“hãy để cuộc đời tươi đẹp như hoa
và hãy để cái chết về như lá mùa Thu”
[Tagor]
Trên lầu cao, từ cửa sổ ngó xuống phố, mắt ông đăm chiêu nhìn những cái lá. Những cái lá trên ngọn của một cây sồi già. Những cái lá đó, trước khi bắt đầu thành hình, chúng chỉ là những cái trồi non mới nhú. Trồi nom như những cái cựa gà. Những cái cựa lớn dần rồi dài ra. Chúng hình thoi. Màu trắng. Màu của những đọt măng.
Suốt nhiều tháng, trên lầu cao, từ cửa sổ ngó xuống phố, ông thấy chúng đã mang hình thể của những cái lá hình thoi, cuống dính vào cành, màu nom xanh hơn, mỗi sớm mai thức dậy, ngồi uống chén trà, ông nghe chúng mừng vui trò chuyện.
Nhưng hôm nay, trên lầu cao, từ cửa sổ ngó xuống phố, bầu trời ủng sũng màu chì, mưa phùn với những hạt mưa nhỏ như bụi, những chiếc lá treo thân trên cành, chúng đã bắt đầu ngả sang màu vàng. Màu vàng của bệnh tật. Màu vàng của tuổi già. Màu vàng của chết chóc. Màu vàng đó, là triệu chứng báo trước cho chúng biết, sớm muộn gì, những cái lá treo thân trên cành sẽ phải rụng.
Cuối Thu, những cơn gió heo may, những mảng mây màu xanh lơ, những cánh đồng hoa cúc trắng, thời tiết và cảnh vật đã đổi khác. Những trận cuồng phong, những cơn mưa giông, chúng bất thần kéo đến để báo hiệu cho mùa Đông. Và mùa Đông năm nay, đổ về miền Bắc, có hai cơn bão.
Suốt nhiều ngày trong tuần, đứng trên lầu cao, từ cửa sổ nhìn xuống phố, ông thấy những cái lá vàng còn cố bám trên cành, chúng run rẩy, những cái lá đã lìa khỏi cành, chúng nằm im bất động như xác của những con bướm, cánh dính trên mặt đường nhớp nháp bùn và nước. Nhìn cảnh vật cây cối chung quanh, cũng là lúc, ông nghĩ đến ông. Ông nghĩ gì. Ông nghĩ, những cái lá đang rủ nhau lìa cành, những cái lá nằm dưới mặt đường của con phố kia, chúng và ông có khác gì nhau đâu.
Rồi ông suy ra, từ lúc là một đứa bé, là một cái trồi non, là một người trưởng thành, là một cái lá đang tươi tốt, là một ông già, là một cái lá đã ngả sang màu vàng, là một cái xác vô hồn, là những cái lá nom như những con bướm nằm trên mặt đường, tận cùng của hiện hữu là cái chết. Chết.
Ông ngồi, vẫn trên lầu cao, từ cửa sổ nhìn xuống phố, mắt đăm đăm ngó những cái cành khẳng khiu trơ trụi, ngó bầu trời mây bao phủ màu xám chì, ngó những tầu lá ở ngọn những cây dừa già đang lắc lư chao đảo, ngó những giọt mưa nặng hạt đang xối xả ném xuống mặt đường của con phố, ngó những cái mái màu xám của những ngôi nhà ở hai bên vỉa hè, chưa lúc nào bằng lúc này, cái chết bắt đầu ám ảnh ông. Sợ. Không. Ông chẳng có gì để phải sợ cả. Cái chết là một điều tất yếu phải đến, đến lặng lẽ, đến một cách bất ngờ, đến không cần báo trước, đến như một người khách lạ, đến với ông hay đến với bất cứ ai, không ngoại lệ và miễn trừ.
Cái chết, dù muốn hay không, dù sớm hay muộn, dù lâu hay mau, thì cái chết sẽ về như lá mùa Thu. Cái chết như một ngọn nến đã đến lúc tàn, lửa phải lụi. Cái chết ở tuổi một người già sức đã yếu, lực đã kiệt, đi bình yên thanh thản.
