Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
756
123.239.188
 
Con ma chòm mả lạng
Phương Nam

Không ai, kể cả những người lớn tuổi nhất trong xóm biết rõ chòm mả lạng có từ bao giờ và trong chòm có bao nhiêu cái mả.

Mọi người chỉ biết loáng thoáng rằng chòm mả có gần một trăm cái mả bằng đất, bằng đá xanh hoặc đá ong chen chúc lẫn lộn với nhau. Nhiều mả bị mưa gió bào mòn đã lạng gần bằng mặt đất mà nếu không có những cái bia chỉ điểm thì khó mà phân biệt được đâu là đất bằng, đâu là mả. Mặc dù vậy cũng không một ai có thể đếm đủ hết số mả vì không phải cái nào cũng có bia. Những cái bia đủ loại, kích cỡ khác nhau, xiêu vẹo, cũ kỷ rêu phong, chứng tỏ rằng đã từ lâu dân trong làng không còn chôn người chết nơi đây nữa.

Chòm mả lạng nằm trên một gò đất sét cao, rộng khoảng hai công đất. Chỗ cao nhất của gò là Miễu Bà chúa xứ đã sập đổ từ lâu chỉ còn lại một mớ gạch đá lổn nhổn. Chung quanh gò là mấy bụi tre gai và ba cây sao cổ thụ cao lớn, uy nghi, cành lá rậm rạp. Nhiều người cho rằng rễ sao đã chui vào bên dưới các ngôi mả và gặp được chất dinh dưỡng từ xác người phân hủy nên cây tươi tốt khác thường. Có lẽ vì vậy mà ít có người kể cả những người gan dạ nhất, dám leo trèo lên cây. Cả ba cây sao có rất nhiều kiến vàng, ong bần lại thêm dây leo chằng chịt. Trên đọt tre và mấy ngọn sao là giang sơn của nhiều loài chim lớn, nhỏ. Cư dân trú ngụ thường xuyên là chim dòng dọc với hàng trăm ổ chim treo lủng lẳng như những trái khô trên giàn bầu. Tùy theo mùa, trên ngọn sao còn là nơi làm ổ của quạ đen, diều đỏ, bìm bịp, cưỡng bông, cò trắng, các bọng cây là nơi ở của chim ục, cú mèo...

Thật ra trước đây có tới bốn cây sao ở bốn góc của chòm mả lạng. Vào một năm lũ lụt lớn, cây sao ở chỗ thấp nhất đã chết và khô đi. Vào mùa nắng, bọn trẻ chăn trâu đốt rơm nướng khoai đã làm cháy gốc. Đến khi có giông gió lớn, cây sao bị ngã xuống đìa Gừa và nằm luôn ở đó cho đến bây giờ.

Đìa Gừa nằm ở phía Tây chòm mả lạng, giữa đìa mọc đầy sen, súng. Có người nói trước đây người ta đã đào đìa Gừa đắp lên thành gò nơi chòm mả ngày nay. Đó là cái thời ngày xửa ngày xưa ông bà ta vào nơi này khai hoang, phá lâm làm ruộng. Trong một vùng đồng trủng thấp, cái gò được đắp cao là đất cúng, nơi chôn cất những người nghèo khó hoặc dân phiêu tán, tứ cố vô thân. Rồi chiến tranh loạn lạc xảy ra, chòm mả lạng đã trở thành "xiêu mồ lạc mả".

Giữa một vùng dân cư ít ỏi, nhà cửa còn thưa thớt, chòm mả lạng quả là một nơi âm u, vắng vẻ ít ai dám qua lại, nhất là những người nhát gan. Những ngày mưa giông rả rích hay những lúc chạng vạng tối đom đóm lập lòe, ai có việc phải đi ngang qua đây thường lẩn tránh đi đường vòng dù xa hơn, khó đi hơn vẫn chịu.

