên trong quán lại có thêm hai poster quảng cáo “Bia Dung Quất – Bia Quảng”, và tuyệt nhiên không thấy nhãn bia nào khác có mặt trên vách.
Tuy nhiên, sau một thoáng quan sát, tôi lại thầm ‘ngộ’ ra là nếu như chủ nhân quán này có tánh hơi chãnh (từ thông dụng của dân Sài Gòn, để gọi đùa người có tính kiêu ngầm, khép kín, có vẻ như làm bộ làm tịch…) thì chắc cũng chỉ là chãnh vừa phải thôi. Kìa, trên tấm bảng treo trước cửa quán, mấy chữ “Cháo gà, vịt – Tiết canh – Hủ tíu” dù nhỏ hơn nhiều so với các chữ “Don Quảng Ngãi”, nhưng chính phần thông báo - có vẻ thứ yếu - về các món ăn rất thông thường, quen thuộc này lại chắc chắn thu hút khách ăn hơn tên gọi của những món đặc sản nào đó - chẳng qua là các món ấy gần gũi hơn đối với người dân gốc ở đây, cả với nhiều người ‘tứ xứ vãng lai’, vốn đã vô, ra Sài Gòn như cơm bữa, thường qua lại khu vực Tân Bình sầm uất này. Có lẽ người ta cần sống thực tế trước cái đã, như cần làm sao cho việc buôn bán của mình thuận lợi, đắt khách; sau đó mới từ từ mà hoài niệm, nhớ nhung, chẳng hạn như muốn phục hiện một điều gì đó – một hình ảnh, một món ăn chân quê, vài tên gọi… mà tình cảm ta đã ghi khắc, hướng về quê hương mình.
Tất nhiên là người xứ Quảng, như bạn tôi, hay một bác lớn tuổi, hay một cặp trai gái đang ngồi ở những bàn kế cận, thấy chữ ‘don’ thôi thường cũng đủ cho họ bâng khuâng nhớ quê nhà, rồi tự hẹn với chính mình, rồi đưa tin, rủ rê bạn bè đồng hương hay khác xứ, một ngày nào đó đến một quán có bán món don như cái quán này.
Anh bạn tôi bắt đầu câu chuyện một cách chẩm rãi, chủ đề duy nhất: món ăn xứ Quảng. Như thói quen nhà giáo, nói là có dẫn chứng cụ thể, như một câu trong sách Non Nước Xứ Quảng của tác giả Phạm Trung Việt : “Món ăn đặc biệt Quảng Ngãi gồm chim mía, cá bống và don”. Anh bạn cho thông tin thêm là don thuộc loài sò hến, chỉ dài 1 hay 1.5 cm và phần ruột, giống cái lá phổi nhỏ xíu, có mùi tanh thoang thoảng của thủy, hải sản nhưng rất ngon ngọt. Sau khi rửa sạch, người ta luộc cả rổ don rồi mới tách ruột don. Kế đó, ruột don nấu với nước luộc ban đầu (đã đãi sạch vỏ don cùng sạn, cát) mà thành món cháo, món canh rau muống hay món nấu có nước, nêm nếm đơn sơ như chúng tôi đang ăn. Ruột don còn được làm gỏi với bí đao, được băm nhỏ pha vào nhân bánh bèo, trộn vô mắm ruốc Huế cho lạ khẩu vị...
Trước mắt tôi hiện giờ là một tô don đúng điệu Quảng mà tôi cứ tin đại rằng chị chủ quán kiêu hãnh, ít nói kia chắc là không thèm tạo thêm ngọt đạm cho nước dùng bằng xương heo, củ cải trắng hay thậm chí bằng cái con anh em ruột với con don là con hến. Màu nước dùng hơi vàng đục, nóng hổi, có nêm một chút rau thơm nhưng... quá ít, chỉ chừng được nửa tô. Tôi liên tưởng đến món mì Quảng, bao giờ cũng khá ít nước dùng - hay nước lèo, nói theo dân Nam bộ. Phần “nồng cốt” của món ăn là ruột don ở đáy tô còn có vẻ tượng trưng, “lấy hương lấy hoa” hơn nữa: có ráng múc gom lại thì cũng chỉ được võn vẹn chừng một muỗng canh. Ngược lại, như để phần nào an ủi sự háo ăn của thực khách, món phụ ăn kèm không-thể-thiếu là cái bánh tráng gạo thì to đùng, người ăn cứ thong thả bẻ ra miếng nhỏ mà bỏ vô tô. Chén ớt trái và chai nước mắm để trên bàn cũng nhỏ nhắn, thấp bé, không hề giống những chai xì dầu, hủ tương đen đỏ, rổ rau thơm to tê, ngồn ngộn, chiếm gần hết mặt bàn ở những quán hủ tíu hay quán phở.
