Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.239
123.154.153
 
Đại Ngàn Buồn Muôn Thuở
Minh Nguyễn

 


Từ phố núi Pleiku tôi mang mù sương xuống tới trung tâm ngã sáu Ban-Mê vào một buổi sáng đẹp trời. Đứng ở giao điểm hai con đường quốc lộ 14, 26 chạy qua thành phố Buôn Ma Thuột, tôi dõi mắt nhìn theo những con đường nối liền khu dân cư người Kinh tới buôn làng Ê-Đê, Ba-Na, Sê-đăng, Stiêng và các tỉnh miền Trung xa xôi dịu vợi; mới thực sự cảm nhận hết vẽ đẹp kỳ vỹ của núi đồi, rừng cao su, nương rẫy cà phê bạt ngàn, sánh vai nhau mọc lên giữa chốn đại ngàn. Chưa hết nỗi ngạc nhiên, tôi bị choáng ngộp trước cái quảng trường thiết kế hài hòa với vô số vòi phun, đang bắn những tia nước trong veo màu thủy tinh vào dưới chân một cái tháp cao, có dựng tượng đài mô phỏng chiếc xe tăng bằng gỗ; mở ra sáu ngã đường dài hun hút Tây Nguyên.
 

Buôn Ma Thuột hay trước đây được gọi buôn Ama Thuột có nghĩa là bản hoặc làng cha của Thuột. Theo tiếng Ê Đê, Ama có nghĩa là cha, Thuột là tên người con trai, vì người Ê Đê thường gọi tên người cha bằng tên của con trai mình. Theo lời các trưởng lão, trước những năm bảy mươi thế kỷ 20, ngã sáu Buôn Ma Thuột chỉ là một vòng xoay buồn hiu hắt bên ngọn đèn vàng, nhưng cho đến những năm 80-90 nhờ tác dụng kinh tế thị trường hay còn gọi là thời kỳ mở cửa hội nhập, mặt hàng cà phê Tây Nguyên chính thức trở thành thức uống nổi tiếng thế giới; mang lại mùa sống phong phú cho mọi cư dân nơi đây thì, Buôn Ma Thuột lột xác khoác cho mình chiếc áo mới qua hình ảnh những cơ sở dịch vụ, bưu điện, trung tâm văn hóa, nhà hàng khách sạn bề thế đua nhau mọc lên cùng với các lễ hội văn hóa phi vật thể công chiên, điêu khắc gỗ nhà mồ, kiến trúc nhà dài Malayo-Nam Đảo. . . được nhiều người biết đến.


Từ bên kia đường, cách chỗ tôi đứng không xa, bên cạnh một trong sáu ngã đường khu trung tâm ngã sáu Ban Mê, tiếng chuông gọi hồn ai trên gác chuông nhà thờ chính tòa, lặng lẽ vang lên trong màn sương sớm. Tiếng chuông gợi nhớ trong tôi hình bóng Nhàn, cô gái quen biết do sự giới thiệu của người chị họ, khi cả hai cùng đến Đà Lạt học trường nhà dòng của mấy soeur ở Couvent. Nhớ tới nét chữ màu mực tím viết trên trang giấy trắng, rứt ra từ vỡ học trò của cô, gửi từ Buôn Ma Thuột xuống cho tôi trong những ngày hè về quê sống bên gia đình. Mở đầu trang thư Nhàn luôn sử dụng cụm từ nghe dễ thương, Buồn Muôn Thuở, ngày, tháng, năm . . thay cho

Ban-Mê hay Buôn Ma Thuột như thường thấy ở nhiều người.


Buồn Muôn Thuở. Có thật Tây Nguyên buồn đến vậy hay chỉ là cách gọi văn vẻ, gợi lên sự tò mò về một nơi chốn vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nét hoang sơ, thơ mộng, nhưng không kém phần lãng mạn? Đang suy nghĩ lan man, tôi nhận ra bóng ai đi phía trước trông rất giống với  Nhã. Không thể tin vào mắt mình, tôi nghĩ giờ này chắc cô đang ở tận Lạng sơn trùm chăn ấm chống rét chứ đến đây làm gì? Tuy nghĩ vậy, song chân tôi bước vội, đuổi theo cô gái trắng da dài tóc tới gần cuối phố. Không thể ngờ được, cô gái đứng trước mặt tôi không ai khác hơn cô gái trong “Xứ Lạng có ai lên cùng”. Bất ngờ, gặp tôi ở nơi không thể ngờ, Nhã mừng rỡ hét to:

