- Anh đi đâu đó? Em đi theo với.
- Thì đi.
Chúng tôi đi về phía đường cái quan, cái vùng làng sáng sủa vì quán nhiều dần.
- Anh Bầu này, khi nào cho em đi theo anh ra thành phố với.
- Khi nào? Thì chuẩn bị đi. Đi chơi thì phải có tí tiền. Gì cũng tiền chú em ạ.
- Em không có tiền. Em muốn đi thành phố kiếm tiền.
- Thằng này lại thế rồi.
- Thế là sao?
- Là cứ nghĩ phải đi thành phố mới được.
- Thì cái gì đó nhà quê không bằng ngồi lê thành phố mà.
- Không biết cứ hay thể hiện.
- Biết rồi, tại quên.
Anh Báu vào quán chị Ngần. Người dân mới đây vẫn có kiểu ngồi lai rai ở quán, nhất là quán chị Ngần vào đầu tối.
Hơn mười tuổi, chúng tôi vẫn còn ngẩn ngơ trước quán chị Ngần thèm kẹo, cái hộp kẹo bán lẻ cho trẻ con vẫn làm chúng tôi thèm rõ dãi, thỉnh thoảng cũng có vài đồng lẻ để mua. Ngày đó, cái chỗ đường làng gặp đường cái quan này còn vắng vẻ lắm, cái quán tre của chị Ngần mọc lên, ai muốn mua gói muối, thẻ hương, chai rượu... cũng không phải chờ đến phiên chợ nữa. Đường cái quan đổ nhựa, dần dần lại có thêm một quán, nó thành nơi rộn nhất của làng.
Tôi hít căng lồng ngực bởi hình như vừa thoảng nhẹ cái mùi hương rất quen. Cơn gió vừa ùa đến hãy còn làm vòm lá xoan trên đầu rào rạt. Tôi ngửa mặt nhìn lên. Đúng là những cây xoan đang làm nụ kìa, có lẽ đã có cánh hoa nào nở sớm?
Chị Ngần không lấy được chồng hay không thèm lấy? Người ta nói từ lâu rồi cái chuyện đàn ông dính vào chị Ngần rồi thì bứt không ra, mà bị dính nhiều lắm. Trong làng ngoài xã có hết. Vẫn là người này lườm nguýt, kẻ kia thèm thuồng. Đồn thì nhiều, nhưng bắt tận tay day tận trán thì chưa. Nên chả ai làm gì được. Mà ai dám làm gì, chị ấy mềm dẻo lắm, mấy công an xã, cán bộ xã phải nể hết. Bà nào mà léo xéo gì trước quán, chị ấy thích lên là vặn cho mồm méo. Cái tội chửi đổng, vô chứng cứ là cứ phải thất thế.
Chuyện trước đây, nghe nói có một gã đàn ông lạ tìm về rồi đi mà không ai hiểu ra chuyện gì.
Chuyện trước đây, vợ ông chủ tịch xã đổ bệnh vì ghen tuông.
Chuyện nay vẫn còn, nhiều vợ chồng lục đục, cãi nhau kiểu gì cũng liên quan đến chị Ngần.
Nghe đâu trước đây chị Ngần đi thành phố về, mắc bệnh gì đó, chẳng chịu làm ruộng, đòi cha mẹ mở quán. Mọi chuyện cứ thật giả lộn phèo. Chả gì cũng là trung tâm rắc rối.
Mặc anh Báu. Tôi muốn đến nhà cái Mía chơi hơn, nó dạo này đã như cây muốn nở hoa. Đàn bà con gái là thứ gì gì ấy, muốn mà không đến thì không yên.
Tôi đã yêu như thế nào không rõ. Giờ mới thấy từ khi cha sinh đến giờ thấy không có gì bằng việc yêu. Mà hình như trên đời cũng không có gì hơn là yêu được nữa.
- Không. Mía phải thi đại học, cao đẳng. Mía chưa yêu.
- Chưa yêu này...
- ứ ư ự.. Cái anh này...
- Dận à? Thôi thì Mía thi đỗ, tôi cứ theo đến tận trường mà yêu cho Mía không còn yêu ai được nữa.
- ...
