Sắp bước sang bên kia ngã tư phố, tôi nghe tiếng gọi. Nhữ Đăng. Không thể nói anh ta là người quen hay bạn. Cũng không nhớ gặp anh ta từ bao giờ, ở đâu. Ấy tuy nhiên tôi biết khá nhiều về anh ta; và hoàn toàn không phải tôi không có cảm tình với anh ta. Những gì tôi biết về anh ta, có thể nói ngắn gọn: anh chàng kỳ quặc. Nhiều lúc tôi thấy anh ta rất đáng mến, lắm khi vô cùng khó chịu. Thật không dễ xếp loại, định hình định vị anh ta. Nhưng tôi đã nói, tôi có cảm tình với anh ta. Tôi ưa thích anh ta là đằng khác.
Ngồi xuống chiếc ghế trong quán Ciao, tôi nói với anh ta:
“Tôi đã ngồi ở CIAO café này một lần. Năm Cam mời chúng tôi tới…” Anh ta không tỏ vẻ ngạc nhiên tôi từng ngồi quán với tay trùm xã hội đen khét tiếng một thời. Lần đó Năm Cam mua căn nhà của bạn tôi, nhà văn Nguyễn Nghiệp Nhượng, trong một hẻm cụt ở đường Bùi Thị Xuân, cho một cô vợ nhỏ của hắn. Bữa hắn tới mua căn nhà có tôi ở đó; tôi đang tán dóc với bạn văn nhân. Hắn thỏa thuận giá cả nhanh chóng, trả tiền ngay. Liền sau đó hắn mời chúng tôi đi uống rượu ở quán Ciao.
“Bạn thường ngồi ở quán này?”
“Một lần, sáng nay thôi, như ông vậy. Tôi chờ gặp thằng cha kỹ sư công nghệ thông tin, kiểm tra chất lượng phần mềm gì đó. Tôi chờ gặp thằng kỹ sư khốn kiếp ấy, để nhổ nước miếng vào mặt nó…”
Nghĩa là, tôi không nên ngạc nhiên gì cả. Anh ta ngồi quán Ciao với mục đích rõ rệt: chờ gặp một thằng cha kỹ sư công nghệ thông tin - kiểm tra chất lượng phần mềm, sản phẩm từ máy tính. Tôi chả ưa gì cái quán mang tên tiếng Ý này; Ciao là Chào gì đó; thấy ngồ ngộ, vì nghe và viết khá giống tiếng Việt. Tôi cho rằng, cái quán này dành cho băng nhóm xã hội đen như băng nhóm Năm Cam; và các doanh nhân phi-thương-bất-phú, phi-phú-bất-gian; và bọn ăn-trên-ngồi-trốc, nhàn-cư-vi-bất-thiện; và bọn lão niên lắm tiền nhiều bạc, đang làm những ông-già-chơi-trống-bỏi, rù quyến phụ nữ nhẹ dạ cả tin vào tương lai con đường tình ái… Tôi đoán chừng thằng cha kỹ sư mà anh ta chờ gặp thuộc loại… Thôi thì cứ hỏi thẳng đương sự:
“Bạn chờ gặp thằng cha kỹ sư ấy để nhổ nước miếng vào mặt hắn, sao lại như vậy?”
“Thằng khốn ấy luôn lấy cái mác kỹ sư kiểm tra chất lượng phần mềm để rù quyến,
hãm hại biết bao nữ nhân.”
À ra vậy. Ấy tuy nhiên, trên đời này đã và đang và sẽ có hằng ha sa số những thằng cha như thế; nhọc lòng bận tâm phẫn nộ làm gì cho mệt. Tôi nói vậy với anh chàng kỳ quặc. Anh ta nhìn thẳng vào tôi, chậm rãi và khẽ giọng:
“Tất nhiên ông nói đúng, kệ mẹ chúng nó chứ bận tâm làm quái gì. Nhưng khốn nỗi, tôi có liên can: trong vô số nạn nhân của thằng ấy, có người thân thuộc của tôi. Người tôi đang yêu thương nhất trên cõi đời này. Người có phẩm chất cao quý hiếm có. Người vợ đức hạnh mà bất hạnh. Người-vợ-cô-đơn. Thằng cha kỹ sư đã xuất hiện đúng vào lúc định mệnh xô cô ấy xuống vực thẳm; cái vực thẳm đó lại chính là vòng tay của thằng khốn kiếp. Lúc gặp tôi, cô ấy bảo: Nếu em gặp anh sớm, thì em đâu bị tai nạn như thế này… Sau tai nạn như thế này là, nàng phải cúi đầu chịu đựng những con mắt phán xét, những con mắt khinh bỉ của những người thân quen, hầu hết là những thế-nhân-mắt-trắng-như-ngân-nhũ; họ mặc nhiên cho họ cái quyền phán xét, cái thái độ dè bỉu đối với cô ấy, sau tai nạn của cô ấy do thằng kỹ sư gây ra.”