Dù sao đây cũng là một món ăn giản dị, không màu mè, không đòi hỏi gia vị, rau rá, nước chấm làm riêng... là những thứ “phụ tùng” cầu kỳ, rắc rối. Don không bốc mùi thơm, béo ngào ngạt nhưng lại ngon đậm đà, lãng đãng mùi vị của sông nước, đồng nội. Tôi tẩn mẩn bẻ vụn bánh tráng bỏ vào tô, thú vị nghĩ rằng kiểu ăn dân dã này không thể bị xếp vô những loại fastfood là thứ tôi không ưa nổi.
Cụng nhẹ ly bia Dung Quất, người bạn nói còn có món don chiên dòn, chế biến mắc công hơn một chút nhưng nhậu với rượu đế thì đả lắm. Anh nhấn mạnh món don này thích hợp với dân nghèo, dân lao động. Vào những cữ bắt đầu đói bụng như lúc 9 – 10 giờ sáng hay 2 -3 giờ xế trưa, ở ngoài đó, người ta có thể kêu gánh don lại mà làm một hơi hai, ba tô nếu gặp người ăn mạnh. Thật dễ ăn.
Vâng, đúng như anh bạn nói, món don rất dễ ăn. Còn đặc biệt dễ với những ai không còn có răng cỏ đầy đủ - như bạn tôi đây, mấy năm rồi không có tiền để đi làm hàm răng giả – là cứ múc bánh tráng nướng đã mềm rục vì thấm nước don, đưa lên miệng là nuốt tuồn tuột, khỏi nhai.
Nhưng tôi còn cảm thấy món này dễ ăn theo nghĩa khác. Tô don cùng bánh tráng ở quán này giá chỉ có 10.000 đồng, nghĩa là chỉ bằng phân nửa giá tô phở hay tô hủ tíu hạng trung bình. Với những gánh don ở dưới quê xứ Quảng, giá chắc còn thấp hơn nhiều, ăn một hơi hai ba tô cũng chẳng tốn bao nhiêu. Còn chai bia Dung Quất, đã đem vô đất Sài Gòn, bán ở đây cũng chỉ 8000 đồng một chai, còn hương vị thì xin thưa thật là lạt lắm, thua xa bia “Sài Gòn 333”. Chắc phải cỡ chục chai mới đủ sức làm tôi say, mới đủ sức đưa tôi ra khỏi những nghĩ suy dật dờ, bùi ngùi lúc này...
Sao cái gì anh bạn xứ Quảng giới thiệu về quê hương anh cũng ẩn nhẫn, nhỏ bé? Nhìn anh còm cõi, khẽ khàng bẻ nhỏ những miếng bánh tráng bỏ vào cái tô don đã cạn nước mà hình như mới đây ở đáy tô cũng có chút ít thịt cái loài ốc chút xíu này mà người ăn lại hay nhín nhín, để dành lại rất lâu, tôi mơ hồ hình dung ra hình ảnh ảm đạm về những người dân nghèo miền Trung, nhất là các tỉnh khu Nam trung bộ. Ít ai giàu có, tức trong sinh hoạt đời sống không dư dã, không có gì nhiều nhặn, phong phú để mà lựa chọn. Thí dụ sống động nhất lúc này là cái cách ăn uống lặng lẽ, dè xẻn của bạn tôi. Như kia chỉ là cái bánh tráng gạo rẻ tiền – loại bánh to, dày, thô kệch nhưng thật xứng đáng để đóng vai món ăn kèm chính yếu với tô don - mà vẫn được anh tỉ mẫn bẻ ra thật nhỏ, thả vào tô và ăn ngon lành. Nghe nói ở quê anh, bánh tráng nướng hay bánh tráng nhúng nước chấm nước tương, nước mắm vẫn được giới lao động nghèo xem như bữa ăn nhẹ và rẻ tiền nhất nhưng rất cần thiết để tạm qua cơn đói bụng giữa buổi làm việc, đánh lừa cái bao tử lép kẹp để lấy lại sức mà cày tiếp…
“Sao im lặng vậy? Hay gọi thêm chai nữa?”, bạn tôi nhắc. Tôi từ chối uống thêm thì anh bạn lại tiếp tục câu chuyện:
“Nguồn ốc don rất ít ỏi vì chúng chỉ sống ở nước chè-hai, tức lờ lợ nửa mặn nửa ngọt của sông Trà quê tôi thôi, giống như con hàu chỉ sống tập trung ở sông Long Sơn, Bà Rịa quê bà xã ông, như ông kể vậy. Ngon nhất chỉ có don ở khúc sông Trà chảy ngang thôn Vạn Tường quê tôi, tôi còn nhớ thuộc xã Tư Nghĩa, quận Tư Bình thời trước, nay hình như đổi thành huyện Bình Sơn... Quê tôi đã có câu ca dao, lưu truyền từ rất lâu đời Con gái lầu son không bằng tô don Vạn Tường...