- Mía có biết những lúc đói anh làm gì không?
- ...
- Là chui tọt vào giữa ruộng mía bẻ ngang cây, tước, nhai ngấu nghiến, hít hít...
- Mặc anh, em không thèm biết.
- Anh thấy Mía giống như cây mía quê mình, thấp nhỏ một chút thôi chứ ngọt lắm.
- Anh đừng hòng mà phỉnh.
- Mía thi đỗ thì học, không đỗ thì lấy anh nhé. Anh như thế này mà không yêu, không lấy, sẽ bị cướp mất cho mà xem.
- Mặc kệ anh.
- Mặc anh rồi nhé...
Tôi thèm biết bí mật của Mía. Xáp vô, bứt cái cúc trên cùng, nghe Mía nóng hổi, hầm hập chống trả càng muốn.
- Mía...
- ...
- Nghe thấy gì không?
- Không.
- Không này, chết đi này...
- ùi...đau.
Những ngày tháng tôi sung sướng vì yêu.
*
Chuyến đi xa lần đầu trong đời khiến tôi có cảm giác mình như quả khô tự bong tách vỏ. Thế giới cũ biến vỡ, sắp xếp, hình thành lại. Cái đầu như đất mới được vỡ hoang..
Anh Báu đón tôi. Vào ăn ở một quán cơm chật chội, kín người.
- Em chỉ cần được ăn cơm canh thôi cũng sướng rồi, anh mua nhiều thế này.
- Ăn đi thôi, thế này là tồi lắm rồi em ạ.
- Ngày đầu đến đây anh thế nào?
- Anh chẳng nhớ nó ra sao nữa. Đại khái là cũng thiêng liêng lắm. Nhưng cũng chỉ thích vì vẻ ngoài, rất trẻ con.
Anh Báu dẫn tôi vào một quán cà phê. Trong thoáng chốc đã có thể quen với mọi thứ mà mới trước đó gây choáng ngợp. Bây giờ thành phố đã không còn là cơn thác lũ ào vào tôi đột ngột nữa, tôi ngồi nhìn một góc phố, thấy quen mắt, thấy dần lắng dịu, không muốn nói gì, thấy Mía và cha, Na, làng quê thay nhau chập chờn, xa tít, nhỏ bé, và đáng nhớ. Tôi giờ mới mủi lòng rưng rưng, mới thấy mềm yếu, và càng dần càng im tịt, không muốn nghe anh Báu nói, không muốn quan tâm, chú ý xung quanh. Giờ tôi bị nhũn ra vì lần đầu nhớ. Cả cái làng quê khô cằn, tưởng như không thể nào mà nhớ được, thì chính nó như chực kéo tôi về ngay.
Anh Báu cũng trở nên trầm ngâm. Chúng tôi ngồi im lặng khá lâu. Khi về phòng trọ, anh Báu ngồi lì bên máy tính.
Tôi lần đầu uống cà phê, không sao ngủ.
- Anh Báu này, sao anh không lấy vợ? Anh không muốn chuyện ấy à?
- Thằng này, thế mày lấy vợ vì chuyện ấy à?
Nói chán lại im. Im chán lại nói. Đói. Chỉ có ít cá khô, rang lên nhấm nháp với ít rượu, rồi cũng hết.
- Anh nói thật, mày là thằng được, hay là ôn thi, học đại học? Chẳng muộn đâu, đời đang tha hồ sống. Thế thì may ra mày thoả chí.
- Em nghèo, học hành sao được, lại còn sắp có con nữa. Mà như anh cũng học hành ngon lành đấy, vẫn chưa ra sao, hay kêu khổ. Đúng không?
- Ai mà chả hay kêu khổ, mày sống rồi sẽ thấy.
- Anh đang đọc cái gì mà mê thế, lên ngủ nào?
- Mày cũng nên đọc nhiều vào, không đọc thì sống chẳng ra cái hồn gì, nhất là những anh nhà quê, không chịu khó đọc thì người ta khinh, mà khinh ngầm ấy.
- Em cũng nghĩ gần được như thế.
- Nhưng cái thời buổi này, nhiều thứ nhiễu loạn, nhảm nhí lắm, phải chọn cái đọc, nếu không chỉ phát rồ, phát dại.