“Cơn gió quái quỉ nào đưa anh đến đây vậy? - Thần giao cách cảm mà - Xí! Anh chỉ gạt người ta thôi - Còn em, sao lại có mặt ở xứ sở Buồn Muôn Thuở này? - Thăm họ hàng - Em đi bằng phương tiện gì mà vào đây sớm thế? - Chuyến bay đầu tiên cất cánh từ Hà Nội - Còn anh mới từ Pleiku ghé xuống - Đừng bảo là anh phải về ngay đó nghe?”. Không hẹn, tình cờ gặp nhau giữa chốn đại ngàn, Nhã đâu dễ gì buông tha cho tôi, chụp lấy cơ hội ra điều kiện. Hoặc, tôi ở lại dẫn cô đi chơi thác, đi vô bản Đôn cưỡi voi vượt sông Sêrêpok, thăm làng nhà mồ, tham dự văn hóa cồng chiên, ăn thịt rừng, chèo thuyền độc mộc trên hồ Lăk.  Hoặc, tôi ca bài ca “Thôi! Anh cứ về/ Mối duyên tình từ nay xa cách/ Thôi! Anh cứ đi . . .”. Với lối tố xì phé kiểu đó, Nhã đã thắng tôi vô điều kiện, bởi cô thừa biết tôi không dại gì bỏ mặc cô, trong khi món ngon vật lạ Tây Nguyên đang chờ trước mắt. Tôi hỏi: “Bây giờ ta làm gì?”. Nhã nheo một con mắt cười  hóm hỉnh đáp:

“Vậy có dễ thương hơn không. Thôi! Theo em về nhà ông chú vất bỏ đồ đạc, chọn lấy một chiếc xe máy “xịn” đi ta bà thế giới chơi mới được”.


Có xe, tôi chở Nhã ra quốc lộ 14, chạy về hướng Đắk Nông, nơi có những thác nước hùng vĩ đêm ngày réo gọi đại ngàn đến khôn nguôi. Không cần bản đồ, tôi sử dụng chiếc điện thoại di động có hổ trợ phần GPS là có ngay anh bạn thổ công bằng máy dẫn đường. Từ ngoài quốc lộ, tôi rẽ vào con đường hẹp hơn nhưng tráng nhựa sạch sẽ. Chạy cố đoạn ngắn, gặp thác Trinh Nữ nằm kề ngay bên đường. Giống như bất kỳ địa danh nào trên vùng cao, thác Trinh Nữ cũng khoác lên mình một  huyền thoại kể về tình yêu trai-gái nghe thật cảm động. Dĩ nhiên, truyện tình của nàng sơn nữ đã dám phản ứng lại sự ép duyên của cha mẹ, trầm mình xuống sông thà chết hơn phải lấy người mình không yêu. Để tưởng nhớ mối tình chung thủy, người ta gọi tên con thác nơi cô gái quyên sinh là Trinh Nữ. Gọi là thác nhưng độ dốc của nó không cao, nước không nhiều vì, đây chỉ là chi lưu sông sông Sêrêpok có tên Krông Nô, thuộc địa phận huyện Cư Jút. Đứng trên cao nhìn xuống thác nước, tôi chứng kiến vô số tảng đá vất ngổn ngang như được bàn tay tạo hóa ném chúng xuống từ trên trời, tạo ra hàng trăm hình thù ngộ nghĩnh, tùy vào mắt thẩm mỹ mà cảm nhận ra chúng. Nhã thích thú đi xuống dưới chân thác làm cuộc thám hiểm nhỏ. Tôi phải giữ chặt tay cô trong tay tôi, dò dẵm từng bậc đá mất hút trong cỏ dại lần từng bước. Đúng như những gì tôi nghe kể trước đó, thực chất ngọn thác chỉ là một dòng chảy nhẹ nhàng, nhờ sự va đập vào các khối đá chắn giữa dòng, hình thành nên thác ghềnh vào mùa nước lớn. Nghe kể vậy, Nhã dõi mắt nhìn quanh thấy không có gì đặc biệt cho lắm, nên đâm ra mất hứng ngang, hối thúc tôi nhanh chân đi lấy xe chạy sang thác Gia Long.


