Trong suốt trong trẻo trong sáng trong sạch… là những gì có thể được gợi lên trong nhớ lại – nghĩ đến, khi thủy tinh… xuất hiện. Vậy mà, ở đây, thì… mù. Cách nói khác ấy, lại chính là sự thực. Của đời sống và của tâm thức, vốn nhiều màu sắc, dáng vẻ… Và luôn luôn đối lập trong nhịp lắc không ngừng trên hai trục không gian – thời gian. Đó cũng chính là bi kịch vĩnh cửu của người: Tôi tự vẽ cho mình / giấc mơ hạnh phúc... / Không phải là nụ cười hạnh phúc. (Niềm vui trắng)
Thì ra, bi kich là sản phẩm của chính con người. Biết vậy, mà không ai có thể thoát khỏi?! Ở đây, là một người phụ nữ, bình thường như bao phụ nữ khác, với cái vẻ thản nhiên mà cam chịu, với sự bình tâm mà không hân hoan. Lặng lẽ mà xé lòng: gió ôm thật chật / như muốn bẻ cong thân thể / Em. / Và con đường vắng. (Người đàn bà đứng bên đường)
Trên con đường ấy (mà năm tháng vốn chẳng nhiều nhặn gì cho hương sắc vốn chóng tàn phai), thì những khoảnh khắc ngắn của niềm - vui - trần - thế - rất - thực của con người, ngỡ đâu sẽ đem lại chút hạnh phúc, ngờ đâu, chỉ là nỗi đau: Bóng đè lên thây / thây bật lên nức, nức / rướn ầm ừ đau.
Vì sao mà đau đến thế? Có phải, vì sự ám ảnh không rời của cái chết: Cuối nẻo về, lặng im / nhìn xuống đất./ Thây tôi dài hơn tôi. (Bóng nổi)
Ôi trời ơi! Vậy thì, làm sao mà sống được nữa, hỡi người?
Vậy mà, vẫn sống. Vẫn phải sống, dù người đã có lắm lần liên hồi tự hỏi: Tại sao tôi sống như thế? / Tại sao tôi phải sống như thế? / Tại sao tôi lại phải sống như thế?
Câu trả lời: Bởi vì, sự sống tồn tại bên ngoài ý muốn của người; và nhân quần là một tiếng gọi thầm nhưng đầy sức mạnh: Cái tiếng yên lặng của trăng / dẫn tôi về những đêm cuộc người. (Trăng)
Bởi vì, người, dù với cái xác thân hữu hạn và trói buộc này, thì chính cái thân ấy không ngừng kêu đòi được sống: Sau hàng cúc áo / bồn chồn / giành giật nhớ. (Ngày không nắng)
Bởi vì, tự sâu thẳm của mơ hồ ý thức, vẫn chưa mất đi chút nỗ lực cuối cùng: Gom hết hơi thở còn lại / thổi trên mù lòa / của da thịt còn tươi. / Rồi bíu chặc vào nhau. (Phía một nửa)
Và may thay, còn nữa: thơ. Dù vẫn biết, đó chỉ là một khía cạnh của cuộc sống: chỉ còn thấy trên tay mình /
những câu thơ đang vỡ dần ra…(Bóng ngược)
Ơi ơi trời, ơn đời!
*
Một lần, “Thủy Tinh Mù” nói: “Viết được khoảng 200 bài, nhiều người… chê. Thử viết không theo sự “quy định” nào, lại có đôi người động viên. Như thế, là được hiểu thêm một chút về thơ, và về… cuộc đời”.
Đấy là lời thực thà của một người mới “bước vào thơ”. Vô tình, mà đi theo một trong những nguyên lý của sáng tạo nghệ thuật, như nhắc nhở của văn hào Nga A. Chekhov: “trong sáng tác, tự do cao hơn mọi thần linh”. Tác giả bộc lộ rằng mình chưa có những hiểu biết về nghề thơ. Điều ấy là thực, thể hiện ở ngay những chỗ còn vụng về trong tập thơ này. Nhưng cũng là một sự thực nữa: chính sự quên đi những trói buộc về hình thức, cùng với cái cách bày tỏ không che giấu những gì đã trải nghiệm, sẽ đem đến những trái quả nhất định của Cái Đẹp, như một sự ban tặng công bình của Nàng Thơ cho những ai biết hiến dâng không tính toán. Điều ấy, cũng có thể được ghi nhận ngay ở không ít bài - và - câu, trong tập thơ này. Như thế, cuối cùng, thơ sẽ “vượt biên” những định kiến để có thể dẫn người đến với người trong niềm vui sẻ chia.
Và, với chính người đã vẽ nên những cái bóng quanh đời mình, những cái bóng ngỡ như đêm dài siết chặc vô phương: Sao cái bóng trên tường / cứ rộng thêm ra? (Thủy tinh mù) thì, chính cái lúc nỗi buồn đã căng hết đôi cánh của nó, những cái bóng sẽ bùng vỡ. Để cho những giọt – mưa – nước – mắt trên tấm gương tâm hồn kia sống lại. Trong một buổi sáng thủy tinh không mù…
Sài Gòn, 4.2012