- Em nghe làng nói lâu lắm rồi rằng anh đã từng viết gì đó phải không? Anh viết gì?
- Viết linh tinh đôi ba bài báo ấy mà.
- Bây giờ viết nữa không?
- Không.
- Sao thế?
- Chả làm sao cả, không là không, nói nó nhì nhằng lắm.
- Sao anh không yêu ai, lấy ai nhỉ, nhiều tuổi rồi mà cứ thế này à? Em mà là con gái, thì phải theo yêu anh bằng được.
- Anh thích đẹp. Đẹp toàn diện. Càng ngày anh càng không chịu được khiếm khuyết của con người, của mình. Cũng có thể chính vì khiếm khuyết của mình mà anh không dám lấy vợ.
Tôi nghĩ về điều mà anh Báu nói, thực tế là nghĩ về con người anh, một kiểu người.
*
Nghe tin cái Na bệnh nặng tôi mong về lắm, nay được về mà không vui. Mười tuổi Na thay tôi đi chợ phiên mua, bán, góp nhóp, đong đếm. Người đã nhỏ, lại xanh rớt, đau vặt.
Trông thấy cha giặt đồ cho Na. Thật là thương. Đi lâu, giờ nhìn kỹ, thì thấy như là sự khô cằn của đất đai, sự nghèo khổ, lam lũ đã đúc nên gương mặt, những nếp nhăn, và cả xương cốt khô gầy của cha. Thấy tôi, mắt cha rỉ nước, nói bệnh Na không cứu chữa được.
Tang tóc bắt đầu đến ngõ. Những cơn vật vã đau đớn của em gái trước khi từ giã cõi đời. Cái chết biết trước đến dần, như nạo vét tim óc. Nhưng chỉ cái chết đến thật mới tang thương mà không tưởng tượng nào đạt đến.
Nhà đang u ám khói hương thì đứa con trong bụng Mía cũng đòi ra đời. Tôi lại chứng kiến cơn đau đẻ vật vã suốt một ngày trời của vợ. Là con gái, được hai cân mốt. Trời đất. Nó còi cọt tách ra từ tấm thân nhỏ bé của mẹ nó, không khác bông ngô trái mùa chịu hạn ở ngoài vườn.
Mẹ Mía, rồi cả hàng xóm nữa, miệng bày, tay làm. Quạt than, đốt, xông, nấu... các thứ việc mà, nếu không có hàng xóm thì không ổn thoả được. Bà Tam người vốn thường ngày lắm chuyện, hay ghét bỏ, chê bai, thương thì ít, nguýt thì nhiều, cũng sốt sắng tay làm hàm nhai ( trầu), gọi tôi là bố hoe, sai lấy cái tạ, đưa cái quạt... Cho đến khi đâu vào đó, bà ngoại về sau cùng, nhà lại im ắng, vắng hoe.
Những người đàn bà đến giúp đã khiến tôi nghĩ, thèm nhiều về mẹ. Giá mà tôi cũng có mẹ như người ta. Tôi chẳng còn nhớ mẹ như thế nào? Tôi không biết về mẹ để nói cho chính xác. Có giống như mẹ người ta không? Như mẹ Mía không? Tôi phải hỏi cha về mẹ mới được.
Cha chưa xuất hiện thì chắc tôi còn ngồi nghĩ mông lung. Đã trưa rồi, nếp sinh hoạt không có bàn tay Mía trở nên khó khăn.
Anh Báu biết mọi chuyện, bảo tôi đi thành phố kiếm sống nữa hay không không quan trọng, mỗi nơi đều có cái hay cái dở của nó. Đô thị bây giờ hơi người, rác thải, hoá chất tràn ngập bữa ăn, giấc ngủ, huỷ hoại con người từ bào thai chứ không béo bở gì...
Thế nhưng chờ mọi chuyện ổn thì tôi vẫn phải đi. Không đi không biết gì. Tôi phải nói chuyện với cha. Tôi biết nói với cha cũng như không nhưng vẫn phải nói. Biết là cha sẽ không bàn luận, ý kiến gì, cha chỉ mặc tôi thôi, nhưng tôi vẫn muốn nói với cha đôi lời.