Đường đi tương đối tốt, nhất là khi chạy xe giữa mùa hoa cúc quỳ vàng ươm, ngai ngái mùi vị khó phân biệt đâu là hương hoa, đâu là mùi mù sương buổi sáng bên cánh mũi. Thứ màu vàng diễm ảo lấn ra cả hai bên đường, hoặc mọc tràn lên tận những ngọn đồi phía xa, khiến cho bất kỳ ai lần đầu bắt gặp cái màu vàng loang loáng cúc quỳ, cứ phải đứng ngây người ra nhìn say đắm. Tuy là hoa dại, chỉ xuất hiện sau mỗi mùa mưa đi qua, cúc quỳ hay còn gọi là hoa nắng, báo hiệu mùa hanh khô trở lại với Tây Nguyên. Riêng, bọn học trò nữ lại tỏ ra vô cùng thích thú, vì có dịp đi hái những đóa hoa dại ấy, mang về ép trong lá thư tình dấu trong cặp sách. Cứ thế, tôi đèo Nhã vượt qua hết nương rẫy cà phê, cánh rừng cao su trồng ngay hàng thẳng lối, cho tới khi gặp tấm bảng chỉ đường vào thác Gia Long và Dray Sap. Chưa kịp giảm bớt tốc độ, tôi đã chạy trờ tới đường vào thác Gia Long. Tiện thể, tôi ôm tay lái quẹo luôn vào đấy, bởi trước sau gì bọn tôi cũng phải ghé đến. Con đường trước mắt tôi tươi rói màu đất đỏ bazan, dẩn tới ngôi nhà dài mục nát bị bỏ trống. Dừng xe lại, tôi nhìn thấu vào bên trong thấy, trên vách lá treo cái lo-go hình vuông, ghi chữ Đam San tour bên trên, bên dưới chữ còn chữ mất KDL . .ac G. a L. ng, trông thật điêu tàn. Thê thảm hơn, lúc đi vòng ra sau tìm đường xuống thác, tôi đã phải chùn chân trước chiếc cầu treo ruổng mục, bắc qua hai thân si già từng có thời oanh liệt nâng niu hàng vạn bước chân du khách tìm đến vui chơi. Chợt tôi nảy ra ý muốn thử thách lòng can đảm của Nhã bằng cách ra giá, nếu cô dám đi qua cây cầu ấy, tôi sẽ chịu thua một chuyến du lịch Thái Lan 6 ngày 5 đêm. Chỉ nghe nói thế, Nhã tru tréo “Em còn yêu đời lắm, chưa muốn trở thành Trinh Nữ 2 đâu. Hay anh biết gì về thác Gia Long kể cho em nghe với”. Tôi không rõ lịch sử về ngọn thác này lắm nhưng qua sự suy đoán thì, ít nhiều nó cũng có liên quan tới việc chúa Nguyễn sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, đã lui quân về đây chỉnh đốn hàng ngủ chờ thời cơ phản công. Có điều chắc chắn, sau này vua Bảo Đại đã ra lệnh cho xây dựng bên thác một cây cầu để tiện việc nghỉ ngơi, đi lại, săn bắn. Nhưng chẳng rõ vì đâu chiếc cầu không được hoàn thành mà bị bỏ dở dang với 8 cột trụ xi măng-cốt thép lớn nhỏ nằm rải rác quanh đây. Để chứng minh, tôi đưa Nhã tới cái mố cầu còn trơ lại bốn cột sắt rĩ sét, rêu phong, lẫn lộn trong đám cỏ dại mọc um tùm. Nhã nhìn theo “dấu xưa xe ngưa hồn thu thảo” với vẻ thất vọng, cho dù cô rất thích chơi trò cô gái rừng xanh “tarzan”, đánh đu trên mấy nhánh rể si to cở nắm tay, buông thả hờ hững xuống dòng sông Sêrêpok. Tiếc, Nhã than thở “Ôi! Tiếc thay một thắng tích đẹp đến mê hồn thế này lại bị bỏ mặc cho hoang phế”. Vừa nói cô vừa rời khỏi thác, leo ngồi phía sau xe cho tôi chạy về hướng thác Dray Sap- Dray Nur gần đó.