Ấy vậy mà ruộng khoai mỡ của bác Tư Miên lại nằm sát với chòm mả lạng, chỉ cách nhau có một bờ ranh với một hàng tràm. Vì là ruộng gò, đất xấu đã từ lâu bác Tư không trồng lúa mà lên liếp làm rẫy. Tùy theo thời giá, có năm bác trồng bắp, trồng đậu hoặc bí rợ, dưa leo luân vụ. Năm nay bác lại vun giồng trồng khoai mỡ, khoai giống vừa mới cắt mặt, vùi tro, đặt hom xong chưa được mười ngày cho nên bác phải tưới nước quyết liệt để giữ ẩm cho mầm non được mập, mạnh, lên khỏe kịp thời vụ. Thời tiết đang vào đầu mùa mưa, nhưng mưa gió còn ít và thất thường, bác phải tưới nước cho khoai mỗi ngày hai bận sáng sớm và chiều tối. Bác Tư lại là chúa sợ ma, đối với Bác bận tưới buổi sáng thì không có vấn đề gì, nhưng bận tưới buổi chiều thì thật là đáng ngại, Bác ớn cái chòm mả lạng ấy lắm. Buổi chiều khi mặt trời khuất sau đìa Gừa một chút, vừa khi bóng cây sao lớn nhất phủ ngọn đến chí mí cái chòi giữ rẫy thì Bác vội quảy đôi thùng tưới đi về ngay không chậm trễ. Những hôm chuyển mưa bác lại còn về sớm hơn.

Chiều nay, Bác Tư Miên ra ruộng khoai sớm hơn mọi khi. Buổi sáng bác bận đi đám giỗ nên bỏ qua một cử tưới. Không sao! Chiều nay bác sẽ tưới bù, sẵn dịp nhổ cỏ cho khoai luôn một thể. Mải mê công việc, bác đã quên không để ý bóng cây sao đã vươn dài qua khỏi cái chòi từ lâu rồi, bác cũng quên phứt đi cái chòm mả lạng ở đàng sau lưng. Có lẽ do rượu chăng? Mặc kệ! Bác chỉ còn phải tưới cho mấy giồng khoai nữa thì xong. Trời đang nhập nhoạng tối, sắp chuyển mưa, một ít sấm chớp nhì nhằng ở xa vẳng lại. Bỗng nhiên tai Bác nghe mấy tiếng động lạ: "Chủm! chủm! rẹt! bịch!". Bác Tư ngừng tưới quay lại:

- Cái gì lạ vậy cà! Chẳng lẽ mình nghe lầm!

Bác dáo dác nhìn chung quanh. Mọi cái trở lại yên lặng bình thường.

Bác Tư cố tưới hết giồng khoai.

Nhưng lại có tiếng: "Rẹt! rẹt! chủm! chủm! chủm! bịch! bịch!"

- Không nghi ngờ gì nữa, có ai đó đang chọi mình!

Bác Tư khẳng định như vậy.

Dưới ánh sáng mờ mờ, bác Tư thấy rõ ràng một cục đất rớt bên cạnh bác và lăn tuột xuống mương. Lại ngừng tưới, dõi đôi mắt đăm đăm nhìn về phía chòm mã lạng, Bác Tư cố giữ giọng bình tĩnh nói lớn:

- Ai chọi vậy ta? Chọi tùm lum gãy đọt khoai hết nghen!

Đáp lại lời Bác là một loạt tiếng động hỗn tạp chen lẫn vào nhau: "lẹt rẹt! lủm chủm! lịch bịch!" Hình như có bàn tay vô hình nào đó chọi về phía Bác một nắm đất hang chuột thì phải! Bác Tư cảm thấy sống lưng ớn lạnh, sau gáy có cái gì đó là lạ, tim đập nhanh và bụng bắt đầu đánh "lôtô". Bác bỏ đôi thùng xuống chụp một khúc cây nhảy qua cái mương nhỏ. Có ba bốn cục đất lớn chọi về phía bác: bịch! bịch! bịch! Bác Tư đi thụt lùi mặt hướng về chòm mả lạng, cảnh giác, lưng hướng về xóm nhà. Lại có mấy cục đất chọi theo rớt vào đám lá khô rẹt! rẹt! rẹt! Phía chòm mả lại có tiếng gì ư ử nghèn nghẹn như tiếng con nít khóc từ dưới lòng đất đưa lên. Bác Tư lẩm nhẩm:

- Mẹ nó! Chẳng lẽ lại là ma?

Và bác quay lưng chạy một mạch về nhà bất kể mương, vũng, gai gốc hai bên lối mòn. Bác luồn qua hàng rào, vào nhà chạy thẳng đến bếp nơi bác Tư gái đang nấu nồi tấm heo thở hổn hển.

- Mẹ nó! Ma chọi tao!

Bác Tư gái hỏi dồn:

-Ở đâu?

- Thì ở ruộng khoai chòm mả lạng!

- Hồi nào?

- Mới tức thì đây nè!