Đêm qua, khó ngủ nên ông thức rất khuya. Vẫn trên lầu cao, từ cửa sổ, thay vì nhìn xuống con phố, ông đã ngồi dưới ngọn đèn có ánh sáng đủ để nhìn thấy những hàng chữ, sách cầm tay, ông lặng lẽ đọc. Ông đọc cái gì. Ông đọc cuốn “The story of philosophy” của Will Durant. Có đoạn trong sách, Will Durant nhắc lại về cái chết của Socrate được Platon kể . Khi người giữ ngục đi vào với chén thuốc cầm ở tay, người đó đưa cho Socrate vừa bảo rằng:
“Uống thuốc xong, ông có thể đi dạo. Chừng nào thấy hai chân bắt đầu nặng, ông trở lại giường rồi nằm xuống chờ cho chất độc dẫn đến tim”.
Thái độ thản nhiên bình tĩnh, Socrate đưa tay cầm lấy chén thuốc. Lúc Socrate uống, mọi người đứng chứng kiến thẩy đều xúc động. Có kẻ không cầm được nước mắt đã bật khóc. Thấy thế, Socrate đưa mắt nhìn các môn đệ, chỉ khẽ bảo rằng:
“Hãy cứ vui. Các con chôn chỉ chôn cái thể xác của thầy”.
Người giữ ngục quan sát chân tay ông, chốc chốc lại hỏi:
“Ông cảm thấy gì chưa”.
Socrate bảo chưa. Nhưng khi hai chân đã cứng, sống lưng đã lạnh, Socrate tự tay kéo bỏ tấm vải che mặt, trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông nói:
“Thầy nợ Aslepius một con gà. Con gắng trả giúp thầy món nợ đó”.
Nói rồi, mắt nhắm, ông lặng lẽ ra đi.
Không giống như những cái lá cuối Thu là lúc tận số phải lìa cành, cái chết của Socrate là cái chết bị bức tử. Rồi đây, ông cũng sẽ ra đi vĩnh viễn, có thể là ngày mai, có thể là người mốt, có thể là tháng sau, cũng có thể không chừng là tháng sau nữa. Cái mốc thời gian đã ấn định cho mỗi người không có trường hợp ngoại lệ và miễn trừ, vậy thì, ông cần gì phải lo lắng và bận tâm nghĩ đến. Dù biết rằng, không lúc nào bằng lúc này, ông biết cái chết đang rình rập ông ở đâu đó, rất gần, đến độ ông có thể đưa tay ra chạm được nó, có thể nhìn thấy hai con mắt của nó như hai mắt của một con chó rừng trong bóng tối của đêm đen. Nó đã xuất hiện và đến đứng đó đợi chờ, rình rập.
Trên lầu cao, nhìn xuống đường qua kính cửa sổ, sáng nay khác với mọi sáng, cái ghế của ông thường ngồi đã không có ông ngồi. Ở cái giường đáng lẽ là cái ghế ông ngồi mỗi sáng để nhìn xuống dẫy phố, nhìn cái cây chỉ còn những cành nhánh khẳng khiu, trơ trụi, thì nay, ở một căn phòng cũng có cửa sổ gắn kính, căn phòng ở lầu 4 của một bệnh viện, ông đang nằm.
Nằm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Lúc mê, ông hoàn toàn vô thức. Lúc tỉnh, trí nhớ hồi phục giúp ông còn nhận biết được sự việc đã qua và mọi vật diễn biến ở trong căn phòng. Nằm trên giường, có lúc nhìn qua kính cửa sổ, ông thấy có một con chim. Con chim lông sắc xám. Nó có hót hay không ông không biết. Với bức tường cách âm, cho dù nó có hót, ông cũng chẳng thể nghe được tiếng hót của nó.
Giờ đây, cái nhớ giúp ông nhớ được phần nào những chuyện đã qua. Nhưng cái nhớ chỉ là những thước phim chiếu lại trên màn hình thường hay bị gián đoạn hoặc nhòe nhoẹt vì, óc não ông đã không còn có đủ khả năng bảo tồn và gợi lại những sự việc trước đó đã xẩy ra. Những sự việc đó là những sự việc gì. À, hồi tưởng lại những cái rất gần, rất rõ, rất cụ thể, ông nhớ đêm qua, hình như lúc đó đã quá nửa đêm, hình như trong khi ông đọc xong cuốn sách viết về cái chết của Socrate, ừ, phải rồi, cái đoạn Socrate đã lạnh chân cẳng, Socrate đã lạnh sống lưng, Socrate đã kéo cái khăn che mặt, Socrate đã trăn trối với Citron là trả lại cho Aslepius một con gà, thì cũng là lúc, ông thấy máu dồn lên đầu, ông đột quỵ. Rồi sao nữa nhỉ. Rồi trong một cái xe có hú còi, cái xe phóng hết tốc độ trên đường phố. Nó chạy nhanh như thế để làm gì. Nó chạy nhanh như thế để rồi sẽ đi đến đâu. Ông thắc mắc đặt câu hỏi nhưng câu hỏi đó, chẳng có ai quan tâm đến ông để trả lời.