Trên chặng đường chạy băng qua những cánh rừng đại ngàn đầy nắng gió, bụi đỏ, lẫn tiếng kêu quang quác nghe vui tai của chim chóc đuổi theo phía sau; cuối cùng bọn tôi đã có mặt trước cổng vào thác Dray Sap. Tại đây, bọn tôi trôi theo đám du khách, lội bộ trên đoạn đường lởm chởm đất đá ong khô, xuyên qua cánh rừng nguyên sinh mệt đến mướt mồ hôi; chợt nghe âm vang rào rào không rõ bắt nguồn từ đâu vọng đến bên tai âm thanh rất lạ. Thoạt đầu, tôi cứ ngỡ tiếng cô sơn nữ H’Mi than thở cho cuộc tình éo le của mình với chàng trai nghèo sống cùng buôn làng; tới chừng gặp cây cầu treo, treo hai sợi dây cáp kim loại trên hai cột xi măng cao nghệu, bắc qua dòng sông chảy xiết trông thật lãng mạn. Thích quá, Nhã cùng tôi sánh vai nhau đi trên cây cầu mô phỏng theo dạng cầu treo ra đến giữa cầu, dừng chân ở đó ngắm ngọn thác hùng vĩ dài đến trăm mét, thi nhau đỗ hàng vạn khối nước từ độ cao trên 20 mét xuống thung lũng, làm vang dội cả một góc rừng; đồng thời bắn lên những đám bụi trắng xóa, bay là là giống như khói sương miền hư ảo bên không gian xanh biết đại ngàn. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi đưa máy ảnh lia vội cảnh thác nước cùng với nương rẫy xanh màu ngô lúa của người Ê Đê gieo trồng quanh thác. Cũng như thác Gia Long, hai ngọn thác Dray Sap-Dray Nur nằm trên dòng Sêrêpok, hình thành do hợp lưu của hai con sông chồng ( Krông  Nô ) và sông vợ ( Krông Ana ). Đây là con sông chảy ngược, hiền hòa trong mùa khô, hung hản, dữ dội vào mùa mưa lũ; ngoài ra, nó còn là một nhánh trong hệ thống sông Mêkông chảy qua năm quốc gia láng giềng.

 


Để xuống thác, tôi và Nhã theo sau đám người đi trước, đặt chân lên con đường mới vừa tôn tạo bằng những phiến đá, xếp đặt ngay ngắn theo hình bậc thang cùng với tay vịn vững chải. Xuống đến dưới, bọn tôi tìm tới chỗ có nhiều bóng mát, bày thức ăn lên mặt tờ giấy báo trải sẳn, ăn uống, nghỉ ngơi, dạo chơi trên mấy tảng đá trơn nhẵn; trước khi đi bộ tiếp qua một chiếc cầu thứ hai tới thác vợ gần đó. Thác Dray Nur. Ngọn thác đẹp nhất, cao nhất, vươn mình từ bờ Đắk Lắk bên này sang bờ Đắk Nông bên kia gây ra sự tranh chấp không đáng có giữa 2 tỉnh, khiến Dray Nur kém phát triển so với tìềm năng sẳn có từ một khu du lịch sinh thái xanh-sạch . Được biết, vào mùa nước đổ, mưa từ thượng nguồn mang phù sa đỏ ngầu đổ về Dray Nur ào ạt, trên đường đi nước cuốn phăng những gì nó bắt gặp, tạo ra những hang động mang vẻ bí ẩn. Vì vậy, đến Dray Nur không chỉ ngắm vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn, của thác nước hùng vĩ; mà còn có dịch vụ bè tre đưa du khách dạo chơi trên mặt hồ, đi luồn dưới chân thác khám phá sự ngoạn mục của hang động kỳ ảo, hữu tình, đầy thơ mộng.