Sáng hôm sau cả xóm đã biết cái tin hồi hôm này, bác Tư đã bị con ma nơi chòm mả lạng chọi đất. Mấy người đến hỏi thăm, bác Tư đã tỉ mỉ kể lại và còn thêm chút mắm muối cho câu chuyện thêm ly kỳ, rùng rợn. Chiều tối hôm đó, có mấy người trong xóm theo bác Tư ra chòm mả lạng để xem ma chọi. Họ đem theo chĩa, dao, giàn thun, đèn chai để lùng sục con ma. Họ thách thức con ma đủ điều. Khi trời nhá nhem tối nó chọi thật y như bác Tư đã kể. Nhiều người múa dao, bắn giàn thun, chọi đá, đâm chĩa, soi đèn vào các bụi rậm nhưng "con ma" vẫn chọi như thường. Gần khuya mọi người mới ra về. Mấy đêm sau vẫn như vậy. Có người nghi ngờ, ban ngày rủ nhau đến chòm mả lạng tìm dấu vết nhưng vẫn không phát hiện được gì.

Tin đồn về con ma chọi đất nơi chòm mả lạng đã lan đi mấy xóm. Có đêm nhiều người hiếu kỳ của xóm trên, xóm dưới, mấy xóm ở làng bên cũng đến xem, có cả mấy người già lớn tuổi. Họ thách thức:

- Nè, bây giờ tao chọi miếng ngói có rạch thập bằng vôi, có giỏi thì chọi lại miếng ngói đi, con ma!

Không bao lâu quả nhiên có miếng ngói vẽ chữ thập bằng vôi được con ma chọi trả lại tức thì.

- Đây, tao chọi đồng xu đỏ, chọi trả lại coi!

Giữa lúc mọi người không để ý thì có đồng xu đỏ rớt cái xẹp cạnh bên chân người vừa chọi đi.

- Bây giờ, tao chọi cục cứt trâu khô lên gò, con ma chọi lại nghen!

Mọi người chờ đợi nhưng không có cục cứt trâu khô được chọi trả lại. Có lẽ con ma khá nghiêm túc, nó không chơi giỡn kiểu như vậy. Có người cho rằng cứt trâu là vật ô uế con ma không dám đụng tới. Có điều là con ma rất... hiền, dù cho có đông người nó cũng chưa chọi trúng ai bao giờ.

Cứ như vậy riết rồi chán, người đi xem thưa dần với lại buổi chiều hay có mưa giông lớn, mọi người không đến chòm mả lạng nữa. Việc đi coi ma chọi đất kết thúc. Nhiều người đã tin là có con ma ở chòm mả lạng thật.

Mọi việc rồi cũng trở lại yên ả bình thường nơi ruộng khoai, nhưng người khổ nhất là bác Tư. Từ hôm bị ma chọi đến nay, cứ mỗi chiều khi mặt trời xuống còn cách mặt đìa Gừa cả cây sào, bác đã vội tom góp đồ đạc về nhà không dám ở lại nữa. Nhưng bù lại lúc này mưa nhiều, ruộng khoai của Bác ngày càng tươi tốt, công chăm sóc nhẹ đi, Bác đỡ phải lui tới nơi này.

Bẳng đi một lúc khá lâu bác mới ra thăm ruộng khoai. Nhìn lên cây sao lớn, bác hết sức ngạc nhiên không hiểu vì đâu mà cây sao vàng úa, đỏ lá như sắp chết tới nơi. Bác lò dò đến bên gốc sao quan sát thì mới nhận ra cây sao bị trời đánh. Hèn gì mấy hôm trước trong cơn giông lớn bác đã nghe mấy tiếng nổ lớn chát chúa ở hướng này, hóa ra là ở chỗ cây sao. Cái đọt to lớn của nó bị đánh gãy, nhiều nhánh rớt xuống nằm vắt vẻo trên đọt tre, mấy nhánh lớn rớt luôn xuống đất. Mặt đất phủ đầy lá sao héo úa. Nơi cháng hai của cây, một dấu tét lớn làm trơ ra các thớ gỗ còn mới toanh. Một vết đỏ bầm loang dài từ cháng hai đến tận gốc cây đặc sệt như máu. Bác Tư ngẫm nghĩ:

- Chắc là con ma đã bị trời đánh chết rồi! Theo ông bà xưa nói lại khi trời đánh ma nếu có vết loang đỏ là đánh trúng còn ngược lại là đánh trật, con ma không chết. Vừa nghĩ ngợi bác Tư vừa nhìn ngắm dò xét thân cây. Bỗng nhiên đôi mắt Bác dừng lại nơi chỗ cháng hai có cái gì treo lủng lẳng hơi khác lạ, khi có gió nó đánh qua đánh lại. Bác Tư vào nhà gọi thêm mấy người rồi ra chỗ cây sao bắc thang lấy cu liêm móc cái vật đen đen đem xuống. Đó là một cái giỏ cần xé bị mưa nắng làm cho cũ kỹ, đen mốc hư hỏng, nhưng bên trong còn chứa đựng đất sét, gạch, ngói, vôi, vỏ sò... đủ thứ. Có người kêu lên:

- Cái giỏ này là của thằng Năm!