Sao mà cha bằng lặng, ít điều thế không biết? Cha thấm buồn sang tôi mất. Không tự xoay xở, sợ cuộc đời tôi lại như đời cha.
Cha cứ ngồi im mãi. Cái bóng dáng của cha, thường làm gì đó thui thủi, hoặc ngồi im bên bàn, ngoài thềm, hoặc bên bếp, càng ngồi lâu, càng như muốn hoá tượng. Tôi đã quen như thế mà không thắc mắc sao cha lại có thể ngồi được như thế?
*
Chả hiểu sao tôi lại thích cái ồn ào, lộn xộn của chợ. Nhưng suy cho cùng, ồn ào, lộn xộn như chợ mà vẫn có lề lối, giới hạn. Mới đầu là vẻ tươi mới tươm tất, đâu ra đó. Giờ đông, giờ vãn rất ổn định. Bà hàng dưa tôi hay đến mua, thích nói chuyện, bà ấy còn biết rõ, người xuất hiện ở chợ đúng giờ như một chiếc máy. Có người chỉ được đi chợ có mười phút. Có người cứ thứ bảy mới xuất hiện.
Náo nhiệt thế chưa đủ, thỉnh thoảng phải chửi nhau, mất cắp. Tôi được chứng kiến cảnh mất cắp chồng. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến vụ đánh ghen kinh hồn. Cô gái trẻ đẹp bị xé tơi tả. Nhiều người đứng ngẩn, nhiều người hùa vào: Đồ đĩ, cái quân cướp chồng... Cái loại... Cái ngữ... đừng nương tay...
Chỉ vài ba phút sau cô gái kia không chống đỡ, van xin nổi, ngồi thụp, co rúm như muốn vo tròn lại, người bên cạnh rỉ tai người bên cạnh, chị em nhà nọ là chị em họ Hoạn, tướng hộ pháp, dữ lắm, cô kia rồi sẽ bị làm thịt...
Vẫn không có ai giây vào làm gì. Có vẻ như ai cũng muốn xem cho tận cùng màn bi kịch tươi sống, và có lẽ để lại nhiều suy tư.
Cái máu ghen thật ghê đời. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng được đàn bà tệ với nhau đến thế. Cô gái mới vừa nãy khoác quần áo mỹ miều, nom như công chúa, bây giờ lấm lem, rách rưới, nom thật man rợ giữa nền đất chợ đen đúa, lớp nhớp. Có lẽ sự dày vò, sỉ nhục ở chợ là tàn nhẫn nhất.
Anh Báu vào viện khám lại, rồi thông báo rằng phải về quê một thời gian. Tôi bất ngờ quá. Không có anh thì tôi còn đâu tinh thần, làm sao có thể tính kế phát triển gì về sau? Anh ấy có trở lại đây nữa không mà bốc cả máy tính về? Từ nay vô mạng cũng khó khăn.
Tôi đã nghiện mạng. Tôi đang bắt đầu viết. Trong máy tính anh Báu đã có đoạn:
“Khúc sông hiện ra, tôi nhảy xuống ngụp lặn vẫy vùng, đuổi theo Mía, kéo xuống sông, toàn thân hai đứa ướt đầm chồng lên nhau. Hổn hển. Mía chụp lại, tay giữ khư khư. Tôi cắn lên vai Mía một miếng thật đau. Thèm da dẻ, thân thể Mía, thèm chuyện bí mật.”
Nhưng thật ra tôi muốn viết về cha hơn. Tôi muốn mọi người biết được rằng cha có mặt trên cõi đời, nếu không cha sẽ chìm khuất nơi góc quê, chìm lặng, u ám, rồi chết. Tôi muốn mọi người biết về cha. Nhưng viết như thế nào? Bắt đầu như thế nào? Cha chỉ biết một vùng đất rất bé nhỏ so với toàn bộ những chỗ tôi đã đi, chưa nói nhiều nơi tôi chưa đi. Cha không biết chữ. Cha không biết được gì nhiều. Hay tại tôi không biết được gì nhiều về cha? Người ta viết về cha hay thế, nhiều thế, tôi cũng muốn viết về cha vì cha tội nghiệp, đáng thương. Người cha khô gầy, nhỏ bé, gần như cả ngày không nói, cứ lầm lụi mang bóng ra đồng bãi, ngồi khuất bên cỏ cây, rồi quanh quẩn ở trong nhà. Cha dấu trong cái thân hình bé nhỏ những gì? Tôi không biết. Viết như thế nào thì được. Có lẽ tôi phải về hỏi cha nhiều.
