Nguyễn Thánh Ngã và tôi, cũng giống như bao người đồng hương quê Quảng Ngãi phiêu bạt vào Nam, luôn có cái cảm giác: “ Nhổ chân ra khỏi chỗ mình/ hòn đá lăn chiêng” ( Hòn đá), song nói theo kiểu của Ngã lại là: “ Lăn trên những nẻo đường ngoại phận/ chuyến đi hoang…/ không tránh khỏi va dập/ biết xếp những mảnh vỡ dưới cỏ/ đá ngồi trầm tư” ( Hòn đá, trang 99).
Vốn liếng cho những “trầm tư”, “ngoại phận”, để say đắm vào nghiệp văn chương, Nguyễn Thánh Ngã đã có cho mình 3 tập thơ trước đó: Nhớ xanh, 2000. Nhìn từ đôi mắt khác, 2005. Thượng nguồn ngạc nhiên, 2005, và các giải thưởng : Giải 4 Văn học vì trẻ em Unicef, 2001. Giải nhì thơ Festival hoa Đà Lạt, 2005. Giải 3 thi ca và nguồn cội Làng Chùa, 2007. Giải Nhất thơ Haiku Việt – Nhật 2009…Với tập thơ GÕ lần này của Ngã, 142 trang in, 72 bài thơ, 5 phụ bản chân dung, đủ để những ai muốn tìm hiểu thơ Ngã, cảm nhận cùng Ngã, khi Ngã viết : “…và tiếng hát có thể cất lên từ một hòn đá”.
Một loạt những bài thơ văn xuôi của Nguyễn Thánh Ngã trong GÕ như Trong khu vườn, Tiếng chuông sương, Bên hoa, Trước sân nhà, Cảnh trong rừng, Tấm gương soi, Thế giới ly ty…Có lẽ giống với những viết ngắn, mà ở đó cảm xúc thăng hoa cùng với lãng đãng sương, gió, hương hoa, đó là: “ Mùi hương ấy, mỗi đêm bay tới cửa sổ nhà tôi rồi đậu lại làm thành một bức tường. Tôi hiểu tôi phải mở cửa ra, bời tâm hồn tôi khát khao va chạm mùi hương mảnh dẻ đó” (Trong khu vườn, trang 12). Hay như “ Gió đấy. Nhưng là hương. Thơm đấy. Nhưng là trắng. Sắc đấy. Nhưng là người…” ( Hoa trắng như thác đổ, trang 21), có đôi khi đó lại là những kỷ niệm thầm thĩ, ám ảnh, nao lòng: “ Mỗi năm giỗ bà không thể thiếu hoa sen. Ao mất. Khi mặt người thay đổi, biết nơi nào soi cho thấy quê nhà. Và chú ếch phiêu lưu chẳng biết đường về…” ( Ao, trang 28).
Đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã, thoáng bắt gặp cái hồn nhiên tinh khôi, chợt man mác những đốn ngộ của đời người dâu bể: “ giọt sương gõ một tàu là chuối/ chợt tiếng xanh ám thậm vía người/ làm sao mây có thể trôi mà không tiếng gõ/ làm sao nước có thể đi mà không tiếng gõ/ áy nhịp mùa…” ( Gõ, trang 136), ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh” ( Ngã sinh năm 1958), hơn ai hết Nguyễn Thánh Ngã đã chọn cho mình một phong cách viết, một phong cách sống của một người hiền, ẩn sĩ. Bởi nơi Ngã sống mãi tận Lâm Hà, Bảo Lộc xa xôi, nơi có nhiều ngôi chùa và những thiền sư lánh xa mùi tục lụy: “ Lâm Hà/ con sông hoang hối hả/ cánh rừng vá áo chằm mo/ ngọn thác chảy chưa mòn huyền tích/ …khi tiếng chim thơm như trái chín/ mưa chích chòe qua cửa nhà tôi/ chưa kịp ủ mùa đông vào ngực/ tết đã thò tay vén trộm sương mù…” ( Lâm Hà, trang 49), để rồi nhà thơ muốn “Gõ cửa am Ba Tiêu”, “ người là cánh quạ/ một chiều thu bay/ quên trở lại/ người có thể/ gõ vào chiếc gậy/ và đường dài sẽ mở…” và chìm đắm khi “ Đọc luận sư Rajneesh Chandra” : “ Rajneesh Chandra từ chối tất cả/ kiểu như Krishnamurti từ chối hư danh/ ông chỉ dạy “một Thượng đế tính tuôn trào ra từ bạn”/ “không quá khứ, không tương lai, không tâm thức, vô ngã, vô bản chất”/ độc đạo/ hừ…/ để chứng thực cá nhân!” ( trang 80).