Bây giờ, nằm trên cái giường ở trong bệnh viện, lúc hồi tỉnh và nhớ lại được, ông đã có câu trả lời về cái xe đó vì sao nó đã hú còi, và đã phóng với tốc độ quá nhanh trong đêm tối. Và bây giờ, cũng là lúc qua kính cửa sổ, buổi sáng ông nhìn thấy con “hummingbird” đậu trên một cành cây. Bầu trời vẫn màu xám chì. Mưa vẫn chỉ là cơn mưa bụi. Và chỗ ông đang ở, chưa lúc nào bằng lúc này, ông nhận thức một cách rõ ràng và chính xác, chính đây là lằn ranh phân biệt một bên là cõi sinh và bên kia là cõi tử.
Nửa khuya, như một người chết đuối, chìm ở dưới nước, chân tay quờ quạng, hơi thở bị ngộp, thì chính là lúc, ông không còn chủ động để tự cứu mình được nữa. Khi cây kim ngắn và cây kim dài cùng chặp lại ở con số 12, cái giờ khắc định mệnh đã tới, ông như cái lá cuối mùa Thu, cái ngọn nến đã tới lúc tàn, thì có cỗ xe song mã do một tên xà ích chạy đến, kẻ chùm mặt mặc áo đen cúi gặp người xuống chào ông, rồi lễ phép mời ông lên xe. Rồi xe chạy.
Hồn đã rời khỏi xác. Hồn như một sợi khói bay lơ lửng trên không. Hồn quẩn quanh cố tìm cách nhập vào cái xác. Nhưng cái xác chỉ là một căn nhà cửa đã đóng. Người chủ của ngôi nhà không có chìa khóa để vào nên cứ đi loanh quang ở bên ngoài. Khi xác người chết đã đưa xuống nhà quàn, ông thấy ông nằm trong một cái quan tài bằng gỗ. Nắp quan tài được mở. Ông thấy có vợ con ông, có thân bằng quyến thuộc và bạn bè của ông. Vô số những vòng hoa tang. Cái đặt trên giá có chân đứng. Cái treo trên tường. Cái chỉ là những bó hoa được cắm trong bình thủy tinh đựng chúng. Tất cả những hoa tang đó là những lễ vật mang đến để phúng điếu nhằm mục đích phân ưu đến gia đình ông, để tỏ lòng thành kính tưởng nhớ tới người đã khuất.
Ngày chuyển cữu, ông nhớ quan tài được bốn người bưng. Từ nhà quàn đi ra, một hàng dài những người gồm tang gia, bạn bè, và thân quyến, tất cả đều bước chậm chạp dưới cơn mưa phùn bay như bụi.
Đã đến nhà thiêu xác, cỗ áo được những người phụ trách ở nghĩa trang chuyển đưa vào lò. Lò là một cái thùng hình vuông, có máy điện cao thế, khi xác đã được đẩy vào, cửa lò đã được đóng, thì hơi nóng bắt đầu tỏa ra. Những gì dễ cháy thì cháy trước. Những gì khó cháy thì cháy sau. Nhưng chỉ trong một thời gian ấn định nào đó, ở trong lò thiêu, tất cả chẳng còn gì ngoài lớp tro đen.
Hồn ông vẫn vật vờ lơ lửng nhưng cái xác như một ngôi nhà đã không còn nữa. Chính vì thế, giờ này, ông không khác gì một con chim lẻ bạn, con chim đậu trên một cành cây ngước mắt nhìn trời, há mỏ nhả ra một tiếng kêu như tiếng nấc.