Đó chỉ là ước muốn. Nó nung nấu, thôi thúc tôi. Chỉ có điều tôi chưa biết viết như thế nào thôi. Giá như có ma quỉ, thần thánh gì ám vào người cho tôi làm được mong muốn này. Giá như mà cả thế giới biết được. Cha tôi không vĩ đại, nhưng mà cha cũng rất đáng biết, cha không vĩ đại, không có gì phải kính phục, nhưng tôi sẽ buồn khi nghĩ cha khổ cực đi vào cõi chết, như chưa hề có mặt trên đời.
Trời sáng hẳn. Tôi ra ngoài hít thở. Tôi thấy như là mình già đi thì phải. Tôi vừa nhận lương phụ hồ hôm qua, bỗng trở chứng không muốn đi làm. Tôi cảm thấy chán ngán, buồn tẻ nếu hôm nay tôi vẫn cố như mọi hôm.
*
Tôi quyết định tìm đến nhà hàng Hoa Lan làm việc vì sự thay đổi, và lương cũng khá hơn. Tôi có nghe người xung quanh nói một chút về bà chủ, nhưng khi vào phòng làm việc tôi nghĩ, một vài thông tin ngoài chưa nói được gì.
Thì ra mọi hoạt động của nhà hàng đều có trên màn hình cả.
- Chào cậu. Mình bắt đầu nhé. Trước hết cậu đọc cái này đã.
Đó là bản in những yêu cầu, và những phổ biến kiến thức nghề cần thiết. Đọc xong tôi cảm thấy thoải mái tự tin, thấy mới mẻ.
- Được chứ? Cậu có thể giới thiệu mình, viết vào đây giúp tôi. Vui lòng gửi lại chứng minh nhân dân nhé.
- Dạ. Được rồi thưa chị.
- Ngày mai bắt đầu chứ?
- Vâng.
- Ok.
Không khí mới, nhịp sống mới, cái mới bao giờ cũng dễ chịu. Mười giờ đêm trở đi được tự do, tuỳ sức khoẻ, sở thích mà chơi. Ngày nhận lương, tôi lên gác gặp bà chủ xin về vài hôm. Tôi sẽ nói dối người nhà có chuyện. Hy vọng ban đêm, con người ta thư thái, thong thả, nói chuyện, xin xiếc gì cũng dễ hơn.
Tôi giơ tay gõ cửa, nhưng nghe có tiếng... Là tiếng rên rỉ. Tôi cảm thấy những cơn thúc mạnh mẽ sau tiếng rên. Tôi đứng căng buốt, ghì lại. Tiếng rên nhỏ, lịm dần. Người sống một thân, một mình thì không được phép làm cái việc ấy hay sao? Tôi đi lang thang, không lên mạng.
Cái thời của bao cao su, tàu nhanh, tàu suốt mà mình lạc hậu thật. Không biết, không quen. Bắt đầu có ai quen và biết cái gì đâu. Dơ bẩn, bệnh tật. Thì đã có bao cao su.
Đôi mắt cô ta ướt, như sắp có tình, nhưng một cô gái mới lớn, chưa biết làm cho đỡ xấu thì chắc chưa biết gì về việc ấy. Nhưng dù sao cô ta cũng như cây sắp trổ hoa. Mà nghĩ thế thôi, ai lại làm thế.
Đi hoang về mỏi rũ, đặt đít ngồi ở cái chỗ đoạn tường chắn xây lửng sân sau.
Tôi không sao ngủ được. Nghe những cơn thúc mạnh, nghe tiếng rên hoan lạc. Tôi mơ về nhà. Tắm xong, xông lên giường bóc xé lớp vỏ ngoài của Mía, hổn hển, Mía chưa cho:
- Từ từ nói chuyện em nghe đã.