Chỉ chờ có vậy, Nhã hăm hở thuê ngay một chiếc bè tre dạo chơi quanh hồ, đi luồn dưới mái hiên mưa nhô ra từ trần ngọn thác, gợi nhớ thác Prenn - Đà Lạt cùng với chiếc cầu hiện ra lờ nhờ sau màn nước trông thật lãng mạn. Vừa khi đó, gã điều khiển bè kịp nhận ra chúng tôi từ xa đến đây, nên cố ra sức thuyết phục Nhã đi tìm cảm giác mạnh qua việc chinh phục hang động nằm ngay sau màn nước. Dĩ nhiên, máu phiêu lưu mạo hiểm của cô con gái vùng cao đông Bắc đâu chịu thua kém ai. Cô OK nhận gói dịch vụ với 2 cây đèn pin, 2 cái áo phao cho cô và tôi mặc vào. Lội nước lấp xấp theo gã hướng dẩn len qua vách đá, đặt chân vào hang động tối đen, sộc vào mũi toàn mùi phân dơi . Cảm giác sờ sợ bước trên mặt đá trơn nhẵn bám đầy rêu, hoặc lúc đi luồn qua những hốc đá cheo leo đầy sự hồi hộp lẫn thú vị. Vào đến khoảng sân rộng, tôi bật đèn pin quét ánh sáng trắng lên vách đá, nhận ra vô số hình thù kỳ thú nhảy múa bên thứ sắc màu lung linh. Từ trong bóng tối, tôi nhìn ra cửa hang lờ mờ, thấy từng đám bụi hơi  nước bay vào tận chỗ chúng tôi đứng. Hơi nước mát lạnh phà lên mặt mũi, đầu cổ khiến Nhã vội tìm cách né tránh sau lưng tôi. Đi thêm vài bước, quan sát thêm một vài nơi, Nhã nhìn đồng hồ ra dấu cho tôi quay trở ra bè, về lại thành phố cho kịp buổi tối có hẹn đi uống cà phê cùng chú em; bởi, đặt chân lên xứ sở cà phê ngon nhất nước, không  thưởng thức mùi vị mặn, ngọt, đắng, cay trên đầu lưỡi thà chết sướng hơn, Nhã gồng mình phát biểu trong khi cô chưa hề chạm tay đến tách cà phê bao giờ.


Tối đến, cơm nước xong xuôi; thay vì đi uống cà phê ở quán có nhạc sống, anh cháu trai Nhã thì thầm vào tai bà chị, nhắn rủ tôi lên phòng trên lầu rang, xay cà phê dã chiến uống tại chỗ thích hơn. Vì mới lần đầu nghe nói tới cách rang cà phê trực tiếp trên lửa, Nhã tỏ ra hứng thú quên khoáy việc đòi đi ra phố. Thế là, tôi bị Nhã lôi theo chú em lên gian phòng trên lầu, nơi chứa đầy đủ dụng cụ rang say một mẽ cà phê . Trước tiên, hắn quạt than cháy đỏ trong ông táo làm bằng đất nung, sau đặt lên đó một cái chảo gang. Trong lúc chờ chảo nóng, gã lấy ra ba túi cà phê nhân, cân đong đo đếm bằng nắm tay với số lượng: 5 cà phê arabica, 3 robusta, 2 Liberia trộn đều trên chảo. Hắn giải thích, sở dĩ phải trộn ba loại hạt cà phê chè, vối, mít thành một, nhằm tạo hiệu ứng cho tách cà phê có chút đắng, chút chua, chút chát, mặn, ngọt, và trong lúc rang sẽ gia giảm thêm rượu ngon, nước mắm ngon, bơ hảo hạng. Nhã ngồi nghe mà cứ tròn xoe mắt nhìn chú em thao tác trên chảo cà phê với vẻ mặt đầy sự khâm phục. Vừa trông chừng lửa, chú em vừa dùng đủa đảo cà phê trong chảo liên tục, đến khi bắt đầu thấy khói trắng bay lên, hắn đổ vào chảo một thìa nhỏ nước mắm nghe đánh xèo, tiếp tục đảo cà phê tới khi thấy khói trắng lần nữa, lại đổ vào chảo một muổng rượu rum. Lập đi lập lại các động tác dăm ba lần, tới khi hạt cà phê trở màu nâu đen cùng với khói trắng bốc lên nghi ngút, cũng là lúc cà phê vừa chín tới. Bắt chảo xuống, trút cả cà phê ra một tấm giấy dầu trải sẳn, thêm vào ít bơ brờ - ten, gói tất cả lại và ủ trong một lớp bao bố .Tôi liếc nhìn đòng hồ, thấy thời gian từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc một mẻ rang mất gần nửa tiếng. Trong khi chờ đợi cà phê nguội để có được độ dòn, hắn mang ra chiếc cối xay nhỏ dùng trong gia đình cùng với mớ dụng cụ pha chế lỉnh kỉnh gồm phin, đường, ly tách, muỗng, dĩa. Dĩ nhiên, tách cà phê tự chế biến xem ra có vẻ cầu kỳ, nhưng khi nhấp từng ngụm nhỏ chất màu đen đặc quánh trôi qua cổ, đã cảm nhận ra mùi vị thơm, ngon, ngọt, đắng, đọng lại trên đầu lưỡi. Thảo nào, nếu đem so với các thương hiệu cà phê tôi từng uống dưới Sàigòn hay trong Star Bucks có cái slo-gan nghe ngồ ngộ “rót cả tâm hồn vào đáy cốc” e cũng không hơn. Nghe tôi khen nức nở, Nhã kê nguyên cái tủ đứng vào mặt tôi “có lẽ ngon là nhờ thiếu chất đậu nành, bắp rang tạo màu, hoặc không mất tiền chăng?”. Tôi ngạc nhiên, không biết Nhã lấy đâu ra cái công thức bí mật đó, nếu biết trước tôi đâu dám ba hoa về loại cà phê “cứt chồn”, về cà phê Capochino hay Cappuccino của Ý dùng một ít bột ca cao hay bột quế tạo hình trái tim, nhánh lá, con bướm, đám mây, trông rất nghệ thuật trên bề mặt tách cà phê. Ôi! Một sự hối hận thật muộn màng, đáng ghét.