Vào lúc bóng tối của buổi hoàng hôn đã kéo về, thì trên những con đường, trên những khu phố có nhà cửa dân ở, trên vườn tược cây cối của những tư gia, trên những khu công viên có những cây cổ thụ già, mưa phùn vẫn rắc bụi. Chính lúc đó, hồn ông tìm về ngôi nhà ông đã ở. Ngôi nhà có phòng cho thuê của khu nhà già. Có một cái cửa chính để ra và vào chung cư. Cửa thì đóng. Lục túi quần để tìm cái bấm cửa thì trong túi quần không có. Ông không còn cách nào khác là phải đứng chờ. Vào đúng lúc đó, có ba người đàn bà vừa ở phố đi về. Họ nói chuyện vui vẻ vừa bước tới gần chỗ ông đứng. Ông cúi đầu chào họ nhưng chẳng ai trong ba người đó đáp lễ chào lại ông. Với cái “remote”, họ bấm và cánh cửa tự động mở. Ông biết ơn lại một lần nữa lịch sự lên tiếng cám ơn họ. Nhưng rồi, cũng chẳng có một ai thèm trả lời ông, ông cảm thấy vừa buồn vừa bị xúc phạm. Chuyện đó chỉ trong chốc lát, khi đã bước vào bên trong, đi dọc theo dẫy hành lang để trở về phòng mình, thì ông nhanh chóng quên ngay. Đứng, một lần nữa bàn tay ông lại lục tìm chìa khóa, nhưng cả hai túi áo lẫn túi quần, bàn tay ông không đụng tới cái chìa khóa. Như vậy, ông đã quên không mang theo cái chìa khóa khi đi ra ngoài. Chỉ còn cách dùng tay gõ lên tấm ván của cánh cửa để gọi vợ ông, nên miệng thì nói, tay thì gõ, nhưng rất lâu, cánh cửa thay vì được mở nó lại vẫn không mở.
Chẳng còn cách nào khác, nhìn thấy ở góc hành lang có 4 cái ghế và một cái bàn gỗ để người trong chung cư ngồi chơi, ông thấy cách tốt nhất trong lúc đợi là đến đó ngồi chờ. Thời gian ngồi chờ như thế, đấy là lúc ông nhìn dọc theo đường hành lang dài. Những ngọn đèn gắn ở trên trần, những ngọn đèn ở cửa mỗi căn phòng, ánh sáng vẫn tỏa sáng. Cho nên, dù bây giờ ở bên ngoài là bóng tối, nhưng trong khu chung cư của nơi ông ở, vẫn sáng như ban ngày. Cái hành lang đó, mỗi sáng thức dậy, mỗi chiều khi bên ngoài bóng tối của buổi hoàng hôn chưa phủ, vào mùa Đông, khi thời tiết quá lạnh, có mưa giông và gió lớn thổi, vào những lúc đó ông không thể ra ngoài được, ông thường đi tản bộ dọc theo dẫy hành lang, mục đích chỉ là để thư giãn xương cốt, để máu huyết lưu thông, để đầu óc suy nghĩ về một đề tài nào đó cho một bức tranh ông muốn hình thành. Một việc làm đi làm lại như thế lâu ngày trở nên một thói quen. Và khi nó đã trở thành thói quen rồi, nó cứ thế mà lập đi lập lại một cách vô thức.
Mùa Đông thì vậy. Nhưng tới mùa hè, khi những con đường chung quanh khu nhà ông ở, sáng chưa có nắng gắt, chiều chưa có bóng tối về, ông và vợ ông thường rời căn phòng để đi dạo, cũng là để hít thở khí trời, để thư thái đầu óc, để thư giãn gân cốt, và để khai thông máu huyết trong người.
Vào lúc ông ngồi và đang nghĩ vẩn vơ như thế, thì, cánh cửa căn phòng ông ở bật mở. Ông thấy vợ ông bước ra. Ông thấy tay bà cầm một bịch ny lông. Đi về phía nơi để bỏ rác, ông biết bà đi bỏ rác. Ông bước theo sau bà vừa nói:
“Tôi ngồi đợi bà đã khá lâu ở cái ghế ngoài hành lang. Chắc bà đang ngủ nên tôi gõ cửa và gọi vẫn không thấy bà thức để ra mở cửa cho tôi”.