Anh ta nói rành rõ gọn ghẽ câu chuyện, là lý do anh ta chờ gặp thằng cha kỹ sư. Tôi thừa nhận anh ta luôn có cách diễn tả biểu cảm những câu chuyện. Ấy tuy nhiên, gần như thường trực, phát ngôn của anh ta làm người nghe bối rối. Khoảng nửa tháng trước đây, tôi có việc đi cùng người chị vợ, là một phụ nữ có tuổi, cô giáo về hưu; chúng tôi gặp anh ta ở một trạm xe buýt. Tôi hỏi anh ta đi đâu đó; anh ta thản nhiên trả lời: “Đi chữa bệnh dái hôi chứ đi đâu nữa.” Anh ta là chuyên gia phát ngôn đột xuất kiểu đó, chả biết đường nào mà tránh né dè chừng. Tránh né dè chừng anh ta phát ngôn đột xuất kiểu đó, chỉ có nước là chả hỏi han anh ta gì hết.
*
Thỉnh thoảng tôi theo hướng nhìn của anh ta, đưa mắt ngó khắp quán Ciao. Thằng cha kỹ sư anh ta cần gặp chưa tới, hay sẽ không tới trong buổi sáng này. Ở một bàn sâu trong quán, mấy người khách, người nào cũng phục sức chỉnh tề, rất hợp thời trang. Họ ngồi im sững, chờ đợi giờ X để xử kẻ bội phản, trong một vụ làm ăn thất bại? Chai rượu sẫm màu đứng chờ đợi cùng họ, giữa mặt bàn màu vàng tươi của một loài gỗ quý. Hai công nhân trẻ tuổi ở bàn gần bên có vẻ lắng nghe câu chuyện anh ta vừa nói. Một chàng thỉnh thoảng đứng lên, kéo tay áo; rồi lại ngồi xuống, lắc lắc cái đầu tóc dài thậm thượt. Chàng công nhân kia ngồi im lặng, tay ôm giữ cái ly có lẽ là ly cà phê đá. Chàng ta chỉ nhìn cái ly có lẽ là ly cà phê đá chứ không nhìn gì khác, kể cả nhìn người bạn cứ thỉnh thoảng đứng lên ngồi xuống, kéo tay áo và lắc lắc cái đầu. Khác hẳn bạn, tóc chàng ta ngắn ngủn.
Anh ta như thể người vô sự, giống khách uống cà phê mỗi sáng ở quán Ciao. Tôi biết anh ta, người lính Hắc Báo những năm cuối thập niên sáu mươi - đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước. Trên tiền đồn T-bone ở vùng rừng núi Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, anh ta từng đốt hết ráo những tờ giấy bạc ngay sau kỳ lĩnh lương, để mồi một cối thuốc ống vố. Anh ta từng một lần buồn quá, miệng ngậm đầu súng Carbine M2 tay định siết cò như nhà văn Hemingway Hoa Kỳ. Một bạn đồng ngũ kịp thấy, phá vỡ dự định, để anh ta không giống kết cục của ông-già-và-biển-cả.
Anh ta nhấm nháp cà phê, ơ hờ chờ đợi. Gặp hay không gặp người anh ta chờ đợi, với anh ta có lẽ cũng không khác gì nhau. Tôi tính hỏi anh ta về thằng cha kỹ sư; anh ta lại hỏi tôi trước, về người bạn nhà văn ngồi quán Ciao cùng Năm Cam và tôi.
Tôi nói tôi rất tiếc rất tiếc; tôi sẽ không vui thích gặp tác giả Mưa Trong Vườn Nhà Cô Francoise thêm lần nào nữa. Nguyên cớ thật vớ vẩn: bữa đó nói chuyện về bệnh tật, nhà văn trịnh trọng khuyên nhủ tôi phải nhớ ơn các vị bác sĩ. Tôi nói với bạn văn nhân, nếu cần thiết phải tỏ lòng tri ân các vị bác sĩ, thì cũng nên nhắc nhở các vị bác sĩ phải nhớ ơn các bệnh nhân, từ nam phụ tới lão ấu; nhắc nhở các ông chủ tiệm áo quan phải nhớ ơn các xác chết. Tôi còn nói thêm: mọi người nếu biết nhớ ơn, hãy nhớ ơn ông nhà văn Lỗ Tấn, chứ chả cần ơn với huệ ông thầy thuốc họ Chu làm gì (Chả là Lỗ Tấn vốn tên Chu Thụ Nhân). Gặp tôi sau bữa đó, trong buổi tiễn đưa họa sĩ lão thành Thái Tuấn về với cát bụi, cha đẻ truyện ngắn tuyệt tác Mưa Trong Vườn Nhà Cô Francoise thấy tôi liền quay mặt đi, không thèm ngó nửa cái ngó nhìn.