Có lẽ tôi thích khi Ngã viết: “ Thơ là sự bày tỏ duyên dáng nhất của con người”, mà cái duyên của Ngã là say và chìm đắm trong ngôn ngữ và cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống, mặc dù Nguyễn Thánh Ngã ít uống rượu. Ngã không say vì chất men cồn, mà vì “men mùa”, nên cái say của Ngã là “ lắp bắp”, ngại ngùng lắm khi phải nói: “ Quả chuông như đôi môi/ đang giấu những nụ cười thiền mật của con gái…”, cái cặp từ “thiền mật” ấy, ẩn chứa bao điều hư thực của mê đắm, của khám phá và chiếm đoạt? Và Ngã cảm nhận: “ gió heo may vén áo phập phồng/ cái gì thuộc về em là anh lần tìm/ giữa cây cỏ mùa xuân khai mở…” ( Xuân mềm, trang 75).
Bài thơ “ Một góc Pleiku”, “ Trước Huế”, Nguyễn Thánh Ngã đã khai thác những nét rất ấn tượng và riêng biệt của từng vùng đất, đó là “đôi mắt gỗ” của những “tượng nhà mồ”, tiêu biểu vùng đất Tây Nguyên: “ Tâm ta xanh nhìn qua đôi mắt gỗ/ đó là mặt trời trẻ sau những đôi chân bó váy/ mùa xoang nào/ mùa thổ cẩm còn vương bên riềm mắt/ những ngôi nhà sàn ở Pleiku” ( Trang 88). Còn đây là với Huế: “ Ôi thế kỷ trầm mặc/ áo dài bay khua nhịp Tràng Tiền/ ta tạc vào nhớ tiếng chuông Thiên Mụ/ ta khảm vào yêu vành nón mây bay/ dẫu mái tóc hất ngược sáng/ dẫu nụ cười che tím/ thì hàm tiếu tim ta trước Huế đã bồi hồi” ( trang 131).
Thưởng thức cái “men mùa” trong thơ Nguyễn Thánh Ngã, là hãy cùng với Ngã: “ Tôi đang uống. Không phải ngụm cà phê đen. Mà đó là làn hương trắng muốt/ ong và hoa. Thơm/ Như cả thế giới được xây bằng mật/ Cảm giác được bịn rịn” ( Hoa trắng như thác đổ, trang 21), và “ Mỗi ngày tôi ăn một bầu trời/ gồm những đám mây/ và sấm sét…/ màu xanh là vị giác của đôi mắt/ bao la là nước miếng cảm xúc/ nuốt vào thực quản hồn tôi”. Bài thơ dựa vào ý câu nói của Waldo Emerson : “ Bầu trời là thức ăn mỗi ngày của đôi mắt”, Nguyễn Thánh Ngã đã ngấm cái men mùa do chính bầu trời và thiên nhiên còn trong xanh và nguyên thủy của chốn rừng núi Lâm Hà, cho nên Ngã đã cho “ Khúc vang chậm” một cái kết ý vị: “ chầm chậm trong hầm thế kỷ/ tôi nếm nàng bằng âm vang quả nho…”.
Tôi khép lại tập thơ, còn Nguyễn Thánh Ngã với sóng sánh đầy những men mùa, men chữ nghĩa, có vẻ nhà thơ chưa thôi những xúc cảm, để “ gõ vang đâu” bằng bài thơ “ Khép ảo” của mình: “ Mùa đã men/ say lắp bắp/ đôi cánh bướm lạy hoa/ lạy mãi/ một vùng/ khép nép…”. ( trang 124).
Vàm Cỏ Đông, tháng 5/2012