Ông nói. Nhưng ông không thấy vợ ông trả lời. Ông lại lên tiếng bảo:
“Này bà, bữa nay sao tôi thấy cái gì cũng lạ. Lạ nhất là mấy bà xưa nay tôi quen biết lại bất lịch sự đến độ tôi chào nhưng họ cứ làm như không có tôi. Tôi có điều gì làm cho họ phật ý đâu. Vậy mà họ đối sử với tôi như thế được hay sao”.
Ông ngưng nói và chờ bà vợ lên tiếng, nhưng vợ ông vẫn lẳng lặng đi đến cái phòng bỏ rác. Rồi lại từ căn phòng bỏ rác sau khi đã bỏ rác xong, vợ ông đi trở lại căn phòng của vợ chồng ông thuê ở. Cánh cửa mở, ông theo vợ ông vào. Bây giờ đã ngồi ở cái “sofa”, nơi mà
ông hàng ngày ngồi, ông thấy vợ ông rất buồn, đầu bà ngả trên tựa ghế, đôi mắt ướt. Ông không hiểu có chuyện gì đã xẩy ra. Để hỏi cho ra nhẽ, ông buộc lòng phải lên tiếng. Nhưng thay vì trả lời, vợ ông vẫn chỉ ngồi lặng thinh, chẳng nói dù chỉ là một lời.
Nhà đầy tranh. Có những bức ông đã vẽ từ nhiều năm trước. Có những bức ông vẽ những ngày gần đây. Cũng còn một hai bức ông vẽ chưa hoàn thành. Không có điều gì cần để hỏi vợ ông nữa, bây giờ là lúc ông ngồi lặng lẽ nhìn ngắm những họa phẩm của ông đã vẽ. Bốn bức tường, những bức tranh sơn dầu được treo. Đó là thành quả của những năm tháng miệt mài làm việc. Mỗi bức là một đề tài, một kỷ niệm, khi ông gày dựng nó. Đây là bức chân dung ông vẽ vợ ông lúc còn trẻ. Đây là bức ông vẽ một bà cụ già. Bà cụ mồm móm mém nhai trầu. Mặt bà cụ hằn những đường nhăn. Hai má teo tóp như một trái quả khô. Đây là bức ông vẽ một người đàn ông đầu đội mũ “bê rê”, khăn quàng cổ, miệng ngậm ống “pipe”. Đôi mắt của người đàn ông đó nom hơi xếch. Đây là bức ông vẽ một nhà ga có một đoàn tầu nằm dài trên đường ray. Từ miệng ống khói, khói bay lên với lửa và bụi than đen. Đây là bức ông vẽ một bầy ngựa trắng đang gặm cỏ trên sườn một ngọn đồi. Cỏ màu xanh. Có một gốc thụ già cành nhánh khẳng khiu, đứng lẻ loi in lên nền trời màu xanh biêng biếc. Đây là bức ông vẽ hai đứa bé đùa rỡn trên một cánh đồng cỏ. Cỏ vàng màu lông chó vện. Có một cánh diều bay lơ lửng trên không. Và đây là bức ông vẽ những con chim hải âu đang dang rộng đôi cánh đảo vòng trên mặt biển. Nước biển thì xanh.
Khi thấy vợ đã tắt đèn vào phòng để ngủ, ông vẫn còn ngồi im lặng trong bóng tối. Bóng tối đã làm mắt ông không còn nhìn thấy những bức tranh treo trên tường. Nhưng thay vào đó, ở cái bàn thờ vẫn có ánh sáng của những cây đèn thắp sáng, ánh sáng đủ để mắt ông thấy những bức chân dung lộng kính của các bậc sinh thành đã quá vãng,và còn cả bức chân dung của ông để ở đó nữa.
Đèn đã tắt, trong căn phòng bây giờ chỉ còn là bóng tối, nếu có ánh sáng, ánh sáng lờ mờ của những cây nến đăït trên bàn thờ không thể nhìn rõ những bức tranh, thì ông biết đã đến lúc ông nên vào trong phòng với vợ. Ông đinh ninh nghĩ là vợ ông đã ngủ, nhưng không phải vậy, vợ ông chẳng những vẫn chưa ngủ mà bà nằm đó, khóc thút thít.
“Có chuyện gì làm em buồn. Sao lại cứ khóc vậy “.