Sáng hôm sau, ăn sáng xong tôi đưa Nhã chạy xe từ Phan Bội Châu theo hướng tây-bắc, xuôi tỉnh lộ 1 thẳng đường đến buôn Đôn. Không biết đường đi chính xác dài bao xa, vì có người nói 25, có người nói 40, thậm chí nói 50 cây số? Được cái đường nhựa rất tốt, không khí mát mẻ; nhất là lúc chạy ngang qua lưng đồi cà phê nở hoa trắng như tuyết, rừng cao su bạt ngàn, hoặc màu vàng cúc quỳ lấp loáng đẹp đến mê hồn. Chạy gần đến buôn Đôn đã thấy xuất hiện bên đường vài chú voi chở khách trên lưng, chậm rãi từng bước trở về nơi xuất phát. Kia rồi, buôn Đôn nằm ngay sau dãy ki-ốt bày bán các mặt hàng tiểu thủ công mỹ nghệ; nhiều nhất vẫn là hàng may mặc, khăn quấn cổ, túi đeo vai dệt bằng thổ cẩm với nhiều màu sắc. Để vào khu trung tâm, tôi cùng Nhã vượt qua đoạn đường rừng khá xa, trước khi đặt chân lên chiếc cầu treo lắc lư đến chóng , bắc ngang qua con sông chảy xiết. Nhìn xuống dưới chân, thấy chiếc cầu được ghép bằng nhiều mảnh tre già, cùng với hai sợi dây treo bện bằng vật liệu song mây, tre nứa lấy từ trong rừng. Cây cầu định vị trên hai thân cây cổ thụ có đến trăm tuổi, vắt ngang một ốc đảo râm mát tàn lá thân-rễ si đan xen dầy đặc. Rễ si nhiều vô kể, chúng có mặt khắp nơi, trước mặt, sau lưng, trên đầu, dưới chân, hoặc cắm sâu xuống lòng sông Sêrêpok đầy thơ mộng. Trên cầu, phân ra nhiều điểm bán hàng ăn uống, nghỉ chân, chụp ảnh. . . Thoạt nhìn, cây cầu đẹp như bức tranh thủy mặc, được bàn tay tài hoa nào đó sáng tác theo đề tài Tây Nguyên. Vừa sang đến bên kia cầu, tôi gặp mấy tay quản tượng bí mật ghé sát tai hỏi nhỏ, có mua lông đuôi voi hoặc muốn cưỡi voi đi ngắm sông Sêrêpok? Nhã nhìn tôi nghi ngờ hỏi: “Có phải họ mời anh mua thuốc tráng dương bổ thận của cụ A Ma Kông? Nghe nói, ở tuổi 80 mươi cụ cưới bà vợ thứ tư nhỏ hơn cụ đến 60 tuổi, đặc biệt vẫn sinh con đẻ cái để bồng? - Sao em rành quá vậy? - Em đọc báo mạng thấy kể - Em đa nghi còn hơn Tào Tháo - Không đúng sao? - Không, họ chỉ mời anh mua lông đuôi voi thôi”. Tôi nhớ lần ghé vào Safary bên Thái, mấy tay quản tượng cũng bí mật hỏi tôi có muốn mua lông đuôi voi? Tôi nghĩ, tại sao cứ phải đeo nhẫn có luồn sợi lông voi mới có được sự may mắn? Thực ra, có kẻ nào đó bày ra trò chơi kiểu “phân phối lại”, hòng lợi dụng lòng tin của các  tín đồ có máu mê tín dị đoan, mua bán hàng hóa gì đó. Gặp tôi, kẻ chúa ghét mấy cái trò vớ vẩn đó nên, không đời nào chịu mất tiền một cách oan uổng cho mấy tay lường gạt.