- Không.
- Không!
- Có chịu yên không? Dập ra bã ngay bây giờ.
- Không.
- Không chỉ ra bã mà cho thành tro luôn...
Sáng dậy, nhớ lại giấc mơ, tôi như người khát khô dốc cái bình cạn nước. Có lẽ tôi phải về nhà vài hôm.
Lần này, nghe ngóng cẩn thận tôi mới gõ cửa.
Cửa phòng khẽ hé mở, một góc bên trong lạ lùng lôi kéo.
- Bầu vào đi.
Tôi bước vào như bị thôi miên, rồi như vỡ ra trong một không gian đầy ắp tình tiết đẹp. Lần đầu tiên tôi biết một căn phòng như thế. Người tôi chuyển biến vì thèm muốn, ít ra thì cũng thèm muốn ngồi nghiêm túc, nhìn lại những gì vừa thoáng qua, những gì mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi chạm vào sâu chính mình trong một khoảnh khắc hiếm hoi, mà thật ra là chưa bao giờ có cảnh này.
Khác với cách tôi nghĩ về bức tường, bức tường trước mặt tôi có màu sắc tạo hình lạ lắm. Người ta dành toàn bộ bức tường này cho một bức tranh khoả thân.
- Một hoạ sỹ đã vẽ cho tôi đấy.
Tôi sẽ bị các chi tiết ở đây dẫn dắt mất. Chắc không cảm nhận một lúc đầy đủ hết. Những bông hồng trước mặt...
- Bầu uống đi. Đã được một tháng rồi ấy nhỉ? Thấy sao?
Bắt đầu một bản nhạc êm nhẹ, có lẽ...
- Là cái gì ạ? Nói chung, tất cả đều vẫn đang còn mới lạ.
- Người ta hầu hết chỉ thích khi đang còn mới lạ.
Tôi chẳng hiểu hết cái nhìn, cái điệu vẻ của bà chủ. Nó được tạo ra như một thứ chuẩn, nhưng mà có vẻ cứ như không. Bà chủ với chị Ngần, có gì giống nhau. Nhưng bà chủ, kiều diễm, cao sang, bảo đẹp vì lụa thì rất đúng.
- Phòng chị có những đồ vật lạ nhỉ?
- Một số đồ vật là kỷ niệm hồi ở Tây, cách trang trí, thiết kế cũng ảnh hưởng cái vẻ của Tây đấy. Bầu có cảm nhận được không? Người Tây họ văn minh lắm. Tôi thì nửa Á nửa Âu.
- Thỉnh thoảng em lên phòng chị chơi được không?
- Được chứ. Tôi sống thoải mái mà, chã lẽ bình thường cậu thấy tôi đáng ngại sao?
- Không. Nhưng bây giờ thì khác.
- Ok. Tôi hiểu. Hôm đầu, nhìn cậu đọc, tôi đã nhận ra cậu có cái gì đó khác với nhiều người. Mình uống một chút bia nhé?
- Em muốn về nhà vài hôm chị ạ.
- Cậu có theo qui định của nhà hàng không?
- Em biết, nhưng... em muốn đưa tiền về cho cha.
- Việc đó đã có bưu điện.
- Cha em không thể ra bưu điện.
- Tôi hiểu, có lẽ ông bị bệnh gì đó. Không còn cách nào khác sao?
Tôi không đành nói khác sự thật cho sâu hơn. Tôi nói lý do về là không cơ bản. Tuy nhiên, thực thì tôi cũng muốn đưa tiền về cho cha vui. Cha có lẽ chưa bao giờ có nhiều tiền. Trước đây, khi Na bán được cái gì, đưa tiền cho cha, cha cầm lấy vuốt vuốt rồi đưa lại cho Na.
- Tối mai, tối kia em lại lên chơi được không?
- Được chứ. Tôi có thể biết điều gì làm nên mong muốn này?
- Vì cái đẹp.
- Thế à? Cái đẹp chênh lệch nhau dài ngắn tuỳ mắt nhìn, và không phải là đẹp không bị chán đâu.
- Bây giờ em thấy chị khác với những ngày qua lắm.