- Như vậy là mấy tháng trước đây nó đem cái giỏ này trèo lên cây sao làm con ma để chọi đất nhát tụi mình!

Thằng Năm con ông Tám Càng thợ câu tôm ở xóm Rạch Gỗ. Anh chàng là một thanh niên khỏe mạnh, gan dạ giỏi nghề câu, lưới, bắt cá, chọi đất, bắn giàn thun. Đang đêm, Năm có thể một mình băng đồng đến chòm mả lạng bẻ một nhánh cây, lấy một mảnh ngói rồi quay trở lại để ăn cá cược một gói Ruby Queen với những người thách đố dễ như chơi!

Bây giờ Năm không còn ở trong xóm nữa. Tháng trước, một đơn vị quân giải phóng về đóng ở đây. Năm đã khăn gói xin đi theo, đầu quân vào bộ đội chủ lực. Muốn hỏi cho rõ cũng khó gặp được anh chàng, mọi người chỉ còn cách lần từ các dấu vết rồi suy đoán thôi.

- Hèn gì! Mỗi tối đi coi ma chọi đất đông đủ nhiều người mà có khi nào có mặt thằng Năm đâu?

- Có sao được! Lúc đó nó ngồi trên ngọn cây sao đang híp mắt cười tụi mình mà.

- Sao lúc đó mình không để ý hén! - Bác Tư nói chen vào.

- Để ý sao được! Việc rồi mới vỡ lẽ ra.

- Lúc đó,  tui nhớ mỗi chiều khi bàn việc đi coi ma, Năm ngồi nghe, mình sắp đặt cái gì cu cậu cũng biết ráo trọi.

- Bởi vậy.... cho nên mình thách cái gì, nó có cái đó!

Mỗi người một ý, bàn tán cho đã rồi đi đến kết luận rằng con ma chọi đất mấy tháng trước ở chòm mả lạng không ai khác hơn là Năm. Mọi người ra về, để lại cho bác Tư cái giỏ cần xé cũ của con ma.

Một mình ở lại giữa ruộng khoai, Bác Tư mới có dịp ngẫm lại sự việc:

- Như vậy con ma là thằng Năm! Thằng Năm chính là con ma! Bác Tư vừa cảm thấy tiêng tiếc cho sự nông nổi của mình đồng thời cũng vừa như trút bỏ được một gánh nặng vô hình nào đó đã đeo đẳng bác bấy lâu nay.

Lần tay vấn được một điếu thuốc lá sâu kèn lớn và rít một hơi dài cho đã cơn ghiền, bác Tư Miên đứng thẳng người nhìn mặt trời chiều đỏ ối đang xuống thấp bên kia đìa Gừa phía sau chòm mả lạng mà trong lòng thấy khoan khoái, dễ chịu khác thường.

Bữa nay gió mát, trời lại có trăng, bác Tư sẽ làm cỏ khoai cho tới tối mịt mới về.

Phương Nam
Số lần đọc: 2556
Ngày đăng: 01.02.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Con cá song - Anh Đức
Con chị Lộc - Anh Đức
Từ một trò đùa - Hoàng Thu Dung
Bên khung cửa mùa xuân. - Minh Châu
Bộ ấm chén bằng đất nung - Trần Kim Trắc
Cảm hứng. - Trần Kim Trắc
Qua bão mới hay cây… - Nguyễn Thanh Xuân
Bức tranh để lại - Anh Đức
Chuyến lưới máu - Anh Đức
Khơi mạch - Anh Động
Cùng một tác giả
Mùa bông điên điển (truyện ngắn)
Thổi quốc (truyện ngắn)
Bông súng trắng (truyện ngắn)
Chim trời cá nước (truyện ngắn)
Lương sư trăn trở (truyện ngắn)
Con ma chòm mả lạng (truyện ngắn)
Nhắp vịt (truyện ngắn)
Rút lại lời phê (truyện ngắn)
Thương con (truyện ngắn)