Tôi chợt thảng thốt hỏi:
“Hả? Ông... mới nói gì? Vạn Tường?”
“Đúng, Vạn Tường chớ còn ở đâu hơn được chỗ đó? Ông làm sao vậy? Hồi xưa có em nào, bồ ông là dân Vạn Tường xứ Quảng hả? Giỏi thiệt, giờ này mới khai ra!”
Thật ra, lý do tôi chợt thảng thốt không phải là vì tôi bị “làm sao” và tôi cũng không hề có cô bồ cũ nào là dân Vạn Tường, mà chính là vùng đất Vạn Tường quê bạn – và như anh nói, cũng là ‘quê hương’ của loài ốc don nhỏ bé kia - đã khác xưa lắm rồi.
Nguyên từ năm 1993, trong khuôn khổ tổng dự án lập ra Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất, một trong ba dựa án chính cho toàn khu này là xây dựng nên đô thị Vạn Tường với qui mô thiết kế tới 2400ha và dự kiến sẽ là nơi sinh sống của 15,000 – 20,000 cư dân, cũng như dự kiến ở trung tâm thành phố sẽ có đầy đủ các công trình đô thị, như: công sở, chợ lầu, trường học, bệnh viện, công viên, quãng trường, cung văn hóa – thể thao.v.v… Rồi trong gần 20 năm trôi qua, vì nhiều lý do này khác, ở giai đoạn xây dựng nào cũng gặp phải đủ loại khó khăn, trì trệ... Theo một bài báo cũ, đăng trên báo TT đâu khoảng năm 2006, có tựa là Vạn Tường – thành phố lỡ nhịp, thì với hàng ngàn người dânVạn Tường, vốn là dân quê làm ruộng hay chài lưới ở huyện Bình Sơn, đất đai, ruộng vườn của họ đã chịu giải tỏa trắng để dành chỗ cho nhà máy lọc dầu (năm 1998 mới khởi công). Họ bỏ lại ruộng đồng, nhà cửa, tìm vào thành phố mới thì nơi này được xây dựng quá è ạch do mọi việc hầu như cứ dậm chân tại chỗ. Đến nổi vào tháng 3/2005, tỉnh Quảng Ngãi đã có quyết định chuyển Khu Công nghiệp lọc hoá dầu thành Khu kinh tế Dung Quất để mở cửa đón những nhà đầu tư khác ngoài ngành dầu khí. Lúc đó, nhiều người dân lại quay lại ruộng vườn sản xuất, sống nhếch nhác “một cảnh hai quê”. Bài báo kể rõ là vào thời ấy, có nhiều thanh niên ở Vạn Tường đã được đi học xong nghề công nhân lọc dầu, trở về thì thất nghiệp, may mắn thì kiếm được việc làm ở khu cảng nước sâu hay tệ hơn, vô Sài Gòn bán mì gõ…
Ngày nay, như đến đầu năm 2012 này, phải nói rằng đô thị Vạn Tường đã cơ bản định hình, phố xá khá khang trang, chợ búa, hàng quán đông vui…, và nhìn chếch lên hướng tây là nhà máy lọc dầu Dung Quất với đường ống dẫn, những cột tháp chưng cất dầu vươn cao lên bầu trời.
Nhưng còn ai nhớ đến một cái thôn xóm đồng quê êm ả đã từng mang tên là Vạn Tường, khuất lánh ở một quãng sông Trà nước chè-hai, có còn dấu tích nào ở thành phố Vạn Tường mới không? Và con ốc don – “đặc sản” độc đáo của vùng đất này, từ xa xưa đã vang danh ngon nhất đất Quảng, ra sao rồi? Tất cả chúng ta vẫn đang sống thở, vẫn làm lụng, vẫn hướng về phía trước, nhưng đâu đây dường như lại có tiếng thở dài thầm lặng của ai đó khi chạnh lòng hoài niệm quá khứ…/.