- Cậu thấy gì?
- Một phần thật bên trong.
- Cậu đang muốn khen?! Con người rất thích được tán thưởng đúng. Thật ra không phải bây giờ tôi mới thấy cậu thú vị. Tôi nghĩ cậu đã sớm là người sâu sắc, và cậu để mà xem, cứ khoảng năm hoặc bảy năm, cậu lại có những bước ngoặt. Sau một thời kỳ, với những người có khả năng tích luỹ thì điều đó là tất yếu.
Tôi thấy mình như đang được học. Tôi thấy người trước mặt tôi mỗi lúc một khác, rõ hơn nhưng cũng vô cùng hơn. Cảm xúc của tôi vẫn mạnh khác thường.
- Khuya rồi. Mình đi ngủ thôi nhé.
Tôi đứng dậy về phòng. Thấy luyến tiếc.
Từ đó tôi mê say chị, người đàn bà đã từng học tâm lý ở Tây về, hình như phải trải qua rất nhiều chấn động về tâm lý nên dám có những lựa chọn rất lạ. Tôi đã đến với chị trong nhiều vai. Tôi đã không đừng được việc ấy, khi mà trong không gian ấy cái gì cũng đẹp và chín hồng.
Những lúc như thế tôi là thằng đàn ông mê muội. Không ân hận gì, không tiếc gì, không thấy gì ngoài cái đẹp. Chị cũng biến mình, cũng lột xác, trong phòng ngủ của chị, mọi thứ đều hoàn hảo.
Chị biết cách làm cho tất cả trở nên phù hợp.
Nhưng tôi không thể chịu được những đêm chị đóng cửa sau khi đã đi đâu đó về khuya. Những đêm bị từ chối làm tôi khổ sở. Tôi dận, nhưng với chị thì như không.
- Cậu đừng như thế. Phải quen với việc tôn trọng tự do của người khác chứ.
- Chị làm cho sự việc thành tầm thường.
- Thôi mà. Sao lại có những ý nghĩ như thế mới được chứ.
- Với em đó là cái đẹp, sự thiêng liêng.
Chị ngồi thế. Im lặng xa xăm và phảng phất buồn. Tôi lại đắm đuối. Lại đích thực thằng đàn ông mê muội.
Có khi tôi cũng nghĩ mình chỉ là một tên tôi tớ tình dục thôi. Sự vật chỉ khác ở tên gọi, và cảm xúc phủ lên nó. Nhưng tôi không thể dứt lìa, vẫn cố nuôi cảm giác thiêng liêng.
Cũng biết là không thể sống như thế này mãi, mà cái tình với Mía thì lạt mất rồi. Một năm một lần về tết, thấy đời sống quê khắc khoải, nhạt nhẽo, Mía vô vị, chênh lệch.
Nhưng dù sao tôi vẫn phải đền đáp công của Mía. Có lẽ cũng chỉ là ở những đồng tiền tôi mang về, và những lần làm chuyện ấy nhưng gần như trơ ráo cảm xúc.
Cho đến khi Mía gọi tôi về gấp, chìa cho tôi tờ đơn li dị tôi mới ngẫm nghĩ nghiêm túc lại mọi chuyện. Tôi không ngờ được. Tôi nhầm tưởng vì thái độ của Mía. Tôi không hiểu hết.
Không thể thay đổi được sự việc. Tôi là con người thế nào? Tôi phải làm thế nào? Tôi cũng không biết làm thế nào thì được. Con người tôi muốn cái gì, không muốn cái gì? Không có gì rõ ràng chắc chắn cả. Tôi đang thấy không thích phía trước, không thích phía sau, và ngán hiện tại.
Mía đã mang con gái đi đâu bằn bặt. Có lẽ cha tôi nhớ cháu, vẫn lẩm bẩm gọi tên nó như thói quen, và thường bỏ bữa đi nằm. Cái cảnh làm tôi buồn rệu rã. Đâu như tôi đã rơi nước mắt.
Bây giờ anh Báu và chị Ngần cũng bẻ dần những miếng bí mật của đời mình cho tôi hay. Có lẽ tôi chưa đến mức để đi khám nghiệm chăng?