Tôi hỏi anh ta về cái ông sắp là nạn nhân của sự phỉ nhổ; anh ta chả bảo rằng, sẽ nhổ nước miếng vào mặt thằng cha kỹ sư ấy.
“Ông kỹ sư kiểm nghiệm chất lượng phần mềm chắc là tán gái ngọt ngào lắm nhỉ?”
“Rất ngọt ngào, cực kỳ ma-ri-sến. Cô ấy xuất hiện ở quán Chào tên tiếng Ý là Ciao, theo lời mời của thằng cha kỹ sư. Chưa khép nụ cười, cô ấy nghe thằng cha kỹ sư nói, bằng âm giọng thiết tha cô ấy chưa từng được nghe trong đời: Em cứ giữ nụ cười, để anh nuốt trọn cái răng khểnh của em… Rồi lúc chia tay, khi cô ấy rời khỏi quán đã mười lăm phút có dư, thằng kỹ sư phần mềm ngồi tại chỗ trong cái quán Chào tên tiếng Ý là Ciao để lấy giọng, âm tiết thật não nùng: Cho anh gửi theo em nguyên vẹn trái tim cô đơn mấy thuở của anh. Tất nhiên những âm tiết não nùng từ lời tán tỉnh của thằng cha kỹ sư, cô ấy nghe qua cái máy điện thoại di động. Sau này cô ấy biết rằng, thằng kỹ sư khốn kiếp đã lập lại kịch bản tình yêu đó ít nhất ba chục lần, dĩ nhiên với ba chục nữ nhân có dư.”
Tôi hỏi anh ta, thằng cha kỹ sư chuyên sưu tầm những phụ nữ có răng khểnh hay sao; anh ta bực bội nói:
“Thằng khốn ấy cứ việc xài đi xài lại bổn cũ, cái kịch bản tình yêu đã soạn; biên tập lại chút xíu cho thích hợp với những phụ nữ không có răng khểnh, chứ có cần thay đổi gì nhiều mà ông phải hỏi.”
Rõ ràng hai công nhân ở bàn gần bên chú ý nghe chúng tôi trò chuyện. Chàng tóc dài không đứng lên nữa, ngồi ngó chúng tôi. Chàng tóc ngắn ngủn thôi ngó cái ly có lẽ là ly cà phê đá; một bàn tay chàng ta vẫn ôm giữ cái ly, mắt không rời nhìn về phía chúng tôi. Lúc này, mấy người khách ở bàn sâu trong quán không ngồi im sững như lúc nãy. Họ cử động nhiều, người rót rượu kẻ gắp mồi, cười nói mời mọc nhau rôm rả. Họ vỡ lẽ, vụ làm ăn vừa rồi đâu tới nỗi thất bại; thành công đấy chứ, dù không nhiều như dự tính. Chả có gã nào bị xem là bội phản băng nhóm để xét xử gì hết; cứ uống rượu nhậu mồi thoải mái cho thư giãn tinh thần, đoàn kết tình huynh đệ.
“Quán này thường xuyên vắng khách à?”
“Ai biết bữa khác quán này thế nào. Ông tới đây nhiều gấp đôi tôi mà còn phải hỏi.”
Tôi cho rằng hai chàng công nhân mới lãnh lương cuối tháng, rủ nhau vào CIAO cà phê sang trọng, cho cuộc đời khó khăn vất vả có dịp lên hương. Hoặc giả hai chàng nảy sinh tham vọng hòa nhập thế giới ăn chơi của các tay anh chị xã hội đen, các đại gia Sài Gòn chăng.
Anh ta có lẽ đã tuyệt vọng. Cuộc đợi chờ ở quán Ciao thế là tiêu rồi, thằng kỹ sư khốn kiếp không tới. Anh ta vụt quyết định, gọi nhân viên CIAO café tính tiền. Hai chàng công nhân cũng đứng lên, có lẽ sắp rời quán. Đột ngột tôi nhận ra chàng tóc ngắn ngủn đứng sát trước mặt Nhữ Đăng, nắm đấm thẳng mặt chàng cựu chiến binh Hắc Báo.
Trong khi anh chàng cựu chiến binh biệt kích báo đen té ngã chỏng gọng trên sàn quán Ciao bóng loáng, chàng công nhân tóc dài nói với tôi:
“Tụi này sẽ cho thằng kỹ sư gì đó một bài học đích đáng. Bữa nay bạn tui xử thằng khốn kiếp này trước. Chính nó cũng đồng lõa rù quyến vợ bạn tui.”./.
Sài Gòn, V.2012