Ông nói và đợi vợ lên tiếng. Vẫn chỉ là cái im lặng trong bóng tối của căn phòng, thay cho câu trả lời của vợ.
Đêm rồi cũng qua. Ngoài vườn cây, trời vừa tang tảng sáng. Đã nghe thấy tiếng hót của những con chim. Đúng vậy. Trời tang tảng sáng và tiếng hót của những con chim báo hiệu buổi mai của một ngày đã đến. Nhìn qua kính cửa sổ, rõ ràng ông thấy những vụn nắng le lói như những ánh lửa leo lét trên lá của cây cối phía bên kia con đường. Ánh sáng đến chính là lúc ông cảm thấy bồn chồn sợ hãi. Cùng lúc với những tiếng động của xe cộ chạy qua lại trên con lộ ở bên ngoài, đã làm hồn ông chấn động. Tan như băng, loãng như khói, mờ nhạt như sương mù, ông là vậy khi hồn không còn trụ vững, rồi như một quả bóng lặt lờ bay lên cao, như cây cải bay về trời, như sợi bông gạo giạt về núi, như âm thanh của tiếng chuông đã tắt, hồn ông quay về cõi hư vô.
Đúng một trăm ngày, ngày đó, ông thấy cái hũ đựng tro của ông được vợ con ông mang lên một cái xe. Xe chạy trên xa lộ rồi xe đến một vùng có núi. Đứng ở núi, ngó xuống thấy biển. Địa danh thành phố là San Francisco. Nơi một vài lần ông đã cùng vợ con ông đến.
Ở San Francisco, ngoài cây cầu Golden Gate hùng tráng và vĩ đại nối bờ đất ở bên này với bờ đất ở bên kia của con sông lớn chảy ra biển, ngoài những con đường núi dốc đứng đầy nguy hiểm và lảng vảng có bóng tử thần, ngoài những khu thương mại xầm uất và đông người nờm nợp đi lại trên hè phố, nơi được coi là đất của những người Tầu, thì phần lớn cũng giống như các đô thị khác, chỗ này là những tòa nhà chọc trời, chỗ kia là những khu tư gia của những người dân ở, chỗ khác có những ngôi nhà biệt lập và đây đó xa gần, những cây cầu đúc treo lơ lửng vắt vẻo trên không.
Nếu không phải là những khu trung tâm của thành phố, thì ở nhiều nơi nhà cửa thấp thấy có những quán ăn, những tiệm sách báo, những cửa hàng bán rượu, những văn phòng dịch vụ, những cột bán xăng, những bãi có xe đậu để bán.
Bây giờ đã đến lúc ông nhận thấy ông cùng vợ con ông ra tới bờ biển. Vợ ông tay ôm cái hũ khi bước xuống tầu.Tầu rời bến rồi từ từ hướng mũi ra khơi. Ngoài khơi, mặt nước phẳng lì và bóng như một tấm gương. Những cơn gió từ ngoài biển thổi về mang theo cái lạnh đưa vào thành phố. Đảo cánh bay qua bay lại, in lên bầu trời ở phía xa xa, là những con chim hải âu. Tiếng kêu của chúng nghe khô khan như tiếng người gọi nhau ở dưới bờ bãi nước vọng về.
Hồn ông chỉ là sợi nắng, là làn khói, là hơi nước, là ánh sáng trong suốt, vì thế, hồn cứ nương theo gió, gió đưa ông lên cao, gió hạ ông xuống thấp, nhưng bao giờ hồn cũng cố gắng bám sát con tầu ở một khoảng cách nào đó, có khi ở ngay chính boong tầu, nơi có cái hũ đựng tro của ông. Đã đến lúc nắp của cái hũ được mở. Đã đến lúc tro trong cái hũ được bàn tay vợ ông bốc ra. Xuôi theo chiều gió và thuận với hướng chạy của con tầu, lớp tro vừa được rải xuống đã vội vã bay về phía sau, rồi lớp tro đó biến mất.
Từ những ngày đó, hồn thanh thản mát mẻ, ông hòa nhập với biển khơi. Ngày với tiếng kêu của chim hải âu. Đêm với tiếng sóng gọi nhau chạy vào bờ. Chẳng còn gì phải vương vấn cõi trần thế, hồn tự tại bình yên an nghỉ ở một cõi vô thường sau khi giã từ kiếp làm người./.