 
Chán! Nhã cảm thấy không còn hứng thú gì với việc cưỡi voi đi ngắm rừng sinh thái Yok Đôn trên dòng Sêrêpok, khám phá những tượng gỗ bên nhà mồ,  thăm nhà vua voi Khun Junốp tên N’ Thu K’ Nul cùng cháu ba đời Y Pông Êban, có tài bắt hơn 300 voi rừng về thuần dưỡng. Ngược lại, Nhã đòi lấy xe chạy ngay về hồ Lắk, thuê thuyền độc mộc dạo chơi trên mặt nước mênh mông thú vị hơn nhiều. Dễ thôi, để làm vừa lòng Nhã, tôi trở ra ngoài lấy xe chở cô chạy về quốc lộ 27, vượt đèo Lạc Thiện hơn mười cây số, gặp hồ nước trong vắt nằm sát ngay bên đường dẫn lên xứ sở ngàn hoa với Đà Lạt sương mù. Hồ Lắk. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên, rộng khoảng năm ngàn hécta; không chỉ là nguồn nước tưới tiêu cho vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên; mà còn là nguồn nước cung cấp cho cả tỉnh, đặc biệt có rất nhiều cá tôm.


Đứng trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình, với một bên là hồ nước mênh mông trải dài ra như một tấm vải lụa mềm mại, soi bóng đồi thông xanh biết xuống mặt nước, một bên là buôn làng người dân tộc Ê Đê, ẩn hiện sau rừng cây nơi đại ngàn; khiến Nhã hầu như bị chôn chân đứng một chỗ, ngắm nhìn say mê cảnh sắc tuyệt vời trước mặt. Sau một hồ thương thảo, gã chèo thuyền đồng ý ghé thuyền vào bờ, đưa bọn tôi đi dạo quanh hồ Lắk bằng con thuyền đôc mộc của mình. Chúng tôi lần lượt bước xuống, ngồi vào lòng con thuyền được làm bằng thân cây có tỉ trọng nhẹ hơn nước, được đôi tay khéo léo của nghệ nhân người M’Nông cần mẩn đốt chúng trước khi dùng rìu đẻo rổng ruột, biến nó thành chiếc thuyền mà ngày nay chỉ còn nhìn thấy trên các vùng sông nước miền cao. Đợi bọn tôi ngồi yên chỗ, gã lái thuyền bắt đầu rời bến, trước mắt chúng tôi là hồ nước rộng mênh mông, bao bọc bởi những dãy núi, cánh rừng nguyên sinh, thôn bản, ngôi nhà dài lợp cỏ tranh nền nã bên vách thưng liếp nứa; đặc trưng của người Ê Đê nơi cao nguyên nắng gió đại ngàn. Nghe kể, hồ Lắk bắt đầu bằng câu chuyện huyền thoại về chàng trai M’Nông, trong lúc đi tìm nguồn nước để giúp dân làng đã tình cờ cứu được con lươn thần mắc kẹt trong kẻ đá chờ chết khô. Để trả ơn người cứu mạng mình, lươn thần chỉ đường cho chàng trai tìm ra cái hồ Lắc đầy nước ngọt này. Nhờ đó dân chúng tránh được cảnh bị chết khát. Lợi dụng lúc Nhã đang say mê tận hưởng không khí tuyệt vời trên hồ Lắk, tôi bắt chuyện hỏi gã chèo thuyền rằng: “Biệt điện của vua Bảo Đại nằm ở đâu?” Gã chưa kịp trả lời đã nghe tiếng Nhã “Ừ, Sẳn dịp mình đi lên biệt điện của vua, xem cho biết vua chúa ngày xưa sống xa hoa đến mức nào. Sau đó ghé vào buôn Jun, thưởng thức món cá thát lác bắt lên tại hồ, nghe ai đi du lịch Tây Nguyên về đều khen nức nở”. Nghe bọn tôi trao đổi, gã chèo thuyền vui vẻ chỉ ngọn đồi có con đường xoắn ốc dẩn lên khu biệt điện; ngoài ra còn giới thiệu món cơm dẻo thơm mùi lúa mới trồng quanh hồ, ăn chung với món thịt nướng ngon, bổ, rẻ, khỏe nữa. Thấy gã vui tính, Nhã hóng hớt hỏi huyên thuyên “Anh ơi! Dạy em nói, anh yêu em rất nhiều theo tiếng M’ Nông đi - A Yong Khap A Theh lu lin - Con trai phải lòng con gái thì trao gì làm tin? - Một cái lược, một chuỗi hạt hoặc một vòng đeo tay - Nghe nói hai họ Êban, Ayun ? - Là dòng họ nên không thể lấy nhau - Thế, anh đã trao lược hay vòng tay cho em gái nào chưa?”. Cười .


