Người xưa nói: “Quốc chính thiên tâm thuận. Quan liêm dân tự an”. Việc nước mà chính trực, công minh thì muôn người theo. Quan chức mà liêm khiết thì tự khắc dân yên.
Kể từ khi Ngô quyền giành độc lập tự chủ sau một nghìn năm Bắc thuộc, xưng vương năm 939 cho đến năm 1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Việt Nam, có tất cả 82 đời vua. Dù tồn tại dài ngắn khác nhau, mỗi triều đại đều có những công lao nổi bật và để lại những bài học kinh nghiệm lịch sử cho con cháu xây dựng đất nước này bền vững muôn đời.
Nhà Ngô tồn tại 28 năm (939-967), sau đó loạn 12 sứ quân trong hai năm, nhà Đinh được 13 năm (968-980), nhà Tiền Lê 29 năm (980-1009), nhà Lý 215 năm (1010-1225), nhà Trần 175 năm (1225-1400), nhà Hồ 7 năm (1400-1407), nhà Hậu Trần khôi phục lại vương triều, kéo dài thêm 7 năm (1407-1413) rồi bị nhà Minh đô hộ 14 năm, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, giành độc lập, sáng lập triều Hậu Lê trong 99 năm (1428-1527), nhà Mạc được 66 năm (1527-1595), sau đó nhà Lê giành lại ngôi báu trong 255 năm, triều Tây Sơn được 14 năm (1788-1802) và cuối cùng là nhà Nguyễn, 143 năm (1802-1945).
Tính trung bình mỗi vị vua ở ngôi hơn 12 năm, nhưng thực tế, do nhiều hoàn cảnh cụ thể khác nhau, có những vị vua chỉ ở ngôi vài ba năm, có vị chỉ 6 tháng, thậm chí có vua chỉ ở ngôi có ba ngày. Triều vua lâu nhất, và cũng là một trong những vị vua anh minh của dân tộc là Lý Nhân Tông, ở ngôi 56 năm.
Trong hơn một nghìn năm ấy, có biết bao vị vua hiền, một lòng vì dân vì nước, lập nên nhiều chiến công trên các lĩnh vực, để lại cho hậu thế một giang sơn gấm vóc và cả niềm tự hào, trở thành tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo. Nhưng lịch sử còn cho chúng ta biết, có không ít vị vua bạc nhược, ăn chơi sa đọa, hoang dâm vô độ, ưa xu nịnh, dung túng quan tham, không trọng dụng người ngay thẳng, hiền tài, khiến trăm họ oán giận, triều đại suy vong, đất nước loạn lạc…
Lịch sử hết sức công minh, không gì có thể che đậy, xuyên tạc được. Lịch sử đã ghi nhận công đức các vị vua hiền tài, anh minh và lên án những vị vua bất tài, hại dân hại nước. Không nói được lúc này thì lúc khác lịch sử cũng sẽ phán xét, không nói rõ được nơi này thì ở đâu đó người dân, những chứng nhân của lịch sử vẫn sẽ lưu truyền muôn thuở...
Như một chân lý ở đời, mỗi khi có vua hiền thì tôi sáng, mỗi khi có vua anh minh thì hiền tài được sử dụng, nguyên khí của quốc gia bừng lên, và mỗi khi vua nghe theo lời xu nịnh, ham ăn chơi sa đọa, bỏ bê triều chính thì gian thần lộng quyền, hiền tài không những không được sử dụng mà còn bị bức hại. Đến như Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần bậc nhất của triều Lê sơ, tâm hồn sáng tựa sao Khuê mà còn chịu án oan tru di tam tộc mới biết cái tai hại tột cùng do kẻ xu nịnh, kèn cựa, đố kỵ gây ra.
Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, tài cao học rộng như bậc thánh, những lời tiên tri của ông là di sản độc đáo còn truyền đến hôm nay, vậy mà khi dâng sớ chém 18 lộng thần, tham quan ô lại, đục khoét nhân dân, nhà vua vẫn không nghe. Cũng như Chu Văn An trước đó dưới thời Trần (dâng “Thất trảm sớ”), Nguyễn Bỉnh Khiêm đành treo ấn từ quan, từ chối mọi bổng lộc chốn quan trường về quê mở trường dạy học, dạy đạo làm người, dạy đức để đời. Những người như Nguyễn Bỉnh Khiêm khó tồn tại trong chốn quan trường của nhà Mạc, nhưng ông lại là người sống lâu hơn triều đại này.
Mặc dù treo ấn từ quan, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn trăn trở với sự hưng vong của đất nước. Chính Nguyễn Hoàng trong lúc sa cơ đã tìm đến ông, nghe theo lời khuyên của bậc hiền tài, vào nam mở mang bờ cõi, xây dựng giang sơn rộng lớn, giàu có như hôm nay. Đây có lẽ là bài học độc đáo trong lịch sử nước nhà. Nhưng nhớ đến bài học này khiến người ta chua xót giật mình, hậu thế có phải thời nào cũng tôn vinh công trạng Nguyễn Hoàng giống nhau?
Hơn một trăm năm mươi năm trước, khi đất nước chìm đắm trong ách ngoại xâm của thực dân Pháp, biết bao hiền tài đã dâng sớ những mong nhà vua quan tâm cải cách đất nước. Không cải cách thì đất nước sẽ mãi mãi không vươn lên được mà nói theo ngôn ngữ của chúng ta hôm nay là tụt hậu. Không làm sạch bộ máy quan lại sâu mọt thì chẳng những nhân dân bị nhũng nhiễu mọi bề mà đất nước cũng đâu còn sức mạnh và khó có thể thoát khỏi nguy cơ bị lệ thuộc? Ở vào cái thời trọng đức như phong kiến nhưng không thấy bản điều trần nào nói phải lấy đạo đức răn dạy kẻ tham nhũng. Đạo đức, bài học đó chưa và sẽ không bao giờ triệt tiêu được lòng tham của con người.
Đọc Nguyễn Trường Tộ, nhà cải cách thời ấy mà giật mình khi nghe ông nhắc nhở nhà vua: “… Lương Tri huyện mỗi ngày không quá ba, bốn mạch như vậy nuôi một người còn không đủ, huống chi nuôi một gia đình nhà quan. Đã biết rõ sự thiếu hụt mà đem lời nói suông, khuyên người ta thanh liêm, như thế là ngầm để cho người ta tham nhũng”.
Chuyện rõ như vậy mà những biện pháp khắc phục tình trạng tham nhũng do Nguyễn Trường Tộ đưa ra không được vua thực hiện. Nhân dân vừa rên xiết dưới ách đô hộ của người Pháp, vừa bị tham quan của nhà Nguyễn bóc lột đến cùng tận. Trăm họ oán thán, lòng dân bất an, đất nước suy vong, không thoát khỏi vòng nô lệ. Đây chẳng phải là bài học đắt giá đó sao?
Đọc sử ngẫm về quy luật hưng vong, thịnh suy, chân lý vua hiền thì tôi sáng trong mỗi triều đại phong kiến Việt Nam đưa đến cho chúng ta nhiều gợi nghĩ, nhiều bài học.
Chẳng lẽ bài học của lịch sử chỉ có ý nghĩa với những ai trăn trở với thời cuộc?./.