TIẾC RẺ
“Quốc trưởng” Hitler đánh cờ với “Thủ tướng” Mussolini trong góc công viên địa ngục dày đặc bông cứt lợn.
Phút giải lao, Hitler nói, giọng tiếc nuối:
“Cứ tưởng vài năm nữa mình sẽ nắm gọn nửa trái đất trong tay, thế mà…”.
Mussolini hỏi: “Sao lại một nửa?”
“Nửa kia mình chia cho anh em, người một ít”.
Mussolini cười xòa:
“Trong số anh em đó có tiểu đệ không?”
“Tất nhiên, nếu mình chưa aljheimer! Mấy năm sau này mình vướng đủ thứ bệnh”.
Hitler cúi nhìn những con cờ, buồn rầu.
“60 năm qua chúng ta đánh cờ với nhau, đại huynh thấy có điều gì đặc biệt?”
“Không”.
“Đệ luôn thua, dù có thể thắng đại huynh bất cứ lúc nào!”
“Hay, mình vô ý!”
Ngẫm nghĩ giây lát, Hitler hỏi:
“Điểm giống nhau lớn nhất của chúng ta là gì?”
Một lúc lâu, Mussolini vẫn không tìm thấy câu trả lời.
“Chết dữ!... Đó là đặc điểm của các “dị nhân”, trước kia là Lưu Thiếu Kỳ, Park Chung Hee, mới đây là Gaddafi”.
HÙNG BIỆN
“Bài diễn văn ông đọc trên tivi hôm qua tuyệt vời, tôi chịu. Chỉ có ba, bốn ý mà ông kéo đến 50 phút”.
“Đó là tuyệt chiêu của nghệ thuật viết”.
“Viết à?”
“Nó là tác phẩm của gã thư ký của tôi. Hắn là tiến sĩ triết, thạc sĩ ngôn ngữ học, vốn là con cáo chính trị đuôi dài hai thước”.
“Ra thế”.
“Lâu lâu mới được nói trước công chúng, ta phải chơi cho đáng đồng tiền bát gạo”.
“Có lý!”
“Khi có việc thì hắn (gã thư ký) hỏi tôi: sếp muốn xài kiểu nào, nội dung gì. Tôi nói ngắn gọn các ý chính, rồi chọn một trong hai cách, Mao Chủ tịch hoặc Fidel Khủng long”.
“Sao lại có Mao ở đây?”
“Nói trên dưới một tiếng, và nhét vào đấy nhiều triết lý, châm ngôn, thành ngữ là theo cách của Mao vĩ đại. Nói thật dài, quanh quẹo, tràng giang, bao la thiên địa, từ một tiếng rưỡi trở lên là theo cách của Fidel đáng kính”.
“Hiểu rồi. Ông ấy thường bắt dân Cuba nghe những bài nói hai, ba giờ đồng hồ”.
“Không đơn giản, đó là nghệ thuật, thường đem lại kết quả tốt cho diễn giả. Khi kết thúc cuộc nói chuyện, người nghe luôn vỗ tay rất lớn, rất lâu, vì họ mừng, được về!”.
“Cái đám quần chúng tội nghiệp và đáng yêu”.
HÀNG XÓM
“Mông Cổ và Bắc Hàn có điểm giống nhau lớn”.
“Giống gì?”.
“Nằm gần Tàu Phù”.
“Điều này xấu hay tốt?”
“Còn tùy”.
“Không chập chờn, nói rõ vào”.
“Lúc tốt, lúc không. Nhưng có chỗ đáng nói: Cả hai thường mất ngủ, và hay chiêm bao thấy thằng Tây Tạng”.
“Tây Tạng, sao vậy?”
“Đó cũng là thằng nằm gần “Cộng hòa Hữu Hảo”.
“Hiểu rồi, bỏ mẹ!”.
“Chẳng bỏ ai! Rất dễ thấy, gã to xác đó chỉ giỏi ăn uống, khạt nhổ. Nếu gã thiện chiến như Nhật, Do Thái thì ta nằm trong bụng gã mấy ngàn năm rồi”.
“Nhưng nếu ta cũng chỉ giỏi ăn uống…?”
QUÊN ĐI
Xem truyền hình, có những người, những cảnh ta gặp đi gặp lại nhiều lần làm ta nhớ, dù nhớ chẳng để làm gì.
Những anh chàng cao ráo, trẻ, cầm dù che nắng cho mấy ông lớn – Những anh nô tài (phim Tàu) quỳ gối, tự vả mặt mình, kêu to: “Nô tài đáng chết!” – Những dân quê, dân nghèo thành thị quần áo lôi thôi, mặt mũi hốc hác, lúc nào cũng nói với giọng hân hoan: “Tôi phấn khởi”.
Ấy là những thứ thường thấy, nhưng vẫn có một cái gì đó không quen. Bên cạnh, có những chuyện quen với người này nhưng lạ đối với người khác… Trong quán cà phê làng, tốp nông dân vớ được một tờ báo cũ, (Tuổi Trẻ CT 5-11-2011), gặp trang quảng cáo của du lịch Viet.com.vn. Anh nông dân trẻ đọc đi đọc lại mẩu tin: “Đi Hàn Quốc, 6 ngày, 18 triệu. Đi Pháp, Hà Lan, Đức, 10 ngày, 78 triệu. Đi Hồng Kông, 6 ngày, 16 triệu.” Mấy ông già thắc mắc, đi chơi mà tốn kém thế à. Tiền đâu mà họ đi ngon thế. Rồi nói, ỉu xìu: “Dân làng ta xưa nay, từ ngày lập làng, chưa ai biết đến cú đi kiểu này”. Ai cũng hoang mang. Đối với người cả đời chưa bao giờ làm có dư 20 triệu mỗi năm, những con số “ăn chơi” này thật khó hiểu, kinh dị! Họ bàn tán, mổ xẻ trang quảng cáo. Họ không tin, ngơ ngác, rối trí. Nhưng rồi, ít lâu sau, họ quên! Những công việc quen thuộc, nặng nhọc, thu nhập thấp chờ họ, bao vây họ (họ biết hỏi: tiền đâu người ta đi chơi sang thế, nhưng chưa biết nghĩ: bao giờ mình được du lịch xa như thế)… Rồi thời gian qua đi, rồi những chuyện đời mới xảy ra, tấp nập, hỗn độn. Ai cày cuốc cứ cày cuốc, ai du lịch đường dài 30 triệu, 50 triệu mỗi chuyến cứ tiếp tục lên đường. Sự kiện mới che lấp vấn đề cũ. Sự cố đáng tiếc sau chồng đè lên thành quả rực rỡ trước! Nhàn nhạt, rờn rợn, lành lạnh!