Dạo chơi, bơi thuyền, ăn uống no say ở hồ Lắk đến chiều, tôi và Nhã vội vã lên xe quay về trung tâm thành phố cho kịp lúc trời tối. Trên đường về, cô thắc mắc không hiểu tại sao người ta gọi phố núi thơ mộng đầy lãng mạn này là Buồn Muôn Thuở? Tôi vừa lái xe vừa quay lại đùa “Dễ thôi, muốn biết em cứ cặp bồ với anh chàng nào trên này, cam đoan trong những búc thư tình thế nào cũng bắt đầu bằng câu Buồn Muôn Thuở cho mà xem – A! Anh có nhiều kinh ngiệm dữ ha?”. Vừa nói, Nhã vừa dùng nắm tay đấm vào lưng tôi nghe thùm thụp từ phía sau. Tôi cười khằng khặc, ngu gì kể lại chuyện tình cũ một thời của mình khi đang ở bên người đẹp.

  
Sáng ra, tại làng cà phê có lối kiến trúc rặt Tây Nguyên, Nhã khoản đãi tôi một chầu cà phê có ăn sáng thật linh đình để gọi là chia tay. Nhờ vậy, tôi có dịp xem qua hàng trăm hiện vật được  triển lãm tại đây, bao gồm những hiện vật phi vật thể cùng với thế giới văn hóa cà phê qua bộ sưu tập gần như khá đầy đủ.


Trước khi tạm biệt Buôn Ma Thuột, Nhã không quên ghé sát tai tôi dặn: “Em nghe kể, dưới miền Tây có rất nhiều cảnh đẹp, chừng nào anh ghé đến đó nhớ ới cho em một tiếng”. Tôi gật đầu đồng ý, nhìn theo Nhã cho tới khi bóng cô khuất dần trên đường trở về trung tâm thành phố, nơi có quảng trường sáu ngã rộng thênh thang luôn mở lòng chờ đợi bất kỳ lời hẹn hò nào đến với đại ngàn./.



Minh Nguyễn
Số lần đọc: 2432
Ngày đăng: 11.05.2012
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ăn Don Quảng Ngãi Mà Chạnh Nhớ Quê Xưa… - Phạm Nga
Người tù đặc biệt - Lữ Giang
Bình Tuy những ngày Tháng Tư nghẹt thở - Phan Chính
Nhớ nhà văn - Nguyễn Anh Tuấn
Gặp hai ông tướng tại New York - Trần Hoài Thư
Mẩu Chuyện Đứt Quãng Sau 30 – 4 Về Dân Học Văn Khoa - Phạm Nga
Những Ngày Cuối Cùng Của Tướng Nguyễn Khoa Nam - Lê Ngọc Danh
Kỷ Niệm Tháng Tư - Nguyễn Hồng Nhung
Bàu Trắng lung linh sắc nắng - Phan Chính
Ký ức Tam Kỳ - Nguyễn Quang Chơn