Ngô Phú Thiện (NPT) và thế hệ sinh vào thập niên 1940-1950 đều biết vót chông, cầm súng chống Pháp và bước qua khúc ngoặt trước sau 1975. Hùng tâm tráng chí một thời bám đất giữ quê vẫn còn nguyên. Việc tái hiện, kết nối, xâu chuỗi những đứt gãy kinh hoàng, những mất còn đầy nước mắt lẫn vui mừng, thì ngoài những thước phim, những ấn bản tư liệu và một số bút ký của một số tác giả, nay có thêm Lang thang cố xứ của nhà giáo, nhà thơ NPT. Đây là tập tản văn chuyên sâu đất và người Quảng Nam trong quá trình đấu tranh và xây dựng quê hương xưa và nay.
Đọc Lang thang cố xứ của NPT bỗng nhớ câu nói của đại văn hào Nga- Ilya-Ereng-Bua: “Tình yêu tổ quốc bắt đầu từ tình yêu làng xóm, yêu những cái bình thường- dòng sông, con đò, biền dâu, ruộng mía…” và cố nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam với gần 400 truyện ngắn, 50 đầu sách mang hơi thở, máu thịt của miền Tây Nam bộ. NPT chưa có sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhưng Lang thang cố xứ là “quà tặng bằng chữ” dành tặng Quảng Nam, một khởi đầu đầy nội lực lẫn triển vọng, một tác phẩm văn học đẹp, đẹp theo nghĩa “yêu cái bình thường quê nhà” bằng cả tâm huyết, nhiệt thành một cách bất ngờ.
Đáng quý hơn, sẵn lòng tự trọng và tính khiêm tốn, anh xếp tác phẩm của mình ở cái nơi ít có người dũng cảm dám nhận: “Ngôn từ còn hữu hạn, chỉ tại cái tình còn ham hố tham lam. Nếu ai đứng trên tầm cao hiện đại thì mình chỉ là cái bóng mờ nơi đáy giếng; nhưng bạn đã từng ngâm thân trong vũng ao làng thì cũng phần nào chia sẻ những đục trong”. Cảm ơn “xứ sở Thủ Thiệm, ưa nói trỗ trời” sinh thành một người con, một nhà thơ Quảng Nam nhún nhường như thế!
Xuyên suốt 126 trang viết của anh tôi thấy phố cổ Hội An, cụm tháp Mỹ Sơn, TP Tam Kỳ, Phú Ninh, Khâm Đức, Kỳ Hà, Bàn Than, Cù Lao Chàm… hiện ra, từ đống đổ nát, vườn cau cụt đầu, lũy tre cháy sém năm xưa đến màu ngói đỏ, nhịp cầu cong, con đường lớn ngày nay. Cũng chính nơi này, triệu triệu người con Quảng Nam đã sống qua hai thời kỳ chiến tranh. Tất cả xứng đáng được gọi là xứ sở danh nhân, khoa bảng tiêu biểu, con người yêu nước điển hình của Quảng Nam.
Bên cạnh cách hành văn hồn nhiên, ít luận lý và cách biểu cảm chân thực sâu sắc, điều mà tôi thích ở tác phẩm NPT là tính tư duy, trăn trở chứa đựng vô vàn chi tiết hấp dẫn ở mọi góc khuất xã hội, mọi ngả đường đời sống. Có thể thấy được ở “Về làng”, “Miên man sóng nước Kỳ Hà”, “Thao thức cù lao”, “Thức với dòng sông”… Cách nghĩ, cách nhìn, cách đặt vấn đề tưởng chừng bỏ ngỏ lại vô cùng sống động, đến mức có thể sờ chạm được, tạo hiệu ứng ngược, thôi thúc, động viên tối đa nguồn lực cộng đồng, vì quyền lợi cộng đồng. Một tác phẩm văn học có giá trị lâu dài phải đi ra từ cộng đồng, và đi đến tận cùng vùng cấm, nơi không ai xâm nhập được, đó là trái tim con người.
Cảm ơn NPT đã vét óc, rút ruột, mài bút trải lòng lên trang giấy để những người Quảng Nam như chúng tôi có dịp chiêm nghiệm, soi rọi, nhìn lại chính mình, gặp lại quê mình, vì đấy là nơi mình sinh ra, là tên mình, hồn mình, và là nơi duy nhất để quay về.
Khép lại đôi dòng cảm nhận, tôi hy vọng bạn đọc sẽ tự tìm thấy thông điệp nhân văn của Lang thang cố xứ. Chỉ tiếc, giá như đừng có một-chút-gì-nhạy-cảm ở quãng lặng giữa gió và cây, thì đây là tác phẩm văn học chủ đề tròn trịa, có hơi thở, sức sống trong làng văn hiện nay.
Sài Gòn 01.5.2012